Tuần 54: Sách Haggai và Zacaria I

Tuần 54: Sách Haggai và Zacaria I

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

Tuần 54: Sách Haggai và Zacaria I

I. SÁCH HAGGAI

Tên gọi “Haggai” có nghĩa là lễ hội. Tên gọi này có thể chỉ về ngày sinh của vị tiên tri là một lễ hội. Tên gọi này cũng có thể nói về nhiệm vụ của ông là tái thiết Đền thờ để phục vụ các cử hành tôn giáo, những lễ hội. Tiên tri Haggai bắt đầu công bố các sấm ngôn bắt đầu từ năm 520 trước Công nguyên. Đối tượng ông nhắm đến là những người Do Thái từ lưu đày trở về lần II dưới sự lãnh đạo của Zerubbabel và Jeshua (khoảng năm 522).

Sách tiên tri Haggai có thể được phân chia như sau:

Phần I : Tái thiết Đền thờ (1,1-15a)
1,1 -11 : Lời sấm thứ nhất: Cổ võ việc xây lại Đền thờ
1,12-15a : Lời sấm thứ hai: Đáp ứng của dân và lời bảo đảm của Chúa

Phần II : Vinh quang tương lai của Đền thờ (1,15b– 2,23)
1,15b – 2,9 : Lời sấm thứ ba: Lời hứa của Chúa
2,10-19 : Lời sấm thứ tư : Những quyết định và phúc lành tương lai
2,20-23 : Lời sấm thứ năm: Tương lai của Zerubbabel

II. SÁCH ZACARIA I

Phần mở đầu của sách giới thiệu “tiên tri Zacaria, con ông Berekia, ông này là con ông Iddo.” Tên gọi Zacaria có nghĩa là “Thiên Chúa đã nhớ đến.” Ơng Iddo, ông nội của Zacaria là một trong các tư tế đã từ cảnh lưu đày Babylon trở về, do đó nhiều người nhấn mạnh đến nguồn gốc tư tế của tiên tri Zacaria.

Dựa vào những chỉ dẫn về thời gian trong sách, người ta chia sách Zacaria thành hai phần: phần thứ nhất (chương 1-8) và phần thứ hai (chương 9-14). Hai phần này trình bày hai giai đoạn khác nhau trong lịch sử tôn giáo và chính trị của Israel.

Sách Zacaria I gồm những phần chính như sau:

Phần I Dẫn vào sách Zechariah I (1,1-6)
Phần II Những thị kiến (8 thị kiến và lời đáp trả của Chúa) (1,7 – 6,15)
Phần III Những lời sấm về chay tịnh và tương lai (7,1- 8,23)`

Đọc Zacaria 2,10-17

Đoạn này gồm hai phần. Phần thứ nhất (2,10-13) là những mệnh lệnh cho dân lưu đày và lời cảnh cáo cho các dân đã cai trị họ. Dân lưu đày được khuyến cáo hãy trốn khỏi đất “phương Bắc” trước khi Chúa phân tán dân Babylon đi bốn phương trời (câu 10). Babylon ở đây không chỉ một miền đất về mặt địa lý nhưng ám chỉ tất cả những kẻ áp bức Israel. Hình phạt giáng xuống trên chúng là “chúng trở thành chiến lợi phẩm cho những kẻ đã làm tôi chúng” (câu 13). Tại sao Thiên Chúa lại phản ứng mạnh mẽ như thế? Vì “kẻ nào động đến các ngươi là động đến con ngươi mắt Ta” (câu 12). Hình ảnh này diễn tả tấm lòng thương yêu đặc biệt Chúa dành cho dân lưu đày và cho thấy họ có tầm quan trọng như thế nào đối với Chúa. Thiên Chúa luôn luôn dành tình thương đặc biệt cho những người cô thân cô thế, những kẻ bị áp bức. Dựa trên chân lý này, Hội Thánh nhấn mạnh đến tình thương ưu tiên cho người nghèo.

Phần thứ hai (câu 14-17) trình bày một mạc khải mới bằng ngôn ngữ truyền thống: “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa” (x. Sophonia 3,14-15). Trong Chúa nhật III Mùa Vọng (năm C), Hội Thánh diễn tả tâm tình này trong bài đọc I để nói lên niềm vui vì ngày giáng sinh của Đấng Mêsia đã gần đến: “Phần tôi, tôi làm phép Rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (bài Tin Mừng CN III Vọng, năm C).