Sau khi công bố về Tám Mối phúc, còn gọi là hiến chương Nước Trời, trên núi Chúa Giêsu đã giới thiệu về bản thân mình như một Môsê mới; Ngài đến để kiện toàn lề luật và Ngài cũng là Đấng ban luật. Và rồi ta thấy trang Tin Mừng hôm nay vừa nghe nằm trong phần công bố Nước Trời theo cách sắp xếp của Thánh sử Matthêu. Đây chính là mối tương quan của Chúa Giêsu với Cựu ước. Ngài là Đấng Mêsia, Đấng phải đến và là Đấng Israel đang mong chờ. Nơi Ngài, mọi lời Thiên Chúa hứa và phán qua các ngôn sứ đều được thực hiện.
Những điều cốt yếu trong Thánh Kinh, nhằm biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa, đó là những điều rất cao cả và quan trọng, thước đo lòng yêu mến của con người đối với Thiên Chúa, tiêu chuẩn của sự thánh thiện, con đường dẫn đến ơn cứu độ chính là luật Môsê và lời các ngôn sứ. Và rồi, trang Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu làm sáng tỏ những chiều kích ấy, và Ngài làm cho nó nên trọn hảo, có ý nghĩa chân thực đúng thánh ý Thiên Chúa hơn. Nhờ đó, chúng ta tuân giữ giới luật của Thiên Chúa có giá trị mới mẻ đúng Tin Mừng hơn. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c.17).
Quả thật, Chúa Giêsu đã đẩy luật Môsê đi sâu vào phẩm chất của luật. Có lẽ vì thấy người Do Thái giữ luật chi theo hình thức bên ngoài “mã tô vôi” mà quên đi điều cốt lõi là sự yêu thương và lòng bác ái… “Lề luật hay lời các ngôn sứ” được nói ở đây ý chỉ là tất cả Cựu Ước, chứ không chỉ là những cuốn sách. Qua mạc khải, chính Chúa Giêsu là đích điểm của tất cả lịch sử dân Chúa, là trung tâm lịch sử cứu độ, là ý nghĩa mà toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước nói tới. Ngài khẳng định: Ngài đến để kiện toàn luật, nghĩa là Ngài đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa đích thực của nó.
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Luật lệ vốn là lời loan báo của các ngôn sứ về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Ta vừa nghe Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bải bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bải bỏ, nhưng là để kiện toàn”.
Lập trường của Ngài đối với toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước được Chúa Giêsu hôm nay khẳng định lại. Chúa Giêsui không phải là con người bảo thủ, cứng nhắc, Ngài cũng không chủ trương cách mạng, thay đổi tất cả nhưng là kiện toàn. Chúa Giêsu đem lề luật đến chỗ thập toàn, đạt được ý nghĩa tròn đầy, đích thực và cánh chung, đúng ý của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói: “Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo…” như vậy, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là người lập luật cao hơn Môsê, và Ngài đưa luật về sự tinh tuyền nguyên thủy với những yêu sách trước tiên nơi lòng dạ chính trực của con người. Chúa Giêsu đưa ra vài sự kiện điển hình: Ngài không chỉ kết án tội sát nhân, mà còn những tình cảm trong lòng dẫn đến tội sát nhân, có mức độ tăng dần như nóng giận rồi mắng nhiếc, chửa rủa và án phạt tương ứng tăng dần từ địa phương đến Thượng Hội Đồng, và đến lửa hỏa ngục.
Về tội ngoại tình, Chúa Giêsu nói thẳng: Ai nhìn người nữ mà có lòng thèm muốn thì đã phạm tội rồi. Ngài còn đi đến mức dứt khoát: “Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi phạm tội thì hãy múc nó đi, nếu là tay, là chân thì hãy chặt nó đi”. Chúa cũng phân định luật yêu thương là luật cao hơn mọi luật khác.
Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Chúa Giêsu khai mở, cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại. Người Kitô hữu gốc Do Thái khi theo Chúa Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo, bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông Giáo huấn của Chúa Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.
Là người Kitô hữu, là người có Chúa Kitô trong cuộc đời, ta được mời gọi phải sống trọn vẹn tinh thần của luật Tin Mừng, để làm chứng cho nước Thiên Chúa đang ở giữa ta, và diễn đạt thánh ý Thiên Chúa qua chính đời sống của mình như là con người của Nước Trời.
Một khi ta giữ luật Tin Mừng cách trọn hảo đầy đủ, ta làm chứng cách hùng hồn hiệu quả và giá trị của Tin Mừng, ta được trở nên hoàn thiện, nói lên lý tưởng và cùng đích cuộc sống của ta. Ta phải tuân giữ luật Chúa với lòng yêu mến Chúa và tôn trọng luật, vì đó là thánh ý của Chúa. Ta giữ luật không chỉ với mục đích thánh hóa bản thân, mà còn mang ý hướng tông đồ là nêu gương và dạy cho người khác bằng chính đời sống của mình.
Trong tâm tình suy niệm về tương lai, về mai hậu và nhất là về Nước Trời, ta duyệt xét và chỉnh đốn cách giữ luật và tâm tình giữ luật của ta, để ta chỉnh đốn lại hầu đạt được con người mới, con người của Tin Mừng, con người của ơn cứu độ. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để ta trở nên hoàn thiện như Chúa muốn.
Tuệ Mẫn