Thứ Hai Tuần III Mùa Chay
Thánh Gio-an Thiên Chúa, Tu sĩ
2 V 5,1-15a; Lc 4,24-30.
BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG
"Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông:
không một ngôn sứ nào
được chấp nhận tại quê hương mình”.
(Lc 4,24)
Thánh Gioan Thiên Chúa, lúc đầu có tên là Gioan Cidade, sinh vào khoảng năm 1495, tại làng Montermor O-novo. Cha là ông An-rê và mẹ là bà Tê-rê-xa. Năm lên tám tuổi, cậu theo một người khách lạ lưu lạc qua Tây Ban Nha. Khi đi đến vùng Oropesa, cậu bị bỏ rơi, và được gia đình ông François de Majoral nhận về nuôi dạy.
Gioan đã kinh qua nhiều ngành nghề trong đời như đi chăn súc vật, đi làm mã phu, hai lần đi lính (một lần đánh chiếm lại Fontarabia và một lần đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Vienne), đi đắp thành ở Châu Phi, đi bán tranh ảnh, sách báo và bán củi ở Grenade.
Ngày 20.1.1539, anh được ơn biến đổi tâm hồn. Bài giảng của linh mục Gioan d’Avilla trong thánh lễ kính thánh Sébastiano tử đạo nói về sự nguy hiểm của tội lỗi và lòng xót thương của Thiên Chúa, đã làm Gioan cidade bị xúc động mạnh đến độ thần kinh bị kích động giống như những người bị điên lên cơn, và vì thế người ta đã đưa anh vào bệnh viện tâm thần Hoàng Gia Tây Ban Nha.
Vì chỉ là bị giao động thần kinh, nên sau vài ngày thì anh ổn định trở lại. Nhưng anh đã xin được ở lại bệnh viện độ ba tháng để giúp đỡ các công việc vặt và trò chuyện, chăm sóc cho các bệnh nhân. Sau đó anh xin xuất viện, và vì được sự chỉ dạy của cha linh hướng – linh mục Gioan d'Avilla, vào tháng 10 năm đó, anh đi hành hương Đức Mẹ Guadaloupe. Trong thời gian hơn một tháng ở Guadaloupe anh đã tranh thủ đi học cách tổ chức bệnh viện cũng như chăm sóc bệnh nhân với các tu sĩ dòng Hiêrônimô.
Trở về từ trung tâm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng đó, tháng 12. 1539, Gioan bắt đầu thành lập một phòng khám đầu tiên tại phố Lucena, đúng ra thì đó chỉ là một ngôi nhà cho những người nghèo khổ, bệnh tật không có chỗ nương thân đến trú ngụ, và khi những bệnh nhân do chính Gioan đưa về hay tự họ tìm đến ngôi nhà này, thì việc đầu tiên Gioan làm là tắm rửa cho họ, băng bó những vết thương bị lở loét… Thấy công việc của anh tốt đẹp, đức cha Ramirez, giám mục thành Tuy đặt tên là Gioan Thiên Chúa, và vì anh có cái áo nào lành đều cởi cho người đói rách, nên đức cha cho anh mặc một loại áo giống như áo nhà tu và làm phép áo đó để anh không còn cho người khác.
Nhờ sự giúp đỡ của đức cha Ramirez, đức tổng giám mục Grenade và nhiều ân nhân, nên Gioan Thiên Chúa có điều kiện mở thêm những nhà khác và đi tìm kiếm và đón tiếp nhiều người đau khổ, bất hạnh. Thánh Gioan Thiên Chúa qua đời ngày 8.3.1550, do bị cảm lạnh nặng bởi trước đó mấy tuần ngài đã cố gắng lao mình xuống dòng nước buốt giá trong khi sức khỏe đã suy yếu, để cứu một thanh niên đi với củi với ngài bị lỡ chân rớt xuống sông Génil.
Đức giáo hoàng Alexandro tôn phong Gioan Thiên Chúa lên bậc hiển thánh vào ngày 16.10.1690, và đức Lêô XIII đặt ngài làm bổn mạng các bệnh nhân và các bệnh viện công giáo vào ngày 22.6.1886 ; và cùng với thánh Camilo de Lellis, được đức giáo hoàng Piô XI đặt làm đấ
Người Do thái trong hội đường Nazareth đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của những người này. Nhưng kỳ thực trong cuộc sống, lắm lúc chúng ta đã sao chép lại nguyên bản việc làm ấy: tự hào là người Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin, nhưng rồi với một mớ lễ nghi hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ là ngọn đèn leo lét chực tắt trước gió. Chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Ðây là một thứ niềm tin mà Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã nhắc nhở:
"Nhiều người nói: "Tôi có đức tin, tôi còn đức tin". Có lẽ đức tin là đức tin của giấy khai sinh, không phải là đức tin của đời sống. Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin hình thức và lý thuyết. Nhưng con phải sống một đức tin chân thật và trung thành. Tự mãn với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận, khiến người Do thái đã mất Chúa Giêsu, nền tảng của niềm tin, Ðấng mà họ đang ngóng chờ".
Cũng thế, Kitô hữu nếu chỉ đóng khung trong những nghi thức, tuân giữ luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa rời đức tin là nguồn mạch sự sống. Vì sống là gì, nếu không là một sự thay đổi luôn luôn. Con người sẽ chết khi một hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hay hệ thần kinh không vận động. Ðối với đức tin cũng vậy, luôn luôn đòi hỏi một sự trao đổi với Thiên Chúa và với anh em.
Nếu đối với người Kitô hữu, tin trước hết là được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Ðấng bắt con phải kính mến, nhưng Chúa là Ðấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô cùng. Nắm được đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn tông đồ, đâu là lối chết của thế gian. Tin là chấp nhận Chúa Giêsu vô điều kiện và quyết tâm sống chết với Ngài.
Lời Chúa ngày hôm nay chúng ta dễ dàng nhận ra hai thái độ khi giải quyết một vấn đề cần, mà vấn đề ấy đụng đến một sự thật : – Trước hết là thái độ của đám đông : đám đông đã không chân nhận sự thật, lấy phản ứng của số đông để phủ nhận sự thật và tấn công số ít… Sau là thái độ của Chúa Giêsu : Ngài bình tĩnh bước đi, vượt qua dư luận, mạnh mẽ và tự tin khi sống bằng sự thật.
Thái độ thứ nhất là thái độ của đám đông, một điều hiển nhiên thấy được qua bối cảnh của đoạn Tin Mừng này, rằng “số đông không phải là chân lý”. Những người lãnh đạo tầm thường thì lấy số đông để chứng minh chân lý. Chúa Giêsu đã không làm thế, dọc suốt hành trình sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã nhiều lần chứng minh cho mọi người thấy “số đông không phải là chân lý” : Câu chuyện trong Tin Mừng (Mt 21,12) miêu tả, người ta đem mọi thứ vào đền thờ để bán trong dịp lễ, một mình Chúa Giêsu đã đánh đuổi họ ; Dịp khác, trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 8,1-11), khi người ta định ném đá người phụ nữ ngoại tình, một mình Chúa Giêsu bênh vực ; Trước dinh Philatô trong việc xứ án Chúa Giêsu (Ga 18,28-40), một mình Ngài thua thiệt, dùng mạng sống để bảo vệ chân lý toàn vẹn…
Và hôm nay, trước vấn đề Chúa Giêsu trình bày qua định đề : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”, và hai ví dụ dẫn chứng về hai ngôn sứ lớn Êlia và Êlisa được sai đến với hai người dân ngoại ; “số đông không hề có chân lý”, họ nổi đóa và tìm cách xô Chúa xuống vực, họ phản ứng theo cảm xúc bên ngoài mà không dựa vào chân lý. Quả là phi lí khi giải quyết vấn đề dựa vào uy thế, phản ứng, và câu trả lời của “số đông”, trong khi “Số đông không phải là chân lý”.
Thái độ thứ hai là thái độ của Chúa Giêsu, thái độ đáp trả lại đám đông bằng cách “băng qua giữa họ mà đi”. Tin Mừng đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, làm sao Chúa Giêsu lại có thể “băng qua giữa họ mà đi” đang khi họ “phẫn nộ”… Chúa Giêsu đã mạnh dạn bước trên dư luận, Ngài không bận tâm phản ứng lại đối phương khi họ đang tức giận. Ngài tự tin vì Ngài giữ bên mình một sự thật toàn vẹn. Ngài không cần phản ứng để bảo vệ sự thật, vì sự thật là chính nó, sự thật tự nó đứng vững và sự thật là toàn vẹn.
Và Nếu mỗi chúng ta sống với sự thật, nếu mỗi chúng ta có sự thật trong lòng, chúng ta có thể như Chúa Giêsu, có thể bước qua bất kỳ đám đông nào và băng qua bất cứ phản ứng thắc mắc nào, để hiên ngang bước đi.
Bài: Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net