THAY LỜI TỰA

THAY LỜI TỰA

Chuyện Phiếm Đạo Đời - Mar 24/03/2014

Tính chất SỐNG của ĐẠO là như vậy và khi nói đến SỐNG là nói đến ĐỜI SỐNG. ĐỜI ĐẠO hay ĐẠO ĐỜI không thể trong thế đối lập, trái lại trong thế hội nhập. Trong ĐẠO có ĐỜI và trong ĐỜI có ĐẠO.

THAY LỜI TỰA


Điều hiển nhiên, ĐẠO là ĐƯỜNG chứ chắc chắn không thể là Pháo Đài vì rằng một khi là Pháo Đài thì sẽ không còn là ĐƯỜNG NỮA. ĐƯỜNG ĐI là để dành cho mọi người. Có người đi bộ, người đi xe, cho dù là xe đạp, xe gắn máy hay ô-tô, thế nhưng ai cũng đều có quyền ĐI, có thể đi chậm hay đi mau tùy ý, nhất nhất không thể đứng lại, xây thành lũy pháo đài vì như vậy là gây cản trở, là GIẾT ĐẠO, chứ không còn là đi ĐẠO nữa.

Tính chất SỐNG của ĐẠO là như vậy và khi nói đến SỐNG là nói đến ĐỜI SỐNG. ĐỜI ĐẠO hay ĐẠO ĐỜI không thể trong thế đối lập, trái lại trong thế hội nhập. Trong ĐẠO có ĐỜI và trong ĐỜI có ĐẠO.

Có lẽ từ ý niệm đó mà vào cuối thập niên 60, một số tu sĩ thuộc Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt  – qua ban Hallêluyah – đã làm dấy lên một phong trào NHẠC VÀO ĐỜI với những nhạc phẩm có nội dung kinh thánh sâu sắc; thế nhưng, lại khoác bên ngoài bằng những nhịp điệu trẻ trung và vui tươi được giới trẻ lúc bấy giờ coi là thời trang như Slow Rock (Vào Đời), Twist (Người Gieo Giống), Swing (Trên Đường Emmau), A gogo (Chúa Yêu Trần Thế), vv…

Điều đáng nói, Trần Ngọc Mười Hai lại là thành viên của ban Hallêluyah. Chả trách gì, mà ý niệm ĐẠO vào ĐỜI đã đâm rễ sâu trong con người bản thân. Đó là động lực để Trần Ngọc Mười Hai đưa ĐẠO vào ĐỜI. Thế nhưng, trong hoàn cảnh cá nhân, không bằng phương tiện âm nhạc nữa, mà bằng một thể loại văn chương có nhiều khả năng lôi cuốn người đọc  – đó là CHUYỆN PHIẾM –  để chuyển tải những xác tín, những giá trị, những căn bản của Tin Mừng mà trong suốt gần 20 năm, Trần Ngọc Mười Hai đã lĩnh nhận trong quá trình được đào tạo trong Dòng Chúa Cứu Thế với các Linh mục giáo sư Nguyến Thế Thuấn (Kinh thánh), Đinh Khắc Tiệu (Thần Học), Nguyễn Ngọc Lan (Triết học)…

Vì rằng, là Chuyện Phiếm, cho nên đề tài được Trần Ngọc Mười Hai chọn lựa rất gần gũi với cuộc sống thời thường mỗi ngày. Có thể, đó là “Ấy là kể chuyện”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu”, “Để lại cho em này những buổi chiều”, “Có chăng thần học dục tình?”…

Thế nhưng, tất cả những chuyện có tính … “đời thường ở huyện” đó lại được ánh sáng Tin Mừng sọi dọi. Trước những trăn trở, dằn vặt của cuộc sống, TIN MỪNG chính là ánh sáng dẫn đường và khi chọn phương tiện chuyện phiếm để bộc bạch nỗi niềm, chắc hẳn Trần Ngọc Mười Hai chỉ có mục tiêu đó.

Hy vọng mục tiêu này sẽ được quảng đại độc giả khắp nơi chia sẻ và có lẽ chỉ cần một vài độc giả nào đó -qua những chuyện phiếm rất gần gũi với ĐẠO, với ĐỜI- có thể bỗng chốc nhìn thấy một tia sáng nào đó soi dọi ĐỜI mình và ĐỜI người, thì hẳn sẽ là niềm an ủi lớn lao cho tác giả Trần Ngọc Mười Hai.


Tác giả Trần Ngọc Mười Hai