ĐỪNG VỤ LUẬT

ĐỪNG VỤ LUẬT

SUY NIỆM - Apr 02/04/2019

Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay 

Ed 47, 1-9. 12; Ga 5, 1-3a. 5-16

ĐỪNG VỤ LUẬT

          Đối với Đức Giêsu, luật vì con người chứ không phải con người vì luật. Hơn nữa, khi Đức Giêsu chữa anh này khỏi bệnh thì đồng thời Ngài cũng chữa anh khỏi những hệ lụy của nó mà người ta thường gán cho là tội. Không dừng lại ở đó, Ngài còn nhắc cho anh biết là hãy vác chõng mà về và đừng phạm tội nữa.

          Chúa Giêsu xem ra “thích” vi phạm luật ngày Sabát của người Do Thái. Mỗi lần Chúa Giêsu có mặt trong hội đường ngày Sabát là mỗi lần các ông Pharisêu phải vất vả rình mò xem Người có chữa bệnh hay không. Người đã chữa bệnh cho một bệnh nhân bại liệt đã ba mươi tám năm cũng vào ngày Sabát. Khi làm như thế, chắc chắn Chúa Giêsu biết trước sẽ bị người Do Thái chống đối và công việc rao giảng Tin Mừng của Người sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, bởi vì là Con Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa là tình yêu” nên Người vẫn làm việc để biểu lộ tình yêu đó. Luật điều động và thúc đẩy Người thi hành là luật tình yêu. Chúa Giêsu đã đặt luật tình yêu lên trên luật giữ ngày Sabbat, và như vậy Người đã chu toàn lề luật (x. Rm 13,8).

          Vác chõng là việc anh phải làm để chu toàn bổn phận của chính mình. Đừng phạm tội là lời nhắc cho anh về việc từ nay anh đã được giải thoát khỏi tội và anh đã được thuộc về Chúa. Ngài đã tẩy rửa tâm hồn và thân xác anh sạch thì anh phải lo giữ nó, kẻo trở thành khốn khổ khi bệnh tình tái phát. Tội ở đây có ý muốn nói đến ảnh hưởng của sự dữ, thuộc về Ma Quỷ.

          Chúa biết tình trạng bệnh tật cũng như nguyện vọng của bệnh nhân. Người đến bên anh, biểu lộ lòng thương xót bằng việc cho anh trỗi dậy vác chõng mà đi. Người bệnh này đã mất ba mươi tám năm đặt niềm tin sai địa chỉ là tìm đến ngôi đền thờ ngoại giáo này để rồi mất công vô ích. Chính Chúa Giêsu đã đi tìm anh và chữa lành anh. Vì thế, sau khi chữa lành, Chúa dặn đừng phạm tội nữa, nghĩa là hãy tin và chỉ tin vào tình thương và quyền năng của Chúa mà thôi, đồng thời tin vào sứ mạng cứu thế mà Người đang thực hiện.

          Hồ Bếtdatha khá lớn, những bệnh nhân đến đây để với một niềm hy vọng là được chữa khỏi bệnh. Dọc bên bờ hồ này có rất nhiều loại bệnh tật khác nhau, chờ đợi để được xuống hồ chữa cho khỏi bệnh. Anh bại liệt 38 năm cũng là một trong số những người nằm chờ để được ai đó đưa xuống hồ, nhưng chắc chẳng ai quan tâm và không ai giúp đỡ anh ta: “không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”. Có lẽ Chúa Giê-su đã quan sát quang cảnh náo động và hối hả của dân chúng tranh giành để được lành bệnh tại hồ nước Bếtdatha và hiểu thấu được tâm trạng thấp thỏm và mòn mỏi để được ai đó đem xuống hồ cho khỏi bệnh, nên dù chưa yêu cầu hay van xin, Chúa Giê-su đã hỏi anh bại liệt lâu năm: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” (c.6) Anh không trả lời trực tiếp câu hỏi của Chúa Giê-su “có hay không”, nhưng anh lại trả lời bằng một cách lý giải “không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”.

          Anh đã mòn mỏi trông mong được chữa lành thân xác bại liệt lâu năm của anh, thế nhưng Chúa Giê-su đã đặt vấn đề “lành mạnh”, tức phục hồi thân xác bại liệt của anh và cả tinh thần lành mạnh của anh nữa. Với quyền năng của Ngài, Ngài có thể phán một lời với anh bại liệt thì anh có thể đứng lên và đi lại được…nhưng ở đây thì không! Chúa Giê-su lại bảo anh: “hãy đứng dậy, vác chõng, và đi”. Chúa Giê-su cần sự hợp tác của anh để giúp anh được lành mạnh: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

          Thiên Chúa không làm thay tất cả cho con người, nhưng mỗi người – để được chữa lành về thể xác lẫn tâm linh – điều đầu tiên là phải có lòng mong muốn, bày tỏ lòng khao khát, và điều quan trọng phải có can đảm làm bước bột phá vượt lên trên chính mình, là “đứng dậy! quyết tâm! Và bước đi!” như người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay. Anh thật liều lĩnh làm theo lời Chúa Giê-su để bước ra khỏi bệnh tê bại lâu năm, để đứng thẳng và bước đi. Còn tôi, liệu tôi có đủ can đảm vượt qua hành vi và thói quen cũ của cái “tôi” để dám đứng lên bước đi hay không?

          Phép lạ xảy ra cho người bất toại trong Tin Mừng hôm nay có thể là hình ảnh của lòng tin cần được thanh luyện. Từ 38 năm qua, con người tàn tật này chờ một phép lạ, nhưng một phép lạ gắn liền với một hiện tượng bên ngoài là nước hồ lay động đã không bao giờ xảy đến. Chỉ khi người tàn tật này gặp gỡ Chúa Giêsu, xưng thú nỗi bất lực của mình, và tin tưởng ở lời Ngài, thì lúc đó phép lạ mới thực sự được thực hiện.

          Ngày nay, để cảm nhận được phép lạ của Thiên Chúa, chúng ta cũng cần vượt qua não trạng chỉ chờ đợi những hiện tượng khác lạ trong thiên nhiên. Người ta thích đổ xô tới nơi có hiện tượng lạ thường. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp. Thiên Chúa đã thực hiện điều đó. Thế nhưng điều quan trọng cho đức tin chúng ta không phải là những hiện tượng khác thường ấy, mà là chính sự gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu. Gặp gỡ Ngài, tin ở lời Ngài, kết hiệp với Ngài nhất là trong mầu nhiệm khổ nạn, con người mới cảm nhận được tác động của Ngài.

          Phần Chúa Giêsu, Ngài không dừng lại ở việc chữa lành tật bệnh thể xác, nhưng Ngài muốn tiến xa hơn nên đã kêu gọi người được chữa lành hãy nghĩ đến phần linh hồn quan trọng hơn: "Anh đừng phạm tội nữa". Chúa Giêsu đã thực hiện cả hai công tác phát triển và cứu rỗi chung cả nhân loại.

Người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay đã làm theo Lời Chúa Giêsu là: ‘Đứng thẳng và bước đi’. Còn ta, liệu ta có đủ can đảm vượt qua hành vi và thói quen cũ của cái “tôi” đầy bất toàn và giới hạn để can đảm đứng lên và bước đi hay không? Lạy Chúa, xin ban cho mỗi người chúng con được ơn can đảm để đứng dậy, giũ bỏ mọi tật xấu mà bước đi với Chúa trong an bình.

Tuệ Mẫn