Năm Đức Tin 2013: Hành Hương Châu Âu – Roma

Năm Đức Tin 2013: Hành Hương Châu Âu – Roma

Năm Đức Tin - Mar 24/03/2014

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Phêrô trở thành người lãnh đạo Giáo Hội đầu tiên. Ông đã cùng các môn đệ khác của Chúa đi rao giảng tin mừng khắp nơi, từ Giêrusalem đến Giaffa, Cesarêa, Antiokia… Sau cùng ông đến Roma vào khoảng năm 44.

Sau khi dâng lễ nhà thờ Domine Quo Vadis, trong lòng tôi miên man những suy nghĩ về Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi và Giáo hội thời sơ khai.

Xem hình ảnh

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Phêrô trở thành người lãnh đạo Giáo Hội đầu tiên. Ông đã cùng các môn đệ khác của Chúa đi rao giảng tin mừng khắp nơi, từ Giêrusalem đến Giaffa, Cesarêa, Antiokia… Sau cùng ông đến Roma vào khoảng năm 44. Trong cuộc hành trình này, ông bị bắt bớ và giam giữ rất nhiều lần.Tháng 8 năm 64, Hoàng đế Nêron bắt đầu bách hại giáo dân Kitô giáo. Giáo Hoàng Phêrô cũng đã bị bắt và đưa ra hành hình.

Năm 1895 nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz đã dựa vào Kinh Thánh và bối cảnh lịch sử của đế quốc La Mã thời bạo chúa Neron cầm quyền, viết cuốn tiểu thuyết có tên là “Quo Vadis?”. Cuốn tiểu thuyết này được hãng MGM dựng thành phim năm 1951, gây tiếng vang lớn.

Khi cuộc bắt bớ và giết hại các Kitô hữu xảy ra ở Roma, nhiều người đã khuyên Phêrô rời khỏi Roma, vì ông phải tồn tại để lãnh đạo Giáo Hội. Lúc đầu ông không chịu đi, nhưng vì có sự thúc giục của nhiều người, ông đã quyết định ra đi. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: Quo Vadis, Domine? (Thưa Thầy, Thầy đi đâu?). Chúa Giêsu đáp: Eo Romam iterum crucifigi (Thầy đi vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa).

Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa nên ông quay trở lại thành Roma. Sau khi trở lại Roma một thời gian, Phêrô đã bị bắt và bị tống giam. Trong thời gian bị giam, ông đã cảm hóa hai người lính canh ngục tên là Processus và Martinianus và cả hai đã được rửa tội và tử đạo. Ông bị kết án tử hình trên thập tự, bị dẫn tới hý trường Caligula trên đồi Vatican. Khi trông thấy thập giá, ông cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy mình, nên yêu cầu được đóng đinh treo ngược.

Giáo Hội qua mọi thời đại luôn tiếp tục đi theo con đường Chúa Giêsu và Thánh Phêrô đã đi.

Thêm ba ngày ở Roma, chúng tôi đi thăm rất nhiều nơi. Từ sáng sớm, nhiều đoàn hành hương đã xếp hàng dài chờ đợi để viếng thăm Đền Thờ Thánh Phêrô. Roma là thành phố cổ kính, đường phố hẹp lại đông đảo du khách nên chúng tôi phải đi bộ rất nhiều mới có thể đến thăm các thánh đường. Có khi phải cuộc bộ 2 km mới đến được một nơi hành hương và đi vài cây số mới có được bữa cơm ở tiệm Tàu.

Thăm Viện bảo tàng rồi đến nguyện đường Sistine, Đền thờ Thánh Phêrô và hầm mộ các Giáo hoàng, thấy được sự uy nghi, cổ kính, thiêng liêng xuyên suốt dòng lịch sử Giáo hội.

1. VIỆN BẢO TÀNG VATICAN
 

Năm 1308, Đền thờ Laterano và dinh thự Đức Giáo Hoàng bị hỏa hoạn không sửa được nữa. Đến năm 1377 khi từ Avignon trở về, Đức Giáo Hoàng Gregorio 9 đến sống tại Vatican. Kể từ đó điện Vatican là dinh thự Đức Giáo Hoàng thay thế cho điện Laterano. Năm 1450, Đức Giáo Hoàng Nicola V hoàn tất công trình xây cất điện Vatican. Bên trong dinh thực trang hoàng theo kiểu nghệ thuật Toscana đầu thời Phục Hưng. Trong số các nghệ sĩ nổi tiếng có Chân phước Angelico, dòng Đaminh (1400- 1455). Đức Giáo Hoàng Sixto IV sửa sang lại Thư viện và cho xây Nhà nguyện Sistine.

Thư viện và các bảo tàng viện trong điện Vatican là hai kho tàng quí giá của nhân loại. Cả hai mang dấu tích của 2 nền văn hóa Hy Lạp và La Mã, diễn tả sự sáng tạo của con người ở trình độ cao nhất và qua nghệ thuật biểu lộ hình ảnh của Kitô giáo tại Tây phương.

Trong bảo tàng viện có những tác phẩm điêu khắc cổ điển như thần Apolo, Venus, sông Nile, sông Tiber, Adriane ngủ… Đức Giáo Hoàng Sixto VI bắt đầu thu góp tác phẩm vào năm 1475 cho đến năm 1555. Nhưng sau đó nổi lên phong trào chống đối Phục Hưng cùng với lối nhìn luân lý chống lại nghệ thuật cổ điển đã làm cho việc thu góp các tác phẩm ở Vatican bị dừng lại. Năm 1756, Đức Giáo Hoàng Benedictô XIV thiết lập Bảo Tàng Viện Kitô giáo trong Thư viện Vatican để “làm gia tăng vẻ đẹp của Thành đô làm chứng cho chân lý tôn giáo”. Năm 1767, Đức Giáo Hoàng thành lập Bảo tàng viện ngoại giáo để giữ gìn những dinh thự của thời Roma cổ.

Trước đây, khi bước vào bảo tàng viện Vatican, du khách phải qua một cầu thang hình trôn ốc hai chiều do G. Momo xây với những hình chạm bằng đồng của A. Marani. Nhân dịp Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho mở thêm cổng vào rộng lớn hơn với những phương tiện cần thiết giúp cho người tàn tật có thể sử dụng được.

Từ viện bảo tàng, chúng tôi đi dọc theo một hành lang với nhiều trang trí những tác phẩm vô giá bằng tranh thêu và tranh vẽ trên tường trên trần để tiến vào nguyện đường Sistine.

2. NGUYỆN ĐƯỜNG SISTINE

Đây là nơi nổi tiếng nhất trong Bảo tàng viện Vatican. Nguyện đường Sistine là nơi Mật tuyển viện họp bầu tân Giáo Hoàng.

Nhà nguyện dài 40,3m và rộng 13,2m do Đức Giáo Hoàng Sixto IV xây vào những năm 1473-1481 theo họa đồ của Baccio Pontelh. Các bức tranh rất nổi tiếng được vẽ trên tường vào những năm 1481- 1483. Kể từ đó trở đi, nó trở thành nhà nguyện riêng của các Đức Giáo Hoàng. Danh họa Michelange đã dùng tài năng tuyệt vời của mình để diễn tả cuộc sống con người từ lúc tạo dựng đến khi bị phán xét trước tòa Chúa. Để bảo tồn các bức tranh khỏi bị hư hại, du khách tham quan không được phép chụp hình quay phim.

Ngước mắt lên trần, nhìn sang phải sang trái, mọi người chiêm ngắm những tác phẩm tuyệt vời. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết đôi nét về những bức tranh.

– Các bức tranh bên bức tường trái kể lại cuộc đời của Môisen.

– Các bức tranh bên bức tường phải kể lại cuộc đời Chúa Giêsu.

– Những bức tranh vẽ trên trần kể lại công trình sáng tạo vũ trụ thửa ban đầu cho đến thời lụt đại hồng thủy.

– Những bức tranh vẽ chung quanh tường bắt đầu từ phía bên phải vẽ hình các vị ngôn sứ trong Cựu ước.

– Những bức tranh vẽ trên bốn góc tường: lấy bối cảnh thời Cựu ước liên quan đến ơn cứu độ của người Do Thái. Bên trên các cửa sổ là hình các nhân vật tổ phụ trong Cựu ước.

– Bức tranh “Ngày phán xét chung”.

3. ĐẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ

3.1- Lịch sử Đền thờ

Đền thờ Thánh Phêrô là công trình tái thiết công phu trên ngôi Đền thờ cổ do Hoàng đế Constantino cho xây dựng vào năm 320. Từ đầu thế kỷ XVI, phải mất khoảng 120 năm để xây dựng và hoàn thành. Tham gia công trình có 12 vị kiến trúc sư trong đó có nhiều vị nổi tiếng như Bramante, Michelangelo, Raffaello và Maderno. Ngôi Đền thờ cũ cũng như Đền thờ mới đều được xây trên phần mộ của Thánh Phêrô. Ngài được an táng trên sườn đồi Vatican, trong khu nghĩa trang cạnh hý trường của hoàng đế Neron.

a. Đền thờ thánh Phêrô thời Hoàng đế Constantino

Trong khu vực hý trường nơi Hoàng đế Neron đã ra lệnh hành hình các Kitô hữu, theo tương truyền đây cũng là nơi Thánh Phêrô chịu tử đạo, bị đóng đinh vào thập giá và treo ngược đầu xuống đất. Sau đó thi hài của ngài được an táng tại nghĩa trang gần đó cùng với các vị tử đạo khác. Hý trường này do hoàng đế Caligula (37-41) ra lệnh khởi công xây dựng và được Neron (54- 68) hoàn thành.

Từ năm 77 đến 88, Đức Giáo Hoàng Anacleto đã thiết lập một nhà nguyện nhỏ dâng kính Thánh Phêrô. Sau này hoàng đế Constantino cho thiết lập tại nơi đó ngôi Thánh đường vĩ đại gồm 5 gian và tồn tại cho đến cuối thế kỷ XV.

Năm 324, hoàng đế Constantino viếng tham khu vực Vatican với một đội quân hùng hậu. Ông đã khiêm tốn phủ phục trước mộ Thánh Phêrô, cởi bỏ hoàng bào, cầm chiếc xẻng lớn để xác định khu vực xây đại Vương Cung Thánh Đường mới. Hoàng đế cũng vác trên vai 12 giỏ đất như một cử chỉ tôn kính 12 Tông Đồ. Sau 25 năm kiến thiết, năm 349 con của ông là hoàng đế Constans đã hoàn tất công trình. Trải qua dòng thời gian, kiến trúc ngôi Đền thờ này càng trở nên phong phú nhờ sự quan tâm đặc biệt của các Đức Giáo Hoàng, các hoàng đế Roma và các hoàng đế khác.

Đền thờ được tu bổ và trang hoàng qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong 12 thế kỷ đầu, các bức tường và cột Đền thờ được gắn đá cẩm thạch, hậu cung Đền thờ đươc trang trí bằng những bức tranh khảm đá. Các loại đá cẩm thạch quý giá được gỡ từ các đền đài dinh thự ngoại giáo ở Roma hoặc được đưa từ Đông Phương về. Các gỗ bá hương được lấy từ rừng xứ Liban. Kim loại bóng loáng, những cánh cửa đồng từ vùng Byzantine và nhiều vật liệu quý hiếm khác được đưa về từ khắp nơi trên thế giới để trang trí cho Đền thờ, nhà nguyện, bàn thờ, nhà dành cho linh mục và các tượng đài khác.

Các hoàng đế và vua chúa ở Âu châu đến Đền thờ thánh Phêrô để được các Đức Giáo Hoàng phong vương: đặc biệt có đại đế Carlo là vị đầu tiên được Đức Giáo Hoàng Leo III (795- 816) đội triều thiên tấn phong trước mộ thánh Phêrô vào dịp lễ Giáng Sinh năm 800.

b. Xây Đền thờ thánh Phêrô mới

Vì lý do chính trị, Giáo triều Roma và dinh thự Giáo hoàng được chuyển từ Latêranô sang Avignon (1309- 1377). Từ năm 1377, sau khi từ Avigon trở về Roma, các Đức Giáo Hoàng cư ngụ ở Roma. Trong 73 năm Giáo triều Avignon, Đền thờ thánh Phêrô bị bỏ hoang đến độ hầu như không thể trùng tu lại được và có dấu hiệu tàn lụi, nhất là những bức tường phía nam.

Đức Giáo Hoàng Nicola V (1447- 1455) là vị đầu tiên quyết định xây lại Đền thờ Thánh Phêrô mới, và ủy thác cho kiến trúc sư Bernardo Rossellino xây dựng. Theo dự án của vị kiến trúc này, ngôi Đền thờ mới có một cổng phía trước và có hình Thánh giá Latinh, với một mái vòm lớn ở giữa và khu hậu cung bàn thờ có hình bán nguyệt.

Tháng 3 năm 1455, Đức Giáo Hoàng Nicola qua đời nên công trình xây dựng bị ngưng lại. Cho đến thời Đức Giáo Hoàng Giulio II della Rovera (1503- 1513), ngài có ý định tìm chỗ xứng đáng cho phần mộ của mình, và Michelangelo đã trình bày họa đồ ngôi Đền thờ mới cho ngài. Khi ông tới Đền thờ thánh Phêrô cũ xem nơi nào có thể đặt phần mộ, Đức Giáo Hoàng Giulio II thấy nơi thích hợp nhất chính là phần hậu cung mới của Đền Thờ mới do Đức Nicola V khởi công xây dựng và ông khuyên Đức Giáo Hoàng tiếp tục xây cất. Đức Giáo Hoàng hỏi phí tổn là bao nhiêu, Michelangelo trả lời là 100 ngàn đồng quan vàng. Đức Giulio II đáp lại: “ Ông hãy làm với 200 ngàn đồng”. Sau đó ngài sai hai kiến trúc sư San Gallo và Donato Bramante đi xem địa điểm, và ngài muốn xây lại ngôi Đền Thờ Phêrô hoàn toàn mới.

Khi Bramante nhận lệnh Giáo Hoàng Giulio II (1503- 1513) phá bỏ Đền Thờ thánh Phêrô cũ để xây Đền Thờ Thánh Phêrô mới. Dân Roma kinh ngạc theo dõi việc phá đền thờ cũ và họ gán cho Bramante danh xưng là “vị kiến trúc sư phá nhà”. Trong những năm ấy, Michelangelo lúc đó đã gần 70 tuổi mới bắt đầu xây mái vòm. Sau khi ông qua đời (1564), 4 vị kiến trúc sư khác tiếp tục công trình của ông. Mặt tiền Đền thờ do Kiến trúc sư Carlo Maderno làm xong năm 1614.

Ngày 18. 11. 1626, Đức Giáo Hoàng Urbano VIII thánh hiến Đền Thờ Phêrô mới, nhân dịp kỷ niệm 1.300 năm ngày thánh hiến Đền thờ Phêrô cũ do hoàng đế Constantino xây dựng. Sau này kiến trúc sư Giuseppe Valadier đã thực hiện hai đồng hồ ở mặt tiền Đền thờ năm 1822. Dưới đồng hồ bên trái có quả chuông chu vi với 7,5 mét, nặng 9,3 tấn.

3.2- Vài nét đặc tính của Đền thờ

a. Đền thờ vẫn là Vương cung thánh đường có kích thước lớn nhất trong thế giới Kitô giáo. Theo kiến trúc sư Giuseppe Valadier (1812): từ nền cho đến nóc cao là 135,2 mét. Diện tích Đền thờ là 22.076 mét vuông. Mặt tiền Đền thờ cao 46 mét và ngang 115 mét. Các cột cao gần 29 mét, đường kính cột 2,65 mét. Chiều ngang đền thờ là 150 mét; chiều dài đền thờ là 187 mét. Đền thờ thánh Phêrô có thể chứa được 54 ngàn người nếu đứng chật hết mọi chỗ kể cả các gian lối đi,

b. Trong Đền thờ có 46 bàn thờ khác nhau. Có 9 bàn thờ dâng kính Đức Mẹ với nhiều tước hiệu khác nhau. Bàn thờ cuối cùng được Đức Piô IX (1846- 1878) thánh hiến ngày 18.1.1856.

c. Tầng hầm Đền thờ: là nền Đền thờ nguyên thủy từ thời Hoàng đế Constantino. Trong tầng hầm này có nhiều nhà nguyện chung quanh mộ Thánh Phêrô, với những bàn thờ để các linh mục cử hành thánh lễ. Có 147 trong số 264 phần mộ các Đức Giáo Hoàng được chôn cất tại đây.

d. Cửa Thánh: Trong số 5 cửa vào Đền thờ, có một cửa chỉ được mở vào Năm Thánh.

e. Mái vòm Đền Thờ có chu vi bên trong là 42,7 mét và chu vi bên ngoài là 58 mét, mái vòm cao 50,33 mét. Tính từ nền lên tới đỉnh cao nhất của Đền thờ là 135,2 mét. Thánh giá trên đỉnh mái vòm cao 4,87 mét và thanh ngang rộng 2,65 mét. Theo các nhà toán học Boscovich, Le-Leur và Lacquer, trọng lượng mái vòm là 56.208.837,46 kg. Theo phong tục, những vị Giáo hoàng được phong Chân phước và sắp được làm Thánh thì được làm một tượng bằng sáp đặt ở cánh ngang Đền thờ như tượng chân phước Gioan XXIII được đặt ở bên phải cánh ngang Đền thờ.

g. Bàn thờ chính của Đền Thờ được coi là Bàn Thờ Tuyên Xưng Đức Tin, được xây ngay bên trên mộ thánh Phêrô theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Clemente VIII (1592- 1605). Bàn thờ có tán lọng và 4 cột vòng bằng đồng chống đỡ, do kiến trúc sư Bernini thực hiện. Tượng các thiên thần ở trên mỗi góc cao 3,5 mét. Dưới bàn thờ này có một bàn thờ khác của Đức Giáo Hoàng Callisto (1119- 1124), và bên dưới bàn thờ thứ hai này có một bàn thờ khác nữa của Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả (590- 604). Đi xuống sâu hơn, người ta gặp một khối hình vuông, bọc cẩm thạch trắng và đá vân đỏ. Đây chính là đài do hoàng đế Constantino thực hiện để kính nhớ thánh Phêrô Tông Đồ và có lẽ được diễn ra trong lễ nghi tưởng niệm cuộc chiến thắng của ông tại cầu Milvio ngày 28 tháng 10 năm 312.

h. Tượng Thánh Phêrô bằng đồng ở bên phải bàn thờ chính có từ thế kỷ 13, được tôn kính trong Đền thờ: các ngón chân phải của ngài bị mòn nhiều do sự hôn kính của hàng triệu triệu tín hữu qua dòng thời gian.

i.Tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pietà) bằng cẩm thạch trắng ở bên phải gần cửa ra vào mặt tiền, diễn tả Mẹ Maria đang ẵm xác Chúa Giêsu từ trên Thánh Giá xuống, do Điêu khắc gia Michelangelo thực hiện vào năm 1500 khi ông mới 25 tuổi và là tác phẩm duy nhất mang chữ ký của ông. Để bảo vệ tượng điêu khắc này khỏi bị hư hại do tham quan, người ta xây hàng rào bảo vệ, cho nên bây giờ khó có thể chiêm ngưỡng pho tượng này hơn so với trước kia.

3.3- Mặt tiền Đền thờ

Được thực hiện trong vòng 8 năm với 700 công nhân và hoàn thành năm 1614. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh 2000, Ban quản lý Đền thờ đã cho tu bổ toàn diện mặt tiền đền thờ lần đầu tiên kể từ khi khánh thành đầu tiên vào năm 1985 với kinh phí 2 triệu Mỹ kim do hội hiệp sĩ Colombo tài trợ. Công trình thanh tẩy thứ hai tu bổ toàn bộ Đền thờ được hoàn tất cuối tháng 9 năm 1999 sau gần 2 năm rưỡi tiến hành, từ tháng 3 năm 1997. Các chuyên viên đã sử dụng các dụng cụ tối tân để trắc nghiệm mặt tiền Đền thờ với phương pháp siêu âm, âm hưởng điện từ và các kính hiển vi điện tử, các kỹ thuật này của công ty dầu hỏa Italia (ENI). Việc thanh tẩy và tu bổ toàn diện là điều cần thiết vì không khí tại Roma bị ô nhiễm cao độ. Mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô được xây bằng lớp đá cẩm thạch có những lỗ li ti rất dễ bị tổn thương vì những lớp sương mù trộn với khói xe cộ ở Roma. Thêm vào đó mưa axít cùng với mốc meo ở trong những lỗ nhỏ trên lớp đá tiếp tục ăn mòn các cột, các góc cạnh và 13 pho tượng trên mặt tiền Đền thờ. Vì thế, chỉ trong vòng 10 năm sau khi thanh tẩy, mặt tiền Đền thờ cũng đã hư hại nhiều cần được chỉnh trang toàn bộ và sâu rộng hơn.

Một lý do khác đó là nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 đến gần, và đặc biệt là có sự tài trợ của ENI, công ty dầu hỏa Italia có chi nhánh tại 80 quốc gia. Tổng số tiền tài trợ lên đến 9 triệu USD.

3.4 – Quảng trường Thánh Phêrô

Hình bầu dục, dài 196 mét và rộng 148 mét, với diện tích khoảng 4 hécta, có hàng cột vòng cung bao quanh như vòng tay chào đón tín hữu. Đây là tác phẩm do kiến túc sư Bernini thiết kế, tổng cộng có 284 cột, mỗi bên 142 cột, đường kính cột lớn nhất là 1,45 mét. Các cột được xếp thành 4 hàng, với 3 lối đi. Hàng cột cao 18,6m bên trên có 140 pho tượng, cao 3,24m do các môn đệ của Bernini thực hiện trong khoảng thời gian 11 năm, từ 1656 đến 1667.

Từ Tháp bút ở giữa quảng trường tới mặt tiền Đền thờ có khoảng cách là 191 mét, trong khi khoảng cách giữa hai tượng Thánh Phêrô và Phaolô là 76,73m. Trên mặt tiền Đền thờ, có các pho tượng cao 5,65m. Các tượng này được tạc sơ sài, chúng được tạc để nhìn từ xa.

3.5 – Tháp bút

Tháp bút ở giữa quảng trường Thánh Phêrô là một khối đá hình kim tự tháp bằng đá vân cương đỏ ở Đông Phương, ban đầu được tổng trấn Ai cập là Caio Cornelio Gallo dựng lên để tôn vinh bản thân. Về sau tháp bút này được Eliopoli đưa về Roma theo ý muốn của hoàng đế Neron, với mục đích tuyên dương hý trường do ông khởi xướng. Tháp bị đổ và bỏ rơi trong nhiều thế kỷ, cho tới thời Đức Giáo Hoàng Sisto V (1585- 1590), dự án đó mới thành hình.

Công trình này đòi sự hợp lực của 900 công nhân, với 140 con ngựa và dùng 47 cần trục cùng với 5 đòn bẩy thật mạnh. Quy luật được ban hành trong công trình dựng tháp là các công nhân phải tuyệt đối giữ im lặng và chỉ được nhận lệnh từ kiến trúc sư Domenico Fontana mà thôi. Dân chúng hiếu kỳ không được đến gần, nhưng người ta vẫn cứ đến gần đến nỗi Đức Sixto V còn ra lệnh phạt tử hình những người vượt quá ranh giới và gây tiếng ồn ào.

Theo tương truyền từ năm 1770, trong khi tiến hành việc dựng tháp thì những sợi dây thừng đỡ tháp bút bắt đầu giãn ra và có nguy cơ bị đứt. Tình trạng thật nguy hiểm. Một người thợ tên Bresca, vốn là một thủy thủ đã quen với dây chão. Ông ra lệnh: “Hãy đổ nước vào các dây thừng”. Nhận thấy tình trạng nguy ngập, kiến trúc sư Domenico Fontana vội ra lệnh thi hành ngay lời khuyên đó và tai nạn được tránh thoát.

Sau này Bresca đã được thưởng thay vì bị tử hình. Ông được triệu tới trước mặt Đức Giáo Hoàng và ngài yêu cầu ông hãy xin một ơn. Ông Bresca đã xin cho mình và dòng dõi mình được đặc ân cung cấp lá dừa cho Tòa Thánh để dùng trong nghi thức Chúa Nhật Lễ Lá. Lời thỉnh cầu được chấp nhận và ngày nay gia tộc Bresca ở miền Liguna vẫn cung cấp lá dừa cho Vatican vào Tuần thánh hàng năm.

Năm 1586, Đức Sixto V cho đặt trên tháp một cây Thánh giá lớn bằng sắt, trong có chứa mảnh Thánh giá thật của Chúa Giêsu. Ở bệ tháp có khắc hàng chữ: “Đây là Thánh giá của Chúa. Các quyền lực đối nghịch hãy trốn chạy. Sư tử của chi tộc Giuda đã chiến thắng”.

Tổng cộng từ bệ lên tới đỉnh tháp là 41,23 mét và nặng 312 tấn. Hai bên tháp có hai bể nước khổng lồ giống nhau, mỗi phút có 38.400 lít nước đổ vào. Vòi nước phun có thể lên cao 14 mét.

3.6 – Mộ Thánh Phêrô

Khu vực xây Đền thờ thánh Phêrô trước kia là một nghĩa trang thời La Mã, và được khám phá trong thập niên 1930, sau đó được khai quật trong hai đợt: từ 1939 đến 1949, rồi từ 1953 đến 1958. Người ta khám phá thấy hai hàng nhà mồ với những hốc mộ, những bích họa và tranh khảm đá, cùng với một khu vực với những ngôi mộ đơn sơ hơn.

Các cuộc khai quật dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin đưa tới sự khám phá mà Đức Phaolo VI tuyên bố ngày 26 tháng 6 năm 1968: “Hài cốt Thánh Phêrô được nhận diện đến độ chúng tôi coi là có lý”.

Ngôi mộ Thánh Phêrô được mở cho du khách tham quan từ năm 1975 nhưng mỗi ngày thường xuyên có rất đông khách hành hương đến kính viếng nên gây ra những tổn hại về mặt kết cấu của ngôi mộ. Công ty điện lực Ý là ENEL đã tình nguyện tài trợ dự án với phí tổn khoảng 1 triệu 700 ngàn USD.

Năm thánh 2000, việc viếng thăm ngôi mộ được mở lại rồi sau đó lại bị giới hạn. Nhiều du khách không biết là có khu vực này. Tuy nhiên muốn viếng thăm cần phải đăng ký trước tại văn phòng khai quật của Vatican và có hướng dẫn viên dẫn từng nhóm đi thăm.

Trong ngày kỷ niệm 1 năm lên ngôi Giáo Hoàng 16.10.1979, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã cho mở một cổng rộng 2,3 mét, cao 2,5 mét để các tín hữu có thể bước vào mộ Thánh Phêrô dưới hầm Đền thờ cách dễ dàng hơn.

4. HẦM MỘ CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG

Các lối dẫn vào hầm mộ được tạo ra từ bên phải vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Chúng tôi đi xuống cầu thang và thấy các cây cột còn sót lại của ngôi thánh đường đầu tiên, được xây theo phong cách Constantine từ năm 326 đến 333.Rồi đi ngang qua phần mộ của Đức Giáo Hoàng Calixtô III và sau đó là Bônifaciô VIII, Nicôla III, Innôxentê VII, Nicôla V, Phaolô II, Mácxêlô II, Gioan Phaolô I và Innôxentê IX. Một số phần mộ lại được trưng bày hình ảnh của các vị giáo hoàng được chôn cất tại đó tương tự những hình ảnh mà chúng tôi thấy nơi Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành.

Hầm mộ nơi các Giáo hoàng yên nghỉ ở Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô giống như một mê cung rộng mênh mông. Tại đây có những đồ tạo tác, hàng cột chạm trổ tinh vi và vô số bức tranh tường lộng lẫy có hàng nghìn năm tuổi. Nằm bên dưới hầm mộ lại có những lớp hầm khác được mệnh danh là "Thành phố chết" thời La Mã cổ đại, trong đó có cả những đường phố, nhà nguyện và các bức bích hoạ tuyệt đẹp.

Lúc sinh thời, sau mỗi chuyến công du mục vụ nước ngoài, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường xuống hầm mộ để cầu nguyện trước những vị tiền nhiệm. Trong đó nhiều nhất là tại mộ Thánh Phêrô.Theo người trông coi hầm mộ tên là Vittorio, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường đi một mình xuống hầm vào lúc còn rất sớm. Ngài từng bày tỏ ước nguyện được chôn cất một cách đơn giản, tại nơi nằm gần nhất có thể với chỗ an nghỉ của Thánh Phêrô. Nằm ngay cạnh nơi được chuẩn bị làm chỗ chôn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II là mộ của các Giáo hoàng Benedicto XV, John Paul I, Innocent IX, Julius III và Paul VI.

Các nhà khảo cổ tin rằng, gần mộ Giáo hoàng Phaolô IV và thẳng dưới án thờ chính của gian cung thánh Đền thờ Thánh Phêrô là mộ phần của vị Giáo hoàng đầu tiên. Do đó, nơi an nghỉ của Giáo hoàng Gioan Phaolô II là mộ phần còn trống nằm gần vị Thánh Tông đồ Phêrô nhất, đúng như ước nguyện lúc sinh thời của ngài.

Trong hầm mộ nổi tiếng ở Vatican còn có một người phụ nữ duy nhất được vinh dự an táng cạnh các Giáo hoàng. Đó là Nữ hoàng Thuỵ Điển Christina, người nổi tiếng với quyết định từ bỏ ngai vàng cai trị đất nước và cải đạo từ Tin lành sang Công giáo để đến sống ở thành Rome cho đến khi qua đời.

Tính đến nay có tổng cộng di cốt của 147 trên danh sách 263 Giáo hoàng trong lịch sử Vatican đang an nghỉ trong hầm mộ Đền thờ Thánh Phêrô. Trong số những vị còn lại, ngoài các trường hợp an táng trong những nhà thờ Công giáo khác thì đều không rõ nơi yên nghỉ các ngài ở đâu.

Đặc biệt là phần mộ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 5 năm sau đã trở thành điạ điểm thăm viếng nhiều nhất của Roma.Kể từ năm 2005, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, hầm Vatican, nơi có đặt phần mộ của Ngài, đã trở thành một trong những điểm được viếng thăm thường xuyên nhất ở Roma. Trung bình có khoảng 12.000 người đến viếng thăm phần mộ này mỗi ngày, mở cửa cho công chúng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (hoặc đến 6 giờ vào mùa hè). Đại đa số du khách đều tìm đến nơi an nghỉ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vài người khác, đặc biệt là du khách lớn tuổi, cũng dừng chân bên Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô I. Một số người cho biết, phần mộ Đức Gioan Phaolô II, trước kia là nơi an táng Đức Gioan XXIII (kể từ năm 2002, Ngài được cải táng vào bên trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô). (x.Zenit.org).

Được nhìn thấy phần mộ của Đức Gioan Phaolô II, những ký ức về cuộc đời Ngài lại hiện lên trong tâm trí tôi với tất cả lòng kính yêu và ngưỡng mộ. Lên lại bên trên, chúng tôi uống dòng nước ngọt mát lạnh từ những vòi nước phía bên phải đền thờ. Sau bữa cơm trưa thật ngon nơi nhà hàng Tàu chúng tôi đến thăm hí trường Colosseum. Một sự cố bất ngờ với đoàn hành hương, Cha Thủ phải vào điều trị tại bệnh viện Roma.

5. ĐẤU TRƯỜNG COLOSSEUM

Đấu trường là công trình kiến trúc vĩ đại nhất của thành phố Roma cổ đại dưới thời các hoàng đế Roma nổi tiếng. Nó biểu tượng cho vinh quang và nét oai hùng của đế quốc Roma cũng như của Thủ đô đế quốc. Đấu trường này được hoàng đế Vespasiano cho khởi công xây dựng năm 72 trên các hồ thuộc vườn thượng uyển của hoàng đế Nero và được hoàng đế Tito hoàn tất vào năm 80. Nơi đây diễn ra các trò chơi giải trí như giác đấu, săn dã thú, các trận thủy chiến giả… Đấu trường mang hình bầu dục bằng đá vôi ở phía ngoài và gạch nung cùng với đá ong ở bên trong. Chu vi dài 527 thước, rộng 188 thước cao 52 thước, gồm 4 tầng. Ba tầng dưới có các cửa vòng cung được trang hoàn với các cột theo phong cách Corinto, Ionien và Dorico. Các tượng được trưng bày giữa tầng 2 và tầng 3. Hoàng đế, hoàng gia và các vị tướng ra vào bằng cửa đặc biệt dẫn thẳng vào phòng tiếp tân. Còn dân chúng đi vào đấu trường qua 80 cửa vòng cung có đánh số thứ tự. Ghế ngồi chia làm 3 hạng: loại kỵ binh, trung lưu và dân chúng. Phía trên cao dành cho những người đứng coi với giá vé rẻ hơn. Đấu trường có khoảng 50 ngàn chỗ ngồi có mái che bằng vải dùng khi trời mưa. Ở dưới bãi giác đấu (76m x 46m) có những hành lang, các phòng nhốt thú dữ, những cột dùng để kéo mọi dụng cụ cho các trò chơi giải trí. Đấu trường mang tên Colosseum, nghĩa là khổng lồ vì kích

thước vĩ đại của nó thời bấy giờ cũng như bên cạnh có bức tượng khổng lồ tạc hoàng đế Nero cao 30 thước. Vào năm 1231 và 1255 xảy ra hai trận động đất làm đấu trường bị hư hại. Sau đó Hoàng đế Enrico 7 trao lại cho Thượng viện và dân chúng Roma sử dụng. Đến thế kỷ 15, đấu trường trở thành mỏ đá cung cấp vật liệu để xây cất các dinh thự trong thành phố như Dinh Venezia, Famese, Barberini và Đền thờ Thánh Phêrô. Theo truyền thuyết, nhiều người Kitô hữu chịu tử đạo tại đấu trường này nên vào thế kỷ 18 Đức Giáo Hoàng Beneđicto 14 cho tu sửa lại và dâng đấu trường này để tôn kính các vị Tử đạo tại Roma. Các Đức Giáo Hoàng Pio 7, Lêo 12, Gregoriô 16 và Piô 9 cũng cho tu sửa nhiều lần. Năm 1957 người ta dựng lên một cây Thánh giá. Từ thời Giáo hoàng Phaolô 6, vào ngày Thứ sáu Tuần thánh, Đức Thánh Cha chủ sự việc đi Đàng Thánh Giá tại đây với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu cũng như khách hành hương.

6. TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH SEBASTIANO

Trước thế kỷ thứ 5, ngôi Đền thờ này được xây lên để tôn kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vì sau khi chịu tử đạo xác các ngài đã được an táng tại đây. Đến thế kỷ thứ 9, ngôi Đền thờ này được dành để tôn kính Thánh Sebastiano. Ngài là một sĩ quan Roma chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Diocletiano và được an táng ở một nghĩa trang gần đó. Năm 1614, Đức Hồng Y Scipione Borghese sửa sang lại mặt tiền với 6 cây cột nham thạch. Chúng tôi thấy hòn đá ghi dấu chân Chúa

Giêsu ở nhà nguyện thứ nhất nằm bên phải và tượng thánh Sebastiano bằng nham thạch rất đẹp ở nhà nguyện thứ hai nằm bên trái. Nơi đây còn có Viện bảo tàng trưng bày các di tích khảo cổ như bia mộ, các bình gốm cổ hoặc quan tài. Dưới hầm có một phòng dùng để dọn bữa ăn nhân dịp an táng người chết. Thi hài hai vị thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô đã từng tạm thời được an táng tại nơi đây.

Chúng tôi cầu nguyện và lần chuỗi sốt sắng nơi tượng Đức Mẹ ban ơn ở bên cánh trái Nhà thờ. Sau đó đoàn đến thăm và dâng lễ tại Tiểu Vương Cung Thánh Đường Các Thánh Tông Đồ.

7. TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ

Vương cung Thánh đường này được Đức Giáo Hoàng Pelagio I cho xây dựng để kỷ niệm biến cố người Roma đánh đuổi quân rợ Goths ra khỏi Thành phố. Sau đó Đền thờ được nới rộng ra và được xây dựng lại hoàn toàn vào năm 1702. Bên trong Đền thờ được trang hoàng theo phong cách Baroque chia làm 3 gian dọc. Mái vòm Đền thờ với bức tranh “Các thiên thần nổi loạn” của danh họa G. Odazzi. Trần Đền thờ với bức tranh “Dòng Phanxico chiến thắng”. Tại bàn thờ chính có bức họa “Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê tử đạo” lớn nhất Roma. Từ đây, khách hành hương có thể viếng thăm Đại học Gregoriana của các cha Dòng Tên và Viện Kinh thánh Roma (Biblicum). Chúng tôi dâng lễ. Cha Hòa, chánh xứ Bình Thới chủ tế và giảng lễ. Tạ ơn Chúa sau 2 ngày thật tốt đẹp ở Roma được chiêm ngắm những công trình tuyệt đẹp.

Sáng sớm ngày thứ ba ở Roma chúng tôi đến thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả.

8. ĐẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ

Vương cung Thánh đường này được xây dựng để dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đây là Đền thờ kính Đức Mẹ đầu tiên và lớn nhất được xây cất ở Tây Phương. Đền thờ này cũng được coi là tột đỉnh lòng sùng kính của Dân Chúa, đặc biệt là dân chúng thành Roma đối với Đức Maria. Lòng sùng kính Đức Maria là một trong những đặc điểm lòng đạo đức của dân chúng Roma ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo. Người ta vẫn thường gọi đây là “Hang đá Belem ở Roma”. Năm 1853, tại Roma người ta đếm được có 1.421 những khánh nhỏ có để hình Đức Mẹ. Đến năm 1939 thì chỉ còn lại 530 khánh nhỏ ở rải rác khắp nơi trong thành phố Roma.

a. Lịch sử Đền thờ

Đền thờ này được xây trên đồi Esquilino để thay thế việc thờ nữ thần Cibele, là mẹ các thần minh của dân ngoại, bằng việc tôn kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Đầu tiên, Đền thờ này được gọi là Đền thờ Liberiana, lấy theo tên của Đức Giáo Hoàng Liberio (352- 366), là người đã cho xây Đền thờ này. Theo tương truyền một nhà quý tộc ở Roma tên là Giovanni và vợ, đã cao niên mà không có con cái. Họ quyết định dâng toàn bộ tài sản để xây một Đền thờ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Trong đêm mùng 4 rạng ngày 5 tháng 8 năm 356, Đức Mẹ hiện ra trong giấc mơ với ông Giovanni và dạy ông lo xây cất Đền thờ tại nơi xảy ra biến cố lạ thường và Đức Giáo Hoàng Liberio có cùng một thị kiến như vậy. Biến cố đặc biệt đó là vào ngay giữa hè trời thật nóng bức như thế mà trên đỉnh đồi Esquilino dân chúng lại thấy có một lớp tuyết phủ.

Sau đó ngôi Đền thờ này được Đức Giáo Hoàng Sixto III (432-440) tái thánh hiến dâng kính Đức Mẹ vào ngày 5 tháng 8 năm 432, tức là một năm sau khi Công Đồng Chung Êphêsô tuyên bố tín điều Đức Maria là “Theotókos”, Mẹ Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là “Christotókos”, Mẹ Đức Kitô mà thôi.

Ngày nay, để ghi nhớ sự tích Đức Mẹ xuống tuyết ở đỉnh đồi Esquilino, vào ngày 5.8, Giáo hội cử hành lễ cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả. Trong thánh lễ trọng thể này, người ta vẫn thả từ trần Nhà thờ những hoa hồng màu trắng xuống trên các tín hữu.

Đến thế kỷ thứ VII, Đền thờ này được gọi là Đền thờ “Đức Mẹ Hang Đá”, vì có hang đá Belem được dựng trong nhà nguyện dưới tầng hầm, với 5 mảnh gỗ của Máng cỏ ngày xưa và vài viên đá trong Hang đá được đưa từ Thánh Địa về đây vào năm 642 dưới thời Đức Giáo Hoàng Theodoro I (642- 649). Ngài là người sinh trưởng tại Giêrusalem. Thánh tích quí giá này được lưu trữ trong một hòm bằng bạc do vua Filipphê II của Tây Ban Nha tặng và nay được đặt dưới bàn thờ chính của Đền thờ.

Qua dòng thời gian, Đền thờ này được gọi là Đền thờ Đức Bà Cả, vì đây là ngôi Đền thờ lớn nhất trong số 26 nhà thờ dâng kính Đức Mẹ ở Roma.

b. Kiến trúc

Tại quảng trường Đền thờ, có cột cao 14 mét bằng đá cẩm thạch trắng, được Đức Giáo Hoàng Phaolô V (1605- 1621) cho đưa về đây. Đây là cột duy nhất còn sót lại của 8 cột của Đền thờ Massenzio (cũng gọi là Đền thờ Hòa Bình) thời Trung Cổ. Tượng Đức Mẹ ẵm bế Chúa Giêsu Hài Nhi bằng đồng ở trên cột là tác phẩm của Điều khắc gia người Pháp Guillaume Berthelot.

Tháp chuông Đền thờ cao 75m là tháp chuông cao nhất ở Roma do Đức Gregorio XI cho xây dựng năm 1377. Tháp chuông theo phong cách Roma.Trên tháp có treo 4 quả chuông được coi là hài hòa nhất tại Roma. Năm 1983 tháp này được tu bổ thêm lần nữa.

Mặt tiền Đền thờ bằng đá cẩm thạch do kiến trúc sư Femando Fuga (1743) kiến thiết gồm cổng chính với 5 cửa. Ban công chính bên trên của mặt tiền Đền thờ là phần duy nhất còn lại của Đền thờ Đức Giáo Hoàng Sisto III. Ngày xưa từ ban công này, Đức Giáo Hoàng thường ban phép lành cho các tín hữu.

Ở tiền đường bên trái có Cửa Thánh, bên phải có tượng của vua Philipo IV Tây Ban Nha bằng đồng do Điêu khắc gia Bernini thiết kế.

Đền thờ dài 86,5 mét, rộng 29,13 mét, và cao 18,43 mét. Có 36 cột bằng đá, theo thứ tự mà người Hy Lạp vẫn dành cho các vị thần của họ, phân chia 3 gian của Đền thờ. Ngày nay, có 40 cột, vì vào thế kỷ 18, khi tu bổ Đền thờ, kiến trúc sư Fuga cho dựng thêm 4 cột bằng cẩm thạch xám, để chống đỡ các vòng cung. Nền đền thờ gồm nhiều tấm đá ghép lại như bức tranh khảm đá, do hai nhà quí tộc Roma tặng cho Đức Giáo Hoàng Eugenio III (1145- 1153).

Trần Đền thờ mạ vàng, số vàng đầu tiên đưa từ Mỹ châu về cụ thể là từ Peru, do Hoàng đế Femando và hoàng hậu Tây Ban Nha tặng cho Đức Giáo Hoàng Alexandro VI (1492- 1503). Kiến trúc sư Giuliano da Sangallo đã dùng vàng đó tán thành những lá mỏng để trang trí trần Đền thờ, và mang huy hiệu của gia tộc Borgia của Đức Giáo Hoàng Alexandro VI (ngài là người Tây Ban Nha). Hai mươi bảy tranh khảm đá ở hai bên tường lòng giữa đền thờ mô tả những cảnh tượng trong Kinh Thánh Cựu Ước và về cuộc đời Chúa Giêsu. Ở giữa vòng cung, có cảnh tả ngai Chúa Giêsu, mặc hoàng bào được trang điểm bằng ngọc quí, tay cầm Thánh giá và sách Khải Huyền. Chung quanh là hình thánh Phêrô và Phaolô, cùng với biểu hiệu của 4 thánh sử Phúc Âm. Cạnh đó là cảnh Chúa Giáng sinh. Bên trái là cảnh truyền tin cho Đức Mẹ.

Bàn thờ chính trong Đền thờ, còn gọi là bàn thờ tuyên xưng đức tin (confession) do Kiến trúc sư Vespignani trang trí vào năm 1874, bằng đá cẩm thạch quí hiếm. Trên bàn thờ có tán cao, được 4 cột vòng bằng đồng chống đỡ, do Fuga thực hiện. Tại khu bàn thờ chính này có hòm giữ thánh tích của Thánh Mathêu Tông đồ và các vị tử đạo khác.

Ở khu hậu cung Đền thờ, có bức tranh diễn tả cảnh Chúa Giêsu đội triều thiên cho Đức Mẹ, có ca đoàn 18 Thiên thần và các Thánh bao quanh, đây là kiệt tác của Tu sĩ Jacopo Torriti Dòng Phanxicô năm 1295 thực hiện.

Bên phải Đền thờ có Nhà nguyện Sixtina, tại đây có đặt Mình Thánh Chúa, và có tượng của Đức Giáo hoàng Sixtô V thuộc Dòng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng Piô V thuộc Dòng Đaminh, là người đã thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Ở bên trái Đền thờ có Nhà nguyện Paolina. Trong Nhà nguyện này có ảnh Đức Mẹ “Salus Populi Romani” (Phần Rỗi của dân Roma). Theo tương truyền, bức ảnh này do Thánh sử Luca vẽ dang dở sau đó được một Thiên thần hoàn tất, vì thế đây không phải là bức tranh do tay người phàm vẽ ra. Lưu truyền nói rằng ảnh tự động đến Roma từ Costantinople, tránh nạn phá ảnh tượng 3 thế kỷ trước đó và được đặt tại đây từ năm 1613. Ngôi Nhà nguyện này được coi như là ngôi Nhà nguyện phong phú và đẹp nhất Roma với những bức họa tuyệt đẹp để tôn vinh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Mặt sau của Đền thờ, hướng về quảng trường Esquilino, nổi bật trên nhiều bậc thang, do kiến trúc sư Rainaldi thực hiện vào năm 1673.

b. Một số sự tích của Đền thờ

Cũng như nhiều Đền thờ lớn khác ở Roma, Đền thờ này cũng có nhiều sự tích lưu truyền lại:

-Theo tương truyền, một ngày kia, Olimpo, quan tổng trấn Roma, giận dữ, hầm hầm đi vào Đền thờ Đức Bà Cả để sát hại Đức Giáo Hoàng Marino (882- 884) trong lúc ngài cử hành Thánh lễ. Nhưng vừa bước qua ngưỡng cửa Đền thờ, đột nhiên ông bị mù và không thể thi hành ý định gian ác đó. Sự tích này được ghi nhớ trong một hình n