Tháng Mười: Tháng Mân Côi

Tháng Mười: Tháng Mân Côi

Tháng Mân Côi - Mar 24/03/2014

Trong Tháng Mười này, chúng ta hãy xem Kinh Mân Côi, lời kinh tuyệt đẹp

Mỗi năm, tháng Mười được dành riêng cho chuỗi Mân Côi và được gọi là Tháng Mân Côi. Lý do chính yếu là trong tháng này theo lịch phụng vụ sẽ có lễ Mẹ Mân Côi được cử hành vào ngày 7 tháng Mười hằng năm. Thánh lễ này được thiết lập để tạ ơn Đức Trinh Nữ Maria vì Mẹ đã nhận lời các tín hữu lần chuỗi cầu nguyện cho Giáo Hội và Mẹ đã bảo vệ Giáo Hội.

Lễ Mẹ Mân côi đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Pio V (1504 – 1572) giới thiệu vào năm 1571để tưởng nhớ chiến thắng diệu kỳ của quân đội Kitô giáo trong trận chiến Lepanto ngày 7 tháng 10 năm 1571. Đức Giáo Hoàng đã cho rằng chiến thắng này chính yếu là do “vũ khí” của chuỗi Mân côi hơn là do đại bác và sự dũng cảm của quân đội chiến đấu tại đó.

Truyền thuyết cho chúng ta biết rằng Kinh Mân Côi là một hình thức kinh nguyện được Mẹ Maria ban cho thánh Đa Minh (1170 – 1221), khi đó Mẹ của Chúa chúng ta đã trao cho thánh nhân kinh mân Côi như là một sự trợ giúp nhựng khi gặp xung khắc với lạc giáo Albi. Thánh Pio V, một vị Giáo Hoàng phát xuất từ Dòng Đa Minh đã cố công rất nhiều để quảng bá Kinh Mân Côi và rồi thời gian sau đó Kinh Mân Côi đã trở thành một trong những sự sùng đạo bình dân phổ biến nhất của thế giới Kitô giáo. Cũng cùng vị Giáo Hoàng này, Đức Pio V vào năm 1569 đã chính thức chuẩn nhận hình thức Kinh mân Côi như hiện nay qua Sắc Chỉ Consueverunt Romani Pontifices. Rồi Kinh Mân Côi đã được hoàn chỉnh với việc thêm vào phần sau của kinh Kính Mừng cũng như sau mỗi Mầu Nhiệm được kết thúc với một Kinh Sáng Danh.

Về sự phát triển của Kinh Mân Côi, Học giả đương thời đã tìm ra là vào thời Trung Cổ Kinh Mân Côi đã xuất hiện trong các Đan Viện khác nhau như là một sự thay thế cho Kinh Nhật Tụng được các thầy tu sĩ bậc giáo dân sử dụng, cũng như một số giáo dân sùng đạo khác sử dụng vì họ không biết đọc chữ. Thay vì đọc 150 Thánh Vịnh thì họ đọc 150 “Kinh Lạy Cha” và họ đếm bằng một cái vòng được gắn các hột được gọi là vương miện hay là “hào quang.” Với sự gia tăng mạnh mẽ về lòng sùng kính Mẹ Maria vào thế kỷ thứ 12, “Thánh Vịnh Trinh Nữ Maria” nay đã phát triển và thay đổi 150 Kinh Mừng thay thế cho 150 Kinh Lạy cha.

Sau đó, 150 “Kinh Kính Mừng” được một thầy trẻ Dòng Đa Minh Henry Kalkar (1328-1408), phân chia thành 15 chục, với mỗi chục đề cập đến một sự kiện trong đời sống của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Sau đó, một thầy khác Dòng Đa Minh Alanus de Rupe (1428-1478) đã chia thêm ra như những đoạn trong lịch sử cứu độ: Những Mầu Nhiệm Vui, Thương, Mừng. Thầy cũng cho là nguồn gốc của Kinh mân Côi, rồi được biết như là “Thánh Vịnh của Đức Trinh Nữ Maria” là do thánh Đa Minh và vì thế đã khích lệ Dòng Đa Minh coi Kinh Mân Côi như là một việc tông đồ đặc biệt. Rồi từ đó, các tu sĩ Đa Minh đã cổ võ Kinh Mân Côi và đã đem lại những kết quả thật lớn lao.

Việc thực hành dâng kính cả tháng Mười cho Kinh Mân Côi đã phát triển tới cuối của thế kỷ qua. Đức Giáo Hoàng Leo XIII (1878 – 1903) đã cổ võ mạnh mẽ sự gia tăng lòng sùng kính Đức Nữ Trinh bằng việc khích lệ chuyên cần lần hạt Mân Côi.

Bắt đầu vào ngày 01 tháng Chín năm 1883, với Supremo Apostolatus Officio Đức Leo XIII đã viết tất cả 11 thông điệp về Chuỗi Mân Côi, kết thúc với thông điệp Diutumi Temporis năm 1898. Thời gian này chúng ta đang mừng một trăm năm của những thông điệp này.

Nhiều Giáo Hoàng khác cũng góp phần làm gia tăng lòng sùng kính với chuỗi Môi Khôi bằng những bài viết của họ. Trong quá khứ không xa, Đức Giáo Hoàng Phaolo VI (triều đại Giáo Hoàng 1963 – 1978) đã dành phần cuối của Huấn Dụ Marialis Cultus để viết về Kinh Truyền Tin và về chuỗi Mân Côi (số 40 – 55). Trong văn kiện này, ngài viết: “Chuỗi Mân Côi vẫn luôn mang một giá trị không thay đổi và một sự mới mẻ nguyên tuyền.” (số 41)

Chuỗi Mân Côi chính yếu là một kinh nguyện mang tính Kinh Thánh. Nó có thể được tóm gọn lại bằng một nhóm từ truyền thống được Đức Giáo Hoàng Pio XII (triều đại Giáo Hoàng 1939 – 1958) sử dụng: chuổi Mân Côi “là một bản tóm lược của toàn bộ Phúc Âm” (AAS 38 [1946] trang 419). Tất cả các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi được rút ra từ Tân Ước và đặt trọng tâm vào các sự kiện chính của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc.

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã gọi chuỗi Mân Côi là lời kinh sở trường của ngài, trong đó ngài cho là với chuỗi Mân Côi, chúng ta suy gẫm với Mẹ Maria trên những mầu nhiệm mà Mẹ như một người mẹ đã suy gẫm trong lòng mình (Lk 2:19) (Osservatore Romano, 44; 30 tháng 10 năm 1979).

Trong Tháng Mười này, chúng ta hãy xem Kinh Mân Côi, lời kinh tuyệt đẹp này như một phương tiện mà cả chúng ta, chúng ta cũng có thể dùng để đưa chúng ta tới gần hơn với Chúa Giêsu và Mẹ Maria nhờ việc suy gẫm về các mầu nhiệm lớn lao của ơn cứu chuộc chúng ta.

 

By Rev. Matthew R. Mauriello

Minh Tuấn SDB chuyển ngữ