1. Đức Chúa Trời là ai?
Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành trời đất, vạn vật, loài người và bảo tồn tất cả.
Chúng ta đã từng tôn xưng Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Ông Trời.
“Ôi! chỉ một mình Chúa là Đức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng nên các từng trời, và trời của các từng trời, cùng toàn cơ binh của nó, trái đất và các vật ở trên nó, biển và muôn vật ở dưới nó Chúa bảo tồn những vật ấy, và cơ binh của các từng trời đều thờ lạy Chúa” (Nê-hê-mi 9:6).
2. Đức Chúa Trời từ đâu mà có?
Ngài là Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu, vốn có từ trước vô cùng và còn cho đến đời đời vô tận. Ngài là Đầu Tiên và Cuối Cùng, Ngài là Đấng Đời Đời.
“Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Hiện Có, Đã Có, Và Còn Đến, là Đấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga” (Khải huyền 1:8).
3. Đức Chúa Trời ở đâu?
Cùng một lúc, Ngài ở khắp mọi nơi trong vũ trụ. Ngài là Đấng Toàn Tại.
“Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, Ví tôi nằm dưới âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, Bay qua ở tại cuối cùng biển, Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, Tay hữu Chúa sẽ nắm-giữ tôi” (Thi Thiên 139:8-10).
4. Người ta có thể thấy Đức Chúa Trời không?
Chúng ta có con mắt của thân thể và con mắt tâm linh, cũng gọi là con mắt của lòng. Con mắt của thân thể để thấy những sự vật hữu hình, con mắt của tâm linh để thấy những sự vật vô hình, Đức Chúa Trời thực hữu trong cõi tâm linh nên con mắt của tâm linh, của lòng mới thấy được Ngài, mới nhận biết sự hiện diện vinh quang của Ngài.
“Cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 4:4).
“Vì Đức Chúa Trời, – là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! – đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ.” (2 Cô-rinh-tô 4:6)
Đời xưa để mặc khải cho loài người, Đức Chúa Trời đã hiện ra trong chiêm bao, bằng dị tượng hoặc thiên sứ, song không ai thấy được chính mình Ngài. Vì vậy, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã mượn hình thể con người mà giáng thế, nên trong thời đó có người đã thấy, đã nghe, đã rõ được Đức Chúa Trời.
“Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14).
5. Đức Chúa Trời có mấy ngôi?
Đức Chúa Trời có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Linh. Không phải có ba Đức Chúa Trời, song Ba Ngôi bình đẳng, hiệp nhất hoàn toàn. Xin lưu ý:
a. Từ ngữ “chúng ta” trong các câu:
“Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất” (Sáng Thế Ký 1:26).
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay khiến cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng” (Sáng Thế Ký 3:22).
b. Có ba lần chúc phước:
“Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi” (Dân số Ký 6:24)!
c. Có ba lần tôn vinh “Thánh Thay”:
“Các sê-ra-phin cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn-quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!” (Ê-sai 6:3)
d. Có Ba Ngôi hiện diện:
“Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:16).
e. Có Ba Ngôi cộng tác:
“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19),
f. Có Ba Ngôi ban phước:
“Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Chúa Trời ở với anh em hết thảy!” (2 Cô-rinh-tô 13:14)
6. Đức Chúa Trời là Đấng thế nào?
Ngài là Đấng vô cùng kỳ diệu, vượt hẳn trí tuệ loài người:
a. Đấng Thần Linh
“Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24).
b. Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu
“Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ -ra-ên như vầy: Đấng Tự hữu đã sai ta đến cùng các ngươi” (Xuất Ê-díp-tô 3:14).
c. Đấng Toàn Năng
“Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (Lu-ca 1:37).
d. Đấng Toàn Tri
“Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự” (1 Giăng 3:20).
e. Đấng Toàn Tại
“Đức Giê-hô-va phán: Có người nào có thể giấu mình trong các nơi kín cho ta đừng thấy chăng? Đức Giê-hô-va phán: Há chẳng phải ta đầy dẫy các từng trời và đất sao?” (Giê-rê-mi 23:24)
“Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi. Chúa xét nét nẻo-đàng và sự nằm-ngủ tôi, Quen biết các đường-lối tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, Kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi. Chúa bao phủ tôi phía sau và phía trước, Đặt tay Chúa trên mình tôi…. Sự tri thức dường ấy, thật diệu kỳ quá cho tôi, Cao đến đổi tôi không với kịp!” (Thi-thiên 139:1-6).
“Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa? Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, Ví tôi nằm dưới âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, Bay qua ở tại cuối cùng biển, Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, Tay hữu Chúa sẽ nắm-giữ tôi. Nếu tôi nói: Sự tối tăm chắc sẽ che khuất tôi, Ánh sáng chung quanh tôi trở nên đêm tối, Thì chính sự tối tăm không thể giấu chi khỏi Chúa, Ban đêm soi sáng như ban ngày, Và sự tối tăm cũng như ánh sáng cho Chúa” (Thi Thiên 139:7-12).
f. Đấng Bất Biến
“Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 12:13).
g. Đấng Nhân Ái
“Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (1 Giăng 4:8-9).
h. Đấng Thành Tín
“Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:24).
i. Đấng Chí Thánh
“Hãy nên thánh, vì ta là thánh” (1 Phi-e-rơ 1:16).
j. Đấng Chí Tôn
“Vua các dân đều nhóm nhau lại Đặng làm dân Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham; Vì các khiên của đất đều thuộc về Đức Chúa Trời; Ngài được tôn chí cao” (Thi Thiên 47:9).
k. Đấng Chí Công
“Công việc của Hòn Đá là trọn vẹn; Vì các đường lối Ngài là công bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành tín và vô tội; Ngài là công bình và chánh trực” (Phục Truyền luật lệ ký 32:4).
l. Đấng Chí Đại
“Vì Giê-hô-va rất lớn, đáng được ngợi khen lắm lắm; Ngài đáng kính sợ hơn hết các thần” (Thi Thiên 96:4).
7. Nhờ đâu biết được Đức Chúa Trời như vậy?
Nhờ ba nguồn: Lương tâm, vũ trụ và Kinh Thánh
a. Lương tâm
Nhờ có lương tâm là một bản năng thiên phú mà con người không cần ai dạy, tự nhận biết Đức Chúa Trời.
“Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình” (Rô-ma 2:15).
b. Vũ trụ
“Bởi công việc, người ta biết tài ông thợ.” Cả vũ trụ vô hạn, tuyệt diệu, trật tự chứng minh phải do một Đấng Vĩnh Hằng, Toàn Tri, Toàn Năng, Toàn Tại dựng nên nó. Đấng đó chính là Đức Chúa Trời.
“Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Bầu trời giải-tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi Thiên 19:1).
c. Kinh Thánh
Kinh Thánh nói cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời.
“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (2 Ti-mô-thê 3:16).
8. Chúng ta phải có thái độ nào đối với Đức Chúa Trời?
Chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời, chỉ thờ và phục vụ một mình Ngài mà thôi (Mác 12:30)
“Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:10).