LỜI KINH LẠY CHA

LỜI KINH LẠY CHA

SUY NIỆM - Feb 20/02/2018

Thứ Ba trong tuần thứ Nhất Mùa Chay

Is 55:10-11; Tv 34:4-5,6-7,16-17,18-19; Mt 6:7-15

Là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng Kinh Lạy Cha. Một ngày sống chúng ta có nhiều dịp để đọc lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ cầu nguyện. Chúng ta đọc trong thánh lễ, trước mỗi bữa ăn, khi khấn nguyện cho bản thân hay cho những công việc chung. Thậm chí các bà mẹ còn dạy các em nhỏ khi bập bẹ biết nói lời kinh này. Nhiều em bé đọc lời kinh với thái độ hồn nhiên, thật đẹp.

Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu để lại là một mạc khải về Chúa Cha. Thiên Chúa của chúng ta không là Thiên Chúa xa vời hay nghiêm nghị, nhưng là Thiên Chúa gần gũi, thân mật đến độ chúng ta có thể gọi Ngài là Cha với tất cả trìu mến như một em bé gọi cha mình.

Hôm nay, trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã nói rõ : "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”, (Mt 6, 7-9).

Cầu nguyện là nhu cầu thiết yếu của đời sống của mỗi người Kitô hữu. Cầu nguyện cần thiết đến nỗi ví được như cá cần sống trong nước. Ý tưởng này gợi lên cho chúng ta một sự liên tưởng bài Tin Mừng hôm nay về việc Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ cầu nguyện bằng kinh “Lạy Cha” mà chúng ta quen đọc hằng ngày. Đó cũng chính là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.

Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.

Trong phần hai, có 4 lời nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.

Theo thánh sử Mathêu, kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ gồm 7 lời cầu được chia làm hai phần: phần thứ nhất, gồm 3 lời đầu tiên liên quan đến Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Giêsu gọi là Cha và còn dạy chúng ta gọi là Cha: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Sở dĩ gọi Thiên Chúa là Cha, bởi vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải cho chúng ta, và Thánh Thần của Ngài sẽ giúp chúng ta nhận ra điều đó. Hơn nữa, gọi Thiên Chúa là Cha, chẳng những mời gọi chúng ta bước vào mối tương quan thân tình với Chúa Cha, mà còn gợi lên trong chúng ta tâm tình của người con thảo, với ý thức rằng chúng ta là con của Thiên Chúa, trong người Con chí ái của Người là Đức Giêsu Kitô.

“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”: là lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, vì những công trình Người đã thực hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Như Mẹ Maria ngày xưa đã ca tụng “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Ngài thật chí thánh chí tôn” thế nào, thì ngày nay, khi đọc lời kinh này, chúng ta cũng nâng tâm hồn và tâm trí chúng ta để nhận ra những việc diệu kỳ của Chúa đang thực hiện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta để tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa, nhưng không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng chính đời sống thánh thiện và sự tốt lành của mỗi chúng ta.

“Triều đại Cha mau đến”: Theo thánh Tôma Aquinô, Nước Thiên Chúa ám chỉ vương quyền của Đức Kitô vào thời cánh chung. Nước Thiên Chúa còn được hiểu là vinh quang của các thánh trên thiên đàng và sau cùng, Nước Thiên Chúa còn là nơi Thiên Chúa ngự trị, đó là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Quả thật, nếu tâm hồn là nơi Thiên Chúa ngự trị, thì chúng ta cần làm cho tâm hồn mình trở nên hiền hậu, khiêm tốn như Đức Kitô là Đấng nhân từ và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11, 29).  

“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”: Trước hết, ý muốn của Chúa Cha đã được thể hiện cách tuyệt hảo nơi con người của Đức Giêsu Kitô, Đấng được sai đến để cứu độ loài người. Ngài đã làm những gì Cha muốn và thi hành ý muốn của Cha cho đến cùng. Noi gương Đức Kitô, chúng ta kết hợp ý muốn của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì ai làm theo ý Chúa, thì Chúa Cha cũng sẽ nhận lời người đó (x. GLCG số 2827).  

Đó là cốt lõi của 3 lời cầu nguyện trong phần thứ nhất. Không những thế, phần thứ hai gồm 4 lời xin liên quan đến con người cũng đặt mọi sự trên nền tảng “Ý Cha”.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”: Với lòng tin tưởng và phó thác, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin Chúa Cha ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và sống hạnh phúc. Nhưng không phải chỉ nhờ cơm bánh, chúng ta còn được sống bởi Lời và của ăn của uống nhờ mình và máu Kitô, Con Cha. Bởi vì Cha là Đấng tốt lành vượt trên mọi sự tốt lành.

“Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” : Đây là lời cầu xin tha thứ. Chúng ta xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta vì nhận ra mình là kẻ tội lỗi, đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Người, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha mọi tội lỗi” (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ được nhận lời, nếu chúng ta cũng biết tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta.

“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”: Ý thức mình là kẻ yếu đuối, chúng ta xin Thiên Chúa đừng để mình đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Trái lại, khi cầu xin như thế, chúng ta được Thánh Thần của Đức Giêsu hướng dẫn, dạy ta biết phân định giữa thử thách làm tăng trưởng trong sự thánh thiện và cơn cám dỗ dẫn chúng ta đến tội lỗi và sự chết. Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện, chúng ta cũng xin ơn trung thành với Đức Giêsu và luôn tỉnh thức trong cầu nguyện. 

“Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” : “Sự dữ” ám chỉ một kẻ phản loạn chống lại Thiên Chúa là Satan mà Kinh Thánh gọi là “kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại” (Kh 12, 9). Vì vậy, chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho gia đình nhân loại được thoát khỏi Satan và những việc làm đen tối của nó, đang khi chờ đợi ngày Đức Kitô trở lại để giải thoát chúng ta khỏi sự dữ một cách dứt khoát.

       Cầu nguyện được hiểu cách đơn sơ, đó là “ở với Chúa”, là kết hiệp tâm tình với Chúa. Khi cầu nguyện, điều cần hơn cả, đó là tâm tình đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận sự hèn mọn thiếu thốn của mình, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững lòng trông cậy tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy những trống rỗng của chúng ta, mà còn ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta xin. Và xin Chúa nói cho chúng ta biết Chúa muốn gì nơi chúng ta.

Tuệ Mẫn