Trong xã hội Do thái, Trẻ em được liệt vào hạng người sống ngoài lề luật,vì chúng chưa biết luật, nên thường bị con khinh, không được tính đến (“không kể đàn bà và trẻ em…” !). Dầu vậy, các bậc cha mẹ rất thích đem con cái mình đến với những vị thầy có uy tín, có đức độ để xin chúc lành. Thế là xảy ra mâu thuẫn. Ở đây, các tông đồ đã đại diện cho lề luật để ngăn cấm các cha mẹ khi họ đem con đến với Chúa Giêsu.
Có lẽ đây là bức tranh đẹp và rất nên thơ trong Tin Mừng đã họa lại cảnh Chúa Giêsu và các trẻ em. Đang khi danh tiếng của Thầy Giêsu nổi bật, Thầy trở thành nhân vật quan trọng trong mắt mọi người. Vì thế, việc để các trẻ em đến quấy rầy, làm mất thời gian của Thầy là điều các môn đệ không thể chấp nhận được!
Với suy nghĩ đó, các môn đệ đã ngăn cản các trẻ nhỏ đến gần Đức Giêsu, nhưng Chúa Giêsu lại phản ứng ngược lại: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Cũng như lần trước, Chúa Giêsu muốn các môn đệ thấu hiểu điều kiện thiết yếu để thuộc về Nước Thiên Chúa và được cứu độ, Chúa đã nói với các ông: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”.
Trang Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào". Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: "Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn".
Nước Thiên Chúa là một hồng ân ban một cách nhưng không, phải đón nhận với lòng đơn sơ, biết ơn và cảm phục của các trẻ thơ. Quan sát tâm hồn và cách hiện diện của các trẻ em chúng ta dễ nhận ra rằng:
Trẻ em thì không quan tâm gì về thứ hạng. Chúng chẳng cần biết đến những người quanh chúng ai lớn hơn – ai nhỏ hơn, ai lớn nhất – ai nhỏ nhất.
Trẻ em thì tin trọn vẹn và nhanh chóng. Khi chúng ta nói với đứa trẻ rằng chúng ta sẽ làm điều gì đó cho nó, và nó sẽ hy vọng cho đến khi thấy được điều chúng ta nói là thật.
Trẻ em chỉ nói những gì có ý nghĩa với chúng. Chúng thường có thói quen nói chính xác những gì chúng nghĩ. Không có vấn đề xấu hổ hoặc sợ xúc phạm khi chúng phải nói. Và chúng không nói có ẩn ý bao giờ.
Trẻ em có một tâm hồn vui tươi. Chúng cười một cách tự do ngay cả khi chỉ có một mình. Chúng cũng dễ quên và không bao giờ để bụng hoặc nhắc hoài về một lỗi lầm của một ai đó gây ra cho chúng.
Trẻ em biết làm thế nào để có niềm vui. Hãy xem chúng chơi với những thứ rất thường như lá cây, que kem, hay tờ giấy. Chúng dạy chúng ta rằng, niềm vui có thể được tìm ngay trong những điều đơn giản nhất.
Với trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta về cách sống hiền lành, khiêm tốn đón nhận mọi người. Chúa cũng dạy chúng ta hãy nên như trẻ thơ để dễ đến với Chúa. Chúng ta tự hỏi, đều gì ngăn cản chúng ta chưa đến với Chúa trong tâm tình của trẻ thơ ? Chúng ta hãy sống Lời Chúa như trẻ thơ, hãy đặt trọn niềm tin nơi Chúa và thân thưa cùng Ngài với lời Thánh Vịnh 130: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130).
Trên thực tế, chúng ta đã thích làm một người lớn để loại trừ nhau. Như các tông đồ trong bài Tin mừng, chúng nhân danh nhiều thứ để ngăn cản người khác đến với Chúa, nhân danh việc bảo vệ luật lệ, kỷ cương, bảo vệ Giáo hội….mà thực chất là óc bè phái cục bộ, kỳ thị ẩn sâu trong tâm hồn là sự kiêu căng, để gièm pha nói xấu, để hạ người khác, nhóm khác xuống; hay ít ra là thiếu sự cởi mở hơp tác chân tình, dẫn đến tình trạng thiếu bác ái ngay trong việc bác ái, phản chứng nhân ngay trong việc tông đồ.
Những thái độ đó đã trở thành gương mù gương xấu để ngăn cản biết bao người thành tâm thiên chí đến với Chúa, đã làm nhụt chí nhiều tâm hồn quảng đại muốn dấn thân phục vụ, nhiều chiên lạc không tìm được đường về, nhiều kẻ bé mọn bị thiệt thòi không được quan tâm chăm sóc đầy đủ.
Ðức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?" Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con".
Thật vậy, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được.
Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.
Để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.
Tất cả mọi người đều được mời gọi vào Nước trời, chỉ với một điều kiện là sống tin yêu phó thác nơi cha trên trời và quảng đại đón nhân mọi người như anh em con cùng một Cha, mà trẻ em có đủ những đức tính mà Chúa Giêsu đòi hỏi. Tinh thần Con thơ Phó Thác đã được Thánh Têrêsa Hài đồng khai thác và áp dụng thành công, một con đường nên thánh giản đơn và dễ dàng mà biết bao con người đang theo con đường ấy để trở nên những đại thánh.
Ước gì đời sống của mỗi Kitô hữu chúng ta cũng đơn sơ trong sáng như trẻ nhỏ, để đáng được Chúa đặt tay và chúc lành cho chúng ta mỗi ngày.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.
Tuệ Mẫn