Thứ Bảy Mùa Giáng Sinh
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 14-21; Ga 3, 22-30
BÀI HỌC KHIÊM TỐN CỦA GIOAN
Ta hãy để dành chút thời gian để nhìn lại con người Gioan Tiền Hô. Vào thời điềm này, thế giá của ông rất lớn. Mọi người đều nghe ông rao giảng và đi theo ông để được chịu phép rửa. Ngay cả vua Hêrôđê cũng thích nghe ông nói. Mọi người đều cho rằng ông là Đấng Mêsia, Đấng mà toàn dân Israel đang mong đợi. Trước những lợi thế đó, ông Gioan có thể tự nhận mình là người như dân nghĩ, và như thế ông sẽ ngày càng nổi tiếng hơn.
Tuy vậy, ông đã không làm như thế. Ông đã không quên nghĩa vụ của mình, không quên vai trò của mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa mà thôi “chỉ là tiếng kêu trong hoang địa…” (Mt 3, 3), là người dọn đường cho Chúa đến. Chính vì thế, ngài sẵn sàng chịu bị lu mờ đi, sẵn sàng nhỏ bé lại để Chúa được lớn lên. Như vậy ông Gioan đã biết mình là ai nên đã hành động rất đúng đắn.
“…Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.” Vâng, đúng vậy, lời tiên tri của ông Dacaria đã ứng nghiệm. Tin Mừng thánh Luca cho chúng ta biết: sứ vụ của Gioan Tẩy Giả được bắt đầu vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio…”. Nhiệm vụ của ngài là “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Ông Gioan Tẩy Giả còn lớn tiếng nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”
Rất nhiều người đến với ông Gioan Tẩy Giả, trong đó có cả Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đã yêu cầu ông làm phép rửa cho mình.
Sự khiêm tốn đích thật không phải là hạ mình xuống thấp hơn điều mình là, nhưng là sống đúng với điều mình là trong sự thật, đối với Đức Kitô và qua đó, với những người khác, trong đó các anh em, chị em và những người chúng ta được sai đến phục vụ. Và sự thật về thánh Gioan, và cũng là sự thật về chúng ta, đó là : Ngài không phải là Đức Kitô, nhưng là người được sai đi trước mặt Người.
Và ta thấy một điều làm ta suy nghĩ đó là mỗi người chúng ta đã biết mình là ai chưa? đã nhìn nhận đúng địa vị của mình ở chỗ nào chưa? Nếu chúng ta biết vị trí thực sự của mình ở chỗ nào, thì chắc chắn chúng ta sẽ phải hành động đúng với địa vị của mình. Có nhiều người cố gắng để làm việc này việc kia để được nổi tiếng, coi mình là nhất và quan trọng.
Qua đó, họ muốn mọi người phải quy phục, phải tôn vinh mình. Đây chính là một sự cám dỗ rất lớn đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta nhớ rằng, chúng ta chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa mà thôi. Do đó, chúng ta cố gắng làm tốt mọi sự là để tôn vinh Chúa, để vinh quang Chúa được thể hiện, chứ không phải là làm cho mình được vinh quang. Chính vì thế, mỗi người hãy khiêm tốn thưa với Chúa rằng: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài”.
Một kinh nghiệm nữa mà chúng ta rút ra được từ Tin Mừng ngày hôm nay là tình huynh đệ giữa chúng ta với nhau. Với bản tính yếu đuối, ích kỷ của cái tôi, chúng ta dễ bị cám dỗ ghen tỵ với người anh em mình, khi người anh em mình thành công hơn mình.
Đứng trước sự đố kỵ đó, chúng ta thường tìm cách hạ bệ người anh em đó bằng cách này hay cách khác, để mình hơn người đó. Đây là một điều không hay, và càng không hay hơn nữa khi chúng ta là một kitô hữu. Chúa trao cho mỗi người một khả năng khác nhau. Vì thế, khi thấy người anh em mình hơn mình thì thay vì ghen tỵ, chúng ta động viên người anh em đó cố gắng phát huy, và cùng nhau làm danh Chúa được tỏ hiện. Chúng ta làm tất cả mọi sự là vì Chúa.
Ảnh hưởng của Chúa Giêsu càng lớn, thì vai trò của Gioan càng lu mờ. Ba Tin Mừng Nhất lãm đã làm nổi bật sự kiện ấy khi đặt sứ vụ công khai của Chúa Giêsu chấm dứt vai trò của Gioan Tẩy Giả.
Gioan đã diễn tả vai trò tiền hô của mình qua câu nói bất hủ: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Thay vì ghen tức, buồn phiền, Gioan đã vui mừng đóng trọn vai phụ của mình. Như một quản trò trong tiệc cưới, Gioan đã khơi dậy niềm vui và hướng mọi người đến với Tan Lang là Đức Kitô.
Ngày nay, người Kitô hữu cũng tiếp tục vai trò của Gioan Tẩy Giả. Phương châm hành động của họ là: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Nhỏ lại trong những khuynh hướng xấu lôi kéo chúng ta vào tội lỗi, nhỏ lại trong những đam mê, ích kỷ của chúng ta, để nhờ đó Chúa Kitô đước lớn lên trong chúng ta.
Dưới cái nhìn của con người, như có lần Chúa Giêsu đã khen tặng, Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngày sinh của ngài được đánh dấu bằng những biến cố khác thường. Sự chào đời của ngài đã mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh. Vị Ngôn Sứ được xem là cao cả nhất trong lịch sử Israel ấy đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị nào trước ngài đã quy tụ được… Thế nhưng, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, con người ấy đã nhỏ lại và mất hẳn trong kiếp tù đày và chấp nhận bị chém đầu.
Gioan nhỏ lại trong cái chết, nhưng Chúa Giê-su lớn lên trong mầu nhiệm của Ngài, bởi vì cái chết của Gioan là một loan báo về cái chết của Chúa Giê-su… Nhưng cũng trong cái chết của Chúa Giê-su, cái chết của Gio-an mới có ý nghĩa… Trong bóng thập giá của Chúa Giê-su, Gioan đã tìm lại được chính mình.
Tin Mừng hôm nay tập trung vào việc mạc khải diệu kỳ của tên Gioan và biến cố cắt bì đặt tên, hơn là biến cố chào đời của ông Gioan Tẩy Giả. “Yôhannan” (Gioan) có nghĩa là: “Đức Chúa tỏ lòng nhân hậu”; “Đức Chúa tỏ lòng xót thương”; “Đức Chúa ban ơn”. Ngang qua cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết Ngài là Đấng từ bi nhân hậu và giàu lòng xót thương. Thiên Chúa đã, đang và sẽ thi thố quyền năng của Ngài cho mọi người chúng ta.
Ta, ngôn sứ của Chúa hôm nay, không cần phải làm những chuyện to tát, kỳ vĩ như Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm khi xưa, nhưng, chỉ cần: “rao giảng bằng chính đời sống của mình trước mặt người đời chưa nhận biết Chúa để giúp họ nhận biết và tin yêu Chúa nhờ gương sống đức tin của mình”.
Nhìn đời sống của thánh Gioan Tẩy Giả, chợt nhận ra rằng mình đã nhiều lần nhiều lúc đi tìm mình, đánh bóng mình mà quên rằng điều căn cốt là đi tìm Thiên Chúa cũng như giới thiệu Đấng Cứu Độ trần gian cho anh chị em đồng loại. Sống như thế, mới cầu mong được một chỗ nơi mà Thánh Gioan Tẩy Giả cũng như nhiều vị thánh khá đang sống trong cung lòng Thiên Chúa.
Nguyện cho ánh sáng và sức sống của Đức Kitô tràn ngập tâm hồn và cuộc sống chúng ta, để chúng ta đạt tới tầm mức viên mãn của chính Ngài.
Tuệ Mân