Lễ Các Đẳng Linh Hồn

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Nov 01/11/2024

Lễ Các Đẳng Linh Hồn

Pl 1:18-26; Tv 42:2,3,5; Lc 14:1,7-11

NAY NGƯỜI – MAI TA

 

Chúng ta vừa bước vào tháng 11, tháng dành riêng cầu nguyện cho các kẻ đã qua đời. Thực ra, chẳng ngày nào mà Giáo Hội, qua các Thánh Lễ, lại chẳng cầu nguyện cho họ. Nhưng tháng này, Giáo Hội muốn chúng ta sống ý thức hơn và thực hành mạnh mẽ hơn việc đạo đức này. Như vậy, hôm nay quả là dịp tốt để dâng lễ cầu nguyện cho mọi tín hữu đã khuất; trong đó có ông bà, cha mẹ, thân quyến, bạn hữu và các bậc thầy của chúng ta nơi Chủng Viện này. Nhờ Ơn cứu chuộc của Đức Kitô, xin cho mọi người đã “vắng bóng”được tha thứ mọi tội lỗi và hưởng phúc lộc Thiên đàng”.

Hôm nay và suốt tháng 11 này, người Công giáo chúng ta đặc biệt quan tâm cầu nguyện cho những người quá cố. Chúng ta thường nghĩ họ đang phải chịu thanh luyện bằng đau khổ để trở nên hoàn hảo. Sự thanh luyện đó được Giáo Hội định tín: «Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là “Thanh Luyện”» (DS 856/464).

Mục đích của việc thanh luyện là làm cho linh hồn trở nên hoàn hảo, hoàn toàn vị tha, đầy tình thương, không còn một chút tâm địa ích kỷ, độc ác, tham lam nào nữa. Thiên Đàng đòi hỏi một sự hoàn hảo như thế thật là hợp lý, vì đó là một «nơi» hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thánh thiện, là «nơi» chúng ta sẽ trở về để hưởng hạnh phúc muôn đời. (Gọi là «nơi» thì chỉ là tạm gọi, vì thật ra, Thiên đàng, luyện ngục hay hỏa ngục không phải là nơi chốn, là không gian vật lý cho bằng là những tình trạng tâm linh hoặc tâm lý. Chẳng hạn: Thiên Đàng là tình trạng tâm linh hoàn toàn hạnh phúc, không còn một chút đau khổ, của những tâm hồn hoàn hảo, thánh thiện. Còn Hỏa Ngục là tình trạng tâm linh hết sức đau khổ của những tâm hồn độc ác, xấu xa, ích kỷ…)

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu giới thiệu Ngài là “Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh này thì có sự sống đời đời. Và bánh ta sẽ ban, chính là thịt TA, để cho thế gian được sống”. Ngài còn nhấn mạnh: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”.

Bánh Hằng Sống là lương thực làm cho sống. Không phải như mân trong sa mạc chỉ nuôi dưỡng phần xác, Bánh Hằng Sống làm cho người ăn có được sự sống đời đời. Câu hỏi “làm thế nào có được sự sống đời đời”, là thao thức của nhiều người tìm đến với Chúa Giêsu. Người hướng dẫn họ tuân giữ Lề Luật theo một tinh thần mới, hoán cải đời sống và tin vào Đấng được Thiên Chúa sai đến.

Tin vào Chúa Giêsu không chỉ là một sự chấp nhận của lý trí, nhưng còn phải sống theo Lời Người và kết hợp mật thiết với Người. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa nhấn mạnh đến việc “ăn thịt và uống máu Người”

“Ăn thịt và uống máu Người” nói lên sự hiệp thông giữa người môn đệ và Chúa Giêsu, giống như hình ảnh cành nho gắn liền với thân nho. Những ai ăn và uống máu Người thì có sự sống của Người thông truyền ngay khi còn ở đời này. Sự sống này không bị gián đoạn do cái chết, vì Chúa hứa cho sống lại trong ngày sau hết. Giữa khoảng cách của cái chết và sự sống lại trong ngày sau hết, sự sống của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nuôi dưỡng người tín hữu.

Tin vào Chúa Giêsu mang lại sự sống đời đời; “Như ông Môi-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3, 14-16)

Chúa Giêsu cầu nguyện tiếp: «Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yeu thương con trước khi thế gian được tạo thành».

Người môn đệ được chia sẻ điều kiện sống của Thầy, sự vâng phục trong sự hạ mình và sự tôn vinh trong vinh quang.Sự chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Giêsu Kitô cũng là sự hiểu biết về tình yêu liên kết Chúa Cha và Chúa Con: chính trong sự hiệp nhất này mà nền tảng của sự hiện hữu con người tìm thấy chỗ đứng của mình.

Vì người tin vào Chúa Giêsu và trở thành môn đệ của Ngài, hiện diện trong Chúa Ba Ngôi, nên người đó được tham dự vào sự sống của Thiên Cha: đó là sự sống đời đời. Chúa Giêsu ao ước là Ngài ở đâu thì người tin vào Ngài cũng được ở đó. Nơ Chúa Giêsu ở không phải tùy thuộc vào nơi chốn, vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và Chúa Giêsu luôn hiện diện với Chúa Cha.khi Chúa nhập thể làm người, Ngài hiện diện hữu hình giữa các môn đệ và vẫn liên kết với Thiên Chúa Cha. Khi Ngài chịu an táng trong mồ, các môn đệ không thấy Ngài, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa các ông trong sự vắng mặt. Bằng chứng là sau khi sống lại, Chúa hiện ra với các môn đệ và Ngài biết rõ những điều họ lo lắng, nghi ngờ. Sau khi về trời ngự bên hữu Thiên Chúa, hứa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện bên các môn đệ trong Thánh Thần, Đấng làm cho các môn đệ nhớ lại Lời Chúa Giêsu và bầu cử cho họ trước mặt Thiên Chúa.

Hằng ngày Giáo Hội dâng lễ nài xin Ơn tha thứ cứu độ của Chúa Giêsu cho các linh hồn; suốt tháng 11 này và đặc biệt hôm nay ngày 2.11 còn tăng lên gấp 3 (mỗi Linh mục được làm 3 lễ trong ngày). Giáo Hội kêu gọi chúng ta luôn nhớ về và sốt sắng cầu nguyện cho những người đã khuất. Cầu nguyện là góp phần mình vào mở kho Ân xá, nhường cho các linh hồn nơi luyện ngục, khi họ không thể làm được việc lành cứu mình. Giáo Hội còn khuyến khích đi viếng nghĩa địa, sửa sang mồ mả và cầu nguyện cho các linh hồn, vì: “Mồ thật chôn các người chết là trái tim của người sống” (Tục ngữ).

Thế nên, người sống có nhớ đến, có cầu…thì người chết mới mát mẻ thanh nhàn. Thật ra, không phải cầu cho người “chết”. Nếu chết là chấm tận, hết chuyện thì cầu làm gì và ích lợi gì? Nhưng là cầu cho nguời vượt qua cõi chết, đi vào cõi sống muôn đời.

Vậy ai còn sống mà không biết tưởng nhớ đến người chết thì kẻ đó không phải là con người. Và ai chỉ biết tưởng nhớ suông mà không biết làm những việc lành phúc đức cụ thể thì cũng không thể xứng đáng lám con cái của Chúa.

 

Lm Anton Tuệ Mân CSsR

 

22:03 31/10/2024