NGHE CŨNG LÀ QUÀ TẶNG

NGHE CŨNG LÀ QUÀ TẶNG

Chuyện Phiếm Đạo Đời - Mar 24/03/2014

( 1 Cr 14, 1 – 40 )

 
Không cần biết, em là ai. Con trai hay con gái. Đã có tuổi, hay mới chỉ có tên. Chẳng cần hỏi, em có thích không thái độ và hoạt động của vị tăng sư nhà Bụt. Mà tên tuổi, nghe cũng rất quen. Dường như, ông là thiền sư. Một thiền sư nhà Bụt đã phát biểu như sau:
 
“Trong xã hội hiện đại, con người đã và đang mất đi năng lực lắng nghe. Ngày nay, có những ông chồng không thể nói với vợ, những người cha không thể nói được với con cái”.
( Thích Nhất Hạnh ở Bangkok- Tin BBC – 21/5/2007 )
 
Có đồng ý với Thiền sư hay không, cũng phải nhận rằng: nhiều người hôm nay vẫn có năng lực để thấy và để nghe, đấy chứ. Có điều là, họ chỉ muốn thấy và chỉ muốn lắng tai nghe những gì họ thích, mà thôi. Còn chuyện: có lắng nghe điều hay lẽ phải của Đấng Trên Cao không, vẫn là quà tặng phải “xin”, mới có. Phải hỏi, mới có câu trả lời. Thỏa đáng.
 
Và câu trả lời, về nghe-cũng-là-quà-tặng, thì: những ai thường xuyên đọc Kinh thánh sẽ gặp ra điều đó trong thư Thánh Phao-lô gửi đến cộng đoàn khắp nơi. Đặc biệt, là cộng đoàn tiên khởi, ở Cô-rin-thô.
 
Trong thư thứ nhất gửi cộng đoàn này, Thánh Phao-lô đề cập nhiều đến “ơn thần thiêng nói tiếng lạ” (1 Cr 14: 1). Để hình tượng hóa ơn thần thiêng này, thánh nhân dùng thân xác con người làm biểu tượng, mà so sánh. Và, mọi thành viên trong cộng đồng Dân Chúa, đều là chi thể cùng một thân mình, là Đức Ki-tô. Hễ một chi thể bị đau, cả thân mình thấy mệt. Một phần thân thể phát triển, là toàn bộ con người hưng phấn, Bởi thế, vốn là chi thể của cộng đoàn, mọi người cũng nên tiếp tay gầy dựng sao cho cộng đoàn nên tốt đẹp. Có thế, mới xứng đáng là quà tặng của Giê-su Ki-tô, Đức Chúa.
 
Về quà tặng, thánh Phao-lô liệt kê những gì Chúa trao ban, theo thứ tự quan yếu của mỗi món. Đại để, có người được phước làm tông đồ, kẻ thì ngôn sứ. Vị khác, rất thích hợp với vai trò thầy dạy. Chữa lành tật bệnh hoặc công việc gì khả dĩ nâng đỡ, đùm bọc những người anh em. Người có tài ăn nói, kẻ có khả năng lắng nghe. Như phụ nữ trong các buổi hội họp. Ở thời trước.
 
Trong thư ngắn, Thánh Phao-lô kể khá dài về kỹ năng cũng như biệt tài làm tiên tri, nói tiếng lạ. Làm tiên tri – nói tiếng lạ, chắc chắn phải là một quà tặng Chúa ban. Nhưng, không phải là không có những rắc rối kèm theo. Rắc rối, có thể là cơn xuất thần như vừa được mặc khải. Và, vị tiên tri lúc ấy chỉ bập bẹ những điều mà người nghe không thể hiểu. Ở nơi thư, thánh nhân còn giải thích về các hiện tượng, rằng: trừ phi người hiện diện biết cách diễn nghĩa sự kiện ấy, bằng không thì quà tặng này sẽ không thành hiện thực. Bởi, quà tặng là để gầy dựng cộng đoàn. Vì lợi ích của cộng đoàn. Chứ không phải để cho cá nhân, riêng ai.
 
Và, tác giả thư tâm tình gửi cộng đoàn, còn minh định thêm một điều, là: quà tặng làm Ngôn Sứ và nói tiếng lạ phải được lồng trong bối cảnh của cộng đoàn. Dùng không đúng, sẽ đi đến hiện tượng náo loạn trong chính cộng đoàn các kẻ tin. Nhất là, vào buổi tụ tập để nghe nhau. Nghe, chứ không phải thi nhau nói. Và, khi đã có người nói, dù là tiếng lạ hay chỉ là ngôn ngữ của vị Tiên Tri, thì mọi người nên lắng nghe.
 
Nói cho cùng, cộng đoàn nào cũng thế, người người thường chỉ thích nói. Chứ, không thích nghe. Cho dù, nghe vào những lúc lòng trí còn đang “động”. Rất động, vì những sinh hoạt của đời sống. Luôn luôn động. Chứ không tĩnh, như các buổi thiền. Và, làm sao có thể tĩnh và “thiền” suốt được, khi con người mình đang động. Nhất thứ, mình lại không phải như các bậc “thiền” sư, đắc Đạo. Tức, những sư tổ môn thiền, hoặc chuyên lắng nghe. Nghe con tim mình. Tim của thiên nhiên, vạn vật.
 
Thế gian hôm nay, không phải “đã mất đi khả năng nghe”. Mà chỉ là: không có nhiều cơ hội và thời gian, để nghe. Đâu phải, ai cũng có khả năng và thì giờ để nghe. Để thiền, đâu. Ngay như, các vị mang danh là “thiền sư” cũng thích nói nhiều, chứ đâu muốn nghe nhiều. Cũng thế. Đâu phải “ngày nay có những ông chồng không thể nói với vợ mình”, chẳng phải vì ông ta hoặc vợ ông không chịu nghe. Không muốn nghe. Mà vì, ai cũng chỉ thích nói. Cả vợ chồng, con cái, lẫn sư cha.
 
Thành thử, như có nói ở trên. Nghe và lắng nghe không chỉ là quan năng sẵn có đi liền với thân xác, khi con người sinh ra. Nghe, là quà tặng từ Trên. Chẳng đúng sao ? Này nhé: ngay từ lúc mới sinh, trẻ bé đã có những hai tai. Và, chỉ một miệng. Bé có la, có khóc nhiều cho lắm thì cũng chỉ độc nhất từ một miệng. Như thế, đâu có nghĩa bảo là: bé đã mất đi năng lực “lắng nghe”. Trái lại mới đúng. Bởi, bé đã biết nghe từ lúc còn trong bụng mẹ. Nhưng khi lọt lòng, tiếp xúc với đời, bé mới bắt đầu biết la. Biết khóc. Và, cũng biết nghe.
 
Nói cho cùng, muốn cho quan năng “biết lắng nghe” như quà tặng đích thật, tưởng cũng nên liên tưởng đến câu thơ, bài hát ta vẫn nghêu ngao từ thuở nào:
 
“Xin cho con biết lắng nghe
 
Lời Ngài dạy con trong… quá khứ.”
 
Lắng nghe, quả là quà tặng. Quà tặng ấy, nếu không xin sẽ không có. Nhưng vấn đề là, khi có nó rồi, mình còn giữ nó cho tốt, hay không.
 

 

 

 

Tác giả Trần Ngọc Mười Hai