Nguồn gốc chuỗi Mân Côi

Nguồn gốc chuỗi Mân Côi

Tháng Mân Côi - Mar 24/03/2014

Theo Hán-Việt Từ-điển thì hai chữ Mai-khôi có nghĩa là một loại ngọc tốt rất quí và Mai-khôi hoa là hoa hồng, hoa quế đỏ (rose rouge).

 

Theo Hán-Việt Từ-điển thì hai chữ Mai-khôi có nghĩa là một loại ngọc tốt rất quí và Mai-khôi hoa là hoa hồng, hoa quế đỏ (rose rouge).

 

Riêng trong đạo, chữ này đã được đọc trại ra thành nhiều cách tùy theo thói quen  mà mỗi người, mỗi nơi dùng một kiểu như Mân -côi, Văn-côi, Môi-khôi, Mai-khôi; song tất cả những chữ này đều có cùng một nghĩa là những bông hồng đẹp hay viên ngọc quí.

 

Chuỗi Mai-khôi là chuỗi gồm một trăm năm chục hạt. Mỗi hạt là một kinh Kính mừng và sau mười hạt lại có thêm một hạt nữa để chỉ kinh Lạy Cha.

 

Những kinh Kính mừng đó được coi như những bông hồng kết thành vòng hoa dâng kính Đức Mẹ. Một trăm năm mươi kinh Kính mừng là một trăm năm mươi bông hồng hay một trăm năm mươi thánh vịnh kính Đức Mẹ.

 

 

1.   Nguồn gốc chuỗi Mai-khôi

 

Ngay từ thế kỷ XI, thời thánh Bê-na-đô, những người có lòng sùng kính Đức Mẹ vẫn đọc một chuỗi các kinh Kính mừng, vừa đọc vừa nghĩ đến những sự vui mừng của Đức Mẹ. Có thể nói đó là hình thức khởi đầu của chuỗi Mai-khôi. Sau này, năm 1328 ngưòi ta tìm được một tập ghi chép các phép lạ của Đức Mẹ. Trong tập này có nói đến việc Đức Mẹ trao chuỗi Mai-khôi cho thánh Đa-minh. Và từ đó trở đi, người ta cứ  truyền tụng cho nhau là thánh Đa-minh đã lập ra  chuỗi Mai-khôi. Vì thế, trong dòng Đa-minh mới có tượng Đức Mẹ trao chuỗi Mai-khôi cho thánh Đa-minh.

 

Kinh Mai-khôi đã có từ thế kỷ XIII, bằng cách cứ sau mỗi mười kinh thì dừng lại một chút, rồi thêm vào một câu hát vắn hay mấy lời lấy trong các sách Tin Mừng về cuộc đời Chúa Cứu Thế, để thay đổi và cho đỡ nhàm chán. Ban đầu chỉ lấy những câu nói về các niềm vui, sau mới thêm những câu nói về các nỗi khổ và các điều mừng rồi sau cùng gần đây thêm các sự sáng.

 

Từ thế kỷ XV trở đi, việc lần chuỗi Mai-khôi được tổ chức như chúng ta thấy ngày nay, nghĩa là chia làm ba chuỗi, mỗi chuỗi năm chục kinh suy ngắm về một số các mầu nhiệm liên quan đến các niềm vui, nỗi khổ và các điều mừng.

 

Hai tu sĩ dòng Đa-minh là linh mục A-lanh đờ la Rót-sơ (Alain de la Roche) người Pháp ở tỉnh Đu-ê (Douai), (sau được nâng lên hàng chân phước) năm 1470 và linh mục Gia-cóp Pơ-ren-gơ (Jacob Sprenger) người Đức ở tỉnh Kơn (Koeln) năm1475 đã lập ra các Hội Mai-khôi. Từ thế kỷ XVI, các Đức Giáo-hoàng chính thức giao cho dòng Đa-minh nhiệm vụ rao giảng về chuỗi Mai-khôi và thành lập các hội Mai-khôi.

 

Vào tháng 10 năm 2002, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô đệ nhị đã thêm vào Kinh Mân-côi Mầu-nhiệm Sự Sáng.

 

 

2. Nguồn gốc lễ Mai-khôi

 

Ngày Chúa nhật 7.10.1571, hải quân Công-giáo thắng hải quân Thổ nhĩ kỳ một trận thủy chiến oanh liệt ở vịnh Lơ-păng-tơ (Lepante) (giữa Co-rin-tô và Pa-trát).

 

Tin chiến thắng được báo về Rô-ma vào Chúa nhật đầu tháng Mười, giữa lúc các hội viên Mai-khôi đang rước kiệu trong thành phố.

Để tạ ơn Đức Mẹ đã nghe lời cầu khẩn của các tín hữu, Đức Giáo-hoàng Pi-ô V, ngày 5 tháng 3 năm 1572 truyền mỗi năm phải làm một lễ kính Đức Bà chiến thắng. Ngày 01 tháng 4 năm 1573, Đức Giáo-hoàng Ghê-go-ri-ô đặt tên cho lễ này là lễ Mai-khôi và truyền phải cử hành trong các nhà thờ và nhà nguyện của các Hội Mai-khôi vào Chúa nhật đầu tháng Mười. Năm 1716, Đức Giáo-hoàng  Cơ-lê-măng (Clément) XI truyền cho toàn thể Hội thánh phải long trọng mừng lễ này. Đến năm 1913, lễ Mai-khôi được ấn định vào ngày 7 tháng10 mỗi năm.