CỞI BỎ CON NGƯỜI CŨ

CỞI BỎ CON NGƯỜI CŨ

SUY NIỆM - Feb 15/02/2018

Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro

Is 58:1-9; Tv 51:3-4,5-6,18-19; Mt 9:14-15

Trang Tin Mừng hôm nay, các môn đệ của Gioan hỏi Chúa Giêsu : "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng : "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay".

Chúa Giêsu chẳng bao giờ coi thường việc ăn chay. Ngài đã ăn chay bốn mươi ngày trước khi bắt đầu sứ vụ (Mt 4, 2). Hội thánh sơ khai cũng gắn liền cầu nguyện với ăn chay (Cv 13, 2-3) Thánh Phaolô vẫn ăn chay, dù vất vả với tông vụ (2 Cr 6,5; 11, 27). Để rước lễ, chúng ta phải kiêng ăn uống khoảng một giờ. Ngày thứ sáu vẫn là ngày kiêng thịt theo luật chung của Hội thánh. Ước gì việc ăn chay làm ta gặp Chúa, gặp anh em và gặp lại chính mình.

Người Do Thái, cách riêng môn đệ Gioan và nhóm Pharisêu bấy giờ ăn chay không phải để xin thoát khỏi hình phạt nhưng để diễn tả lòng khao khát Thiên Chúa và sự công bình. Họ mang tâm tình sám hối, thực thi bác ái để chờ mong Đấng Cứu Thế. Như thế, ăn chay là việc làm rất tốt. Thế nhưng, Chúa Giêsu muốn họ hiểu rằng Ngài như chàng rể đang chia sẻ niềm vui tiệc cưới với các bạn hữu của mình.

Các môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay, không cần đợi chờ nữa vì họ đang có niềm vui “Emmanuel”, ở cùng Đấng Mêsia. Qua việc giải đáp thắc mắc của họ, Chúa Giêsu đã mặc khải căn tính của Ngài. Các môn đệ Chúa Giêsu đang cùng nhau chia sẻ một cuộc sống rất gần gũi Thiên Chúa và chan hòa tình liên đới với người khác. Một nếp sống vượt trên truyền thống, tiến tới sự trọn hảo của việc tuân giữ lề luật là nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và sống chan hòa, yêu thương anh em.

Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận rằng : Ngài muốn mở ra một cách thức mới về việc ăn chay. Các môn đệ sẽ không phải ăn chay khi họ đang ở bên Chúa. Họ chỉ ăn chay khi Ngài ra đi chịu khổ nạn và chịu chết. Việc chay tịnh khi đó mới thực có ý nghĩa, để chờ đón Ngài, để được gặp lại Ngài.

Trong Mùa Chay Thánh kéo dài 40 ngày sẽ có ý nghĩa với chúng ta, nếu chúng ta thực hiện điều Thiên Chúa muốn.

Việc ăn chay là một cách thức có tác động mạnh đối với thế giới xung quanh của chúng ta. Thiên Chúa đã gợi ý cho chúng ta cả một danh sách những điều mong ước của Ngài về việc ăn chay của chúng ta : “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (x. Is 58,7).

Sau khi Gioan đã bị tống ngục (4, 12) các môn đệ của ông vẫn tiếp tục hoạt động (11, 2-6). Chắc họ khó chịu khi thấy các môn đệ của Thầy Giêsu không ăn chay, không có vẻ khắc khổ, nhiệm nhặt như họ hay như người Pharisêu , nên họ hỏi thẳng Thầy về chuyện này (c. 14). Thầy Giêsu trả lời họ bằng một câu hỏi khác (c.15): “Khách dự tiệc cưới có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ sao?” Dĩ nhiên là không rồi!Câu nói của Thầy Giêsu cho thấy bầu khí Thầy-trò trong nhóm là bầu khí vui tươi ấm áp, bầu khí của một tiệc cưới. Thầy là chàng rể, còn trò là khách dự tiệc. Thời gian Thầy ở với các môn đệ là thời gian hạnh phúc cho họ.

Tin mừng hôm nay cảnh giác chúng ta về hai thái độ sống của người đương thời: một là dòm ngó, để ý và hai là dửng dưng vô cảm. Ở thái độ thứ nhất, có những người ra vẻ quan tâm, săn sóc người khác nhưng kỳ thực là tìm cách săm soi, bới móc để rồi rêu rao, tán chuyện hoặc “làm quà” kể tội người. Thái độ này gây ra chia rẽ, mất đoàn kết, gieo nghi nan, ngờ vực trong cộng đoàn.

Thái độ thứ hai, những người sống kiểu “chủ nghĩa mackêno”, không mảy may để ý, quan tâm tới hoạt động hay nhu cầu của những người bên cạnh mình, nhất là người nghèo. Đức Phanxicô tha thiết mời gọi chúng ta cương quyết loại bỏ lối sống “đèn nhà nào nhà nấy rạng”, bo bo, khép kín, “sống chết mặc bay”, dửng dưng vô cảm. Họ tự cô lập mình, loại mình ra khỏi cộng đồng nên họ cũng sẽ không có được niềm vui. Mùa Chay mời gọi chúng ta sám hối, đổi mới con người và cụ thể là thay đổi hai thái độ sống trên đây. Ăn chay luôn phải đi kèm với đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa và thực thi bác ái đối với tha nhân. Chúa đang mời gọi mỗi người sống thực hiện điều này.

Chúa Giêsu rất sát với đời thường khi đưa ra hình ảnh tiệc cưới và chú rể để nói về Nước Trời và bản thân Người. Vâng, tiệc cưới là một hình ảnh quá quen thuộc với chúng ta. Ở bất cứ nơi nào thời nào, ngày cưới luôn luôn là một ngày trọng đại, một ngày vui vẻ cho gia đình. Và các nhân vật chính luôn là chú rể và cô dâu.

Để khiêm nhường van xin Thiên Chúa dung thứ tội lỗi chúng ta, đó là chúng ta hãy biết mở lòng ra để cho Ngài chữa lành chúng ta. Đó cũng là việc chúng ta mở đôi mắt ra xung quanh để nhìn những người đang bị tổn thương và túng thiếu cần được giúp đỡ.

Như Thánh nữ Têrêsa Avila đã nói, chúng ta là những bàn tay và đôi chân của Thiên Chúa. Chúng ta dường như suy nghĩ điều Thiên Chúa yêu cầu ở trên là hết sức khó. Tuy nhiên, những yêu cầu của Thiên Chúa luôn đơn giản để chúng ta đến gần Ngài hơn với lòng khiêm nhường, lòng sám hối ăn năn.

Chúa đem lại cho mỗi người chúng ta niềm vui được kết hiệp với Chúa. Ngày xưa Chúa đã muốn dân riêng Chúa giữ chay để nuôi dưỡng lòng khát vọng mong chờ Chúa. Họ ăn chay để sám hối, để trở về, để nhận biết Chúa khi Chúa đến cư ngụ giữa loài người. Các môn đệ đã được diễm phúc bước đi theo Chúa. Dù không ăn chay như bao người khác, nhưng các ngài đã không ngừng trở về, không ngừng khát mong được Chúa tỏ mình ra. Ta thấy các ngài có một trái tim đang yêu đi tìm kiếm Đấng mình yêu thương. Và các ngài bước đi theo Chúa trong niềm tin.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống Mùa Chay trong thái độ biết tích cực cộng tác với ơn Chúa, để bỏ đi những ngăn trở, những ràng buộc đang trói cột con. Xin cho ta cởi bỏ con người cũ với những đam mê lệch lạc, như tính chấp nhất, như lòng ích kỷ, như ý riêng xấu. Xin cho ta không ngừng khát mong kiếm tìm Chúa và bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Xin ban cho ta niềm vui được kết hợp mật thiết với Chúa.

Tuệ Mẫn