Gia Đình Cầu Nguyện

Gia Đình Cầu Nguyện

Giới trẻ, hôn nhân và gia đình - Oct 05/10/2015

gd cau nguyenLời Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20).

Ý cầu nguyện: Xin cho các thành viên trong gia đình ơn đạo đức, siêng năng cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa.

Bài ca ý lực: Đâu có tình yêu thương.

1. Đền thờ tại gia của Hội Thánh

– Đức Kitô đã muốn được sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh của thánh Giuse và Mẹ Maria. Hội Thánh không là gì khác hơn là “gia đình của Thiên Chúa”. Nhưng gia đình kitô hữu bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, vì thế cũng được gọi là một “Hội Thánh tại gia”[1], trong đó người cha, người mẹ, con cái, mọi phần tử trong gia đình, thực thi chức tư tế do phép Rửa.

– Được bén rễ và dưỡng nuôi từ bí tích Hôn phối, gia đình kitô hữu không ngừng được tác sinh nhờ Chúa Giêsu trong Thánh Thần của Người, được Người mời gọi và lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua đời sống bí tích, qua hiến lễ đời mình và cầu nguyện. “Đó là chức vụ tư tế mà gia đình có thể và phải chu toàn trong sự hiệp thông mật thiết với toàn thể Hội Thánh, qua những thực tại hàng ngày của đời hôn nhân và gia đình; bằng cách ấy, gia đình kitô hữu được mời gọi tự thánh hóa và thánh hóa cộng đoàn Hội Thánh và thế giới”.[2]

2. Kinh nguyện gia đình

– Chức tư tế bởi phép Rửa mà các tín hữu sống trong hôn nhân-bí tích là nền tảng của một ơn gọi và một sứ mạng tư tế, nhờ đó cuộc sống hàng ngày của đôi vợ chồng và gia đình được biến thành “hi lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2,5). Điều đó phát xuất không những do việc cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, cũng như do việc tự hiến mình cho vinh quang Thiên Chúa, mà còn do đời sống cầu nguyện, do việc đối thoại nguyện cầu với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần.

– Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung của cả nhà: vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa quả vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông do bí tích Rửa tội và Hôn phối. Chúa Giêsu đã hứa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20).

– Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình. Qua những cảnh huống khác nhau, cuộc sống gia đình được xem như là một ơn gọi từ Thiên Chúa và được thực hiện như là lời đáp trả hiếu thảo cho tiếng gọi ấy. Những niềm vui và nỗi cực nhọc, những hi vọng và sầu buồn, những ngày sinh nhật và kỉ niệm hôn phối của cha mẹ, những lần đi xa và ngày trở về đoàn tụ, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, lúc một người thân yêu qua đời, … đều ghi dấu sự hiện diện quan phòng của tình yêu Thiên Chúa trong lịch sử gia đình. Những biến cố ấy là thời điểm thuận lợi để gia đình biết tạ ơn, hay khấn nguyện, phó thác trong tin cậy vào Cha chung trên trời.[3]

3. Kinh nguyện phụng vụ và kinh nguyện riêng

– Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để dạy cầu nguyện. Được xây dựng trên nền tảng bí tích Hôn phối, gia đình là “Hội Thánh tại gia” dạy cho các con cái Chúa học cầu nguyện “với tính cách là Hội Thánh” và kiên trì trong viêc cầu nguyện.[4]

– Trong Hội Thánh tại gia mục đích quan trọng của kinh nguyện là bước khai tâm cho con cái đi vào kinh nguyện phụng vụ của toàn thể Hội Thánh. Gia đình cần phải dần dần đưa mọi thành viên tham dự vào bí tích Thánh Thể, nhất là ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng, cũng như tham dự vào các bí tích khác. Kinh nguyện của Hội Thánh được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và việc cử hành phụng vụ. “Hội Thánh tại gia”, ngoài kinh nguyện sáng tối, cũng được tha thiết khuyên nên đọc và suy niệm Lời Chúa, chuẩn bị cho các bí tích, tôn sùng và tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, sùng kính Đức Trinh Nữ Maria với những hình thức khác nhau, cầu nguyện khi ăn cơm và thực hành các việc đạo đức bình dân.[5]

– Kinh nguyện Kitô giáo ưu tiên chăm chú vào việc suy niệm “các mầu nhiệm của Đức Kitô”, như trong lectio divina (đọc và suy gẫm Lời Chúa) và kinh Mân Côi. Đức Giáo hoàng Phaolô VI khuyên nhủ: “hãy lần chuỗi trong gia đình… Chắc chắn tràng chuỗi kính Đức Trinh Nữ Maria phải được coi như một trong những ‘kinh nguyện chung’ tuyệt hảo và hữu hiệu nhất mà Hội Thánh mời gọi mọi người trong gia đình Kitô hữu đọc với nhau”[6].

– Việc cầu nguyện còn phải tiến xa hơn nữa: nhằm hiểu biết tình yêu của Chúa Giêsu, nhằm kết hợp với Người. Muốn thế, gia đình cũng cần tập hướng tới hình thức cầu nguyện chiêm niệm : lắng nghe Lời Chúa trong thinh lặng để tham dự vào tiếng “Amen” của Người Con đã hạ mình làm Tôi Tớ và tiếng “Fiat” của người nữ tì khiêm tốn của Chúa.[7]

4. Kinh nguyện và đời sống

– Cầu nguyện không phải là biểu hiện của sự chạy trốn trách nhiệm thường ngày, trái lại đó chính là sức đẩy mãnh liệt đưa gia đình đến chỗ đảm nhận và chu toàn toàn bộ trách nhiệm làm tế bào đầu tiên và căn bản của xã hội nhân loại. Kết hợp với cây nho sai trái là Chúa Kitô, nhất là trong cầu nguyện trung thành và sâu sắc như thế, gia đình tham dự cách hữu hiệu vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh trong thế giới, góp phần vào sự biến đổi thế giới[8].

– Lời của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II: “Cuối cùng, các cặp vợ chồng kitô hữu thân mến, nếu các con ước muốn trở thành ‘Tin mừng cho thiên niên kỉ thứ ba’, thì đừng quên rằng cầu nguyện trong gia đình là con đường vững chắc để luôn hiệp nhất trong một lối sống hòa hợp với thánh ý Thiên Chúa. Giờ đây, khi ban phép lành Tòa thánh cho tất cả các con, Cha để lại cho các con một nhiệm vụ cuối cùng: nhờ ơn Thiên Chúa giúp, các con hãy đặt Tin mừng làm nguyên lí hướng dẫn gia đình mình, và hãy làm cho gia đình các con trở thành một trang Tin mừng được viết ra cho thời đại chúng ta !” (Đại Hội Gia Đình Thế Giới Manila 2003).

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

  1. Gia đình tôi có đọc kinh chung hoặc một hình thức cầu nguyện chung nào đó hàng ngày, hoặc hàng tuần không?
  2. Cách thức gia đình tôi sống và diễn tả niềm tin trong các sinh hoạt hàng ngày như: tại bàn thờ, giờ cơm, kinh nguyện sáng tối, cách sống ngày Chúa Nhật và các ngày lễ có làm cho các thành viên trong gia đình được gần gũi với Chúa và với nhau không? Tại sao? Có điều gì cần thay đổi.
  3. Gia đình tôi có thỉnh thoảng hay thường xuyên tham dự phụng vụ hay cầu nguyện chung với cộng đoàn trong giáo khu, giáo xứ không?