Thứ Bảy – Lễ Vọng Phục Sinh
BÀI ĐỌC I: St 1, 1 – 2, 2 hoặc 1, 1. 26-31a
BÀI ĐỌC II: St 22, 1-18 (Bài dài)
BÀI ĐỌC III: Xh 14, 15 – 15, 1
BÀI ĐỌC IV: Is 54, 5-14
BÀI ĐỌC V: Is 55, 1-11
BÀI ĐỌC VI: Br 3, 9-15. 32 – 4, 4
BÀI ĐỌC VII: Ed 36, 16-17a. 18-28
Rm 6, 3-11; Lc 24, 1-12
SỐNG NIỀM VUI PHỤC SINH
Hẳn mỗi người chúng ta không thể nào quên được chiều thứ Sáu Tuần Thánh ở đỉnh đồi Canvê. Ta thấy thập giá của Chúa Giêsu lại chính là cuộc chiến thắng vĩ đại. Một đàng, Ngài trở nên như con rắn đồng mà Maisen đã treo nơi sa mạc, để những ai bị rắn độc cắn mà nhìn lên rắn đồng ấy thì sẽ được chữa lành. Đàng khác, cái chết tự nguyện của Ngài trên thập giá đã trở nên dấu chỉ chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa: Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Bằng cái chết, Đức Kitô đã lôi kéo chúng ta đến với Ngài, như lời Ngài xác quyết: Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta.
Và đến lúc ta thấy Đức Giêsu đã chết thật rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa. Những môn đệ thân tín sau khi hoàn tất việc an táng Thầy thân yêu, giờ đây ra về trong u sầu tuyệt vọng. Mọi sự như chìm vào tang tóc đau thương.
Thế rồi điều kỳ diệu xảy ra: qua ngày thứ ba, từ lúc tờ mờ sáng, Maria Madalêna đi viếng mộ ngay từ sáng sớm cho vơi bớt đau thương. Tới nơi, bà hoảng hồn vì mồ đá mở toang. Nhìn vào bên trong không còn thấy thi hài của Thầy đâu nữa. Bà hoảng hốt chạy về báo tin cho các môn đệ. Các môn đệ ra tận nơi xem xét ngôi mộ trống và rồi sau đó lại ngỡ ngàng gặp gỡ Chúa phục sinh. Niềm vui tràn ngập cõi lòng. Bấy giờ các ngài mới biết là Đức Giêsu đã sống lại. Ngôi mộ đá tưởng là nơi chôn vùi, nơi xoá sổ cuộc đời Thầy dấu ái, là điểm tận cùng của Chúa Giêsu nay đã trở thành khởi điểm cho một đời sống mới, thành tảng đá đầu tiên xây dựng Vương Quốc trường sinh.
Ngôi mộ trống là một dấu chỉ mà Đức Giêsu gửi đến các môn đệ sáng ngày hôm đó. Đứng trước ngôi mộ trống, mỗi người có một phản ứng khác nhau. Các bà thì hoảng hốt, chạy về nhờ cậy các ông tới cứu. Ông Phêrô thì ngạc nhiên về sự việc xảy ra. Còn người môn đệ Chúa Giêsu thương mến thì tin rằng Thầy đã sống lại. Chúa đã sống lại thật. Allêluia.
Sự thật này có sức mạnh biến đổi cuộc đời chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi bóng tối của sự sợ sệt, của nghi nan, để sống đến cùng đức tin của mình vào Chúa Kitô. Một ngôi mộ trống nhưng được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, sẽ dẫn đến những phản ứng khác nhau.
Chúa Giêsu sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Chúa Giêsu Phục sinh. Lời của Phêrô là bằng chứng: "Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng " (Cv 10, 37-41).
Ta thấy sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi đến thăm mồ Đức Giêsu, chị Maria Magdala phát hiện không có xác Đức Giêsu trong đó. Chị cho rằng có ai đã lấy xác Đức Giêsu và quăng đi đâu đó, vì có lẽ chị không biết mồ nơi chôn táng Đức Giêsu là tài sản của ông Giuse Arimathia. Chị chạy về báo tin cho các tông đồ, cụ thể là cho Phêrô và Gioan. Hai môn đệ này tới, và cũng nhận thấy xác Đức Giêsu không còn trong mồ nữa. Tin mừng Gioan cho thấy “người môn đệ đến trước”, đã thấy và đã tin (Ga.20, 8); tuy nhiên tin mừng lại không cho thấy ông tin điều gì. Theo tin mừng Maccô, không có tông đồ nào tin Đức Giêsu Phục Sinh khi các chị phụ nữ báo tin Đức Giêsu đã phục sinh (Mc.16, 9-14).
Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một ơn vô cùng lớn. Kitô hữu không ngạc nhiên khi người ta không tin Đức Giêsu Phục Sinh. Kitô hữu cũng biết rằng họ muốn người khác chia sẻ niềm tin với họ, là để người đó hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, đức tin là một hồng ân, là điều vượt khả năng của Kitô hữu. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hồng ân ấy cho người ta. Muốn ai Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu phải cầu xin Chúa ban ơn ấy cho người đó. Không phải vì người Kitô hữu giảng hay, dạy tốt mà người đó tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, không phải là chuyện con người có thể làm được. Đó là hồng ân của Thánh Thần.
Khi chúng ta tuyên xưng đức tin: “Chúa Kitô đã Phục Sinh!”. Chúng ta khẳng định rằng giờ đây Ngài tràn đầy sự sống của Thiên Chúa và tất cả những gì liên kết Ngài với chúng ta, thay vì kết thúc, đã được thể hiện cách sung mãn. Vì vậy chúng ta đã tuyên bố rằng cả chúng ta nữa, vì thuộc về Chúa Kitô, chúng ta sẽ phục sinh với Ngài để dự phần vào vinh quang của Ngài.
Phục Sinh không phải là một kỷ niệm đẹp nhưng là biến cố luôn luôn hiện tại và hậu quả của nó liên lỉ được thấy rõ trên thế giới này, nhất là trong việc thông ban Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha và Chúa Con ban cho các môn đệ để biến đổi các ông và biến đổi thế giới này.
Phục Sinh là biến cố phải được biết, đón nhận và sống trong đức tin. Đức tin không phải là nhắm mắt mà nói “đúng thế” mặc dù tôi không hiểu gì hết, nhưng là tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng thực hiện biến cố này và khẳng định nó nhờ chứng tá của Thần khí Ngài.
Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, khi các ông gặp gỡ Ngài. Trong lần hiện ra đầu tiên cho các tông đồ, Tôma không ở đó nên không thấy, nên ông đã không tin Đức Giêsu phục sinh cho dù các tông đồ khác và các chị phụ nữ loan tin cho ông. Tám ngày sau, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với ông, ông mới tin. Phục Sinh, là điều vượt trên kinh nghiệm bình thường của con người, nên các tông đồ không tin Đức Giêsu Phục Sinh, cũng là điều dễ hiểu. Đã đành các tông đồ có kinh nghiệm người chết sống lại như trường hợp con trai bà góa thành Naim, con gái ông Giairô, Lazarô em của Matta và Maria, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh khác với những người khác sống lại. Ngài vẫn sống nhưng người ta không giữ Ngài lại được. Ngài hiện ra và biến đi, không gì ngăn cản được Ngài.
Đức Giêsu sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Đức Giêsu Phục sinh. Lời của Phêrô là bằng chứng: "Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do Thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng " (Cv 10, 37-41).
Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh là dịp để người kitô chúng ta vui mừng hân hoan và tràn trề niềm hy vọng vào một tương lai huy hoàng sáng lạng trong nước Thiên Chúa sau khi đã hoàn tất cuộc đời lữ thứ trần gian. Chúa Kitô Phục sinh khải hoàn, đó là niềm tin và lẽ sống của người Kitô.
Hôm nay chúng ta hân hoan vui mừng với tinh thần mà thánh Phaolô nói: "Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Đức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật" (1Cr 5, 7-8). Từ nay chúng ta quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng nữa, bởi vì ngày chúng ta chịu phép rửa tội, "nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới" (Rm 6, 4).
Và những ước mong niềm tin vào Đấng Phục sinh luôn đem đến cho Giáo hội, cho thế giới và mọi người trên trái đất này sự bình an, ơn hiệp nhất để cùng hướng về mục đích đệ nhất của kiếp người là được hưởng sự sống vĩnh hằng trong ngày sau hết.
Ước gì niềm tin Chúa đã phục sinh giúp chúng ta biết chiến đấu mỗi ngày để chiến thắng cái ác, chiến thắng tật xấu bằng những hy sinh khổ chế, bằng cuộc sống bác ái yêu thương để mai này chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển với Chúa. Nguyện xin Chúa là Đấng đã phục sinh từ cõi chết nâng đỡ chúng ta trên đường thánh giá hôm nay, để ngày sau chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc quê trời.
Và chớ gì niềm vui Phục sinh sẽ biến đổi chúng ta thành con người mới. Con người của ân sủng. Con người của tự do không bị những đam mê thấp hèn thống trị, không bị những thói đời gian dối làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá cao quý của con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa.
Tuệ Mẫn