Thứ Ba trước Lễ Hiển Linh
Ga 1,19-28
Tin Mừng nói về lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả. Người Do Thái đã sai “các vị tư tế và các thầy Lêvi” đến để chất vấn ông. Trong cùng một cách, vài năm sau đó, họ đã sai người đến để kiểm soát các hoạt động của Đức Giêsu (Mc 3:22). Có một sự tương đồng rất lớn giữa phản ứng của dân Do Thái đối với Chúa Giêsu và những câu hỏi mà nhà đương cuộc đã hỏi ông Gioan.
Chúa Giêsu hỏi các Môn Đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8, 27-28). Nhà cầm quyền đã hỏi cùng câu hỏi với Chúa Giêsu: “Ông có phải là Đấng Kitô, hay là Êlia, hay là một đấng tiên tri nào khác?” Ông Gioan Tẩy Giả trả lời bằng cách trích dẫn lời Ngôn Sứ Isaia: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi”. Ba sách Tin Mừng kia cũng có điều khẳng định tương tự về ông Gioan: ông không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng ông đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế sắp đến (Mc 1:3; Mt 3:3; Lc 3:4).
Tin Mừng cho ta thấy một mẫu gương khiêm tốn là thánh Gioan Tẩy Giả. Một nơi khác trong Tin Mừng, đã có lần Đức Kitô khen ngợi thánh Gioan là vị ngôn sứ cao trọng nhất trong số các ngôn sứ (Mt 11,11). Và rồi thái độ của Gioan trong Tin Mừng hôm nay (Ga 1,19-28) cho thấy sự khiêm nhường tuyệt vời của vị Tiền Hô: “Tôi đây làm phép rửa torng nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1,26-27).
Tôi là tiếng kêu trong hoang địa. Gioan Tẩy giả biết mình là ai và sứ vụ của mình là gì. Ông đã làm việc hết sức nhưng ông không bao giờ nhận những gì không thuộc về mình. Ông nói sự thật về chính bản thân: ông không phải là Đấng Mêsia, hay Êlia hay một vị ngôn sứ nào khác. Ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Thậm chí ông tự nhận là không xứng đáng cởi quai dép cho đấng đến sau ông.
Gioan Tẩy Giả biết rằng: ông không phải là ánh sáng nhưng chỉ là một tia sáng. Sứ vụ của ông là hướng lòng mọi người đến với Đấng Mêsia, là dọn đường cho Chúa. Ông không muốn cản trở con đường của Chúa.
Gioan Tẩy Giả đã thẳng thắn trả lời để những người Do Thái khỏi ngộ nhận về mình, ông tuyên bố : Tôi không phải là Đấng Kitô. Tôi cũng không phải là ngôn sứ. Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi. Câu trả lời của Gioan cho thấy ông biết rất rõ về bản thân, sứ mạng và vị trí của mình. Ông chỉ là người chuẩn bị cho Đấng Cứu thế chứ ông không phải là Đấng Cứu thế.
Thắc mắc của những người Do Thái trong Tin Mừng cũng là thắc mắc của các Kitô hữu ở thế kỷ đầu tiên : Vậy tại sao Gioan lại làm phép rửa ? Thánh Gioan cũng đã phần nào phân biệt sự khác nhau giữa phép rửa của Gioan Tẩy Giả và phép rửa của Đức Kitô sẽ thiết lập sau này :Tôi chỉ rửa anh em trong nước. Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Điều này một lần nữa cho thấy phép rửa của Gioan không thể tẩy xóa được tội lỗi con người, chỉ có phép rửa của Đức Kitô thiết lập sau này, Ngài sẽ rửa nhân loại bằng máu của Ngài và bằng Thánh Thần, mới có thể tẩy rửa tội lỗi nhân loại.
Đúng là sứ vụ của một ngôn sứ, tiên báo Đấng Mêsia sẽ đến: Thánh Gioan Tẩy giả đã đóng đúng vai trò của mình, ngài nhìn nhận sự thật về sứ vụ là dọn đường cho Đức Kitô đến, bằng việc dọn lòng cho dân chúng hoán cải và sẵn sàng tin vào Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu mang đến trong trần gian. Thắc mắc của những người được sai đến với ông Gioan đã được giải thích thoả đáng, một khát vọng mong chờ chung của Dân Hípri: Mong Đấng Mêsia xuất hiện. Gioan không phải là Đấng Kitô, nhưng phép rửa mà Ngài thực hiện mang tính duy nhất, đúng hơn là mang tính cánh chung, để kêu gọi lòng dân trở lại với đường ngay nẻo chính; chuẩn bị cho dân đón nhận một Phép Rửa trong nước và thần khí mà Đức Kitô sẽ thực hiện.
Sứ vụ của Gioan là gương cho chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của chúng ta, với danh nghĩa là Kitô hữu. Chúng ta nghe nói nhiều đến sứ vụ ngôn sứ của Dân Thiên Chuá, và cũng là của từng Kitô hữu chúng ta (GLCG, số 785), một sứ vụ mời gọi chúng ta sống làm sao để trở nên nhân chứng của Đức Kitô giữa lòng đời vốn có nhiều biến chuyển này.
Thiết nghĩ mỗi người chúng ta nên suy tư về việc đào sâu đời sống Đức tin của mình, cùng với cảm thức siêu nhiên của Đức Tin. Khi chúng ta có một cảm thức Đức Tin về Thiên Chuá, Đấng yêu thương và cứu chuộc chúng ta, như Đức Thánh Cha nói đến trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, chúng ta có thể mạnh mẽ ác tín và hăng say làm chứng cho tình yêu Thiên Chuá trong cuộc đời: “Động lực đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng chính là tình yêu của Đức Giêsu mà chúng ta đón nhận được, cảm nghiệm được Đức Giêsu cứu độ thúc giục chúng ta yêu mến Người ngày một hơn. Nhưng tình yêu đó là gì nếu không chỉ dừng lại ở việc cần thiết phải nói về Ngài, giới thiệu về Ngài và làm cho người khác biết Ngài?”.
Việc từ chối Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa cũng xảy ra nơi cộng đoàn và các gia đình, khi người ta chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài với những bữa tiệc say sưa mà không có một tâm tình hay một chỗ nào cho Hài Nhi Giêsu trong tâm hồn mình. Trong đời sống cá nhân, nhiều người nói tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, nhưng mỗi khi gặp khó khăn, họ lại dễ dàng chạy đến với các thầy bói hơn là cầu nguyện. Nhiều người từ chối Đức Giêsu khi sống đạo hời hợt, không cầu nguyện, không lãnh bí tích, không đến với Chúa, không tham dự việc thờ phượng Chúa. Nhiều người có thể dễ dàng tin vào một bài báo, nhưng lại không tin Lời Chúa dạy.
Nhìn chung, cách sống đạo của Kitô hữu tại Việt Nam rất phong phú, nhưng thiết nghĩ một tinh thần ham học hỏi để đào sâu đời sống Đức tin cần được khai triển và sống cụ thể hơn trong đời sống thường ngày, hơn là chỉ dừng ở những hoạt động đạo đức. Việc đạo đức thì luôn tốt, nhưng sẽ phong phú và sinh ích lợi nhiều hơn nếu chúng ta đi vào chiều sâu của đời sống Đức tin, qua việc hăng say học Giáo Lý, tập chia sẻ Tin Mừng, và ngay cả chia sẻ những cảm nghiệm Đức Tin trong nhóm đạo đức mà chúng ta đang tham gia. Dĩ nhiên, việc chia sẻ này bao hàm cả hai chiều kích: Tôi muốn chia sẻ cảm nhận về tình thương Chuá đã dành cho tôi, và những bạn bè trong nhóm cũng sẵn lòng để lắng nghe những cảm nhận đó với lòng tôn trọng.
Thái độ khiêm tốn luôn là điều đáng khích lệ cho mỗi người tín hữu chúng ta. Khiêm tốn là nhìn nhận đích thực những gì mình có, như thánh Gioan Tẩy Giả đã chứng tỏ cho chúng ta thấy. Đó không phải là nhìn nhận những gì mình có để vênh vang, tự cao tự đại; nhưng là để biết tạ ơn Chuá vì mọi ơn chúng ta có được đều là do ơn lành Chúa ban, chứ tự thân, con người không thể tự có được. Đồng thời ý thức rằng ơn Chuá ban là để làm cho mình nên tốt hơn, và để phục vụ Giáo Hội cùng xã hội.
Mỗi người ý thức thân phận yếu hèn của mình để luôn cảnh giác với những thói hư tật xấu vốn có thể ngấm ngầm làm cho chúng ta ra kiêu ngạo, tự mãn. Đàng khác, phục vụ điều thiện, phục vụ công ích, mà tiên vàn là phục vụ những người thân cận của mình, là bổn phận và sứ mạng của mỗi Kitô hữu. Thái độ phục vụ cũng là điều đáng để chúng ta suy nghĩ: làm thế nào để có thể khiêm tốn phục vụ, để làm vinh Danh Chuá và vì lợi ích của tha nhân?
Tuệ Mẫn