Núi

Núi

Thiếu Nhi Thánh Thể - Mar 24/03/2014

Núi là những mô đất đá rất cao hầu như có khắp nơi trên trái đất, tuy nhiên chỉ có vài núi được coi là nổi tiếng vì cao, đẹp, hoặc vì biến cố nào đó mà thôi. Châu Âu có núi Alps ở nước Thụy Sĩ, theo tiếng Latin Alpes, có nghĩa là Trắng. Nhật thì có núi Fuji (Phú Sĩ) nỗi tiếng đẹp. Úc thì có Kosciuszko …

 Núi là những mô đất đá rất cao hầu như có khắp nơi trên trái đất, tuy nhiên chỉ có vài núi được coi là nổi tiếng vì cao, đẹp, hoặc vì biến cố nào đó mà thôi. Châu Âu có núi Alps ở nước Thụy Sĩ, theo tiếng Latin Alpes, có nghĩa là Trắng. Nhật thì có núi Fuji (Phú Sĩ) nỗi tiếng đẹp. Úc thì có Kosciuszko. Nhưng Ngọn núi cao nhứt thế giới là ngọn Everest trên dãy Hy Mã Lạp Sơn cao 8848 mét, con người bắt đầu muốn chinh phục ngọn núi nầy vào năm 1921, nhưng đến năm 1953 mới có người chinh phục được, biết bao người vẫn còn muốn chinh phục ngọn Everest nầy.

Hằng năm vào Mùa Ðông có nhiều người Úc thích đi “Núi Tuyết”. Môn thể thao ít người chơi là “Leo núi”. Nhưng chắc chắn không ai thích “Núi Lửa” vì đây là thiên tai, mỗi khi hoạt động gây thiệt hại cho nhân mạng và tài sản, hiện nay có một số núi lửa còn hoạt động, như ở Nam Dương, Ý, Chí Lợi, Băng Ðảo, Hạ Uy Di, năm 2010 và năm 2011 hai ngọn núi lửa ở Băng Ðảo và Chí Lợi phun bụi mịt trời làm cho ngành hàng không tê liệt một thời gian ngắn, thiệt hại nhiều triệu đôla.

Những người không thỏa lòng là người “Ðứng núi nầy trông núi nọ”. Nói về sức mạnh của tình yêu “Yêu nhau mấy núi cũng trèo…”. Có câu chuyện “Ngu Công Dọn Núi” để dạy về sự kiên nhẫn có thể làm được nhiều việc lớn. Có câu hỏi là “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?” Những người đã học đạo mãn hạn gọi là “Xuống núi”, nhưng chữ “Xuống núi” còn dùng cho nhiều nghĩa bóng khác nữa. Chính quyền Việt Nam ca ngợi tình hữu nghị với Trung Cộng là “Núi liền núi, sông liền sông”, nhưng bị đàn anh lưu manh nầy luôn lấn chiếm núi, sông, biển và hải đảo.

Riêng Việt Nam nước ta, Miền Bắc thì có núi Yên Tử, núi Ngũ Nhạc. Miền trung thì có Ngũ Hành Sơn, núi Ngự Bình ở Huế cũng nổi tiếng, vì có câu “Sông Hương, Núi Ngự”. Tương lai duyên nợ không biết thể nào, cao dao có câu “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, Sông An Cựu nắng đục mưa trong, em đây vốn thực chưa chồng, núi cao sông rộng biết gửi lòng cùng ai”. Miền Nam thì có núi Bà Ðen. Những cựu chiến binh Úc đều biết “Núi Ðất” ở tỉnh Phước Tuy, đây là nơi đóng quân của Quân đội Úc khi tham chiến chống Cộng sản, tại đây quân đội Úc có trận đánh “Long Tân” ác liệt, 18 chiến binh Úc hy sinh. Miền tây thuộc địa phận tỉnh Châu Ðốc thì có Thất Sơn, hay còn gọi là “Vùng bảy núi”, hằng năm đều có “Vía Bà”, người đi lễ đông ngẹt. Có câu ca dao hỏi “Núi kia ai đắp nên cao, sông kia biển nọ ai đào mà sâu?”

Trong Kinh thánh cũng có câu hỏi “Ai đã lấy lòng bàn tay mà lường biển, lấy gang tay mà đo các từng trời? Ai đã lấy đấu mà đong bụi đất? Ai đã dùng cân mà cân núi? (Êsai 40:12). Câu trả lời là Ðức Chúa Trời (Êsai 40:21-22).

Riêng bạn, thì bạn nghĩ là ai?

MS Trần Ngọc Chánh