Tháng Mân Côi, Thực Thi Lời Mẹ Dạy

Tháng Mân Côi, Thực Thi Lời Mẹ Dạy

Tháng Mân Côi - Oct 08/10/2014

cachlanchuoi

Xin dâng Mẹ đây vòng thiên tuế

Và triều thiên hoa huệ trắng ngần

Trọn đời Mẹ đã hiến thân

Buồn vui muôn nỗi thông phần cùng Con.[1]

Tháng Mân Côi lại về.  Chúng ta lại được mời gọi “tái khám phá kinh Mân Côi”,[2] thực thi lời Mẹ nhủ khuyên: Sám hối tội lỗi, tôn sùng Mẫu Tâm, và siêng năng lần hạt Mân Côi. Đó là ba mệnh lệnh, ba lời gọi mời yêu thương mà Mẹ gửi tới mỗi người chúng ta. Trong ba lệnh truyền đó, lần hạt Mân Côi như là thành quả của lòng sám hối chân thành kết nối với tâm tình tôn sùng Mẫu Tâm Vô Nhiễm Nguyên Tội. 

Trải qua bao thế hệ, Kinh Mân Côi vẫn luôn gắn bó thân tình với đời sống Đức Tin của người Công giáo chúng ta. Trong mọi cảnh huống cuộc đời, lời kinh ấy vẫn luôn vang vọng với niềm tín thác sâu xa của người Kitô hữu chúng ta. Bởi lẽ, kinh Mân Côi là một quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa trao ban cho ta qua Mẹ Maria, như là phương thế hữu hiệu giúp ta thánh hóa bản thân, cứu rỗi các linh hồn, và đem lại hòa bình cho nhân thế. Nhờ kinh Mân Côi, Giáo Hội vượt thắng bao gian nan thử thách, bao giông tố của thời cuộc.

Ý nghĩa Lời Kinh Mân Côi

Chuỗi Mân Côi hay còn được gọi bằng những tên khác như: Môi Khôi, Mai Khôi, Văn Côi…, là những cách phiên dịch Việt Ngữ của từ La tinh Rosarium, có nghĩa là tràng hoa hồng. Gọi như thế là muốn sánh ví chuỗi hạt kết bằng những kinh Kính Mừng tựa như tràng hoa hồng xinh đẹp dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.[3] Lời kinh Mân Côi được hình thành dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích.[4] Lời kinh Kinh Mân Côi tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng lại mang nhiều ý nghĩa thâm uyên và sâu sắc.

Chuỗi Kinh Mân Côi được dệt nên từ kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, và kinh Sáng Danh, đều là những kinh rất đẹp, có truyền thống từ xa xưa và có nguồn gốc trong Tin Mừng. Đó là những lời cầu nguyện rất có thế giá trước mặt Thiên Chúa. Bởi lẽ, kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện;[5] kinh Kính Mừng là sự nối kết giữa lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel trong buổi truyền tin, với lời mừng Đức Mẹ của bà Êlisabet trong ngày Mẹ thăm viếng gia đình ông Giacaria,[6] nên mỗi lần lặp lại đã trở thành lời chào mừng chính thức cho sự nối kết giữa nhân loại với Mẹ Maria; Câu ”Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen”. là lời cầu khẩn của Hội Thánh; Kinh Sáng Danh là vinh tụng ca, Hội Thánh ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng Kitô giáo. Bởi vì Đức Kitô là con đường dẫn chúng ta đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.[7]

Chính vì thế, Kinh Mân Côi chính là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng với các mầu nhiệm chính yếu trong cuộc đời của Chúa Giêsu.[8] Bởi thế, đọc và suy niệm Kinh Mân Côi chính là chiêm ngưỡng và suy niệm những mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Nhờ đó, chúng ta dâng lên Chúa Cha lời ca ngợi, tạ ơn và cầu xin. Quả vậy, Kinh Mân Côi chính là cánh cửa Tin Mừng mở ra cho cuộc đời của người Kitô hữu với những nẻo đường mà Mẹ Maria hướng dẫn chúng ta bước đi trong hành trình Đức Tin. Đó là lời kinh của niềm tin Kitô hữu, lời kinh của sự dấn thân, lời kinh bước theo chân Mẹ, để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Trong lời kinh Mân Côi, chúng ta sống tâm tình của Mẹ Maria, “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”[9], nghĩa là sống những biến cố cuộc đời mình với thái độ sẵn sàng tìm kiếm, lắng nghe và đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi biến cố cuộc đời.Với kinh Mân Côi, chúng ta được Mẹ Maria dẫn đến gặp gỡ, chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Kitô và kinh nghiệm sâu thẳm tình yêu của Người. Qua kinh Mân Côi, chúng ta đón nhận được muôn ngàn ơn thiêng.

Kinh Mân Côi, Lời Kinh Tuyệt Vời

Kinh Mân Côi là quà tặng quí báu mà Thiên Chúa trao ban cho ta qua Mẹ Maria. Một lời kinh tuyệt vời dành cho mọi thành phần Dân Chúa. Các Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất mực yêu mến và chuyên chăm đọc kinh Mân Côi. Chính Đức Chân Phước Gioan Phaolô II nói: ”Chuỗi Mân Côi là lời kinh tuyệt diệu, tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó… Đó là kinh nguyện tôi yêu thích”.[10] Đức Lêô XIII là vị Giáo Hoàng của kinh Mân Côi. Ngài đã ban hành 12 thông điệp nói về Kinh Mân Côi.

Nhận ra ý nghĩa và giá trị tuyệt vời của kinh Mân Côi, mỗi người chúng ta được mời gọi cảm tạ Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta một phương thế thật là đơn giản, dễ dàng để cầu nguyện, để suy niệm về các Mầu Nhiệm trong đạo, và là để đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Niềm tri ân cảm tạ đó phải được chúng ta diễn tả qua việc tôn kính, mến yêu, siêng năng đọc kinh Mân Côi và nhiệt tâm truyền bá lời kinh tuyệt vời đó cho những người chung quanh chúng ta.

Sự tuyệt vời của kinh Mân Côi còn được thể hiện qua nét đặc thù và hữu dụng của lời kinh. Từ những người trí thức, những người bình dân, đến cả những em bé chưa có trí khôn, chưa hiểu biết…, tất cả đều có thể đọc và suy niệm kinh Mân Côi được. Lời kinh đó tuyệt vời hơn khi ta có thể đọc ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong ngày. Cầm trong tay một chuỗi Mân Côi nho nhỏ và lần hạt một cách sốt sắng là điều mà ai cũng có thể làm được. Khi đi đường, khi ngồi trên xe buýt, hay trên xe lửa, khi đi dạo, khi ngồi nghỉ, khi đợi chờ một việc gì đó…, chúng ta đều có thể đọc Kinh Mân Côi được.

Hơn nữa, kinh Mân Côi là lời kinh tuyệt vời vì đó là tâm tình của Giáo Hội dâng lên Mẹ Maria từ chốn thẳm sâu lưu đày dương thế. Do đó lời kinh Mân Côi rất đẹp lòng Đức Mẹ và được Mẹ coi như phương thế hiệu nghiệm để ta thoát khỏi mọi cạm bẫy của ma quỉ, của những cám dỗ ngọt ngào của thời đại hôm nay. Thánh Bênađô đã dạy: ”chẳng lần nào ta đọc kinh ấy mà Đức Mẹ chẳng nhận lời và ban ơn cho ta”.

Ngày nay, mỗi khi lần hạt Mân Côi, là mỗi lần chúng ta lặp lại lời sứ thần Gabriel xưa khi đến với Đức Mẹ để loan báo về Mầu Nhiệm cứu rỗi: ”Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Còn lời nào cao trọng hơn, quí giá hơn, tuyệt vời hơn lời kinh Mân Côi! Đó chính là lời kinh mà Mẹ dạy chúng ta thực thi.

Kinh Mân Côi, Lời Kinh Mẹ Dạy

Kinh Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Tin Mừng, là con đường dẫn đưa chúng ta đến với tình yêu Thiên Chúa. Đó là lời kinh Mẹ Maria truyền dạy con cái Mẹ thực thi, để đem ơn cứu độ đên cho con người và cứu vãn nền hòa bình thế giới, đem lại an bình cho Hội Thánh.

Thật vây, ngược dòng thời gian lịch sử, ta thấy thánh Đa Minh đã nhờ sức mạnh của kinh Mân Côi mà đập tan bè rối lạc giáo Albigois vào giữa thế kỷ XIII. Tương truyền rằng, thánh Đa Minh đã vất vả ngược xuôi để chinh phục người lạc giáo Albigois ở miền Nam, nước Pháp. Thánh nhân đã hy sinh hãm mình, làm việc lành phúc đức để cầu cho họ trở lại, nhưng hầu như vô hiệu và bè rối lạc giáo ngày càng bành trướng, làm hư hại bao nhiêu linh hồn. Thánh nhân đã khóc lóc thảm thiết, chạy đến kêu van cùng Đức Mẹ. Và rồi Mẹ Maria hiện ra, trao ban cho thánh nhân tràng hạt Mân Côi, dạy thánh nhân đọc và truyền bá Kinh Mân Côi trong khắp Hội Thánh, như là vũ khí thiêng liêng, hữu hiệu chống lại các thế lực trần gian và mưu mô ma quỷ.[11]

Nhờ kinh Mân Côi mà thánh nhân đã cứu được biết bao linh hồn, đem được bao người lạc giáo trở về cùng Hội Thánh. Với thánh Đa Minh, kinh Mân Côi không chỉ là việc đạo đức bình dân, nhưng đó là phương tiện bồi dưỡng đức tin; không chỉ là hình thức tôn sùng Đức Mẹ, mà còn là cách thế gặp gỡ và kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, dẫn ta tới sự sống đời đời.[12] Thê nên, từ đó, thánh nhân và các tu sĩ dòng Đa Minh hết lòng yêu mến và nhiệt tâm truyền bá kinh Mân Côi, coi đó như là sứ vụ của Dòng.

Kinh Mân Côi, Khí Cụ Bình An

Lịch sử Hội Thánh còn ghi đậm nét chiến thắng oai hùng của người Công Giáo tại vịnh Lêpantô ngày 07.10.1571 nhờ sức mạnh và hiệu lực Kinh Mân Côi mang lại. Ngày ấy, quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt các cơ sở và người Công Giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân Thánh Giá, từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng Piô V kêu gọi mọi người cùng đọc kinh Mân Côi. Nhờ đó, tuy với một quân số ít ỏi và khí giới thô sơ, người Công Giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi đông đảo và hùng hậu. Để ghi ơn Đức Mẹ và kỷ niệm muôn đời chiến công rực rỡ ấy, Đức Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ Đức Mẹ Chiến Thắng. Lễ này đến sau, được Đức Giáo Hoàng Grêgori XIII đổi tên, gọi là lễ Đức Mẹ Mân Côi, và được mừng long trọng vào ngày Chúa Nhật đầu tháng Mười.[13]

Lịch sử còn ghi lại nhiều sự kiện liên quan đến kinh Mân Côi trên toàn thế giới và tại mảnh đất Việt Nam thân yêu của chúng ta. Đứng trước hiểm họa của chiến tranh thế giới thứ nhất, Mẹ Maria đã hiện ra tại Fatima và kêu gọi con ngưới trở về với Chúa để được tha thứ. Kinh Mân Côi là trung tâm điểm của lòng đạo đức tại Fatima để cầu cho nước Nga trở lại, và cầu cho thế giới được hoà bình. Nhờ biết lắng nghe và thực thi lời Mẹ nhủ khuyên qua sứ điệp Fatima, đất nước Bồ Đào Nha đã được hòa bình thịnh vượng. Nhờ lời Kinh Mân Côi, Hội Thánh Việt Nam chúng ta cũng đã vượt qua bao nhiêu thử thách, bao cuộc bắt đạo khốc liệt. Sự kiện Đức Mẹ hiện ra an ủi đỡ nâng, hộ phù con cái Mẹ tại thánh địa La Vang-Quãng Trị, tại linh địa Trà Kiệu-Quãng Nam,[14] là những bằng chứng sống động của hiệu lực từ Kinh Mân Côi mà con cái Mẹ đã dùng để khẩn cầu cùng Chúa và Đức Mẹ.

Quả thế, Kinh Mân Côi là kinh đẹp lòng Đức Mẹ và có giá trị rất lớn đối với đời sống người Kitô hữu. Biết bao phép lạ đã xảy ra để chứng tỏ cho chúng ta giá trị cao vời của kinh này. Hơn bao giờ hết, trước những thách đố và khủng hoảng trầm trọng về đời sống Đức Tin của người Kitô hữu chúng ta hiện nay,[15] lời kinh Mân Côi lại càng trở nên quan trọng và khẩn thiết hơn trong đời sống của Giáo Hội và của mỗi chúng ta. Trong bối cảnh đó, Kinh Mân Côi giúp ”khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng”.[16]

Đã bao lần tháng Mân Côi đến rồi đi, nhiều khi chúng ta vẫn cứ thờ ơ, hững hờ, chẳng mấy để tâm đến lời mời gọi tha thiết của Mẹ. Năm nay mùa Hoa Mân Côi lại về, bạn và tôi, chúng ta còn chần chừ gì nữa, mà không đáp lại lời gọi mời yêu thương của Mẹ qua sứ điệp Fatima: Sám hối ăn năn, tôn sùng Mẫu Tâm và siêng năng lần hạt Mân Côi.

Tạm kết

Để kết thúc, người viết xin được mượn lời Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi tới mọi người lời gọi mời thiết tha về việc tái khám phá Kinh Mân Côi, thực thi lời Mẹ nhủ khuyên:”Kinh Mân Côi, một lời kinh quá dễ nhưng lại rất phong phú đáng được Cộng đồng Kitô giáo khám phá lại. Tôi nhìn đến toàn thể anh chị em, những anh em, chị em thuộc mọi bậc sống, đến anh chị em, các gia đình Kitô giáo, đến anh chị em, những người bệnh và cao tuổi, đến các con, những người trẻ: Hãy cầm lấy lại chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá kinh Mân Côi dưới ánh sáng của Thánh Kinh, trong sự hài hoà với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em”.[17]

Ước gì lời kêu gọi của Đức Chân Phước Giáo Hoàng không rơi vào quên lãng, nhưng được mọi thành phần Dân Chúa thực hiện, đặc biệt trong năm Đức Tin này. Để qua lời kinh Mân Côi, mỗi người chúng ta cảm nhận được tình yêu và hồng ân Đức Tin mà Thiên Chúa trao ban cho ta. Để cùng với Mẹ Maria, chúng ta dâng lên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ. Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Rất Thánh Mân côi chuyển cầu cho chúng con. Amen. 

————————————————————————————————————

1] Các Giờ Kinh Phụng vụ, Thánh Thi Kinh Chiu l Đc M Mân Côi,  Phần riêng Dòng Đaminh.

[2] Xc. ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông Thư Kinh Mân Côi – Rosarium Virginis Mariae, số 03,

[3] Xc. Ban Giáo lý Giáo phận Nha Trang, Lên Đn Thánh Chúa, Nha Trang, 2010, tr. 105.

[4] Xc. ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông Thư Kinh Mân Côi – Rosarium Virginis Mariae, số 01.

[5] Xc. Mt 6, 9-13; Lc 11, 2-4.

[6] Xc. Lc 1, 39- 44; Lc 1, 28- 30

[7] Xc. ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông Thư Kinh Mân Côi – Rosarium Virginis Mariae, số 43.

[8] Xc. ĐGH. Phaolô VI, Tông hun vic sùng kính Đc Maria, số 42, và số 47.

[9] Lc 2, 19.

[10] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông Thư Kinh Mân Côi – Rosarium Virginis Mariae, số 25.

[11] Xc. Phan Tấn Thành, Vng Trăng Tuyt Vi, tr. 178.

[12] Xc. Ga 14, 6.

[13] Xc. Bùi Đức Sinh, Lch s Giáo Hi Công Giáo, tập I-II, (không rõ năm xuất bản,) tr. 92-93.

[14] Xc. Đào Trung Hiệu, Hành trình ân phúc, Chân Lý, 2013, tr. 158.

[15] ĐGH. Bênêđictô XVI, T sc Porta Fidei – Cánh ca Đc Tin, số 02.

[16] ĐGH. Bênêđictô XVI, T sc Porta Fidei – Cánh ca Đc Tin, số 09.

[17] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông Thư Kinh Mân Côi – Rosarium Virginis Mariae, số 43.