Chúa Nhật tuần 25 – TN – C : Nước Trời hay tiền bạc?

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Sep 18/09/2022

Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm

Am 8:4-7; Tv 113:1-2,4-6,7-8; 1 Tm 2:1-8; Lc 16:1-13; Lc 16:10-13

 Nước Trời hay tiền bạc?

 

 

          Dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, tiền của có sức làm cho con người trở thành nô lệ, nó là như một thứ thần tượng của con người, hay như chúng ta thường bảo: tiền của là một tên đầy tớ tốt nhưng nó lại là một ông chủ hà khắc, bởi vì nó sẽ bóp nghẹt những tình cảm tốt đẹp của chúng ta đối với Chúa cũng như đối với anh em. Bao lâu tiền của chỉ là phương tiện thì nó còn đem lại lợi ích cho chúng ta. Thế nhưng, một khi nó đã trở thành mục đích của đời sống, nó sẽ khiến chúng ta quên lãng Thiên Chúa và sẵn sàng bóc lột và làm cho người khác phải khổ đau và túng thiếu.

          Tất cả chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tôi, đều được đặt làm người quản lý các ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Tại sao chúng ta lại ích kỷ, khép kín lòng mình trước sự độ lượng của Chúa Thánh Thần? Tại sao ta lại dập tắt lòng trắc ẩn của Chúa Thánh Thần, và mua anh với sự nghèo hèn của họ? Hãy sẻ chia, hãy phân phát tất cả những gì chúng ta đã nhận lãnh, như người quản lý khôn khéo. Đây là thái độ làm hài lòng ông chủ và bảo đảm cho chúng ta có một chỗ trong nhà Cha trên Trời.

          Đây là sứ điệp trung tâm của đoạn Tin Mừng: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Chúng ta quyết định ung dung “làm tôi Tiền của”, trong khi chúng ta là con cái Thiên Chúa và hạnh phúc vì làm con; tại sao lại tôn thờ thần tượng tiền của, cùng với thế gian này sẽ qua đi và cửa Nước Trời sẽ đóng lại? “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ.” Chỉ có một chủ chứ không có hai chủ. Ai làm đầy tớ cho tiền bạc, người ấy đương nhiên không có quyền làm ông chủ; chính họ mang trên mình cái ách nô lệ này. Sự giầu có không sinh ra với chúng ta, không theo chúng ta đến cùng đích của cuộc đời. Trái lại, Đức Kitô, ở với chúng ta vì Ngài là sự sống… Đừng là những tên nô lệ. Quả thật, đồng tiền đúng ra không có quyền, nó là tên nô lệ bất chính (gian dối).

          Tiền bạc hay nước trời, chúng ta chọn cái gì? Đây là câu kết luận mà Chúa muốn nhắm đến. Chúa không dạy chúng ta phải ghê tởm và xa tránh tiền bạc, nhưng biết sử dụng nó để mua lấy nước trời. Trong ba năm rao giảng, chính Chúa Giêsu cũng đã dùng đến tiền bạc. Ngài đã cắt đặt Giuđa làm người quản lý. Ngài cũng nhận sự trợ giúp vật chất từ những phụ nữ giàu có. Chúa cũng mượn ngôi nhà của một người giàu để ăn bữa vượt qua với các môn đệ trước khi lên đường thụ nạn. Điều Chúa Giêsu muốn nói là chúng ta đừng trở nên nô lệ cho tiền bạc. ‘Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được’.

          Trong sinh hoạt của Giáo hội, Giáo hội cần những nguồn tài chính để xây dựng những nơi thờ phượng hay để tổ chức những hoạt động tông đồ, nhưng cũng dễ xảy ra lạm dụng. Anh em Tin lành, đặc biệt ông tổ Lutherô và Calvinô rất dị ứng với việc dùng tiềnđể xin lễ. Giáo luật vẫn cho phép các linh mục nhận và hưởng bổng lễ, nhưng phải tuân thủ kỷ luật cách nghiêm túc. Bổng lễ được nhận với hai mục đích, một mặt giúp nuôi sống các tư tế và mặt khác, cũng để đóng góp vào những thiện ích chung của Giáo hội. ‘Simonia’ (buôn thần bán thánh) là một thứ tội mà Giáo hội kiên quyết loại trừ.

          Tiền bạc vẫn luôn là vấn đề muôn thuở, là tên cám dỗ khủng khiếp nhất tấn công tất cả mọi người. Lời cảnh báo của Chúa Giêsu hôm nay ‘Không ai có thể làm tôi hai chủ’ vẫn luôn mang tính thời sự, chạm đến ‘vùng cấm’ tế nhị nhất của mọi Kitô hữu, nhất là của các anh em linh mục.

          Tiền bạc của cải gắn liền với chúng ta suốt quãng đời trần thế. Của cải chỉ buông tha khi chúng ta nhắm mắt lìa đời. Biết rằng, cho dù chúng ta có gắng công làm giầu, gom góp và tích trữ của cải thật nhiều nhưng khi ra đi, chỉ có hai bàn tay trắng chẳng mang theo được gì.

          Khi đó của cải của chúng ta sẽ để lại cho người khác hưởng dùng. Nên biết cuộc đời của con người là một hành trình đi về cùng đích. Khởi đi từ trần thế và lữ hành về cõi sau. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm thời đang hướng về cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta không thể dừng lại bám víu vào của cải phù hoa thế trần. Chúng ta cần dứt khoát chọn lựa thái độ sống để hưởng hạnh phúc. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13).

          Dĩ nhiên, chúng ta chọn làm tôi Thiên Chúa. Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, rồi mọi sự Ngài sẽ ban cho. Có Chúa, chúng ta sẽ có tất cả.

          Vẫn biết “đồng tiền đi liền khúc ruột” theo kinh nghiệm của các bậc tiền bối là một lời dạy khôn ngoan rất gần với sự tiết kiệm vốn phải có cho mọi kẻ giữ tiền. Nhưng khi cẩn trọng quá hóa keo kiệt trong những tiêu pha, đến nỗi không dám bỏ ra một đồng cho nhu cầu vật chất hay tinh thần thì xem ra đồng tiền lúc ấy đã “làm phiền” khúc ruột không ít. Hoặc khi cẩn trọng quá hóa bịn rịn trong thái độ đối với tiền như “ra đường chắt bóp tiêu pha, về nhà ngây ngất lăn ra đếm tiền” thì chừng như đã để đồng tiền “xích xiềng” khúc ruột mà không ai biết.

          Tiền thì không thể mua đuợc hạnh phúc vì hạnh phúc của con người không thể đo bằng thước, và càng lại không thể dùng giá trị của đồng tiền để mua hạnh phúc. Tiền là một thứ tiêu biểu cho giá trị vật chất, nên chỉ có thể mua những gì thuộc về vật chất. Còn hạnh phúc là một loại tiêu biểu cho giá trị tinh thần. Chẳng thế, Dunn và Norton cho rằng, làm cho người khác hạnh phúc trước và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc sau. Đây là một điều hiển nhiên, nhưng thật ngạc nhiên, quá nhiều người quên rằng, đây là điều phù hợp với tinh thần Kitô.

          Trước khi ra về, chúng ta hãy ôn lại một lời Chúa nói hôm nay “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Trong tuần này, chúng ta hãy cố gắng làm chủ tiền của và làm tôi Thiên Chúa.

 

Lm Antôn  Tuệ Mẫn