Cung hiến đền thờ Latêranô

Cung hiến đền thờ Latêranô

SUY NIỆM - Nov 10/11/2015

Cung hiến đền thờ Latêranô

 

Ed 47, 1-2. 8-9. 12; 1 Cr 3, 9b-11. 16-17; Ga 2, 13-22

 

ĐỀN THỜ CHÚNG TA THÌ SAO?

 

07-Giovanni-Laterano

 

Từ ngàn xưa, ta được biết Đền Thờ là nơi qui tụ dân Chúa, là nơi các tín hữu tới cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Đền Thờ trong Cựu Ước là nơi Chúa ngự, trong Tân Ước là nơi Mình Máu Thánh Chúa luôn hiện diện, là nơi dân Chúa lãnh nhận muôn vàn ơn huệ, muôn vàn hồng ân của Chúa.

 

Và vì thế, Đền Thờ chính là biểu hiện thân mình của Đức Kitô. Nhưng rồi, con người đã hóa phàm Đền Thờ là biểu tượng thân mình của Chúa đó.

 

Ngày hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu lên Đền Thờ và rồi Chúa Giêsu thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Thấy vậy, Chúa chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Khá bực mình, Chúa Giêsu hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

 

Đứng trước thái độ khó chịu của Chúa Giêsu, người Do Thái bảo Chúa rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Nghe vậy, Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”.

 

Tình hình dường như căng thẳng hơn nên ngưòi Do Thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?”

 

Đó là suy nghĩ của con người, còn với Chúa thì khác, Chúa muốn nói đền thờ là thân thể của Chúa nhưng người ta không hiểu. Ngay cả các môn đệ cũng không hiểu được ngôn từ của Chúa Giêsu hôm nay, chỉ khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Chúa đã nói.

 

Đền thờ là như vậy nhưng chính con người đã vì lòng tham vì lợi nhuận đã làm cho đền thờ ra ô uế.

Đền thờ Giêrusalem bị người Do Thái làm ô uế, còn đền thờ của mỗi người chúng ta thì sao?

Ta vẫn có thói quen là phủ lấp sự toan tính, mưu mô của ta bằng vẻ đẹp bên ngoài. Những vẻ đẹp bên ngoài như lụa, như lời ăn tiếng nói của ta tưởng chừng che lấp được tận thâm sâu lòng ta nhưng Thiên Chúa thấu suốt mọi sự trong lòng của ta.

 

Thánh Phao lô nhắc nhớ chúng ta: Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy.

Và như vậy, chỉ có ta mới biết được đền thờ của ta như thế nào? Đền thờ của ta còn trong trắng như ngày đầu khi ta nhận bí tích Thánh Tẩy hay không? Hay là ta vẫn để cho đền thờ của ta cũng ngổn ngang những thói hư tật xấu, những cuộc đổi chác theo kiểu của thế gian.

 

Ngày nay, ta vẫn nhìn thấy đền thờ Latêranô là nhà thờ chánh toà của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha với tư cách là Giám Mục Roma, cũng đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa. Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo Hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Roma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ khủng khiếp. Ðền thờ này do công của Hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian nói trên.

 

Lịch sử thuật lại rằng khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Roma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Ðức giáo hoàng, với tư cách là Giám Mục Roma. Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế Roma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập dân thánh Chúa trong những đêm phục sinh và mừng lễ vượt qua tại đây.

 

Ngày nay, đền thờ Latêranô vẫn vút cao, vẫn đứng sững như muốn nói với mọi người Thiên Chúa luôn yêu thương dân người. Ngày nay, vẫn có đoàn đoàn lớp người tới dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Hàng năm, ngày thứ năm tuần thánh Ðức Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ với hàng linh mục Roma, với các Hồng y, Giám mục và Ngài diễn tả lại hành động, cử chỉ của Chúa Giêsu xưa nơi nhà tiệc ly là rửa chân cho các tông đồ.

Đền thờ Laterano là như thế, còn đền thờ của mỗi người chúng ta thì sao?

Tuệ Mẫn