Bài Giáo Lý về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô: Công Việc của Chúa Thánh Thần

Bài Giáo Lý về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô: Công Việc của Chúa Thánh Thần

Tài liệu tham khảo - Mar 24/03/2014

“Chân lý của Đức Kitô, mà Chúa Thánh Thần dạy chúng ta và ban cho chúng ta, phải mãi mãi và hoàn toàn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.”

“Chân lý của Đức Kitô, mà Chúa Thánh Thần dạy chúng ta và ban cho chúng ta, phải mãi mãi và hoàn toàn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 15 tháng 5 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin. Được biết Năm Đức Tin cũng là trọng tâm của Đại Hội Giáo Lý Việt Nam Toàn Quốc Hoa Kỳ lần thứ XII được tổ chức tại Baton Rouge, Louisiana từ ngày 21 đến 23 tháng 6, 2013. Muốn ghi danh tham dự Đại Hội hoặc muốn biết thêm chi tiết xin vào www.giaoly.org/vn/ghi-danh hoặc www.nhatinhtamlethithanh.org/ghidanhdhgl.html.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn tập trung vào hành động mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong việc hướng dẫn Hội Thánh và mỗi người chúng ta đến Chân Lý. Chính Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người: Chúa Thánh Thần “sẽ dẫn các con đến toàn thể chân lý” (Ga 16:13), chính Ngài là “Thần Khí Chân Lý” (x. Ga 14:17; 15:26, 16:13).

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà trong đó người ta một phần nào hoài nghi về Chân Lý. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói nhiều lần về thuyết tương đối, tức là khuynh hướng tin rằng không có gì là chung quyết, và nghĩ rằng chân lý phát sinh từ sự đồng thuãn hoặc từ những gì chúng ta muốn. Câu hỏi được đặt ra là: thực sự có “chân lý” không? Chân lý là gì? Chúng ta có thể biết nó không? Chúng ta có thể tìm thấy nó không? Ở đây tôi nhớ đến câu hỏi của Thủ Hiến Phongxiô Philatô khi Chúa Giêsu tiết lộ cho ông ý nghĩa sâu xa của sứ mệnh của Người: “Chân lý là gì?” (Ga 18:37.38). Philatô không hiểu rằng “Chân lý’ đang ở trước mặt ông, ông không thể nhìn thấy trong Chúa Giêsu dung nhan của Chân Lý, là dung nhan của Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu chính là Chân Lý: Chân Lý “đã trở thành nhục thể”, trong thời viên mãn, (Ga 1,1.14), đã đến giữa chúng ta để chúng ta biết Chân Lý ấy. Không thể nắm bắt Chân Lý như nắm bắt một sự vật. Chân Lý phải được gặp gỡ. Nó không phải là một vật sở hữu, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Ngôi Vị.

Nhưng ai sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu là “Lời” Chân Lý, Con Một Đức Chúa Cha? Thánh Phaolô dạy rằng “không ai có thể nói rằng ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu không được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần” (1 Cor 12:3). Chính Chúa Thánh Thần, hồng ân của Đức Kitô Phục Sinh, là Đấng làm cho chúng ta nhận ra Chân Lý. Chúa Giêsu gọi Ngài là “Đấng Bảo Trợ”, nghĩa là “một Đấng đến để giúp đỡ chúng ta”, Đấng đứng về phía chúng ta để nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình đến hiểu biết; và trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ rằng Chúa Thánh Thần sẽ dạy các ông mọi sự và nhắc nhở các ông những điều mà Người đã nói (x. Ga 14:26).

Như thế hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta và trong đời sống Hội Thánh để hướng dẫn chúng ta đến Chân Lý là gì? Trước hết, Ngài nhắc nhở và ghi khắc trong tâm hồn các tín hữu những lời mà Chúa Giêsu đã nói, và chính qua những lời này, Lề Luật của Thiên Chúa – như đã được các ngôn sứ của Cựu Ước công bố – được ghi khắc trong tâm hồn chúng ta và trở nên trong chúng ta một nguyên tắc để đánh giá những lựa chọn và hướng dẫn trong những hành động hàng ngày, nó trở nên một nguyên tắc của đời sống. Lời tiên tri cả thể của ngôn sứ Edêkiel được nên trọn: “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi khỏi mọi ô uế và mọi ngẫu tượng của các ngươi, Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, và đặt trong các ngươi một tinh thần mới… Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta trong các ngươi, và làm cho các ngươi sống theo giới luật của Ta, và tuân giữ cùng thực hành các phán quyết của Ta” (36:25-27). Thực ra, các hành động của chúng ta được nảy sinh từ chính tận thâm tâm chúng ta: chính quả tim cần phải được hoán cải trở về với Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần biến đổi nó nếu chúng ta mở lòng ra với Ngài.

Vậy, Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã hứa, hướng dẫn chúng ta “vào tất cả Chân Lý” (Ga 16:13); Ngài không những chỉ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, sự viên mãn của Chân Lý, mà còn hướng dẫn chúng ta “vào” Chân Lý, làm cho chúng ta đi vào sự hiệp thông sâu xa hơn với Chúa Giêsu, cho chúng ta hiểu biết về những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không thể đạt được điều này bằng sức riêng của mình. Nếu Thiên Chúa không soi sáng nội tâm chúng ta, việc làm Kitô hữu của chúng ta sẽ hời hợt. Truyền Thống của Hội Thánh khẳng định rằng Thần Chân Lý hoạt đông trong tâm hồn chúng ta bằng cách làm dậy lên “cảm thức đức tin” (sensus fidei) này, mà qua đó, như Công đồng Vaticanô II xác quyết, Dân Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, gắn bó bền chặt với đức tin được truyền lại, và đào sâu nó bằng phán đoán đúng, cùng áp dụng nó cách trọn vẹn hơn trong đời sống (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 12). Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, tôi có cầu xin Ngài ban cho tôi ánh sáng, làm cho tôi nhạy cảm hơn với những gì thuộc về Thiên Chú không? Đây là một kinh nguyện mà chúng ta cần phải đọc mỗi ngày: “Lạy Chúa Thánh Thần xin làm cho tâm hồn con mở ra cho Lời Chúa, cho tâm hồn con mở ra cho sự thiện, cho tâm hồn con mở ra cho vẻ đẹp của Thiên Chúa mỗi ngày.” Tôi muốn đề ra một câu hỏi cho tất cả mọi người: có bao nhiêu người trong anh chị em cầu nguyện với Chúa Thánh Thần mỗi ngày? Có lẽ là ít người, nhưng chúng ta phải đáp ứng mong muốn này của Chúa Giêsu và cầu nguyện mỗi ngày cùng Chúa Thánh Thần, ngõ hầu Ngài mở rộng tâm hồn chúng ta ra cho Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Mẹ Maria là Đấng “đã giữ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19.51). Sự đón nhận những lời và những chân lý đức tin để chúng có thể trở nên sự sống, xảy ra và phát triển dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Theo nghĩa này, chúng ta phải học từ Đức Mẹ Maria, sống lại lời “xin vâng” của Mẹ, hoàn toàn sẵn lòng đón nhận Con Thiên Chúa vào cuộc đời Mẹ, mà từ giây phút ấy cuộc đời Mẹ đã được biến đổi. Nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Cha và Chúa Con đến ở với chúng ta; chúng ta sống trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Nhưng cuộc sống của Chúng ta có thực sự được sinh động hóa bởi Thiên Chúa không? Chúng ta đặt bao nhiêu điều lên trước Thiên Chúa?

Anh chị em thân mến, chúng ta cần phải để cho mình được tràn ngập bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để Ngài đưa chúng ta vào Chân Lý của Thiên Chúa, Đấng là Chúa duy nhất của cuộc đời chúng ta. Trong Năm Đức Tin này, chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta đã đi những bước cụ thể nào để biết thêm về Đức Kitô và Chân Lý đức tin, qua việc đọc và suy niệm Thánh Kinh, học Giáo lý, và trung thành tiếp cận các Bí Tích. Nhưng đồng thời cũng hãy tự hỏi xem chúng ta đã đi những bước nào để làm cho đức tin hướng dẫn toàn thể cuộc đời chúng ta. Một người không thể là một Kitô hữu “bán thời gian”, ở những thời điểm nào đó, trong những hoàn cảnh nào đó, trong một số chọn lựa. Một người không thể là một Kitô hữu như thế. Một người là Kitô hữu trong mọi gây phút! Toàn diện! Chân lý của Đức Kitô, mà Chúa Thánh Thần dạy chúng ta và ban cho chúng ta, phải mãi mãi và hoàn toàn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài thường xuyên hơn, để Ngài hướng dẫn chúng ta trên con đường làm môn đệ của Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài mỗi ngày. Tôi đề nghị cùng anh chị em điều này: chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần mỗi ngày, để Chúa Thánh Thần đem chúng ta đến gần Đức Chúa Giêsu Kitô hơn.

 Phaolô Phạm Xuân Khôi

http://giaoy.org/vn/