Thứ Sáu tuần II TN
Mc 3:13-19
Tin mừng hôm nay Thánh Maccô cho thấy trong một bối cảnh ở trên núi, Chúa Giêsu đã “gọi đến với người những kẻ người muốn”. Với Thánh Luca thì cho biết Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn “những kẻ người muốn”.
Chúa Giêsu lập nhóm mười hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.(Mc 3,14). Chúa chọn gọi các môn đệ để trở thành những cộng tác viên của Chúa trên cánh đồng truyền giáo. Các môn đệ ở với Chúa và sống với Người cách thân mật, để được Chúa Giêsu huấn luyện làm người tông đồ. Nhờ vậy, các môn đệ sẽ ra đi Loan báo Tin Mừng của Người.
Như thế, tại một địa điểm thánh thiêng, trong một không gian thánh thiêng, qua tâm giao với Cha, Chúa Giêsu đã chọn một số Môn đệ, thiết lập cộng đoàn hạt nhân của Giáo hội Người. Điều này nói lên tầm quan trọng của sự kiện, và Chúa Giêsu đã thực hiện sự kiện đó dưới sự hướng dẫn của Cha Người.
Trước khi chọn các môn đệ, Chúa Giêsu đã phải lên núi (Mc 3,13), để cầu nguyện với Cha suốt đêm (Lc 6,12). Ngài cầu nguyện để nhận định xem Cha muốn Ngài chọn ai. Đến sáng hôm sau, khi đã cầu nguyện và tìm hiểu ý Cha xong, Ngài mới chọn lấy mười hai ông (Lc 6,13a; Mc 3,13b).
Chúa Giêsu lên núi và gọi đến với người những kẻ người muốn và các ông đến với Người (c.13). Lời mời gọi và sự đáp trả là 2 sự việc liên tục được thực hiện trong cuộc sống của người Kitô hữu biết kiếm tìm và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên những cộng tác viên trong công trình sáng tạo liên lỉ của Người, để làm cho vũ trụ này mỗi ngày thêm xinh đẹp, phong phú, hoàn hảo và dần đi vào quĩ đạo tình yêu của Thiên Chúa.
Và chúng ta chỉ thực hiện được điều đó với tư cách của người môn đệ Đức Giêsu.
Ơn gọi trước hết phải do chính Chúa Cha mời gọi. Chính Chúa Giê-su nhiều lần nói với chúng ta rằng môn đệ của Người là “những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho” (Ga 17,6a.9b.11-12) Người. Ngài khẳng định nếu như Cha không lôi kéo thì sẽ không có ai có thể đến được với Người (Ga 6,44). Ngài muốn những kẻ muốn theo Ngài biết ngồi xuống nhận định để nhận ra rằng chính họ không tự sức theo Ngài được nhưng phải có Cha lôi kéo (Lc 14,25-33; 18,18-27).
Trong đời sống chúng ta thường làm việc với thái độ nào trong tương quan với Thiên Chúa? Nhất là khi gặp những sự việc hệ trọng phải quyết định, chúng ta có nhớ cầu xin ơn Chúa soi sáng, chỉ bảo, hướng dẫn như Đức Giêsu đã làm? Hay chúng ta chỉ lo mưu toan tính kế một mình, hoặc cậy nhờ vào sự khôn ngoan của người đời mà quên rằng chúng ta có một bậc thầy khôn ngoan, thông minh thượng trí vô cùng là chính Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi chúng ta thành tâm kêu cầu Người.
Ở với Chúa Giêsu. Đây là điều tiên quyết trong hành trình trở nên môn đệ đích thực của Người. Không như các học trò bây giờ chỉ đến để tiếp thu nơi thày dạy những kiến thức phổ thông, người học trò ngày trước, ngoài việc hấp thu những kiến thức, thường lấy việc hấp thụ tinh thần của thầy mình là quan trọng. Họ lấy thầy làm mẫu gương để huấn luyện cách suy nghĩ, ứng xử và làm việc. Do đó việc ở với thầy rất là quan trọng để trở thành người môn đệ thực thụ. Cũng thế, Đức Giêsu đã lập nhóm 12 để các ông ở với Người trong tình thân hữu, hầu có thể hiểu biết Người, hấp thu tinh thần của Người, đồng thời để được người huấn luyện và sai đi.
Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Họ được mời gọi đến với Thiên Chúa, đi vào quĩ đạo tình yêu của Người qua đời sống hiệp thông với Đức Giêsu, trong việc Suy gẫm Lời và để Lời hướng dẫn cuộc sống. Ở với Đức Giêsu trong Thánh thể, dưới chân Thánh giá, để sống mầu nhiệm tự hủy, để học bài học sống phục vụ khiêm hạ và yêu thương vô vị lợi… Hầu trở nên những Tông đồ đích thực làm chứng cho Tin mừng tình thương.
Khi đã ở với Đức Giêsu, trở nên môn đệ thực sự của Người, Người Tông đồ được Đức Giêsu sai đi rao giảng với quyền trừ quỉ. Trong một thế giới đầy bóng tối và thế lực sự ác mặc sức tung hoành này, thấm nhuần tinh thần của Đức Giêsu, người Kitô hữu cũng được sai đi loan báo Tin mừng để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn u sầu” (Kinh hòa bình) hầu đẩy lui thế lực ma quỉ, xây dựng nước Thiên Chúa nơi trần gian. Do đó sự hiện diện của Kitô hữu trong môi trường mình sống phải là một Tin mừng cho người đương thời – Tin mừng có sức cứu độ con người.
Được mời gọi trở nên môn đệ của Ngài là một ơn đặc biệt Chúa dành chúng ta. Tuy nhiên, tự sức chúng ta cũng không thể đáp lại lời mời gọi đó. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Ngài.
Để có thể tin tưởng và phó thác, chúng ta cần có lòng quảng đại đối với Chúa. Lòng quảng đại ấy thể hiện qua sự sẵn sàng từ bỏ những gì mình đang có để theo Ngài. Có những người như Simon, An-rê, Gia-cô-bê, hoặc Gio-an khi nghe tiếng mời gọi của Người thì bỏ mọi sự ngay lập tức mà theo Người. Nhưng cũng có người như anh thanh niên giàu có, được Chúa mời gọi, nhưng không theo Ngài được vì không dám từ bỏ những gì mình đang có để theo Người (Mc 10, 17-22). Từ bỏ tất cả để chúng ta có thể tự do, không bị ràng buộc; và chỉ có khi từ bỏ thì tim của chúng ta mới có chỗ cho tình yêu của Chúa ngự vào.
Thiên Chúa không bao giờ dùng quyền để ép buộc ai, Ngài chỉ mời gọi sự cộng tác của con người. Ngài cũng không bao giờ muốn dùng sự ảnh hưởng của cha mẹ, ông bà để ép chúng ta theo Ngài. Ngài cho chúng ta trí khôn, trí hiểu, quả tim biết yêu thương để nhận ra tình yêu của Ngài và suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra quyết định theo Ngài. Tuy nhiên, Ngài không thích sự đáp trả nửa vời, một chân đi và một chân ở lại. Ngài thích được nhìn thấy nơi chúng ta một sự đáp trả trọn vẹn.
Tuệ Mẫn