Gđt 63:2,3-4,5-6; Mc 11:27-33
KHÔNG BIẾT !
Sau khi Chúa Giêsu đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ, “các thượng tế, kinh sư và kỳ mục” họp bàn với nhau để chủ ý ghép Chúa Giêsu vào tội “lộng quyền” nhằm giết Chúa Giêsu. Họ bàn bạc và sắp xếp với nhau một câu hỏi, để câu trả lời của Chúa Giêsu cũng chính là lời kết tội Ngài. “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ?”. Đây là một câu hỏi “tà tâm” nhằm tấn công Chúa Giêsu, chứ không phải là một câu hỏi “thành tâm” thực sự muốn biết năng quyền của Chúa để suy phục Ngài.
Những người Do Thái xưa khi thấy Chúa Giêsu làm những phép lạ, chữa lành bệnh nhân, và khi Chúa Giêsu vào đền thờ, thấy dân chúng tụ tập buôn bán chiên bò, đổi tiền ngay tại sân đền thờ, Chúa Giêsu đã nổi giận, Ngài lấy dây thừng làm roi và xua đuổi bọn họ, Ngài lật đổ bàn ghế, xua đuổi họ và nói: Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán. Vì Chúa Giêsu đã đụng chạm đến quyền lợi của những thày thượng tế và những luật sĩ, nên họ muối chất vấn Chúa Giêsu: Ông lấy quyền nào mà làm điều đó, ai cho ông quyền làm điều đó?
Chính hành động của Chúa Giêsu sẽ làm cho Đền thờ mất đi mối lợi tức ấy. Do vậy, họ đã chặn Chúa Giêsu lại để gài bẩy lên án và kết tội Ngài. Họ chặn Chúa Giêsu và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” Họ hỏi thế, không phải vì lòng chân thành muốn biết rõ Chúa Giêsu có phải là Đấng Mê-si-a hay không, nhưng đúng hơn là với một giả tâm muốn gài bẩy để giết Chúa Giêsu. Biết được ác ý của họ, thay vì trả lời câu hỏi thì Chúa Giêsu lại hỏi ngược lại họ.
Với câu trả lời của Chúa Giêsu tình thế đối thoại bị đảo ngược, thay vì khó khăn đến với Chúa Giêsu để rồi Ngài sẽ bị kết án, thì giờ đây khó khăn đến với “các thượng tế, kinh sư và kỳ mục”. Họ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu nói theo kiểu Thánh Vịnh 7,17 thì họ bị mắc vào cái bẫy mà chính họ đặt ra. Quả là : “Hại người chẳng hóa hại thân, gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”. Câu hỏi của Chúa Giêsu dồn họ vào thế buộc họ phải trả lời. Tuy nhiên, họ đã không tìm được câu trả lời nào có lợi cho họ. Họ bèn trả lời một cách vô trách nhiệm : “Chúng tôi không biết.” (c.33).
Có thật “các thượng tế, kinh sư và kỳ mục” “không biết” hay chỉ là né tránh sự thật ? Họ đã nghe biết nhiều về Gioan, nhưng họ không tin Gioan vì họ sợ, nếu tin Gioan thì họ sẽ phải tin cả Chúa Giêsu nữa. Họ không dám nói ra điều đó cho dân chúng vì dân chúng tin ông Gioan, và “ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ”. Nỗi sợ bị mất uy tín, mất chỗ đứng, nỗi sợ phải đối diện với sự thật và lương tâm đã khiến họ trả lời bằng một câu trả lời vô trách nhiệm : “Chúng tôi không biết.”.
Người ta chất vấn Chúa bởi vì họ đã không tin và không chấp nhận Ngài, người ta không muốn Chúa can thiệp đến quyền lợi cá nhân của họ, ở trong mắt những thượng tế, Chúa Giêsu chỉ là một người như bao người khác và họ không muốn chấp nhận Chúa Giêsu là một vị Thiên Chúa. Những người này không đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, vì sự kiêu căng đã che mờ con mắt của họ, và tính tự phụ đã khiến họ không dám nhìn vào sự thật, dù họ thấy dân chúng đang tuôn đến với Gioan, và sự xuất hiện của Gioan đã như là một phép lạ; hơn thế nữa, dân chúng đang lũ lượt đến để nghe Gioan rao giảng, lãnh phép rửa bày tỏ lòng sám hối, tất cả những việc đó đáng lẽ dưới con mắt của người có đức tin, thì phải tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động nơi Gioan.
Tuy nhiên khi Chúa Giêsu đưa ra cho họ một câu hỏi: Vậy thì theo các ông phép rửa của Gioan là bởi Trời hay bởi con người? Một câu hỏi rõ ràng như thế mà các thượng tế đã không dám trả lời, không dám trả lời không phải vì họ không biết, nhưng vì họ tránh né để khỏi phải nói lên sự thật, khỏi phải đối diện với sự thật họ sợ rằng khi nói lên sự thật, Chúa sẽ bắt bẻ lại họ rằng: Tại sao các ông không tin? Và họ đã trả lời: Chúng tôi không biết.
Trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta, cũng có lúc chúng ta hành xử giống như thế. Nhiều khi chúng ta muốn thoái thác trách nhiệm, chúng ta thường trả lời “tôi không biết”. Có lúc chúng ta ngại ngần giúp đỡ ai thoát cảnh khó khăn, chúng ta ngại dừng lại sợ mất thời giờ, chúng ta ngại phải chia sẻ gánh nặng với ai đó, chúng ta thường chọn câu trả lời “tôi không biết”.
Và rồi cũng chính trong đời sống con người thường hay tìm cho mình sự tư lợi, tìm cho mình một địa vị trong xã hội. Khi mục đích đời họ là đi tìm những thứ phù phiếm của tiền tài danh vọng, họ rất ghét những ai có và sẽ có tầm ảnh hưởng hơn họ. Bởi lẽ, họ không muốn mình là hạng hai và thứ yếu so với kẻ khác và cũng vì đó mà họ khó đón nhận sự hiện diện của những điều thánh thiêng, và càng khó hơn khi đón nhận những “ngôn sứ” của Thiên Chúa.
Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư đã rơi vào vòng “kim cô” của thế tục ấy, nên họ càng ghét Chúa Giêsu hơn, bởi Ngài có một tầm ảnh hưởng lớn lao trong dân chúng. Chính thái độ và cung cách ấy mà họ đâm ra sợ hãi, họ mới trả lời với Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không biết”. Họ trả lời không biết không phải vì họ không biết mà là họ không dám biết và không muốn biết, bởi cái biết ấy sẽ ảnh hưởng trên thế lực, địa vị và quyền lợi của họ.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường cũng giả hình như những luật sĩ và kinh sư vậy, muốn tìm cho mình một vị thế mà không ai có thể tranh dành được và chính lẽ đó, chúng ta thường để ngoài tai những giáo huấn của Ngài. Nguyện xin Thánh Thần cải hóa tâm hồn mỗi chúng ta, để mỗi khi nghe Lời của Chúa, chúng ta cũng dám đứng phắc dậy và vứt bỏ sau lưng mọi thứ bám víu như anh mù Bác-ti-mê vậy, để nhờ đó đôi mắt tâm hồn chúng ta được mở rộng, mà sống giáo huấn của sự sống của Ngài
Tuệ Mẫn