I. DẪN NHẬP
1. Truyền thông xã hội (Communicatio Socialis) là thuật ngữ chỉ hoạt động truyền tải thông tin giữa các chủ thể trong xã hội với nhau. Trong đó, người ta sử dụng những phương tiện tự bản tính không những có thể liên hệ và ảnh hưởng đến từng người, mà còn đến chính đại chúng và toàn thể xã hội nhân loại, như Internet, truyền hình, truyền thanh, điện thoại, báo chí, điện ảnh và những thứ khác có chức năng tương tự.[1]
2. Tự bản chất, do tính lịch sử và ảnh hưởng của xã hội toàn cầu hoá, các phương tiện truyền thông xã hội đã, đang và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội và Giáo Hội, từ vĩ mô đến vi mô. Giáo Hội biết rằng những phương tiện truyền thông, một mặt nếu sử dụng đúng đắn, sẽ mang lại những ích lợi to lớn cho nhân loại về các lĩnh vực giải trí, huấn luyện tinh thần cũng như việc mở rộng và cũng cố Nước Chúa. Nhưng mặt khác, nếu dùng nghịch lại với ý định của Tạo Hoá sẽ gây những thiệt hại đau lòng, làm băng hoại nhân phẩm, phá vỡ sự phát triển bền vững của nhân loại.
Vì thế, những quan điểm của Giáo Hội về truyền thông xã hội trong quá khứ, nhất là từ Công Đồng Vatican II, đã được cụ thể hoá thành các đòi buộc pháp lý, làm thành những nguyên tắc căn bản cho hoạt động truyền thông của Giáo Hội. Tuy không nhiều nhưng người ta có thể nhận thấy trong Bộ Giáo Luật 1983, kim chỉ nam cho việc phát triển bền vững một ngành truyền thông hiện đại.[2]
II. TẦM QUAN TRỌNG VÀ NỘI DUNG CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Bộ Giáo Luật khẳng định tầm quan trọng của truyền thông xã hội
3. Thông qua việc đòi buộc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong mọi hoạt động của Giáo Hội, Bộ Giáo Luật 1983 khẳng định tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông xã hội. Sử dụng các phương tiện này không chỉ là quyền bẩm sinh mà còn là nghĩa vụ bất khả thi của mọi thành viên trong Giáo Hội, nhất là các chủ chăn. Ở điểm này, chúng ta xét hai phương diện quan trọng.
Thứ nhất, truyền thông xã hội là phương tiện giúp Giáo Hội dễ dàng chu toàn nhiệm vụ của mình trong thế giới. Giáo Luật yêu cầu các chủ chăn phải dùng các phương tiện truyền thông xã hội trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình. Các nhà làm luật đã khẳng định:“Khi sử dụng quyền riêng của Giáo Hội để chu toàn nhiệm vụ của mình, các vị chủ chăn của Giáo Hội phải cố gắng dùng các phương tiện truyền thông xã hội” (Điều 822 triệt 1).
Thứ hai, các phương tiện truyền thông xã hội được Giáo Hội sử dụng gắn liền với các quyền và nghĩa vụ bẩm sinh loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Bộ Giáo Luật khẳng định: “Chúa Kitô đã trao phó kho tàng đức tin cho Giáo Hội, để nhờ Chúa Thánh Thần phù trợ, Giáo Hội cung kính giữ gìn, tìm hiểu sâu sắc hơn, loan báo và trình bày chân lý mạc khải cách trung thành; không lệ thuộc bất cứ một quyền bính nào của con người, Giáo Hội có bổn phận và quyền bẩm sinh loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc bằng cả những phương tiện truyền thông xã hội thích hợp với mình” (Điều 747 triệt 1).
Như vậy, Giáo Hội đương nhiên có quyền làm chủ và sử dụng bất cứ loại phương tiện truyền thông nào, ở mọi nơi mọi lúc, tuỳ theo sự cần thiết hay ích lợi cho các hoạt động của mình và của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử, nhằm thăng tiến Giáo Hội và thế giới, để cứu rỗi các linh hồn.
Bộ Giáo Luật chỉ rõ nội dung loan báo của truyền thông xã hội
4. Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người, mọi dân tộc, khắp cùng ngõ hẻm trái đất (x. Mc 16,15). Để thực thi nhiệm vụ cao cả và không ít khó khăn này, Giáo Hội phải dùng hết mọi khả năng có thể để đến với mọi người, khắp mọi nơi và mọi thời. “Để loan báo học thuyết Kitô giáo, người ta phải dùng những phương tiện khác nhau sẵn có, trước hết việc giảng thuyết và huấn giáo luôn chiếm vị trí chủ yếu, tiếp đến là việc giảng dạy Giáo lý trong các trường học, trong các học viện, trong các buổi thuyết trình và các cuộc hội họp dưới mọi hình thức, cũng như việc phổ biến giáo lý bằng những bản tuyên ngôn công khai do quyền bính hơp pháp thực hiện qua báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội vào dịp xảy ra một biến cố nào đó” (Điều 761).
Nội dung trên cũng được nhắc lại và nhấn mạnh cụ thể hơn tại điều 779. Rằng, Giáo Hội cần phải dùng mọi cách thế, mọi khả năng chuyên môn và mọi phương tiện truyền thông xã hội được xem là hữu hiệu nhất để giảng dạy giáo lý, ngõ hầu các tín hữu có thể học giáo lý Công giáo cách thấu đáo, theo một phương pháp thích hợp với tính tình, khả năng, tuổi tác và hoàn cảnh sống của họ, hầu có thể đem ra thực hành cách chu đáo hơn, đưa ánh sáng Chúa Kitô cho mọi người.
5. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục của Giáo Hội, Bộ Giáo Luật luôn nhắc đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông để thực thi. Cụ thể, “Việc dạy học và việc giáo dục tôn giáo mang tính cách Công giáo được thực hiện trong bất cứ trường học nào, hoặc được truyền đi bằng những phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, đều phải tuỳ thuộc quyền bính của Giáo Hội. Hội đồng Giám mục ban hành những quy tắc tổng quát liên quan đến phạm vi hoạt động này, và các Giám mục giáo phận tổ chức và giám sát phạm vi này” (Điều 804 triệt 1). Để làm được việc quan trọng này, Huấn thị Hiệp thông và tiến bộ đã nói tới nghĩa vụ cấp bách của các trường Công giáo là huấn luyện các nhà truyền thông và các người tiếp nhận việc truyền thông xã hội theo đúng các nguyên tắc Kitô giáo.[3] Các trường đại học, cao đẳng, trung học cũng như các chương trình giáo dục của Công giáo ở mọi cấp cần phải cung cấp các khoá đào tạo cho các nhóm khác nhau, từ Chủng sinh, Linh mục, Tu sĩ nam nữ cho tới giáo dân ở cấp lãnh đạo như Giáo viên, Phụ huynh, Học sinh sinh viên.[4]
6. Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, thời đại toàn cầu hoá làm cho việc mục vụ trong lĩnh vực này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vì thế, để làm mục vụ cho người di dân, Bộ Giáo Luật chỉ ra giải pháp hữu hiệu là áp dụng các phương tiện truyền thông xã hội. “Bằng việc giảng thuyết, bằng việc giáo huấn thích hợp cho nhi đồng, thanh niên và người thành niên, và cũng bằng biệc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Nhờ đó, các Kitô hữu được giáo huấn về ý nghĩa hôn nhân Kitô giáo và về vai trò của người phối ngẫu cũng như của các bậc cha mẹ Kitô giáo” (Điều 1063).
III. BỔN PHẬN SỬ DỤNG CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG
Bổn phận của các chủ chăn
7. Bộ Giáo Luật buộc những ai đang ở cương vị lãnh đạo Giáo Hội phải hiểu biết các phương tiện truyền thông và ứng dụng các phương tiện ấy vào việc thiết lập kế hoạch mục vụ cũng như thi hành sứ mạng của Giáo Hội. “Khi sử dụng quyền riêng của Giáo Hội để chu toàn nhiệm vụ của mình, các vị chủ chăn của Giáo Hội phải cố gắng dùng các phương tiện truyền thông xã hội” (Điều 822 triệt 1).
Mặt khác, để bảo toàn Đức tin và Phong hoá, các chủ chăn phải liệu sao để việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội không phương hại đến đức tin và phong hoá của các tín hữu. Quyền và nghĩa vụ này đồng thời muốn nói đến các Giám mục địa phương cách riêng rẽ, các Giám mục khi họp Công Đồng địa phương hay trong các Hội Đồng Giám Mục. Các Ngài phải trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người có khả năng kiểm duyệt những tác phẩm, những bài viết liên quan đến đức tin hay phong hoá do các Kitô hữu đề nghị đăng tải và loại bỏ những tác phẩm nguy hại cho đức tin ngay lành và cho thuần phong mỹ tục (Điều 823).
Cũng liên quan đến nội dung này, triệt 2 điều 831 lặp lại quyết định của triệt 2 điều 772, về thẩm quyền của Hội Đông Giám Mục trong việc ban hành những quy luật cần thiết dành cho các Linh mục, Tu sĩ tham dự vào việc trình bày đức tin và luân lý Công giáo trong các chương trình truyền thông xã hội. Theo đó, những chủ thể này, trong khuôn khổ được bản quyền địa phương cho phép, họ có quyền và nghiệm vụ sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông để thực thi sứ vụ của mình, đồng thời giúp đỡ những người dưới quyền khai thác giá trị của các phương tiện truyền thông.
8. Tại các giáo phận, quyền và nghĩa vụ nói trên của các Giám mục giáo phận đã được Công Đồng Vatican II chỉ rõ: “Các Giám mục có bổn phận lưu tâm đến các công trình và sáng kiến thuộc ngành truyền thông xã hội của giáo phận mình. Các Ngài phải cổ võ và nếu liên quan đến việc tông đồ chung, phải phối hợp chúng, kể cả các tổ chức thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ”.[5] Do đó, chính các vị chủ chăn phải tìm cách đào tạo đúng đắn lương tâm tín hữu trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Đồng thời, lo giúp họ biết bổn phận của mình là phải cộng tác thế nào để tinh thần nhân bản Kitô giáo làm sinh động việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, góp phần xây dựng một nền truyền thông ngày càng nhân bản và hiện đại hơn (Điều 822 triệt 2).
Bổn phận của các tín hữu
9. Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà còn hết sức hăng say, sử dụng các phương tiện truyền thông cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian. Điều 822 triệt 3 khẳng định: “Tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những người tham gia cách nào đó vào việc tổ chức hay sử dụng các phương tiện truyền thông, phải quan tâm giúp đỡ sinh hoạt mục vụ thế nào để Giáo Hội thi hành nhiệm vụ của mình cách hữu hiệu qua các phương tiện ấy”.
Ý thức được tính chất hai mặt của truyền thông xã hội, Bộ Giáo Luật cũng có những quy định ngăn ngừa những dự định tai hại có thể xảy ra, nhất là đối với những người nam nữ trẻ. “Trẻ em và thanh thiếu niên cần được đào tạo về các phương tiện truyền thông xã hội, chống lại con đường dễ dãi và thụ hưởng mà không biết phê bình, chiều theo áp lực của bạn bè và những hình thức khai thác mang tính thương mại”.[6] Cũng cần nói thêm ở đây rằng, Bộ Giáo Luật cũng đã nói tới quyền của các tín hữu được thông tin, được trao đổi ý kiến cách tự do và khách quan ở các điều 212, 215 và 218. Đây là một trong những điểm mới của Công Đồng Vatican II mà Bộ Giáo Luật kế thừa.
Cách riêng đối với những người sống đời thánh hiến
10. Bởi các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là mạng Internet, phải chịu tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa vật chất và xã hội hưởng thụ, Bộ Giáo Luật, trong khi bàn đến nghĩa vụ của các tu sĩ, đã cách riêng nhắc nhở những người sống đời thánh hiến phải thận trọng khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.“Trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, phải giữ sự phán đoán cần thiết và phải tránh những gì có hại cho ơn gọi riêng và nguy hiểm cho đức khiết tịnh của mọi người đã được thánh hiến” (Điều 666).
Trong lĩnh vực này, Hội Đồng Giáo Hoàng về truyền thông xã hội, cơ quan đặc trách truyền thông của Giáo Hội Công giáo đã nhấn mạnh: “Các Linh mục, Phó tế, Tu sĩ nên được học hỏi về các phương tiện truyền thông xã hội để hiểu biết hơn về ảnh hưởng của các phương tiện đó trên cá nhân cũng như xã hội, đồng thời giúp họ có được một phong thái truyền thông, có thể đáp ứng được cảm quan và bận tâm của quần chúng đang sống trong văn hoá truyền thông. Nhờ đó, họ có thể thu lượm được lợi ích từ các phương tiện truyền thông, nhất là mạng Internet”.[7]
IV. HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI LẠM DỤNG
11. Thấy được những nguy hiểm có thể xảy ra do con người lạm dụng các phương tiện truyền thông xã hội, Bộ Giáo Luật hiện hành đã quy định những chế tài cần thiết nhằm giáo dục, răn đe và trừng phạt những đối tượng có hành vi tội phạm truyền thông.
Điều 1369 quy định: “…Trong khi dùng những phương tiện truyền thông xã hội, người nào nói lộng ngôn hoặc xúc phạm nặng nề đến thuần phong mỹ tục, hoặc mạ lỵ, hoặc kích động lòng thù ghét hay khinh dễ chống đối tôn giáo hay Giáo Hội, thì phải chịu hình phạt thích đáng”. Rõ ràng là để bảo vệ sự phát triển bình thường của truyền thông xã hội, các nhà làm luật đã dự liệu hình phạt cho những ai sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để phạm tội. Tội đó có thể thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tội lộng ngôn phạm thượng, nghĩa là dùng lời lẽ xúc phạm tới Thiên Chúa, Đức Mẹ và Các Thánh; Tội xúc phạm nặng nề tới thuần phong mỹ tục; Tội nguyền rủa tôn giáo hay Giáo Hội; Tội kích động lòng thù ghét hoặc khinh bỉ tôn giáo hay Giáo Hội.[8]
V. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ NHỎ
12. Từ trước tới nay, các tổ chức và cá nhận của Giáo Hội vẫn hằng sử dụng các phương tiện truyền thông trong các hoạt động của mình, dấn thân vào xã hội và gia tăng nhiều hơn việc cổ võ đối thoại. Tuy nhiên, sự bùng nổ mới đây của các phương tiện truyền thông hiện đại và ảnh hưởng lớn lao của chúng, tích cực nhiều nhưng tiêu cực cũng không ít. Vì vậy, việc tìm biết các quy định của Giáo Luật về truyền thông xã hội trở nên cấp bách hơn. Đây không chỉ là đòi buộc của Giáo quyền mà là kim chỉ nam cho mọi người trước sự bùng nỗ của xã hội truyền thông.
Khi tìm biết các các quy định của Bộ Giáo Luật về truyền thông xã hội, chúng ta không chỉ dừng lại ở mục Các phương tiện truyền thông với hai điều 822 và 823, mà phải chú ý đến các chỉ dẫn riêng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể Giáo Hội liên quan đến lĩnh vực truyền thông, được quy định trong các phần riêng của Bộ Giáo Luật.
13. Nhiều người đã ngõ ý tiếc vì Bộ Giáo Luật chưa hề đưa ra những biện pháp thích nghi cụ thể để cỗ động việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ chúng ta sẽ thấy: thứ nhất, Bộ Giáo Luật không phải là một cẩm nang mục vụ nhưng chỉ chú trọng tới khía cạnh bổn phận và quyền lợi. Thứ hai, cần phải quay về với những văn kiện của Giáo Hội từ Công Đồng Vatican II để tìm biết các chỉ dẫn cần thiết. Như Sắc lệnh Inter Mirifica (Truyền Thông Xã Hội) ngày 04/12/1963 của Công Đồng Vatican II về các phương tiện truyền thông xã hội; Huấn thị Communio et progressio (Hiệp thông và Tiến bộ) ngày 19/01/1971; Huấn thị Aetatis Novae (Thời đại mới) ngày 22/01/1992 cập nhật Huấn thị trước; Vào ngày 16/5 hằng năm, ngày truyền thông xã hội, Đức Thánh Cha luôn ban hành một Sứ điệp truyền thông có nội dung gắn liền với những vấn đề thời sự nóng bóng, để hướng dẫn hoạt động truyền thông của Giáo Hội và thế giới…[9]
14. Công Đồng Vatican II đã đi vào lịch sử 50 năm, Bộ Giáo Luật hiện hành đã có hiệu lực hơn 30 năm, nhưng những quy định của chúng về truyền thông xã hội dường như vẫn bị đóng băng ở Việt Nam. Cần phải tổ chức giáo dục để tiến tới thực hiện rộng rãi các quy định của Giáo Hội về truyền thông xã hội. Trong đó, cần ý thức rằng các phương tiện truyền thông không chỉ đơn thuần là kênh tin tức, mà còn là phương tiện truyền bá Tin Mừng, đồng thời là phương tiện phục vụ con người và các nền văn hoá, cũng như phục vụ sự thăng tiến và hoà hợp giữa các cộng đồng nhân loại, sau nữa là đối thoại với thế giới và các tôn giáo.
Trong bối cảnh hết sức phức tạp và rất chật hẹp của truyền thông Việt Nam, người ta ấp ủ và có quyền hy vọng rằng chính sức mạnh của các phương tiện truyền thông hiện đại sẽ giải phóng dân tộc khỏi mọi sự ràng buộc phi pháp từ phía chính quyền. Tự do và Công lý chắc chắn sẽ được rao giảng trên mái nhà (x. Mt 10, 24-33).
Tân Lập
Đại Chủng Viện Vinh – Thanh
[1] Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh Inter Mirifica (Truyền Thông Xã Hội), số 1.
[2] Trong bài này, người viết sử dụng Bộ Giáo Luật 1983, bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (NXB. Tôn giáo, Hà Nội 2007).
[3] x. Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông và Xã Hội, Huấn thị Communio et progressio (Hiệp thông và Tiến bộ), 19/01/1971, số 107.
[4] x. Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông và Xã Hội, Huấn thị Aetatis Novae (Thời đại mới), 22/01/1992, số 28.
[5] Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh Inter Mirifica (Truyền Thông Xã Hội), số 25.
[6] Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông và Xã Hội, Huấn thị Đạo Đức Trong Truyền Thông, 2000, số 25.
[7] Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông và Xã Hội, Huấn thị Giáo Hội và Internet, 2002, số 11.
[8] Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., Giải thích Bộ Giáo Luật, quyển 5, 6, 7, Rôma 1995, tr. 200.
[9] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Sứ điệp nhân ngày Truyền thông thế giới lần thứ 44, Chúa nhật 16/5/2010: Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỷ thuật số: những phương tiện truyền thông hiện đại phục vụ cho Lời Chúa.