tạo sao Thiên Chúa là tình thương và tha thứ lại có thể phạt con người trong nơi gọi là hoả ngục được? Và thực sự có nơi gọi là “hoả ngục” hay không?
Hỏi: Nhân tháng cầu cách riêng cho các linh hồn (tháng 11), xin Cha giải thích hai câu hỏi sau :
1- tạo sao Thiên Chúa là tình thương và tha thứ lại có thể phạt con người trong nơi gọi là hoả ngục được? Và thực sự có nơi gọi là “hoả ngục” hay không?
2- Luyện tội là nơi nào và dành cho ai ?
Trả lời:
1- Đúng, Thiên Chúa là tình yêu như Thánh Gioan đã quả quyết. (x.1Ga :4:8)
Chính vì yêu thương nên Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc con người nhờ Chúa Giêsu-Kitô, Đấng cũng vì yêu thương con người mà đã tự hiến chiu khổ hình thập giá để “hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” (Mt 20: 28) Thiên Chúa tuyệt đối không được lợi lộc gì và cũng không hề muốn tìm lợi lãi gì cho riêng mình mà phải làm việc này. Đây là điều chắc chắn chúng ta phải tin và cảm tạ Chúa về tình thương vô biên của Người là Cha nhân lành.
Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người sự khác biệt độc đáo so với mọi loài thụ tạo khác: đó là có trí hiểu biết và ý muốn tự do (intelligence and free will). Nghĩa là Ngài không tạo dựng loài người như những người máy “robots” chỉ biết thi hành theo mệnh lệnh của người điều khiển, mà là những tạo vật có lý trí và tự do để nhận biết và chọn lựa. Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng ý chí tự do này của con người. Do đó, con người phải chịu trách nhiệm trước Chúa về mọi chọn lựa của mình khi sống trên trần gian này.
Và cũng chính vì con người có lý trí và tự do nên mới có vấn đề thưởng phạt được đặt ra. cho riêng con người trước Thiên Chúa giầu tình thương nhưng cũng rất công minh khi phán xét con người
Nhưng truớc khi đi sâu vào sự thưởng phạt của Thiên Chúa, chúng ta cần biết xem Kinh Thánh và Giáo lý của Giáo Hội nói gì về nơi gọi là “hoả ngục = hell”
A- Kinh Thánh
Trước hết, Ngôn sứ Isaia đã dùng hình ảnh sau đây để nói về nơi trừng phạt đời đời của những ai chối bỏ Thiên Chúa và tình thương của Người để làm những sự dữ trái nghịch hoàn toàn với tình thương và bản chất cực tốt cực lành của Chúa:
“Khi ra về, mọi người sẽ thấy xác những kẻ phản loạn chống lại Ta vì giòi bọ rúc tiả, chúng sẽ không chết, lửa thiêu đốt chúng sẽ không tàn lụi . Chúng sẽ là đồ ghê tởm cho mọi người phàm”. (Is 60:24)
Sau này, khi đến trong trần gian để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nói đến hoả ngục và hình phạt ở nơi này như sau:
“Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết, lửa không hề tắt.” (Mc 9: 47- 48)
Nơi khác, Chúa còn nói rõ thêm: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10:28)
Thánh Gioan Tông Đồ cũng quả quyết như sau về sự hư mất đời đời dành cho những ai không yêu mến người khác như Chúa dạy:
“Phàm ai ghét anh em mình, thì là kẻ sát nhân
Và anh em biết : không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó.” (1 Ga 3 : 15)
B- Giáo Lý của Giáo Hội
Từ ngữ hoả ngục (hell) được dịch từ chữ “Sheol” của Do Thái, hay “Hades” của Hy lạp để chỉ nơi ở của những người không được nhìn thấy Thiên Chúa, là nguồn vui và hạnh phúc bất diệt. Đây chính là nơi mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến trong khi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Nơi này “dành cho những ai, cho đến lúc chết, vẫn từ chối tin và trở lại. Đó là nơi cả hồn lẫn xác sẽ bị hư mất. Và danh từ “hoả ngục” được dùng để chỉ tình trạng ly khai chung cuộc khỏi mọi hiệp thông với Thiên Chúa và các thánh trên trời.” (x. SGLGHCG, số 633, 1033).
Vì thế Giáo Hội, theo gương Chúa Giêsu, cũng tha thiết và nghiêm trọng “cảnh cáo các tín hữu về thực tế đáng buồn và thảm khốc của sự chết đời đời, còn được gọi là hoả ngục” (x. Sđd, số 1056-58)
Giáo lý của Giáo Hội cũng nói thêm là “Linh hồn của những người chết trong tình trạng mang tội trọng sẽ lập tức xuống hoả ngục, lửa vĩnh viễn.” (x. Sđd số 1035)
Nói rõ hơn, những ai biết mình đang có tội trọng như giết người, ngoại tình, âm mưu giết vợ hay chồng của người khác để cướp vợ hay chồng của họ, trôm cướp, tống tiền, làm chứng gian để hại người khác…thì phải nhanh chóng chạy đến với bí tích hòa giải để xưng và đền bù thiệt hại gây ra cho người khác (trộm cắp) để được tha tội và nối lại tình thương với Chúa, là Đấng gớm ghét mọi tội lỗi nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết sám hối xin tha.
Như vậy, qua những bằng chứng trên đây, chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ hay phủ nhận sự tồn tại của một nơi đáng sợ hãi gọi là “hoả ngục”, tức là nơi hoàn toàn đối nghịch với “Thiên đàng” (paradise), là chỗ “vinh phúc cho ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa và được sống đời đời” sau khi đã hoàn tất hành trình đức tin trong trần thế này theo lời dạy của Thánh Phêrô. (x. 2 Pet 1:4)
C- Chúacó phạt ai xuống hoả ngục hay không?
Như đã nói ở trên, Thiên Chúa là tình yêu và giầu lòng tha thứ, là “Đấng cứu độ chúng ta, Đấngmuốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (x.1 Tm 2:4). Nghĩa là, Thiên Chúa không tiền định hay muốn cho ai phải hư mất đời đời, tức là phải phạt trong nơi gọi là hoả ngục. Lý do là vì “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3: 16)
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Thiên Chúa tạo dựng con người với hai đặc tính độc đáo là có lý trí và ý chí tự do. Lý trí để nhận biết và ý muốn tự do để lựa chọn. Như vậy, nếu Chúa bắt buộc con người phải yêu mến Ngài thì tình yêu này sẽ không có giá trị vì như thế con người sẽ mất hết tự do lựa chọn và sống như mọi loài thụ tạo khác mà thôi. Chính vì Thiên Chúa ban cho và hoàn toàn tôn trọng cho con người sử dụng ý chí tự do (free will) nên sự chọn lựa của cá nhân mới có giá trị thưởng phạt.
Nói khác đi, Thiên Chúa không ép buộc ai phải yêu mến và sống theo đường lối của Ngài. Ngược lại, Ngài chỉ mời gọi và tuỳ con người tự do đáp trả như tác giả Đệ Nhị Luật đã viết:
“Hôm nay tôi lấy trời đất làm chứng để cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống.”(Đnl 30:19)
Do đó, nếu con người sử dụng ý muốn hay ý chí tự do (free will) mà khước từ Thiên Chúa để sống theo ý riêng của mình thì Thiên Chúa sẽ tôn trọng và người ta phải hoàn toàn chịu mọi hâu quả về sự chọn lựa của mình trong cuộc sống trên trần gian này cho đến chết.
Thực tế khắp nơi và ở mọi thời đại đã cho ta thấy rõ là : có biết bao triệu người đã và đang chọn nếp sống phóng túng, gian ác, lưu manh, trộm cướp, bóc lột, gian dâm, khủng bố, giết người, dâm ô, và tôn thờ tiền bạc, vật chất với mọi thú vui vô luân, vô đạo. v.v… Đây là những lối sống hoàn toàn đi ngược với mọi Thánh chỉ của Thiên Chúa và Tin Mừng Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã rao giảng và trả giá bằng chính cái chết của Người trên thập giá năm xưa.
Nếu người ta cương quyết chọn con đường sai trái và từ chối hoáncải để được tha thứ và cứu độ thì họ đã tự ý chọn lựa cho mình nơi ở dành cho những kẻ đã khước từ Thiên Chúa là tình thương, an vui, công bình và thánh thiện. Nghĩa là, nếu cuộc sống trên đời này có dẫn đưa ai cuối cùng phải dừng chân ở nơi gọi là “hoả ngục” thì đó hoàn toàn là hậu quả tất nhiên của sư tự do cá nhân muốn chọn lựa, chứ không phải vì Chúa muốn trừng phạt ai, hay tiền định cho ai phải chịu hình phạt đáng sợ này. Như vậy, phải hiểu án phạt hoả ngục theo nghĩa con người có lý trí và tự do đã chọn lựa cho mình một nếp sống hoàn toàn trái ngược với cuộc sống dẫn đưa đến hạnh phúc thiên đàng như Chúa hứa ban cho những ai thành tâm ước muốn khi còn sống trên đời này.Cho nên, không có gì là tàn nhẫn hay trái ngược với tình thương vô biên của Thiên Chúa là Đấng “muốn cho mọi người được cứu độ” và sống đời đời.
Mặt khác, sở dĩ phải đặt vấn đề “thưởng phạt đời đời” là vì sự có mặt của tội lỗi và sự dữ trong trần gian này như một thực tế không ai có thể phủ nhận được
Đó là chiến tranh, vì quyền lợi kinh tế hay chính trị, đang giết hại hàng trăm ngàn người vô tội ở Iraq, Afghanistan, Libya, Syria…Đó là những kẻ đang khai thác kỹ nghệ mãi dâm, sản xuất phim ảnh đồi trụy, buôn bán ma túy, phụ nữ và trẻ em cho những kẻ tìm thú vui dâm ô vô cùng khốn nạn này ở khắp nơi trên thế giới. Đó là các tập đoàn tư bản xanh và đỏ đang gia sức bóc lột dân nghèo, lấy của công làm của tư, độc quyền cai trị, kinh doanh và thao túng thị trường để vơ vết của cải cách bất công, vô nhân đạo.
Nghĩa là, bao lâu còn sống trên trần gian này và trong bản chất yếu đuối do hậu quả của tội Nguyên tổ, con người sẽ luôn luôn bị giằng co giữa sự dữ và sự thiện, giữa cái tốt và cái xấu đối chọi nhau như ánh sáng và bóng tối.
Nếu nhờ đức tin và lý trí, chúng ta nhận biết và tin có Thiên Chúa là Cha nhân lành, là Đấng tạo dựng mọi loài mọi vật, là Chân Thiên Mỹ tuyết đối, thì lời mời gọi sẽ là: hoặc chọn Chúa để yêu mến và sống theo đường lối của Người hay chốibỏ Chúa để buông mình sống theo những đòi hỏi, quyến rũ của trần gian về danh vọng, tiền tài, vui thú vô luân vô đạo và bịt tai nhắm mắt không nghe tiếng lương tâm và không còn nhìn rõ lằn ranh giữa sự thiện và sự dữ, sự tội đầy rẫy trong trấn thế này.
Do đó, nếu ai phải bị hư mất đời đời trong nơi gọi là “hỏa ngục” thì đó chính là hậu quả chọn lựa của người ấy khi sống trên trần thế này, chứ không phải vì Thiên Chúa đã tiền định hay muốn phạt ai xuống hỏa ngục. Trong tinh thần đó, ân thưởng mà Thiên Chúa hứa ban được ví như bàn tiệc với những thực phẩm tối hảo, trường sinh bất tử mà Người đã dọn sẵn và mời mọi khách đến thưởng thức.
Nếu ai từ khước tham dự Bàn tiệc Nước Trời, thì dĩ nhiên họ không được hưởng những thực phẩm tối cần cho sự sống đời đời, khiến phải chết đói, chết khát là hậu quả tất yếu họ phải gánh chịu vì đã tự do chọn lựa như thế.
2- Luyện Tội (Purgatory) là gì?
Theo giáo lý của Giáo Hội thì Luyên Tội hay Luyện ngục là nơi dành cho “những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn thì, tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết hầu đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.” (x . SGLGHCG, số 1030)
Nói rõ hơn, một người sau khi chết sẽ tức khắc bị phán xét riêng để nếu đã thánh thiện đủ thì được vào ngay nơi gọi là “Thiên đàng” để sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa. Ngược lại, nếu đã phạm mọi tội nghịch cùng Thiên Chúa và hoàn toàn từ khước Người cho đến hơi thở cuối cùng thì sẽ vào nơi gọi là “hỏa ngục” như đã giải thích ở trên.Nhưng điều này chỉ có Chúa biết mà thôi và không ai trong Giáo Hội có thể biết được. Vì thế, Giáo Hội vẫn dạy phải cầu cho mọi người đã qua đời kể cả những người đã tự tử chết, vì không biết số phận đời đời của họ ra sao, sau khi chết.
Giữa Thiên Đàng và hỏa ngục, còn nơi thứ ba gọi là Luyện ngục hay Luyện tội là nơi dành cho những linh hồn đã lìa đời trong on nghĩa của Chúa, nhưng chưa thánh thiện đủ để vào ngay Thiên Đàng mà cần được thanh luyện thêm ở nơi này một thời gian trước khi được vào chốn an nghỉ muôn đời với Chúa trên Thiên Đàng.
Cũng theo giáo lý của Giáo Hội, thì các Thánh ở trên trời, các linh hồn thánh trong Luyện Tội và các tín hữu còn sống đều hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện, ca ngượi và cảm tạ dâng lên Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng “chậm giận và giầu tình thương.” (Tv 103: 8).
Đây là tín điều các Thánh thông công mà Giáo Hội dạy con cái mình tin và sống trong cuộc lữ hành tiến về Quê Trời. Nghĩa là các Thánh trên Thiên Đàng có thể cầu bầu đắc lực cho các linh hồn trong Luyện ngục và cho các giáo hữu còn sống trên trần gian. Các linh hồn trong Luyện ngục cũng có thể cầu xin hữu hiệu cho các tín hữu còn sống, nhưng không thể tự giúp mình được vì thời giờ làm việc lành phúc đức đã hết.Vì thế, các linh hồn mong đợi các tín hữu còn sống làm việc lành để cầu cho các linh hồn sớm được đón nhận vào Thiên đàng. Vì thế, chúng ta được khuyên khích cầu nguyện cách riêng cho các linh hồn trong tháng 11 là tháng dành để cầu xin cho các linh hồn đang còn được thanh luyện trong nơi Luyện tội. Giáo Hội ban ân xá (Indulgences) để tha các hình phạt hữu hạn (temporal punishment) cho người còn sống và cho các linh hồn trong Luyện tôi. Hình phạt hữu hạn hay việc đền tội là việc xin tẩy xóa những hậu quả của các tội nặng nhẹ đã được tha qua bí tích hòa giải. Tội được tha nhưng hậu quả của tội còn để lại trong tâm hồn hối nhân. Do đó, mọi hối nhân, sau khi xưng tội cách thành thật, đều phải làm việc gọi là “đền tội” do cha giải tội ấn định.
Nhằm mục đích tha hay tẩy xóa các hình phạt hữu hạn, Giáo Hội ban một đặc ân gọi là ân xá (Indulgence) lấy trong kho tàng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và công nghiệp của Đức Mẹ và các Thánh để ban cho các tính hữu còn sống hay các linh hồn trong Luyện tội. Ân xá được ban trong những dịp đặc biệt như trong tháng cầu cho các linh hồn (tháng 11) trong Năm Thánh (Year of Jubilee) Năm Đức Tin (năm nay cho đến 24 tháng 11 năm 2013). Ân xá có thể là từng phần (partial indulgence) hay toàn phần tức ân toàn xá (full indulgences) để tha các hình phạt hữu hạn nói trên. Do đó, mọi tín hữu đang hiệp thông với Giáo Hội có thể lãnh ân xá để xin tha hình phạt hữu hạn cho mình hay nhường lại cho các linh hồn nơi Luyện Tội, nhưng không thể nhường cho các tín hữu còn sống.
Muốn hưởng ân toàn xá thì các tín hữu phải thi hành một số việc lành ấn định như xưng tội, rước Mình Thánh Chúa, viếng nhà thờ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.Về việc viếng nhà thờ thì trong tháng 11 có thể viếng bất cứ nhà thờ nào cũng được. Riêng cho Năm thánh hay Năm Đức Tin thì phải viếng nhà thờ nào được Giáo quyền địa phương (Đức giám mục) chỉ định để được ân xá. Vậy chúng ta hay sốt sắng làm những việc lành thường lệ để lãnh ân xá cầu cho các linh hồn trong tháng 11 này, và trong suốt Năm Đức Tin đang mở ra trong toàn Giáo Hội.
Tóm lại, có Thiên Đàng là nơi dành cho những ai yếu mến và tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự và xa lánh mọi tội lỗi bao lâu còn sống trên trần gian này. Cũng có hỏa ngục là nơi dành cho những người đã tự do chọn chỗ này cho mình khi tự ý khước từ Thiên Chúa để sống theo ma quỉ, xác thịt và trần gian cho đến hơi thở cuối cùng.Ở giữa hai nơi trên là chốn thanh luyện các linh hồn chưa được tẩy sạch mọi hậu quả của tội lỗi trước khi được gia nhập hàng ngũ các Thánh và các Thiên Thần trên Thiên Đàng.
Ước mong giải đáp này thỏa mãn các câu hỏi được đặt ra.