NHỮNG ĐIỀU PHẢI TIN TRONG ĐẠO CHÚA

NHỮNG ĐIỀU PHẢI TIN TRONG ĐẠO CHÚA

Năm Đức Tin - Mar 24/03/2014

Những điều phải Tin, tóm lại trong kinh Tin kính:

1- Những điều phải Tin, tóm lại trong kinh Tin kính:

Kinh Tin kính các Tông đồ (do 12 thánh tông đồ Chúa Giêsu)

1. Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

2. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi/ bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh/ chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô/ chịu đóng đinh trên cây Thánh giá/ chết và táng xác/ xuống ngục Tổ tông/ ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại/ lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng/ ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

3. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.

4. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này.

5. Các Thánh thông công.

6. Tôi tin phép tha tội.

7. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

8. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

———————————–

Tìm hiểu kinh Tin kính theo sách Giáo lý Công giáo công bố năm 1992

1. Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

a/ Tôi tin kính Đức Chúa Trời: Người Công giáo tin có MỘT Chúa, nhưng Chúa có BA NGÔI là Cha và Con và Thánh thần, Ba ngôi có cùng một bản tính là Chúa trời.

Mầu nhiệm (mystery) Thiên Chúa Ba ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đời sống kitô hữu.

Họ tuyên xưng mầu nhiệm  này khi làm dấu Thánh giá +, khi đọc kinh Tin kính, kinh Sáng Danh, kinh Vinh  Danh.

b/ Là Cha:

Chúa Giêsu Kitô cho phép các tín hữu gọi Cha Ngài là Cha.

Cha ở trên trời quyền phép vô cùng và thương con cái hơn hết mọi cha mẹ dưới trần.

c/  Phép tắc vô cùng = Toàn năng (Almighty)

Cha dựng nên mọi loài, điều hành mọi sự, và làm được mọi điều Ngài muốn, không hề có giới hạn.

d/ Dựng nên trời đất = Đấng tạo thành (The Creator):

Chúa dựng nên trời đất từ không không,  không cần vật liệu đã có sẵn, trong thời gian 6 ngày, hay 6 thời kỳ.

– Việc Thiên Chúa tạo dựng làm sáng tỏ các vấn nạn: Con người từ đâu tới? Con người đi về đâu? Vạn vật từ đâu tới? Vạn vật đi về đâu? Sự dữ (ác, khổ) bởi đâu mà ra? Ai chịu trách nhiệm về sự dữ? Có cuộc giải thoát khỏi sự dữ không?

– Thiên Chúa lưu tâm săn sóc các tạo vật Ngài đã dựng nên cách tỉ mỉ theo kế hoạch khôn ngoan vô cùng, nhưng Ngài cho phép sự dữ xảy ra để đạt điều tốt lành hơn.

– Trời và đất: Trời chỉ bầu trời, cũng là nơi Thiên Chúa ngự. Đất chỉ thế giới, nơi loài người ở. Thiên Chúa đã dựng nên thế giới và muôn loài, trong đó có thiên thần vô xác (linh thiêng, thiêng liêng) và loài người gồm hồn và xác.

Thiên thần là những tôi tớ, sứ giả của Thiên Chúa, đang được hưởng phúc bên Chúa,

Mỗi tín hữu có một thiên thần bản mạnh (guardian angel) , luôn gìn giữ và chuyển cầu cho từ thời thơ ấu tới khi ly trần.

– Loài người được dựng nên theo "hình ảnh" Chúa,nghĩa  là:

– Có khả năng tự nhận biết, làm chủ mình, tự trao tặng và liên kết với các người khác,  nhận biết, yêu mến Chúa, là tham dự vào cuộc sống Chúa.

– Loài người có xác vật chất và hồn linh thiêng (chỉ hình bóng Thiên Chúa). Hồn làm cho xác thành người, thành đền thờ Chúa, hồn là mô thức (form) của xác, hồn làm cho xác chất thành linh động. Hồn và xác thành một bản tính người.

– Hồn được Chúa trực tiếp tạo dựng, và hồn mãi mãi không hư nát (bất tử), sẽ kết hợp lại với xác mình trong ngày sống lại.

– Chúa dựng nên người có nam có nữ, hoàn toàn bình đẳng. 

Con người đầu tiên (tổ tông) được sáng tạo tốt lành, được sống thân tình với Chúa, hòa thuận nơi bản thân, nơi nam nữ, nơi vạn vật, không phải chết, không phải khổ, làm chủ mình, làm chủ vạn vật, thoát dục vọng. Nhưng con người đã làm mất đi những ơn đó vì đã tự ý phạm tội.

– Tội Tổ tông ở chỗ: nghe lời dụ dỗ của quỉ, muốn trở nên như Chúa, lạm dụng tự do, bất tuân lệnh Chúa, phạm điều Chúa cấm.

– Hậu quả tội tổ tông:

– Lập tức mất ơn thánh thiện ban đầu, sợ hãi Chúa, xác mất hòa hợp với linh hồn, với nhau, với các tạo vật, phải chết (về với bụi đất), tội lan tràn trên con cháu, vì mang tính người.

– Nhưng Chúa đã không bỏ mặc con người, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế và Mẹ Ngài là Ađam và Evà mới.

2. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô (I believe in Jesus Christ)

a/ Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô:

– Theo tiếng Do thái: Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu vớt. Dưới bầu trời không có Danh nào khác có thể cứu chúng ta. Danh Giêsu vượt trên mọi danh khác, thần dữ phải sợ Danh Ngài. Danh Giêsu là trung tâm kinh nguyện Kitô Giáo. Cao điểm của kinh Kính mừng là lời "Và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ" (430-435).

– Kitô (Christos) là tiếng Hi lạp dịch từ tiếng Messia của Do thái, nghĩa là Đấng được xức dầu, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần xức dầu cho Ngài, Đức Kitô là Đấng được Chúa Cha sai xuống trần gian (436-440).

b/ Là Con một Đức Chúa Cha: nói lên sự liên kết giữa Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã nói lên điều này khi Chúa Giêsu chịu rửa trong sông Giođanô, cũng chính Chúa Kitô xác nhận trước Hội đồng Cộng tọa người Do thái (441-445).

c/ Cùng là Chúa chúng tôi (Our Lord) (430-455)

65. Danh hiệu Chúa là gì?

– Là nói lên quyền tối cao của Ngài. Ta kêu cầu với Ngài là Chúa trong mọi kinh nguyện, tôn nhận Ngài là Thiên Chúa tối cao của trời đất, Ngài là chìa khóa, là trung tâm, là cùng đích của lịch sử nhân loại (446-451).

d/ Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh (was conceived by the power of The Holy Spirit, born of The Virgin Mary).

– Với cách thế của Thiên Chúa, Thánh Thần là Đấng ban sự sống, đã cho Đức Maria mang thai Con Thiên Chúa, nhân tính Chúa Kitô đón nhận từ nhân tính của Đức Mẹ (484-487).

– Bản tính loài người nơi Chúa đón nhận bản tính Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi hiệp (the mysterious union of the Incarnation). Tất cả hành động của Chúa Kitô đều qui về Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài có tâm hồn và lý trí, có ý chí và hành động theo hai bản tính: Chúa và người. Thân xác Ngài là thân xác con người, cũng bị giới hạn, trái tim Ngài cũng yêu như mọi người (470-478).

– Thiên Chúa đã chọn một thiếu nữ trẻ tên là Maria, người Do thái, làng Nagiaret làm Mẹ Con Ngài. Suốt thời Cựu Ước, vai trò Đức Maria đã được chuẩn bị qua các phụ nữ Thánh thiện, sau cùng Ngài đã khai mở nhiệm cục mới (489).

– Đồng trinh là dấu chỉ đức tin của mẹ và dấu chỉ Mẹ trọn đời dâng hiến cho Chúa (506). Mẹ Maria vừa là trinh nữ vừa là Mẹ (507).

 

đ/ Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá (Suffered under Pontius Pilate, was cruxified)(571-629)

– Chúa đã giảng dậy và làm nhiều phép lạ, nhưng dưới mắt nhiều người Do thái, việc Chúa làm như chống lại lề luật của Dân Riêng: Họ vâng phục toàn bộ lề luật Moise, cả trong những giải thích truyền khẩu, họ coi Giêrusalem là nơi Thánh tối cao, họ tin vào Thiên Chúa duy nhất, không ai được coi mình bằng Thiên Chúa (574).

– Việc Chúa Kitô chịu nạn chịu chết là mầu nhiệm trong kế hoạch Thiên Chúa từ trước. Chúa cho phép mọi hành động xuất phát từ những con người mù quáng để hoàn thành kế hoạch cứu độ (plan of salvation) của Ngài (600)

e/ Chết và táng xác (died, and was buried)

– Ngài đã chết vì tội chúng ta (601). Ngài tự nguyện chết để cứu chuộc ta (609-617).

– Ngài mời ta vác thập giá theo Ngài, Ngài chỉ đường cho ta đi, Ngài nối kết ta với hy lễ Ngài, như Mẹ Ngài đã thật sự kết hợp trong mầu nhiệm cứu độ, vì ngoài thập giá không có thang nào khác để lên trời (618).

– Con Thiên Chúa làm người đã chết thực và được chôn táng thực (629).

Nhờ phép Rửa tội, ta cũng được mai táng với Chúa Kitô (628).

 g/ xuống ngục Tổ tông (Descended into hell)

– Ngục tổ tông, còn được gọi là âm phủ, là nơi những người đã chết không được thấy Thiên Chúa.

Chúa không xuống ngục tổ tông để giải phóng những người đã bị kết án muôn đời, nhưng để giải phóng những người công chính đã sống trước Ngài (633).

 h/ Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại

– Đó là biến cố lịch sử, Thánh Phaolô đã viết về biến cố này cho Giáo đoàn Corinhto vào khoảng năm 56 (639). Mồ trống (640), các cuộc hiện ra (641), các môn đệ lại sờ thấy và dùng bữa với Chúa (645).

– Chúa đã phục sinh – để hoàn tất những lời đã hứa (652), – để xác nhận tính Thiên Chúa của Ngài 653), sau cùng, Chúa phục sinh là nguyên lý cuộc phục sinh sau này của ta. Trong khi chờ đợi phục sinh, ta "không còn sống cho ta, nhưng cho Đấng đã chết và phục sinh vì ta".

i/ Lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng ( ascended into heaven and sits at the right hand of God The Father almighty)" (659-667)

– Sau 40 ngày, Ngài lên trời đánh dấu việc nhân tính Ngài đi vào cõi trời, và từ đó, sau này Ngài sẽ trở lại.

– Ngài ngự bên hữu Cha, nghĩa là Ngài được vinh quang, danh dự (663).

– Ngài vẫn còn tại thế nhờ Giáo hội Ngài (668). Ngài hiện diện nhờ những dấu chỉ lạ lùng kèm theo lời loan báo của Giáo hội (669).

 k/ Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết (He will come to judge the living and the dead)(668-682)

–  Ngày phán xét chung có thể xảy ra ở mọi thời (673), nhưng trước khi Đức Kitô trở lại, Giáo hội phải vượt qua thử thách cuối cùng, thử thách làm lung lạc niềm tin của nhiều tín hữu, nhất là thử thách lừa bịp của Phản Kitô (Antichrist: quỉ vương) (675).

– Cuộc chung thẩm sẽ xảy ra thế này: Lúc đó cách sống của mỗi người và bí mật các tâm hồn sẽ phơi bày trước ánh sáng. Lỗi bất tín coi thường ơn Chúa sẽ bị kết án. Thái độ với tha nhân sẽ cho thấy con người đón nhận hay từ chối ơn Thánh và tình yêu Thiên Chúa.

– Nhưng Chúa Con đã không đến để phán xét mà để cứu vớt. Chính vì từ chối ơn Thánh Chúa trong cuộc đời, nên mỗi người tự phán định chính mình. Họ sẽ đón nhận tùy theo công việc đã làm, họ có thể tự kết án mình muôn đời vì từ chối Thánh Thần Tình yêu (679).

3. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần

a/ Chúa Thánh Thần rất cần thiết cho đời sống công giáo.

Qua Bí tích Rửa tội, Chúa Thánh thần ban sức sống cho ta từ Chúa Cha và Chúa Con.

b/ Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa ngôi Ba, dù khác biệt về ngôi, nhưng đồng bản tính (consubtantial with) với ngôi Cha và ngôi Con. Chúa Thánh Thần hành động với ngôi Cha và ngôi Con từ khởi đầu đến khi hoàn thành kế hoạch cứu rỗi loài người.

c/ Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội: Ngài đến với Giáo hội dưới hình lưỡi lửa vào ngày lễ Ngũ tuần (Pentecost). Ngài là Tình yêu: tình yêu là ơn đầu tiên chứa đựng mọi ơn khác, từ đó ban ơn tha tội qua Bí tích Rửa tội. Nhờ tình yêu này, ta sống đời sống mới trong Chúa Kitô. Nhờ Thánh Thần, đời sống ta sinh hoa trái: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. (Gl 5,22-23). Qua Giáo hội, Thánh Thần chuẩn bị, lôi kéo họ về, Ngài bày tỏ Chúa Kitô Phục sinh, Ngài làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện tuyệt vời trong Bí tích Thánh Thể, để giao hòa họ và đưa họ vào hiệp thông với Thiên Chúa Cha. Qua các Bí tích của Giáo hội, Đức Kitô thông ban Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa cho các phần Thân thể Ngài là Giáo hội.

4.Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này.

a/ Giáo hội được chuẩn bị lạ lùng trong lịch sử Israel khởi đầu từ ơn gọi Abraham, được Chúa Kitô thiết lập khi chọn nhóm 12 tông đồ, được tỏ ra nhờ Thánh Linh trong lễ Ngũ tuần, và hoàn tất trong vinh quang, dù đầy cam go.

b/ Giáo hội vừa hữu hình (có cơ cấu phẩm trật, cộng đoàn hữu hình, Giáo hội trần thế, nhân linh); vừa vô hình (nhiệm tể Chúa Kitô, cộng đoàn thiêng liêng, ơn phúc trời cao, thần linh)

c/ Giáo hội có 4 đặc tính: duy nhất, Thánh thiện, công giáo, tông truyền? (811-870)

    1/Duy nhất (One):

– Vì chỉ có một Đấng Sáng lập là Chúa Kitô

    2/ Thánh thiện (Holy)

– Vì Chúa Ba ngôi là Thánh, trong giáo hội đấy tràn sự thánh thiện của Chúa Kitô, dù nhiều phần tử không thánh.

    3/Công Giáo (Catholic)

 – Vì Đức Kitô sai Giáo hội đến rao giảng Tin mừng cho toàn thể nhân loại.

    4/ Tông truyền (Apostolic)

 – Vì được thiết lập và lưu truyền từ thời các Tông đồ Chúa Kitô tới nay.

d/ Tín hữu Công Giáo là những ai?

– Là những người đã gia nhập Giáo hội trọn vẹn, chấp nhận tổ chức Giáo hội, phương tiện cứu rỗi, lãnh các Bí tích.

đ/ Mọi tín hữu Công Giáo có được cứu rỗi linh hồn (sự sống đời đời) cả không?

– Những tín hữu Công Giáo "không bền vững trong Đức Ái" (không có ơn nghĩa Chúa, mắc tội trọng mà không sám hối) thì không được cứu rỗi, vì xác ở trong Giáo hội mà hồn thì không.

e/- Giáo hội có thái độ nào với những người ngoài Kitô Giáo?

– Với những tôn Giáo ngoài Kitô Giáo, Giáo hội "nhìn nhận tất cả những gì là tốt lành và chân thật trong các tôn Giáo này như sự chuẩn bị cho Tin mừng cứu độ", tuy họ có những sai lầm làm sai lạc hình ảnh Thiên Chúa.

g/ Ngoài Giáo hội Công Giáo có được cứu rỗi không?

– Nếu biết Giáo hội Công Giáo là cần thiết mà – vẫn không muốn gia nhập, – hoặc không muốn kiên trì ở lại trong Giáo hội này, thì không được cứu rỗi (846).

  Nhưng nếu ai có lòng thành đi tìm Chúa, và họ gắng làm theo Ý Chúa, theo tiếng lương tâm của họ, họ có thể được cứu rỗi.

h/ Tại sao Giáo hội tôn trọng tự do tín ngưỡng mà lại còn truyền Giáo?

– Giáo hội làm theo lệnh truyền của chính Chúa Kitô: "Hãy đi rao giảng cho muôn dân…" (Mt 28,19-20). Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi (1 Tm 2, 4).

i/ Ơn gọi (vocation) của Giáo dân là gì?

– Là tìm kiếm Nước Thiên Chúa trong khi sử dụng các sự việc trần thế.

5. Các Thánh thông công.

a/ Là hiệp thông 3 tình trạng: Tín hữu trần gian, linh hồn luyện ngục, các thánh thiên đàng.

Ba tình trạng trao đổi những lợi ích thiêng liêng, trong gia đình của Thiên Chúa.

 

b/ ĐỨC TRINH NỮ MARIA, MẸ CHÚA KITÔ, MẸ GIÁO HỘI

Tại sao gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội?

– Gọi là Mẹ Thiên Chúa vì Người sinh ra Chúa Kitô là Thiên Chúa, gọi là Mẹ Giáo hội vì qua đức Ái, Người sinh ra các tín hữu là chi thể của Chúa Kitô.

Vai trò của Đức Mẹ đối với Giáo hội xuất phát từ đâu?

– Từ việc Mẹ gắn liền với Chúa Kitô Cứu chuộc từ lúc cưu mang tới khi Ngài chết. Sau khi Chúa về trời, Mẹ đã trợ lực Giáo hội bằng lời cầu của mình.

Thiên Chúa đã thưởng Đức Mẹ những đặc ân gì?

– Đặc ân Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Thiên Chúa, Đồng trinh trọn đời, Hồn xác lên trời, và Nữ vương Vũ trụ.

  Giáo hội có lòng tôn kính Đức Mẹ thế nào?

– Giáo hội tôn kính Đức Mẹ bằng phụng tự đặc biệt qua các lễ  phụng vụ, qua kinh Mân côi được coi như tóm tắt toàn bộ Phúc âm.

6. Tôi tin phép tha tội.

a/Phép (Bí tích) Tha tội là phép nào?

– Là phép Rửa tội. Phép Rửa tội là Bí tích số một và chính yếu để ban ơn tha tội. Chính Chúa Kitô đã nói rõ: Ai tin và chịu Phép Rửa tội sẽ được cứu rỗi (Mc 16,16). Khi lãnh Phép Rửa tội, người ta được tha tội nguyên tổ, mọi tội riêng, và mọi hình phạt bởi tội.

b/ Phép Rửa tội (Sacrament of Baptism) làm cho ta hết phạm tội phải không?

– Không. Phép Rửa tội không giải thoát con người khỏi những suy yếu của bản tính con người, vì thế, ta vẫn phải chiến đấu để chống lại những giao động của tình dục luôn kéo ta về sự ác.

c/ Bí tích Rửa tội có là phương thế duy nhất để Giáo hội tha tội không?

– Không, ngoài Phép Rửa tội, Giáo hội còn có Bí tích Giải tội (xá giải, hoà giải) để tha tội cho ta, cho ta làm hòa với Chúa và với Giáo hội.

d/ Giáo hội có quyền tha tội, vậy Giáo hội tha được những tội nào?

– Không tội lỗi nào nặng nề đến đâu mà Giáo hội không thể tha thứ, miễn là tội nhân thành tâm ăn năn sám hối.

đ/ Giáo hội khuyên tội nhân trông cậy vào Phép Tha tội thế nào?

– Giáo hội khuyên khơi dậy nơi giáo dân niềm trông cậy vào lòng thương xót vô biên của Chúa Kitô đã ban cho Giáo hội khi Ngài sống lại, đó là quyền tha thứ tội lỗi cho các tông đồ và các vị kế tiếp qua chức linh mục sau này trong Giáo hội (983).

7. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

a/ Sống lại là gì?

– Sống lại là việc Thiên Chúa trả lại sự sống vĩnh viễn cho thân xác chúng ta khi cho xác kết hợp lại với linh hồn.

b/ Ai sẽ sống lại?

– Mọi người lành, kẻ dữ, nhưng người đã làm lành sẽ sống lại để được sống mãi, người đã làm điều dữ sẽ sống lại để chịu án phạt đời đời.

c/ Khi nào người ta sẽ sống lại?

– Người ta sẽ sống lại vào ngày tận thế, và sống mãi với Chúa Kitô.

d/ Để sống mãi với Chúa Kitô, ta cần phải làm gì bây giờ?

– Phải chết với Chúa Kitô, nghĩa là phải sẵn sàng chết, rời bỏ thân xác này mà ra đi, đó là khi linh hồn lìa khỏi xác.

đ/ Chết là gì?

– Chết là linh hồn lìa khỏi xác, là lúc tận cùng của cuộc sống ở trần gian.

e/ Chúa Kitô đã biến đổi sự chết thế nào?

– Tuy run sợ khi đối diện với sự chết, nhưng Chúa Kitô đã can đảm hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa Cha. Sự vâng phục này đã biến đổi lời chúc dữ của cái chết thành lời chúc lành.

g/ Đâu là ý nghĩa cái chết theo Công Giáo?

– Nhờ Chúa Kitô, cái chết của người Công Giáo có ý nghĩa như là mối lợi, vì hy vọng sẽ sống lại với Người để sống đời sống mới.

h/ Chết rồi có "đầu thai" vào kiếp khác (return to other earthly life) không?

– Chết là tận cùng cuộc sống lữ hành của cuộc đời duy nhất, người ta chỉ chết một lần, đạo Công giáo không tin có sự đầu thai lại sau khi chết.

i/ Giáo hội khuyên điều gì về sự chết?

– Giáo hội khuyên chuẩn bị cho giờ chết của mình. Phải sống sao như là sẽ chết hôm nay, để tránh tội lỗi, làm việc lành. Gắng đừng phạm tội hơn là tránh sự chết.

8. Tôi tin hằng sống vậy (vĩnh cửu).

a/ Những gì xảy ra sau khi chết?

– Sau khi chết người ta phải phán xét riêng, nghĩa là xét công tội tùy theo công việc và niềm tin của mỗi người.

b/ Ai được nhận vào Thiên đàng (Heaven)?

– Ai chết trong ân sủng và ơn nghĩa Chúa (grace and friendship), và đã hoàn toàn được thanh tẩy (perfectly purified), sẽ sống muôn đời (live forever) với Chúa.

c/ Nơi Thiên đàng, người lành hưởng phúc thế nào?

– Họ được thấy Chúa tận mặt, được sống trong sự sống và tình yêu với Chúa Ba ngôi, được thỏa những nguyện vọng sâu xa nhất của con người, đó là tình trạng hạnh phúc cao nhất và vĩnh viễn. Họ sống với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô, nhưng họ vẫn giữ bản sắc và tên gọi của mình.

d/ Trên Thiên đàng có những ai?

– Có Thiên Chúa Ba ngôi, Đức Mẹ Maria, các thiên thần, các thánh.

đ/ Thiên đàng được nói qua những hình ảnh nào?

– Thiên đàng vượt quá mọi hiểu biết và biểu tượng. Thánh kinh nói về Thiên đàng qua những hình ảnh: sự sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu Nước Trời, nhà  Cha, thành Giêrusalem trên trời, thiên đàng, nơi mắt chưa thấy, tai chưa nghe, lòng trí chưa nghĩ tới, nơi Chúa dành sẵn cho ai yêu mến Ngài. (1027).

e/ Luyện ngục (Purgatory) là gì?

– Luyện ngục là nơi những người chết trong ân sủng và tình nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy trọn vẹn, phải chịu sự thanh tẩy cuối cùng (final purification) hòng đạt sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.

g/ Kinh Thánh nói gì về luyện ngục?

– Cựu Ước (2 Mcb 12, 46), Phúc âm theo Thánh Matthêô (Mt 12,31), thư Thánh Phaolô (1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7) gián tiếp nói về luyện ngục.

h/ Giáo hội Công Giáo nói gì về luyện ngục?

– Công đồng Florentia, Công đồng Trentô đã nói rõ ràng về luyện ngục. Giáo hội luôn khuyến khích giáo dân dâng Thánh lễ, cầu nguyện, bố thí, hưởng ân xá, làm việc đền tội để giúp các người đã qua đời.

177. Hỏa ngục (Hell) là nơi nào?

– Hỏa ngục là nơi những kẻ chết trong tội trọng mà cố chấp không sám hối, không đón nhận tình thương Chúa. Họ sẽ mãi mãi phải xa lìa Chúa và các Thánh trên trời.

178. Kinh Thánh có hay nói đến hỏa ngục không?

– Chúa Kitô nói rất nhiều lần: hỏa ngục, lửa không tắt, lửa muôn đời (Mt 5, 22-29; 10, 18; 13, 42-50).

179. Giáo hội dạy điều gì về hỏa ngục?

– Giáo hội xác định có hỏa ngục và hỏa ngục đời đời. Giáo hội kêu gọi tránh hỏa ngục bằng sám hối tội lỗi, đi vào đường hẹp, từ bỏ mình của Phúc âm, luôn tỉnh thức chờ Chúa đến.

180. Thiên Chúa có ấn định trước cho ai phải sa hỏa ngục không?

– Không, Thiên Chúa không tiền định cho ai phải sa hỏa ngục, người ta sa hỏa ngục vì người ta phạm trọng tội (cố ý xoay lưng lại với Chúa) và cố chấp trong tình trạng này tới cùng (không sám hối).

181. Thế nào là phán xét chung?

– Là sự phơi bày tất cả những hậu quả sau cùng của những gì mà mỗi người đã làm tốt, hoặc đã bỏ qua không làm trong cuộc đời trần gian của mình.

Việc phán xét chung sẽ diễn ra vào lúc Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Ngài sẽ tách chiên ra khỏi dê. Những người công chính (chiên) sẽ ngự trị muôn đời với Chúa Kitô, họ được tôn vinh cả hồn lẫn xác.

182. Sau khi phán xét chung những gì sẽ xảy ra?

– Người công chính được đổi mới, vũ trụ cũng sẽ được đổi mới (trời mới đất mới). Trong nơi mới này (Kh 21,5) sẽ không còn khóc lóc, kêu than, không còn sự chết.

Chúng ta không biết thời gian nào là thời gian Phán xét chung và đổi mới con người và vũ trụ.

Sứ điệp của việc Phán xét chung là lời kêu gọi hãy trở về với Thiên Chúa, trong khi Ngài còn ban cho người ta thời gian thuận tiện, thời gian cứu độ.

 Amen.

Trong tiếng Do thái, "Amen" có nghĩa là tin, là trung thành: Tôi tin Chúa , Chúa trung thành với tôi. Tiên tri Isaia gọi Chúa là "Thiên Chúa của Amen". Chúa Kitô là "Amen" (Kh 3, 14), Ngài là Amen của tình thương Chúa Cha dành cho tôi. Nhờ Chúa Kitô, tôi thưa Amen để tôn vinh Thiên Chúa.