Với mục đích khôi phục giá trị bữa cơm gia đình và giúp mọi người hiểu rõ ý nghĩa của việc thánh hóa bữa ăn hằng ngày, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã tổ chức Chuyên đề đặc biệt số 211 với chủ đề: “Bữa cơm Thiên đường” vào lúc 14g00 thứ Bảy, ngày 17.01.2015, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn. Trong thời gian hạn hẹp, con xin chia sẻ ngắn gọn những tâm tình chân thành sau đây:
Trong xã hội hiện đại, do môi trường, công việc và nhu cầu giao tiếp, người ta phải chạy đua với thời gian, khẩn trương trong mọi công việc. Vì thế, lối sống nhanh, sống vội đã trở nên khá phổ biến, không chỉ ở giới trẻ mà còn ở cả thiếu nhi lẫn người lớn. Với cuộc sống tất bật ngày nay, người ta cứ vội vàng yêu, rồi vội vàng chia tay; vội vàng suy nghĩ, rồi vội vàng quyết định; cứ thế, họ đánh mất những cảm xúc chân thành, hao mòn lòng trắc ẩn từ tâm, chai sần sự nhạy cảm yêu thương, và vô cảm trước nỗi bất hạnh của con người.
Thế nhưng, có những điều tưởng chừng như đơn giản, bình thường mà lại có giá trị rất lớn lao; chẳng hạn những bữa cơm gia đình: cha mẹ con cái sum vầy, cùng ăn uống chuyện trò, cùng chăm sóc cho nhau, cùng chia sẻ vui buồn trong ngày sống, thật là hạnh phúc biết bao! Tuy nhiên, lắm lúc vì bôn ba cho cuộc sống, vì mải mê chạy theo “cơm áo gạo tiền” nên người ta đã xem thường nó, để rồi, thiếu vắng những bữa cơm gia đình, mái ấm trở nên lạnh giá, và căn nhà chẳng có tiếng cười! Thật vậy, chỉ khi mọi thứ đã qua đi, người ta mới cảm thấy hối tiếc, và nhận ra rằng: hạnh phúc là những điều rất đỗi bình thường, nhưng phải được trân trọng và cảm nhận bằng trái tim yêu thương.
II. GIÁ TRỊ CỦA BỮA ĂN
Có thể nói, sự khủng hoảng trong đời sống gia đình, thường bắt đầu từ nơi bàn ăn, khi “Cơm không lành, canh không ngọt”. Ý thức rõ thực trạng nơi các gia đình hiện đại: bữa cơm truyền thống tồn tại từ bao đời, đang dần dần bị mai một, và có nguy cơ rơi vào quên lãng, với mong muốn góp phần phục hồi, duy trì bữa ăn nơi các gia đình, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục muốn nhấn mạnh đến những ý nghĩa cao quý, thiêng liêng của bữa ăn gia đình mà nhiều lúc chúng ta bỏ qua.
Bữa ăn gia đình không chỉ đơn thuần cung cấp những món ăn bổ dưỡng, mà còn là chiếc nôi xây dựng, bảo vệ hạnh phúc thực sự. Tiến sĩ L.R. Newberry cho rằng: Tập quán tham dự những bữa ăn gia đình, giúp trẻ em ý thức mình thuộc về một gia đình, một tập thể, qua đó phát triển tinh thần đoàn kết, lòng vị tha, xây dựng trách nhiệm “Mình vì mọi người”. Bữa ăn còn là chất keo gắn bó mọi thành viên lại với nhau và tạo nên khuôn mẫu, văn hóa và phong cách sống của từng gia đình và cộng đoàn. Những món ăn dù đơn sơ, đạm bạc nhưng chất chứa tình yêu thương, đầm ấm là thế mạnh để thu hút, lôi cuốn người chồng luôn nhớ về tổ ấm gia đình.
“Anh đi anh nhớ quê nhà,
nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
nhớ ai dãi nắng dầm sương
nhớ ai tát nước bên đường bên hôm nao”.
Nơi bữa ăn, chúng ta dễ dàng thể hiện những cử chỉ quan tâm đến nhau một cách đặc biệt: Nhìn xem chồng mình có khỏe, vợ mình có vui không, con cái mình có ăn được không. Đồng thời, chăm sóc nhau bằng những lời động viên, cảm ơn hoặc khen ngợi; gắp cho nhau miếng ngon hay món ăn họ ưa thích. Cả nhà cùng trò chuyện, hỏi thăm, chia sẻ cho nhau những thông tin, những sự kiện diễn ra trong ngày, để cùng nhau chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ.
Bữa ăn còn là nơi phát huy kỹ năng giao tiếp đặc biệt cho trẻ, khả năng quan tâm chăm sóc người khác, lòng biết ơn đối với những người nuôi dưỡng mình, phát triển lòng trắc ẩn, biết “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, biết nhường phần ngon cho ông bà, cha mẹ và các em nhỏ tuổi hơn mình… Hơn nữa, bữa ăn còn là động lực thể hiện tài khéo léo về nữ công gia chánh, biết sắp xếp bày biện bàn ăn cho đẹp mắt, thu dọn sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp thứ tự sau bữa ăn…
Bữa ăn của người Công giáo còn mang một giá trị thiêng liêng cao quý khi có Chúa hiện diện. Chỉ cần dừng lại 30 giây hoặc 1 phút trước và sau bữa ăn, chúng ta có thể củng cố Đức tin cho con cái. Nhờ nghe đọc một câu Kinh Thánh trước bữa ăn, cả nhà cùng sống Lời Chúa, vì Chúa nói: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Lời kinh thánh hóa bữa ăn còn là lời ca ngợi và chúc tụng tình yêu của Thiên Chúa trên từng người thân yêu và những người đang ngồi chung bàn ăn với mình.
III. BỮA ĂN THẦN LINH
Hôm nay, khi tổ chức “Bữa cơm Thiên đường”, nhắc con nhớ về bữa tiệc lịch sử, đã diễn ra hơn 2.000 năm qua: Bữa Tiệc Ly. Thật vậy, trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu thiết lập bàn tiệc Thánh Thể, một bữa tiệc vô cùng cao quý, mang ý nghĩa cứu độ. Ngày nay, bữa tiệc ấy, luôn được tái hiện lại mỗi ngày, ở khắp mọi nơi, trên toàn thế giới. Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, bẻ ra”. Tại sao Chúa lại ví mình như một tấm bánh mà không phải là một thứ gì khác? Chọn bánh là sáng kiến cuối cùng của tình yêu tự hiến. Ngài cầm lấy bánh bẻ ra, Ngài tự nguyện làm chủ cuộc đời của mình, và hiến thân cho người khác.
Tấm bánh được làm nên không vì bản thân của nó mà là vì sự sống và niềm vui của người khác. Có thể đó là một vài cái bánh đơn sơ, dân dã đem lại niềm vui cho trẻ thơ khi mẹ về chợ. Có thể đó là tấm bánh nhỏ bé nhưng vô cùng cần thiết, đem lại sức sống cho người đang đói lả. Bánh có thể được đặt trang trọng trên những bàn tiệc thịnh soạn, bánh cũng có thể được nâng niu trên đôi tay gầy gò, run rẩy của người hành khất bên vỉa hè.
Khi chọn tấm bánh làm biểu tượng cho Thánh Thể Người, Chúa Giêsu muốn nói rằng: Ngài là tấm bánh luôn vừa với tầm tay của mọi phận người. Bởi bánh không kén chọn người ăn, bánh không chọn người giàu sang hay nghèo hèn, tri thức hay bình dân… bánh luôn mang lại niềm vui và sức sống cho con người. Chúa Giêsu hiến mình trở thành tấm bánh để có thể đến với muôn người, và để trở thành niềm vui cho mọi phận người.
Chúa Giêsu đã dùng tấm bánh vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến. Khi xưng mình là bánh, Chúa Giêsu muốn bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, chịu tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa Giêsu chịu nhỏ bé đi để con người được lớn lên, chịu các thương tích cho ta được lành lặn, chịu chết đi cho ta được sống muôn đời.
Bánh còn là dấu chỉ của gặp gỡ, của hiệp thông huynh đệ, vì bánh thường gợi lên khung cảnh một bàn tiệc. Tại đó, anh em quây quần trong tình thương yêu khi chia sẻ cho nhau của ăn, và chia sẻ cho nhau cả tấm lòng. Chúa Giêsu đã chấp nhận bị bẻ ra như một tấm bánh, bị nghiền nát trên Thánh giá để chúng ta được chữa lành. Tấm bánh Thánh Thể bị bẻ ra để chúng ta được quy tụ lại, trở nên anh chị em trong ngôi nhà Thiên Chúa.
Tấm bánh còn được làm nên từ hạt lúa: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Hạt lúa gieo vào lòng đất phải mục nát, thối rữa và chết đi, tức là phải chấp nhận mất căn tính hạt lúa, để nẩy mầm, lớn lên thành cây và sinh nhiều bông hạt. Hạt lúa chỉ đạt được phẩm giá cao quý của nó, khi chấp nhận từ bỏ chính mình, để phục vụ sự sống và sự tăng trưởng của tha nhân. Chúa Giêsu muốn nhắc chúng ta: khi nhìn cánh đồng lúa chín vàng, đừng quên có những hạt giống đã âm thầm chịu mục nát, để trao cho đời những cây lúa trĩu hạt. Hôm nay, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta đừng cố giữ sự nguyên vẹn trong lớp vỏ ích kỷ của mình, nhưng chấp nhận mục nát và tan biến để đóng góp cho cánh đồng nhân loại những cây lúa trĩu hạt yêu thương. Chúng ta cũng hãy trở nên những hạt lúa, chấp nhận xay xát thành gạo, chịu nghiền nát thành bột để trở nên tấm bánh nuôi sống con người.
Linh mục Phương Anh đã thể hiện ý nghĩa tự hiến của hạt lúa và đời sống Kitô hữu rất sâu sắc và cảm động qua bài hát “Hạt giống tình yêu”. Đến lượt chúng ta, những người đang hưởng dùng lương thực Chúa ban, được mời gọi trở nên tấm bánh cho nhau ngay tại bàn ăn, và cho những người anh em nghèo đói hơn chúng ta về mặt tinh thần cũng như vật chất. Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta có thể hy sinh thời gian và tiền bạc để chuẩn bị những bữa cơm chất lượng cho những người thân yêu. Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta có thể hy sinh không xem ti-vi, nghe điện thoại, những trò giải trí, những việc riêng tư để ăn chung và đem niềm vui vào mâm cơm. Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta có thể tạ ơn Chúa Cha khi dùng bữa cho dù bận rộn thế nào, cho dù đang ăn ở đâu và cho dù đang dùng bữa với ai.
Kết luận
Được như thế, bữa ăn nơi gia đình Công giáo không chỉ mang giá trị nhân bản, mà còn có ý nghĩa giáo dục Đức Tin sâu sắc, khích lệ tình liên đới bác ái, mở rộng đến tất cả mọi người. Chúa Giêsu sẽ hiện diện giữa các thành viên trong gia đình và cộng đoàn khi nghi thức thánh hóa bữa ăn được cử hành: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Quả thực, với tầm quan trọng như thế, bữa ăn nơi gia đình chúng ta xứng đáng được gọi là “Bữa cơm Thiên đường”, xứng đáng được duy trì mãi mãi qua muôn thế hệ.
Nt. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP.