Thứ Hai tuần 32 Mùa TN: CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ

Thứ Hai tuần 32 Mùa TN: CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ

SUY NIỆM - Nov 08/11/2020

Thứ Hai tuần 32 Mùa TN

Ed 47,1-2.8-9.12 hoặc 1 Cr 3,9c-11.16-17;

Ga 2,13-22

LỄ CUNG HIẾN ĐỀN THỜ THÁNH GIOAN LATÊRANÔ

“Đem tất cả những thứ này
ra khỏi đây,  đừng biến nhà Cha tôi 
thành nơi buôn bán.” 

          Nhà thờ chính tòa Rôma do hoàng đế Contantinô xây năm 320.

          Thánh đường là nơi qui tụ dân Chúa, là nơi các tín hữu tới cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Thánh đường là nơi Chúa ngự, là nơi Mình Máu Thánh Chúa luôn hiện diện, là nơi dân Chúa lãnh nhận muôn vàn ơn huệ, muôn vàn hồng ân của Chúa.

          Ðền thờ Latêranô là nhà thờ chánh tòa của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha với tư cách là Giám mục Rôma, cũng đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa. Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Rôma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ khủng khiếp. Ðền thờ này do công của hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích.

          Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian nói trên. Lịch sử thuật lại rằng khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Rôma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Đức Giáo Hoàng, với tư cách là Giám mục Rôma. Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế Rôma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập dân  thánh Chúa trong những đêm Phục sinh và mừng lễ Vượt Qua tại đây.

          Ngày nay, đền thờ Latêranô vẫn vút cao, vẫn đứng sững như muốn nói với mọi người Thiên Chúa luôn yêu thương dân người. Ngày nay, vẫn có đoàn đoàn lớp người tới dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Hàng năm, ngày thứ năm Tuần Thánh Ðức Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ với hàng linh mục Rôma, với các Hồng y, Giám mục và ngài diễn tả lại hành động, cử chỉ của Chúa Giêsu xưa nơi nhà tiệc ly là Rửa chân cho các Tông đồ.

          Mỗi khi mừng kính lễ cung hiến đến thờ Latêranô, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhớ đến thừa tác vụ Phêrô nơi Đức Giáo Hoàng. Chính ngài là người thay mặt Chúa để lãnh đạo dân của Người trong toàn Giáo Hội. Đồng thời, thấy được vị đại diện Chúa chính là nguyên lý của sự hiệp nhất tín hữu khắp nơi trên trần gian này.

          Từ đó, Giáo Hội hướng chúng ta về việc tôn phục trong lòng mến đối với Đức Giáo Hoàng là mục tử tối cao của Giáo Hội, đồng thời cũng trải rộng tâm tình ấy với Đức Giám Mục Giáo Phận và các linh mục là những người được cắt đặt để hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta trong đời sống đức tin.

          Ngoài tinh thần siêu nhiên, Giáo Hội cũng mời gọi con cái của mình hãy để tâm chăm sóc nhà thờ là nơi dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa. Là nơi Dân Chúa tụ họp mỗi khi dâng thánh lễ và cử hành các Bí tích Kitô giáo. Đây cũng là nơi để mọi người có thể đến đó mà cầu nguyện với Thiên Chúa trong tâm tình con thảo….

          Nhưng thiết nghĩ, vấn đề quan trọng hơn cả, đó là: mỗi khi mừng kính kỷ niệm cung hiến đền thờ Latêranô, hơn bao giờ hết, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về chính mình để ý thức rằng: mỗi người chúng ta chính là những viên đá sống động để xây nên đền thờ Thiên Chúa. Mỗi người cũng chính là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.

          Mỗi một tín hữu Kitô và mỗi một thụ tạo đều phải được cung hiến để trở thành đền thờ cho Thiên Chúa. Ðây chính là ý nghĩa đích thực mà Giáo Hội muốn gợi lại trong ngày lễ hôm nay và đây cũng chính là ý nghĩa mà Chúa Giêsu đã nêu bật khi đuổi những người buôn bán và bọn đổi tiền ra khỏi đền thờ. Chúa Giêsu không chỉ thanh tẩy một nơi phụng tự, Ngài đến để khử trừ các thần tượng giả trá ra khỏi tâm hồn con người. Ngài đã từng tuyên bố: "Không ai có thể làm tôi hai chủ một lúc" (Mt 6, 24).

          Nơi nào tiền bạc ngự trị thì nơi đó không còn chỗ cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết trước rằng, người ta sẽ xua đuổi Ngài ra khỏi đền thờ và treo Ngài trên thập giá. Ngài liền thách thức họ: "Hãy phá hủy ngôi đền thờ này và trong 3 ngày Ta sẽ xây lại" (Ga 2, 19). Lúc ấy không ai hiểu được ngôn ngữ của Chúa Giêsu, về sau, sau khi Chúa Giêsu sống lại. Thánh Gioan tẩy giả đã nhớ lại câu nói của Chúa Giêsu và hiểu rằng: Ngài muốn nói đến ngôi đền thờ là thân xác của Ngài.

          Nhờ Thánh Thần mà Chúa Giêsu thông ban qua Phép Rửa tất cả mọi tín hữu Kitô cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa, Thánh Phaolô đã tuyên bố: "Anh em không biết rằng, anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trị trong anh em sao" (1Cr 3, 16). Nói như thế không có nghĩa là chối bỏ những ngôi nhà thờ bằng gỗ đá. Niềm tin chỉ được thể hiện cách trọn vẹn khi các tín hữu được quy tụ và thờ phượng một cách công khai. Ðây vốn là nhu cầu thiết yếu của niềm tin Công Giáo. Các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta luôn thấy được nhu cầu cần thiết ấy, cho nên dù có vất vả lầm than và nghèo đói đến đâu, người ta vẫn quảng đại đóng góp để xây cất Thánh Ðường.

          Tuy vậy, điều quan trọng hơn mà có lẽ ngày lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta chính là xây cất những Ngôi Thánh Ðường sống động, những Ngôi Thánh Ðường không nhất thiết phải xây bằng gỗ đá mà phải bằng cả cuộc sống của người tín hữu Kitô chúng ta.

          Với tất cả tâm tình và trong ý nghĩa thiêng liêng ấy thì Giáo Hội phải được xây dựng trước tiên trong gia đình, nơi công sở, ngoài phố chợ, trong bất cứ nơi nào có sự gặp gỡ và trao đổi giữa người với người. Có như thế thì Giáo Ðường mới thực sự là nơi gặp gỡ để thờ phụng Chúa và có như thế thì con đường nào cũng sẽ dẫn về Giáo Ðường.

Bài: Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net