Hằng năm cứ đến ngày mùng một tết dương lịch chúng ta cùng với Giáo Hội hân hoan mừng lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, đồng thời cũng là ngày cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Chúng ta cùng nhau suy niệm ba điểm sau đây: Đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa, vai trò làm Mẹ loài người của Đức Maria và sự liên hệ giữa Mẹ và ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. 1. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa Sau khi Nguyên tổ loài người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế. Để thực hiện lời hứa đó, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài xuống thế làm con của một người phụ nữ. Trong bài đọc II của phụng vụ hôm nay, Thánh Phaolô cho biết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”(Gl 4,4-5). Trước đó hàng thế kỷ, tiên tri Isaia đã tiên báo: “Một Trinh Nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel”(Is 7,14). Người đàn bà Thánh Phaolô nhắc tới và người phụ nữ tiên tri Isaia tiên báo, đó chính là Đức Maria. Thiên thần đã nói với Mẹ khi truyền tin rằng: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu…Vì thế, Con trẻ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,31-35). Sau biến cố truyền tin, Mẹ đã lên đường đi thăm Bà Êlizabeth, khi hai người phụ nữ gặp gỡ nhau, bà Êlizabeth đã cất tiếng tung hô Mẹ rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Trong biến cố Giáng Sinh, các mục đồng được các Thiên thần báo tin “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa”(x. Lc 2,11). Các mục đồng theo sự chỉ dẫn của sứ thần vội vả đến Bêlem, “họ gặp Bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”(Lc 2,16). Qua những dẫn chứng trên đây, chúng ta khẳng định: Đức Maria chính là Mẹ Chúa Giêsu. Đức Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa. Đây là một tín điều đã được Công đồng Êphêsô định tín năm 431. Và Giáo Hội qua mọi thời đều tuyên xưng niềm tin đó của mình. Năm 451, Công đồng Calceđônia đã tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Năm 533, Công Đồng Constantinôpôli II tái tuyên nhận tín lý chức phẩm Thiên Mẫu của Mẹ. Năm 1215, Công Đồng Laterano IV tuyên nhận chức phẩm trinh trong Mẹ Thiên Chúa. Công đồng Vatican II trong hiến chế Lumen Gentium đã xác nhận: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa…”. Đặc biệt, Giáo Hội đã đưa lời tuyên xưng Mẹ Thiên Chúa vào đoạn sau của Kinh Kính Mừng mà chúng ta đọc hằng ngày “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. 2. Đức Maria là Mẹ Chúng Ta Dưới chân thập giá, Chúa Giêsu đã lối Đức Mẹ cho Thánh Gioan: “Này là Mẹ con” (x. Ga 19,27). Gioan là đại diện cho loài người, nên Mẹ Maria là mẹ của Gioan thì cũng là Mẹ của mọi người chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa vì chúng ta có một người Mẹ được Thiên Chúa ban nhiều đặc ân: Làm Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đồng Trinh Trọn Đời và Hồn Xác Lên Trời. Nhờ vậy, Mẹ có quyền thế trước mặt Chúa Giêsu Con Mẹ. Trong Kinh Đền Tạ đọc ngày thứ bảy đầu tháng, chúng ta tuyên xưng: “Mẹ quyền năng bởi lời Mẹ xin cùng Chúa”. Quyền năng của Mẹ được thể hiện rõ nét qua biến cố tại tiệc cưới Cana, mặc dầu giờ chưa đến, nhưng nhờ lời bầu cử của Mẹ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến nước thành rượu ngon. Mẹ không những “đầy quyền năng” mà còn là người mẹ đầy tình yêu thương. Vì yêu thương loài người cho nên Mẹ đã chấp nhân làm Mẹ Thiên Chúa. Vì yêu loài người cho nên Mẹ đã chấp nhận hy sinh chính Con yêu quý của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Vì yêu thương loài người cho nên Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ thánh Gioan và cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. Khi chấp nhận làm Mẹ loài người, Mẹ đã đồng hành với loài người. Sau biến cố tử nạn của Chúa Giêsu, Mẹ đã về ở với Gioan và thường có mặt với các Tông đồ trong những biến cố quan trọng trong buổi đầu sơ khai của Giáo Hội. Mẹ đã cùng hiện diện và cầu nguyện giữa các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Mẹ có mặt và đồng hành với Thánh Gioan trên mọi nẻo đường truyền giáo. Khi Mẹ được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác, Mẹ vẫn luôn đồng hành với con cái loài người. Mẹ đã hiện ra rất nhiều lần, nhiều nơi, với nhiều người để không nhằm mục đích chỉ đường dẫn lối cho loài người đi đúng đường lối của Chúa. Năm 1859, Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức với Thánh Nữ Bênadeta. Năm 1917, Mẹ đã hiện ra tại Fatima với ba trẻ: Lucia, Gianxinta và Phanxicô. Năm 1789, khi cha ông chúng ta gặp thử thách phải ẩn nấp trong rừng thiêng nước độc, Đức Mẹ đã hiện ra tại Lavang… Mỗi lần hiện ra, Đức Mẹ đều mang đến cho nhân loại những sứ điệp yêu thương hầu giúp loài người được hưởng ơn cứu độ. Sứ điệp luôn có tính thời sự đó là: Cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân côi và tôn sùng Mẫu Tâm. Tóm lại, khi còn ở trần gian cũng như khi đã về trời, Mẹ luôn thể hiện tình yêu thương của một người mẹ đối với con cái là loài người chúng ta. Công đồng Vatican II diễn tả tình mẫu tử của Mẹ một cách đầy đủ như sau: “Từ khi với niềm tin Mẹ đã đưa ra sự ưng thuận vào ngày Truyền Tin và Mẹ đã vững vàng duy trì cho tới khi đứng dưới Thập giá Chúa, chức làm mẹ của Đức Maria trong kế hoạch của ân sủng vẫn không ngừng tiếp tục cho tới khi hoàn tất tất cả những người được Chúa chọn. Đúng thế, sau khi được đưa về trời, vai trò của Mẹ trong công cuộc cứu độ không thể bị ngưng: do lời chuyển cầu liên tiếp của Mẹ, Mẹ tiếp tục xin được cho chúng ta những hồng ân bảo đảm ơn cứu độ muôn đời cho chúng ta, (…)Bởi vậy, Nữ Trinh diễm phúc Maria được Giáo Hội kêu cầu dưới những danh hiệu Đấng bênh vực, Mẹ Phù hộ, Mẹ cứu giúp, Đấng làm trung gian”(LG 62). Chúng ta tự hào vì có Mẹ “đầy quyền phép”. Chúng ta được yên ủi vì có Mẹ đầy tình yêu thương. Chúng ta không chỉ tuyên xưng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa mà còn phải bắt chước noi gương Mẹ vì Mẹ là mẫu mực cho Giáo Hội và mỗi chúng ta trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô(x. LG số 63). Chúng ta hãy thể hiện lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Mẹ bằng cách yêu mến Mẹ, thực hiện những sứ điệp Mẹ truyền dạy để xứng đáng là con cái của Mẹ và em của Anh Cả Giêsu. 3. Sự liên hệ giữa Đức Maria và ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Chắc chắn Giáo Hội có lý khi đưa chủ đề này vào ngày lễ Mẹ Thiên Chúa. Vì Mẹ được tôn phong là Nữ Vương Hòa Bình và Mẹ luôn mong muốn thế giới có Hòa Bình. Ngày 13 tháng 05 năm 1917, Đức Mẹ nói với ba trẻ ở Fatima rằng: “Hãy ăn năn đền tội, cải thiện đời sống. Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày để đem hòa bình cho nhân loại và để chấm dứt chiến tranh(…) Nếu các con thi hành các điều ta phán dạy thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình”. Hoà bình thường được hiểu là tình trạng không có chiến tranh, không có bạo lực, thù ghét. Nhưng theo sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo thì: “Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh và không chỉ giới hạn ở việc giữ thế quân bình giữa các lực lượng đối lập. Thế giới chỉ có hòa bình khi tài sản của con người được bảo vệ, con người được tự do giao lưu, phẩm giá của con người và của các dân tộc được tôn trọng, tình huynh đệ được thực thi. Hòa bình là ‘ổn định trật tự’(Th. Augustinô), là công trình của công lý và hoa quả của đức ái”(số 2304). Hoà bình luôn cần thiết cho mỗi gia đình, mỗi quốc gia và trên thế giới. Thế nhưng, hình như thế giới chưa bao giờ được hưởng những giây phút hoà bình thực sự. Nếu có thì đó cũng chỉ là những giây phút tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh. Ngay cả giây phút hiện tại chúng ta đang sống: thiếu tôn trọng nhân phẩm, thiếu công lý, thiếu tình huynh đệ, chiến tranh, bạo lực, hằn thù, ghen ghét vẫn xảy ra rất nhiều nơi trong đất nước chúng ta và trên thế giới. Trước Chúa Kitô Giáng Sinh 600 năm, tại Rôma, người ta xây dựng một đền thờ kính thần Janus. Và đền thờ này chỉ được mở trong thời bình. Thế rồi, trong vòng 600 năm, đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn hết sức ngắn ngủi. Cánh cửa hoà bình dường như luôn bị đóng. Cho nên, ai cũng khát khao cho thế giới được hoà bình. Giáo Hội cũng mong muốn có hoà bình. Giáo Hội dùng ngày đầu năm mới dương lịch này để mời gọi mọi người cầu nguyện cho thế giới được hoà bình. Chúa Giêsu cũng mong muốn có hòa bình, chính Ngài đã tuyên bố: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”(Mt 5,9). Bình an là tên gọi khác của hoà bình nhưng thường chỉ tình trạng bên trong của tâm hồn con người. Tâm hồn bình an là tâm hồn đang có tương quan tốt với Chúa và với tha nhân. Đây là tình trạng mà ai trong chúng ta cũng mong muốn. Có lần, người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: “Đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống?”. Ông trả lời rằng : “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm : đó là sự bình an”. Tân ước đề cập đến hai từ bình an rất nhiều lần : Ngày Chúa Giêsu sinh ra, các Thiên thần loan báo sứ điệp bình an: “bình an dưới thế cho người thiện tâm”(Lc 2,14). Khi sống lại, trong lúc các Tông đồ còn bối rối lo âu, Chúa Giêsu đã đem bình an đến như một liều thuốc an thần : “bình an cho các con”(Ga 20,19). Bắt chước Thầy, Thánh Phaolô luôn nhắc đến sự bình an, trong các thư Người luôn mở đầu và kết thúc bằng những lời cầu chúc bình an. Trong mỗi thánh lễ, Giáo Hội luôn cầu chúc bình an của Chúa đến với mọi người và mời gọi mọi người chúc bình an cho nhau. Bình an của Chúa là sự bình an trong tâm hồn, là mối tương quan tốt với Thiên Chúa và tha nhân, đó là sự bình an mang tới ơn cứu độ. Để có sự bình an đó, chúng ta phải giữ tâm hồn thanh thoát, không vướng mắc tội lỗi nhất là tội nặng. Mặt khác, ta phải tạo điều kiện để Chúa sống trong cuộc đời ta, ta sống theo ý muốn của Thiên Chúa, trung thành với bổn phận hằng ngày đặc biệt là lòng yêu thương bác ái. Càng trở nên hoàn hảo như Cha trên trời bao nhiêu thì ta càng được bình an bấy nhiêu. Hơn nữa, ta phải sống hoà mình với mọi người, vui tươi với nhau, không oán hờn, giận ghét ai và ra sức xây dựng sự bình an trong gia đình, nơi xóm làng và mọi môi trường mình sống. Để thế giới được hoà bình thì các quốc gia phải có hoà bình. Để giáo xứ có được hoà bình thì mọi gia đình phải xây dựng hoà bình. Và, để gia đình bình an thì mọi thành viên phải có sự bình an. Vì vậy, chúng ta hãy luôn cố gắng xây dựng hòa bình và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin Chúa ban “hòa bình cho đời chúng ta, hòa bình trong tâm hồn, hòa bình trong gia đình, hòa trong trong tổ quốc, hòa bình giữa các dân tộc”(Kinh cầu xin cho hòa bình). Lạy Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con. Mẹ vừa có quyền phép vừa tràn đầy yêu thương. Xin Mẹ cho chúng con luôn hết lòng gắn bó với Mẹ, noi gương Mẹ về lòng tin, cậy, mến, biết thực thi những sứ điệp Mẹ truyền dạy và xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con luôn được sống trong sự bình an của Chúa, cho đất nước và thế giới chúng con đang sống được hoà bình. Amen
Lm. Anthony Trung Thành
|