Giáo lý cộng đồng trong Năm Đức Tin tháng 1-2013

Giáo lý cộng đồng trong Năm Đức Tin tháng 1-2013

Giáo Lý Năm Đức Tin - Mar 24/03/2014

Sau lễ Giáng Sinh, Hội Thánh có Mùa Giáng Sinh, mời gọi các tín hữu tiếp tục học hỏi, cử hành và sống đức tin vào Đấng Thiên Chúa làm người

Tháng 1/2013

Sau lễ Giáng Sinh, Hội Thánh có Mùa Giáng Sinh, mời gọi các tín hữu tiếp tục học hỏi, cử hành và sống đức tin vào Đấng Thiên Chúa làm người. Vì thế, chủ đề của tháng này là : ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN.

Chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề này trong 4 tuần lễ :

Tuần 1: Đức tin là một hồng ân.

Tuần 2: Đức tin là một nhân đức.

Tuần 3: Đức tin là một di sản.

Tuần 4: Hồng ân và trách nhiệm.

TUẦN  1

ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN

Khai triển nội dung

1. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Người nói với ông rằng không phải huyết nhục mặc khải cho ông điều ấy, nhưng là Cha của Người, Đấng ngự trên trời (Mt 16,17). Khi chứng kiến những người đã thấy các phép lạ Người làm mà vẫn không tin, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha: “Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Tất cả đều nói lên đức tin trước hết là một hồng ân chứ không phải là kết quả của nỗ lực nhân loại.

2. Đức tin là một hồng ân vì chính Thiên Chúa đi bước trước. Như thai nhi Giêsu trong lòng Đức Trinh Nữ Maria tìm đến Gioan Tẩy giả trong lòng bà Elisabeth, chính Thiên Chúa đến tìm con người trước khi con người tìm kiếm Ngài. Thiên Chúa đi bước trước bằng nhiều cách: “Để có được đức tin, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần. Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý” (Hiến chế Dei Verbum, số 5).

3. Đức tin là một hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho con người. Tuy nhiên chúng ta có thể đánh mất hồng ân vô giá đó như thánh Phaolô nói: “Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng, nên đức tin của họ đã bị chết chìm” (1Tm 1,19). Vì thế người tín hữu phải gìn giữ và vun trồng đức tin bằng cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong đời sống.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Chỉ với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có đủ khả năng để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa hay không?

Thưa: Chỉ với ánh sáng của lý trí, con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa. Hơn nữa, tự mình, con người không thể nào đi vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa đã muốn soi dẫn con người bằng cách mặc khải cho họ, không những về những gì vượt quá sự hiểu biết nhân loại, mà cả về những chân lý tôn giáo và luân lý, tự chúng vốn không vượt quá khả năng của lý trí, như vậy mọi người có thể biết được những chân lý đó cách dễ dàng, chắc chắn và không sợ sai lầm (số 4).

Hỏi: “Đức tin là một hồng ân” nghĩa là gì?

Thưa: Đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban không, và tất cả những ai khiêm tốn cầu xin đều có thể đạt tới (x. số 28).

Ý cầu nguyện:

 Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa nâng đỡ lòng tin yếu kém của con (x. Mc 9,24).

 TUẦN 2

ĐỨC TIN LÀ MỘT NHÂN ĐỨC

Khai triển nội dung

1. Giáo lý công giáo phân biệt các nhân đức nhân bản và các nhân đức đối thần. Nhân đức đối thần là nhân đức trực tiếp quy chiếu về Thiên Chúa, giúp các Kitô hữu sống tương quan với Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn gốc, động lực và đối tượng của nhân đức. Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến.

2. Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và mặc khải, cũng như những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là chân lý. Nhờ đức tin, người tín hữu tự nguyện phó thác toàn thân cho Chúa. Nhờ đức tin, chúng ta cố gắng nhận biết và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Nhờ đức tin, chúng ta như được nếm trước niềm hoan lạc và ánh sáng của ơn hưởng kiến hồng phúc. Vì thế đức tin là khởi đầu của sự sống muôn đời: “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17); “Không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6).

3. Người môn đệ Đức Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống đức tin, mà còn phải can đảm tuyên xưng, làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi tín hữu phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn gặp phải” (Hiến chế Lumen Gentium, số 42). Việc phục vụ và làm chứng cho đức tin là những điều phải có để được cứu độ: “Phàm ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Đức tin là gì?

Thưa: Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mặc khải cho chúng ta, cũng như những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân Lý. Nhờ đức tin, con người phó thác bản thân mình cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế người tin tìm biết và tìm thi hành ý muốn của Ngài, vì đức tin hoạt động nhờ đức ái (số 386).

Hỏi: Phải làm gì để vun trồng đức tin?

Thưa: Đức tin hành động nhờ đức ái và đức tin có thể tăng trưởng hoặc lụi tàn. Vì thế, phải lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện không ngừng và sống đời bác ái yêu thương. Nhờ đó, đức tin sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và trổ sinh hoa trái dồi dào (x. số 28).

Ý cầu nguyện:

 

Cầu cho những anh chị em đang gặp thử thách và khủng hoảng trong đời sống đức tin.

 TUẦN 3

ĐỨC TIN LÀ MỘT DI SẢN

Khai triển nội dung

1. Trong Tự sắc “Cửa Đức Tin”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI kêu gọi mọi tín hữu nhìn lại lịch sử của đức tin Kitô giáo cách mới mẻ, để thấy mầu nhiệm khôn dò của cuộc chiến giữa thánh thiện và tội lỗi. Việc nhìn lại đó giúp chúng ta thấy rõ trong lịch sử, đã có biết bao người góp phần vào việc phát triển cộng đoàn Hội Thánh qua việc làm chứng cho đức tin (số 13).

2. Nhờ đức tin, Đức Maria đã đón nhận lời của sứ thần; Mẹ đã tin vào lời loan báo và trở thành Mẹ Thiên Chúa trong sự vâng phục và tận hiến (x. Lc 1,38). Nhờ đức tin, các Tông đồ đã bỏ tất cả để theo Thầy (x. Mc 10,28), và theo lệnh của Thầy, đã đi khắp thế gian để đem Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16,15). Nhờ đức tin, các Kitô hữu đầu tiên tạo thành cộng đoàn tiên khởi, hiệp nhất với nhau trong cầu nguyện, trong cử hành bí tích Thánh Thể và trong việc chia sẻ đời sống chung (x. Cv 2,42-47). Nhờ đức tin, các vị tử đạo đã hiến dâng cuộc sống của mình để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Nhờ đức tin, biết bao người nam cũng như nữ đã dâng hiến cuộc sống mình cho Đức Kitô, từ bỏ tất cả để sống theo ba lời khuyên Phúc Âm. Nhờ đức tin, rất nhiều tín hữu làm chứng cho đức tin Kitô giáo của họ qua đời sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Tại Việt Nam, làm sao chúng ta quên được Các Thánh Tử Đạo và những chứng nhân đã đổ máu đào trên giải đất này để làm chứng cho Chúa, và máu của các ngài là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu ngày nay.

3. Như thế, đức tin là cả một di sản vĩ đại được trao lại cho chúng ta ngày nay. Di sản ấy cần được trân trọng giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau. Vì thế, trong Năm Đức Tin, chúng ta phải tự vấn xem mình đã trân trọng di sản ấy ra sao, và đã thi hành trách nhiệm thông truyền đức tin cho thế hệ sau như thế nào.

 

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

 

Hỏi: “Đức tin là một di sản” nghĩa là gì?

Thưa: Đức tin là một hành vi cá nhân của mỗi người đối với Thiên Chúa. Nhưng đức tin cũng là hành vi mang tính giáo hội, vì chính Hội Thánh đã đi trước, sinh ra và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Vì thế Hội Thánh là Mẹ và là Thầy (x. số 30).

Hỏi: Người Kitô hữu có trách nhiệm truyền giáo như thế nào?

Thưa: Các Kitô hữu phải loan báo cho mọi người Tin Mừng đã được Đức Kitô mang đến, và khi bước theo cùng một con đường như Người, họ phải sẵn sàng hi sinh bản thân, thậm chí đến chỗ tử đạo (x. số 173).

Ý cầu nguyện:

 Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; xin Chúa sai thợ gặt đến cánh đồng của Chúa.

TUẦN 4

HỒNG ÂN VÀ TRÁCH NHIỆM

Khai triển nội dung

1. Nếu đức tin là một hồng ân thì chúng ta phải cầu xin. Nếu đức tin là một nhân đức thì người tín hữu phải tập luyện. Và nếu đức tin là một di sản thì chúng ta phải trân trọng giữ gìn. Hồng ân luôn hàm nghĩa trách nhiệm. Chúa đã trao cho những nén bạc thì chúng ta có bổn phận làm cho những nén bạc ấy sinh lời chứ không thể chôn vùi xuống đất (x. Mt 25,14-30). Trách nhiệm này được gồm tóm trong hai việc: vun trồng và thông truyền.

2. Phải vun trồng đức tin bằng cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, học hỏi giáo lý và sống đức ái. Cầu nguyện là sự thể hiện đức tin rõ nét nhất vì cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin. Lắng nghe Lời Chúa để tìm biết và thực thi thánh ý Chúa, nhờ đó sống xứng đáng là con cái Chúa. Học hỏi giáo lý để hiểu rõ hơn tôi tin vào ai và tại sao tôi tin, nhờ đó có thể trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của chúng ta (x. 1Pr 3,15). Sống đức ái vì đức tin không có hành động là đức tin chết (Gc 2,26) và giống như đèn mà không có dầu.

3. Cùng với việc khai mở Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về đề tài Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo. Như thế, đức tin không chỉ cần được vun trồng mà còn cần phải thông truyền. Trong Thư Mục Vụ Năm Đức Tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong việc thông truyền đức tin. Trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, các gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng đức tin, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho con cái. Ngày nay, do tác động của đời sống, nhiều gia đình trẻ không còn ý thức đủ về điều này nữa. Chúng ta cần nhắc nhở nhau để xây dựng gia đình của mình thành nhà thờ (thờ phượng Chúa), nhà trường (dạy giáo lý), và nhà thương (mái ấm của tình thương); nhờ đó con cái được hít thở và lớn lên trong bầu khí đức tin trong lành.

 

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Cha mẹ có bổn phận nào đối với con cái?

Thưa: Vì được thông phần tư cách làm cha của Thiên Chúa, cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, và cũng là những người đầu tiên loan báo đức tin cho chúng (số 460).

Hỏi: Làm thế nào cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái?

Thưa: Cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái chủ yếu bằng gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham gia vào đời sống Giáo Hội (số 461).

Ý cầu nguyện:

Xin cho các gia đình công giáo ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái.