Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng : KHÔNG NHẬN RA CHÚA

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Dec 11/12/2021

Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng

Thánh Đa-ma-xô I, Giáo hoàng

Mt 17, 10-13

KHÔNG NHẬN RA CHÚA

 

 

 

          Theo chứng từ của người thư ký của ngài là thánh Giêrôme, thì thánh Đamasô là “một người không ai sánh bằng, rất hiểu biết Kinh Thánh, một tiến sĩ trinh trắng của một Giáo hội trinh trắng, rất yêu quý sự khiết tịnh, và sung sướng khi nghe được những lời khen ngợi nhân đức này.” 

          Thánh Đamasô rất hiếm khi được nghe những lời tán dương mình như vậy. Những tranh giành nội bộ có tính cách chính trị, các tà thuyết, các tương giao căng thẳng với chính các Giám mục của ngài và của Giáo hội Ðông phương đã làm cản trở sự bình an trong triều đại Giáo Hoàng của ngài. 

          Là con của một linh mục Rôma, có lẽ thuộc gốc Tây Ban Nha, Đamasô khởi sự là một phó tế trong nhà thờ của cha mình, sau đó ngài là linh mục của một nhà thờ mà sau này là vương cung thánh đường San Lorenzo ở Rôma. Ngài phục vụ Ðức Giáo Hoàng Liberius (352-366) và đi theo Ðức Giáo Hoàng khi bị lưu đầy. 

          Khi Ðức Liberius từ trần, Đamasô được bầu làm Giám mục Rôma vào tuổi 60; nhưng một thiểu số khác lại chọn và tấn phong một phó tế khác là Ursinus làm Giáo Hoàng. Cuộc tranh luận giữa Đamasô và Giáo Hoàng đối lập gây nên nhiều xung đột giữa vương cung thánh đường, gây gương mù cho các Giám mục Ý. Cho dù cuộc chiến cụ thể đã ngưng, nhưng đức Đamasô còn phải chiến đấu với các đối thủ ngài trong suốt cuộc sống của mình.

          Trong một thượng Hội đồng do Đamasô triệu tập nhân ngày sinh nhật của ngài, đức Đamasô yêu cầu các Giám mục tán thành các hành động của ngài. Nhưng câu trả lời của các Giám mục thật cộc lốc: “Chúng tôi quy tụ để mừng sinh nhật, chứ không để kết án một người vắng mặt (unheard).” Khoảng năm 378, những người ủng hộ vị Giáo Hoàng đối lập còn tìm cách đưa đức Đamasô ra tòa về một tội phạm nghiêm trọng – có lẽ tội dâm dục. Ngài đã phải thanh minh trước toà dân sự cũng như trước một công đồng của Hội Thánh. 

          Khi là Giáo Hoàng, ngài có lối sống thật đơn giản trái ngược với các giáo sĩ ở Rôma, và ngài rất hăng say chống lại tà thuyết Ariô và các tà thuyết khác. Một sự hiểu lầm trong văn từ về Ba Ngôi Thiên Chúa đã đe dọa mối giao hảo thân thiện với Giáo hội Ðông phương, và đức Đamasô là người ôn hoà đã dàn xếp cách tốt đẹp. 

          Chính trong thời Giáo Hoàng của ngài (380) mà Kitô giáo được tuyên bố là tôn giáo chính thức của Rôma, và tiếng Latinh trở nên ngôn ngữ chính thức trong phụng vụ nhờ sự cải cách của Ðức Giáo Hoàng. Cũng nhờ ngài khuyến khích thánh Giêrôme học hỏi Kinh Thánh để rồi dịch Kinh Thánh từ nguyên bản sang Latinh, nhờ đó mà bộ phổ thông (Vulgate) được chào đời, đó là bộ Kinh Thánh mà Công Ðồng Triđentinô (11 thế kỷ sau) tuyên bố là “có giá trị để đọc giữa công chúng, được dùng để tranh luận, và để rao giảng.” 

          Thánh Đamasô là một văn sĩ – không phải là tác giả của nhiều cuốn sách như các văn sĩ Kitô hữu khác đã thực hiện. Ngài ưa thích viết các vần thơ trên các tấm bia đá: Là những câu nói ngắn toát lên cái ý nghĩa chính cần phải được phô diễn. Ngài viết rất nhiều bia mộ cho các vị tử đạo. Và ngài viết một tấm bia về chính bản thân ngài cho thấy đức khiêm nhường của ngài và lòng kính trong của ngài đối với các vị tử đạo.Trong một nghĩa địa Rôma có một hầm mộ Giáo Hoàng do ngài xây dựng ngài để lại ở đó là tấm bia có hàng chữ như sau: “Tôi, Đamasô, ao ước được chôn táng ở đây, nhưng tôi sợ làm thế sẽ xúc phạm đến hài cốt của các Thánh.” Thay vì thế, khi ngài chết, ngài được chôn táng chung với mẹ ngài và một em gái của ngài.

          Từ một sắc lệnh của Đamasô (được gán cho thánh Giáo Hoàng Đamasô): Có rất nhiều cách sắp đặt Tên của Chúa Giêsu dưới nhiều hình thức: “Ngài là Chúa, bởi lẽ Ngài là Thần khí; là Ngôi Lời, bởi vì Ngài là Thiên Chúa; là Con, bởi Ngài là Con độc nhất sinh bởi Đức Chúa Cha; là Người, vì Ngài được sinh ra bởi Đức Trinh nữ; là tư tế, vì Ngài hiến dâng minh làm hiến tế; là Đấng chăn chiên, vì Ngài là người canh gác; là Sâu bọ, vì Ngài đã sống lại; là Núi, vì Ngài mạnh mẽ; là Đường, vì chỉ có một con đường thẳng tắp qua Ngài để đến với sự sống; là Con Chiên, vì Ngài chịu đau đớn; là Đá – Góc, vì Ngài là lời dạy bảo; là Thầy, vì Ngài chỉ cho biết phải sống thế nào; là Mặt trời, vì Ngài là là Đấng chiếu  soi; là Chân lý, vì Ngài từ Chúa Cha mà đến; là Sự sống, vì Ngài là Đấng tạo dựng; là Bánh vì Ngài là xác thịt; là người Samari, vì Ngài là người bảo vệ; là Chúa Kitô, vì Ngài đã được xức dầu; là Giêsu, vì Ngài là Đấng Trung gian; là Cây nho, vì chúng ta được cứu chuộc bởi máu Ngài; là Sư tử, vì Ngài là vua, là Tảng Đá, vì Ngài vững mạnh; là bông hoa, vì Ngài là Đấng được chọn; là ngôn sứ, vì Ngài đã mặc khải điều sẽ xảy đến.”

          Chúa Giêsu trao quyền rao giảng Lời Chúa cho Giáo Hội qua thánh Phêrô, vị đại diện tối cao của Giáo Hội tiên khởi và kế tiếp là trao cho các Tông Ðồ cho đến ngày nay. Cho nên chúng ta thấy trong Do Thái giáo, các luật sĩ là những người cắt nghĩa luật Chúa và họ đã nói với các môn đệ Chúa Giêsu: "Elia phải đến trước đã". Theo truyền thuyết, Elia là một tiên tri đại diện cho các tiên tri trong Cựu Ước, không chết nhưng được đưa về trời và sau này ông sẽ trở lại và các luật sĩ cắt nghĩa: Cần phải đợi Elia trở lại đã.

          Chúa Giêsu cũng xác nhận với các môn đệ: "Thật, Elia phải đến để chấn hưng mọi sự". Elia ấy chính là Gioan Tẩy Giả đã rao giảng sự ăn năn thống hối, hãy sửa lối đi cho ngay thẳng, lối đi quanh queo hãy san cho bằng. Những nơi gồ ghề, hố sâu hãy lấp cho bằng thì mọi người sẽ thấy ơn cứu độ. Gioan tiền hô đã đi trước để dọn đường cho Chúa Kitô sẽ đến sau, Ngài đến để mang ơn cứu độ xuống cho trần gian và một số môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu để xem Ngài, đồng thời Gioan cũng đã xác định vị thế của mình trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi".

          Con người của Gioan Tẩy Giả thật là khiêm nhường trong vị thế của ông: "Còn tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người". Gioan Tẩy Giả mang sứ mệnh như tiên tri Elia trong Cựu Ước nhưng cũng là một con người ăn chay hãm mình trong rừng vắng, khiêm nhường, đơn sơ trong công việc dọn đường cho Ðấng Cứu Thế sẽ đến.

          Thật là một tấm gương cao quí đáng cho chúng ta bắt chước noi theo. Gioan Tẩy Giả không cao trọng nhờ sự lạ lúc sinh ra nhưng cao trọng do sứ mệnh dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến mà ông đã làm trong sứ mệnh của mình. Trong ngục tối, ông dám nói thẳng sự thật, dám làm chứng nhân cho Thiên Chúa ở giữa trần gian.

          Chúa Kitô đến mang sứ mệnh cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Người ta không nhận ra Người, và người ta cũng đối xử với Ngài như các tiên tri trong Cựu Ước, đó là bắt bớ, đánh đập, hành hạ và sau cùng bị lãnh bản án tử hình treo trên thập giá một cách nhục nhã đau thương.

          Bao nhiêu năm tháng chờ đợi Ðấng Cứu Thế đến, trải dài trong Cựu Ước vậy mà khi Ngài đến con người đã không nhận ra Ngài. Mỗi người chúng ta đôi lúc cũng đã không nhận ra Ngài trong cuộc sống, chúng ta vẫn nhớ Lời Chúa nhắc với chúng ta: "Ai làm cho một kẻ bé mọn nhất trong anh em ấy là làm cho chính Ta".

          Những kẻ bé mọn đó là ai? Thưa, họ là những người mà Chúa Giêsu đã nói: :Ta đói các con cho Ta ăn, Ta khát các con cho Ta uống. Ta rách rưới các con đã cho áo mặc. Khi Ta ở tù các con đã viếng thăm". Lời nói của Chúa Giêsu làm mỗi người trong chúng ta suy nghĩ và tự nhận: Ailà anh em tôi? Không phải những ai xa lạ, không phải là những ai ở xa để rồi chúng ta không thấy được. Không phải là những bậc giàu có sang trọng trong xã hội, những người thiếu thốn, những người chạy gạo ăn bữa hôm lo bữa mai, những người không có thân nhân bà con, không mái nhà che mưa che nắng vào những trưa hè nóng oi bức, vào những cơn mưa tàn tã của thời tiết thu đông.

          Mỗi người trong chúng ta tự hỏi như người luật sĩ và biệt phái trong Tin Mừng hỏi Chúa Giêsu: "Nhưng ai là anh em tôi?" Chúng ta cùng nhau xin Chúa cho chúng ta biết rõ, cảm nhận một cách sâu xa hơn câu trả lời của mình trong Mùa Vọng này để chúng ta đi đến niềm nở với người anh chị em, cùng nhau nắm chặt bàn tay thân ái đón mừng Chúa đến.

          Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và đến với chúng ta hàng ngày qua các biến cố. Con Thiên Chúa đã mặc xác phàm để đến và ở lại với loài người chúng ta. Qua bí tíchThánh Thể, hàng ngày chúng ta được thưởng nếm sự sống Thần Linh để sống dồi dào sung mãn. Thiên Chúa vẫn đến với chúng ta qua từng công việc bổn phận với những biến cố vui buồn lớn nhỏ của bản thân, của gia đình và của thời cuộc. Ước gì chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa để biết cải hóa con người mình theo lời Chúa khuyên dạy.

          Sống tâm tình Mùa Vọng, mùa hồng ân, chúng ta có thời gian để chiêm nghiệm chân lý sự sống, để thay đổi những gì chưa phù hợp với những giá trị của Tin Mừng. Ước gì chúng ta thực hiện được lời thánh vịnh 142 “Ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa”.

Anton Tuệ Mẫn