Mái nhà, gia đình, gia tộc, tất cả là những hình ảnh đậm nét trong tim óc mỗi người những ngày cuối năm, bởi Tết sắp đến, ai cũng háo hức, nôn nao, bồn chồn, trông ngóng được về nhà, gặp mẹ cha, thăm ông bà. Những ngày cận kề Tết, không ai không mơ được trở về mái ấm “có bóng cha hiền hoà, có tình mẹ rất bao la”, không người nào đi xa, “tha hương nơi đất khách quê người” mà không xao xuyến, bùi ngùi nhớ tổ ấm gia đình, ở đó nồng nàn một tình yêu vô vị lợi, tinh tuyền. Và ngày xuân, chính là ngày làm rộn rã, vui mừng trái tim những đứa con được gối đầu vào lòng mẹ, nhưng cũng là ngày làm tim con thổn thức, nghẹn ngào, vì không được sưởi ấm bởi vòng tay ôm nồng ấm của cha.
Tiếng Anh phân biệt rõ “House” và “Home”. Tuy cả hai đều có thể dịch chung là nhà, nhưng ý nghiã nhà của House hoàn toàn khác ý nghiã nhà của Home, bởi Home ăm ắp ân tình, còn House hoang vắng, trống trải. Hoang vắng, vì House chỉ là nhà để ở, nhà che nắng che mưa, nhưng không có tình yêu, khi người ra kẻ vào không thực sự quan tâm đến nhau, và nếu có chào nhau, thì cũng chỉ là những lời chào ước lệ của thói quen lịch sự, như người ra kẻ vào ở nhà nghỉ, khách sạn ; trống trải vì người ở trong nhà này không gắn bó, liên kết, hiệp thông, hiệp nhất trong một tình yêu ngào ngạt hương hy sinh như thành viên của Home : mái nhà, mái ấm.
Vì lý do này, mà không phải “nhà” nào cũng lôi cuốn, hay cứ là “nhà” thì đi xa sẽ nhớ, bởi thực tế đã có những đứa con bỏ nhà đi, vì không chịu nổi cảnh địa ngục của nhà, những bà mẹ ôm con bỏ nhà đi, vì nhà trở thành nơi giam giữ với đe dọa, trừng phạt, bạo hành, những thành viên của nhà mỗi lần nhớ đến nhà đều run rẩy sợ hãi vì bầu khí ngột ngạt đố kỵ, hận thù. Cũng vì thế, mà ngày Tết, dịp đầu Xuân, con cái chỉ trở về mái nhà, mái ấm có tình mẹ cha, có tình huynh đệ, chứ không tìm về ngôi nhà hoang vu, lạnh lẽo, hay gian nhà hiu quạnh, vắng vẻ tình gia đình.
Như thế, cái làm cho nhà ấm áp là tình yêu, cái làm cho nhà rôm rả tiếng cười của niềm vui là tình yêu, cái làm cho mọi người trong nhà hạnh phúc là tình yêu, cái làm cho con cái mong mỏi, trông ngóng, háo hức được trở về nhà cũng là tình yêu. Tình yêu biến House thành Home ; tình yêu làm cho ngôi nhà, cái nhà, gian nhà, khu nhà thành mái nhà, mái ấm ; tình yêu có phép thần làm cho lều tranh siêu vẹo, ổ chuột nghèo khó, vách lá thô sơ thành tổ ấm, tổ uyên ương, nôi hạnh phúc, lều “ông hoàng”. Thế nên nhà thiếu tình yêu, người ta sẽ không nhớ nhà, không mong về nhà, không thấp thỏm trông ngóng tin nhà, không vội vã, khấp khởi thu xếp trở về gặp người nhà dịp đầu Xuân, dưới mái nhà hạnh phúc.
Qủa thực, chúng ta không thể xa nhà mà không quay quắt nhung nhớ, nếu ở nhà có ba mẹ như vợ chồng bác phó Thức trong tác phẩm “Anh phải sống” của Khái Hưng và Nhất Linh thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn : Anh Thức, chị Lạc nghèo lắm, tuy cả hai làm phu hồ, nhưng không đủ tiền nuôi ba con nhỏ : cái Lớn, cái Bé, thằng Bò. Đứa lớn nhất mới năm tuổi đã phải trông hai em cho ba mẹ đi làm.
Vào những ngày mưa lớn, nước sông Nhị Hà dâng cao, cuồn cuộn chảy kéo về những thân cây, cành khô trôi từ rừng về. Vớt được những thân cây, cành khô này đem bán cho bà Ký thì được bà cho vay tiền mua gạo cho con. Đứng trên đê Yên Phụ, hai vợ chồng nhìn những thân cây, cành khô trôi mà thèm thuồng, khi nghĩ đến bát gạo cuối cùng, chỉ đủ cho hai con gái ăn bữa chiều nay, nhưng khốn khổ thay, mưa vẫn to, gió vẫn lớn, sấm chớp vẫn đùng đùng và nước sông vẫn cuồn cuộn chảy làm cả hai do dự, vì nguy hiểm đe dọa.
Cuối cùng thì cả hai đã xuống chiếc thuyền nan bơi ra giữa sông để vớt thân cây, cành khô… Bỗng thuyền bị lật sấp, lôi theo cả thuyền và những khúc cây, cành khô đã vớt được. Cả hai vất vả bơi vào bờ, nhưng nước sông cuồn cuộn làm chị Lạc đuối sức. Anh Thức thấy vợ chìm lỉm, vội vàng bơi lại gần, một tay xốc nách vợ, một tay cố bơi vào bờ. Nhưng mưa càng to, nước sông mỗi lúc càng dâng cao dữ dội, và đến lượt anh Thức đuối sức. Lúc này, thì anh không còn có thể vừa xốc vợ vừa bơi, và chị Lạc chỉ còn có thể bám lấy vai chồng. Bất chợt, chị thảng thốt nói với chồng : “Em buông ra cho mình bơi nhé !” khi thấy chồng mệt lả. Anh Thức dứt khoát trả lời : “Không, cùng chết cả”. Bỗng trước mắt chị hiện ra hình ảnh ba con nhỏ lung linh trong dòng lệ : thằng Bò, cái Lớn, cái Bé, và chị biết mình phải buông chồng ra, vì anh không còn có thể kéo được chị, mà chỉ có thể bơi được vào bờ một mình. Và chỉ trong chớp mắt, tình yêu dành cho ba con nhỏ đã cho chị nghị lực để buông vai chồng, và chìm nghỉm trong dòng nước dữ dội, sau lời trăn trối “Anh phải sống”.
Vâng, có được người cha thương vợ, thương con như anh Thức ; có được người mẹ hy sinh cho chồng, cho con như chị Lạc, thì chẳng đứa con nào phải bỏ nhà đi hoang, hay bê tha rượu chè, hút sách, vì tình yêu cha mẹ qúa vĩ đại, lớn lao sẽ dư sức bảo vệ, gìn giữ, chăm sóc, nuôi nấng đàn con nên người trưởng thành, hạnh phúc, và mái nhà sẽ mãi là mái ấm của đàn con suốt cuộc đời chúng.
Hình ảnh gia đình có hạnh phúc của mùa xuân cũng là hình ảnh của gia đình “chim cánh cụt”, mà sinh hoạt của chúng không khỏi làm chúng ta suy nghĩ : Hàng triệu chim cánh cụt cha có nhiệm vụ đứng một chỗ ba tháng liền mà không di chuyển, không ăn uống giữa trời đầy tuyết. Chim cha đứng đó để ấp trứng con, bằng đặt trứng trên hai bàn chân ngóc lên cao để trứng không một giây chạm vào tuyết lạnh. Lãnh nhiệm vụ ấp trứng thay vợ, vì vợ không thể đứng yên một chỗ giữa trời đông giá, càng không đủ sức vừa chịu lạnh vừa nhịn đói suốt ba tháng ấp trứng. Vì thương vợ, chim cánh cụt chồng nhường việc đi kiếm thức ăn cho vợ, vì công tác này được xem như nhẹ nhàng hơn phải đứng yên một chỗ dưới tuyết lạnh thời gian dài để ấp trứng. Đến ngày trứng nở ra chim con, thì chim mẹ mang thức ăn về nuôi con.
Có một điều lạ là khi trở về, chim cánh cụt vợ tìm đến đúng chồng mình, giữa hàng triệu chim cánh cụt cha đứng sát nhau im lìm ấp trứng, mà không lộn chồng, “lộn chuồng”. Cũng như sau này, khi chim con khôn lớn, nếu chẳng may bị lạc, nó tìm về đúng cha mẹ mình giữa bầy chim cánh cụt hàng triệu con chen chúc.
Hình ảnh chim cánh cụt vợ tìm về đúng chồng mình giữa hàng triệu con khác, chim cánh cụt cha thay vợ đứng ấp trứng giữa trời đông tuyết, chim cánh cụt con đi lạc sẽ tìm về chính xác chỗ cha mẹ mình đã nói lên sự gắn bó kỳ diệu của loài chim cánh cụt trong tình yêu gia đình. Chúng yêu nhau và hy sinh cho nhau ; chúng yêu nhau và không phân bì, so đo trước công việc vất vả, nặng nề, nhưng đỡ đần, chia sẻ và sẵn sàng thay nhau tùy sức gánh vác.
Tóm lại, gia đình chỉ có muà xuân khi có tình yêu, chỉ mang lại hạnh phúc cho mỗi thành viên khi mọi người trong nhà biết hy sinh cho nhau. Thiếu tình yêu, căn nhà sẽ hoang vắng, ngôi nhà sẽ tiêu điều ; thiếu hy sinh, mái ấm sẽ lạnh tanh, mái nhà sẽ trống trải. Và điều này cho chúng ta nhận ra một chân lý, đó là tình yêu gia đình cũng như bất cứ tình yêu nào khác không thể thiếu hy sinh, bởi yêu ai là trao ban, dâng tặng chính mình cho người ấy, bởi tình yêu đích thực chính là ước mơ và quyết tâm thực hiện ước mơ đem lại Hạnh Phúc cho người mình yêu.
Và mỗi độ Xuân về, gia đình luôn là nơi đàn con cháu ngong ngóng trở về đoàn tụ quanh ông bà, cha mẹ, bởi chỉ ở gia đình, chúng ta gặp được tình yêu hy sinh, tình yêu quên mình, tình yêu đón nhận mọi thiệt thòi, tình yêu liều lĩnh trước mọi thử thách, nguy hiểm, tình yêu chịu đựng, xóa mình, tình yêu trao dâng vô điều kiện, tình yêu cho đi mà không chờ được đền đáp, tình yêu trở nên Ơn Gọi, Sứ Mệnh, Lẽ Sống cho duy nhất một mục đích là Hạnh Phúc của người mình yêu.
Với tất cả tâm tình và niềm vui ngày đầu năm mới, cùng Bạn, người viết xin kính chúc Ông Bà, Cha Mẹ, và Gia Đình chúng ta một muà Xuân như ý : Trái Tim đầy Tình Yêu, Cuộc Sống ngợp Tiếng Cười, Gia Đình chan hoà Hạnh Phúc.