Đá lạ từ sao Hỏa rơi xuống địa cầu

Đá lạ từ sao Hỏa rơi xuống địa cầu

Khoa Học- Kỹ Thuật - Mar 24/03/2014

Thiên thạch rơi từ sao Hỏa xuống sa mạc ở Marốc vào năm 2011 thuộc một loại đá mà các nhà khoa học chưa từng biết.

Thiên thạch rơi từ sao Hỏa xuống sa mạc ở Marốc vào năm 2011 thuộc một loại đá mà các nhà khoa học chưa từng biết.

Viên đá mang tên Northwest Africa
Viên đá mang tên Northwest Africa 7034. Ảnh: Carl Agee.

AP đưa tin nhiều người thấy một thiên thạch bốc cháy trên bầu trời ở khu vực Bắc Phi vào tháng 7 năm ngoái, song mãi tới cuối tháng 12 các nhà khoa học mới phát hiện những mảnh vỡ của nó tại một nơi gần thành phố Foumzgit của Marốc. Tổng khối lượng của những mẩu đá được tìm thấy vào khoảng 7 kg.

Đây là cơ hội hiếm và quan trọng để giới khoa học tìm hiểu về các đặc điểm địa chất của sao Hỏa – hành tinh được cho là có thể nuôi dưỡng sự sống. Một ủy ban chuyên gia quốc tế đặc biệt, bao gồm nhiều nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) được thành lập để xác định nguồn gốc của những mẩu đá.

Trong số những viên đá, các nhà khoa học nhận thấy một viên rất lạ. Northwest Africa 7034, tên của viên đá, có kết cấu bề mặt và thành phần hóa học khác hẳn mọi loại đá sao Hỏa mà con người từng thấy trên địa cầu. Nó có màu sẫm và khối lượng 320 g. Niên đại của viên đá vào khoảng hơn hai tỷ năm, trong khi tuổi đời của những viên đá sao Hỏa khác chỉ từ 200 tới 400 triệu năm.

"Viên đá có một số đặc điểm giống các loại đá khác từ sao Hỏa, nhưng nó cũng sở hữu nhiều điểm khác biệt về màu sắc và thành phần các nguyên tố hóa học", Carl Agee, một nhà khoa học của Đại học New Mexico tại Mỹ, phát biểu.

Về mặt hóa học, các kim loại kiềm – như natri và kali – chiếm tỷ lệ lớn trong viên đá Northwest Africa 7034. Đây là đặc điểm mà các nhà khoa học không thấy ở những viên đá sao Hỏa khác. Ngoài ra hàm lượng nước trong nó cũng cao hơn nhiều.

Phần lớn đá từ sao Hỏa rơi xuống Nam Cực hoặc các sa mạc. Nếu tính cả thiên thạch tại Marốc thì loài người mới chỉ phát hiện 5 thiên thạch từ sao Hỏa trên hành tinh. Trước đó người ta thấy thiên thạch từ sao Hỏa rơi xuống tại Pháp vào năm 1815, tại Ấn Độ vào năm 1865, tại Ai Cập vào năm 1911 và tại Nigeria vào năm 1962. Tổng khối lượng những thiên thạch từ sao Hỏa trên trái đất là 110 kg. Chúng là loại đá hiếm nhất trên hành tinh nên có giá trị lớn hơn cả vàng.

Từ trước tới nay các phi thuyền chưa lấy được bất kỳ mẫu vật chất nào từ sao Hỏa. Vì thế các thiên thạch từ sao Hỏa là dạng vật chất duy nhất mà con người có để nghiên cứu hành tinh đỏ.

Minh Long