Thứ Năm tuần 2 Mùa Chay : Dửng dưng là tội ác

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Mar 17/03/2022

Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mùa Chay

Gr 17:5-10; Tv 1:1-2,3,4,6; Lc 16:19-31

Dửng dưng là tội ác

 

 

          Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: giàu không phải là tội, nhưng nó chỉ là cạm bẫy nguy hiểm dễ dẫn đến tội nếu không có lòng bác ái. Ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay đã rơi vào tình trạng tội khi ông vô cảm với người nghèo ngay ở cổng nhà ông. Vì thế, ông đáng phải sa hỏa ngục vì tiền bạc và sự sung túc đã làm cho mắt ông mù lòa, trái tim se thắt, tấm lòng trai cứng và sự dửng dưng đã trở thành tội ác và mất hạnh phúc đời đời…

          Với nền kinh tế thị trường như hôm nay, nhìn chung bộ mặt bên ngoài của xã hội có vẻ phồn vinh hơn. Nhiều ngôi nhà mới, khang trang được xây lên, số người đi xe con ngày càng nhiều. Đây quả là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, điều đáng tiếc, đây chỉ là nếp sống của một số người. Còn đa số bộ phận dân chúng vẫn đang sống trong cảnh “chạy chợ sớm chiều”. Hơn nữa, với nền kinh tế thị trường, hố sâu phân cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Và cùng với việc phát triển kinh tế, một tâm lý hưởng thụ cũng đang dần hình thành trong con người ngày hôm nay. Con người ngày nay, không chỉ muốn “ăn no, mặc ấm”, nhưng còn muốn “ăn ngon, mặc đẹp”. Đồng thời, đi đôi với sự hưởng thụ này là sự ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình mà quên đi quyền lợi của tha nhân. Từ đó dẫn đến biết bao nhiêu là tội ác trong xã hội, từ giết người cướp của, cho đến tham ô, hối lộ…

          Đó cũng là điều mà ngôn sứ Amos đã lên tiếng cảnh cáo những kẻ làm giàu cách bất công ở Israel vào thời của ông: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn: và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ”. Lời tố cáo của vị ngôn sứ không nhắm vào sự giàu có, nhưng là nói đến thái độ hưởng thụ của những người này. Họ đã bỏ Thiên Chúa, để cậy dựa vào tiền của, và coi đó như một bảo đảm tuyệt đối cho cuộc sống của họ. Thiên Chúa của họ giờ đây chỉ là “cái bụng” (x. Pl 3, 19). Họ sẵn sàng chạy theo lối sống của ngoại bang để được hưởng thụ, còn đời sống của dân tộc, tương lai của đất nước có như thế nào, họ cũng chẳng quan tâm. Một sự thờ ơ lạnh lùng, vô cảm đến ghê sợ. Đối với họ thì “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

          Hôm nay Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người phù hộ và Lazarô nghèo khó. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết số phận con người sẽ được hạnh phúc viên mãn hay bị luận phạt muôn đời tùy theo họ biết yêu thương tha nhân hay không. Ngài vạch ra cho chúng ta con đường dẫn tới ơn cứu độ: biết nghe theo lời hướng dẫn của Maisen, các tiên tri, đặc biệt là Lời Chúa để sám hối, hoán cải và yêu thương mọi người, nhất là những anh chị em đau khổ. Thiên đàng không dành cho một mình chúng ta, chúng ta chỉ có thể tiến vào cùng với anh chị em trong tình yêu thương.

          Mở đầu dụ ngôn, chúng ta thấy hai con người với hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược xuất hiện. Một bên đại diện cho phú quí giàu sang, ngày ngày yến tiệc linh đình, còn bên kia là nghèo khổ, bệnh hoạn, dơ dáy bẩn thỉu. Một bên là thế giới của “lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình” và một bên là thế giới bệnh hoạn nghèo túng đến thảm thương, thế giới của “mụn nhọt ghẻ lở đầy mình” và là thế giới của những ước ao rất ư bình dị đáng thương “thèm được những thứ trên bàn ăn rơi xuống ăn cho no”. Cả hai thế giới ấy đều được khép lại với cái cửa là sự chết, nhưng cũng đồng thời mở ra một thế giới mới với hai số phận, hai cảnh đời hoàn toàn trái ngược nhau.

          Người phú hộ trong dụ ngôn không làm điều gì gian ác, không lỗi đức công bằng, không ức hiếp ai, không phạm gì đến Lazarô cả, vậy tại sao ông ta lại bị sa vào hoả ngục ? Tội ông ở chỗ nào ? Thực ra, ông không phạm một tội ác nào mà chỉ có tội “hững hờ, dửng dưng” trước đau khổ của người khác. Ông không phạm tội một cách tích cực mà phạm tội một cách tiêu cực, đó là “tội thiếu sót” như chúng ta đọc trong kinh Cáo mình. Ông chỉ biết hưởng thụ, yến tiệc linh đình, ca hát suốt ngày đêm mà không màng gì đến người nghèo khó Lazarô nằm ngay cổng nhà ông, muốn ăn những hạt cơm rơi trên bàn ăn của ông mà cũng không được.

          Người ta thường nói: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”: lành dữ đều có thưởng phạt, cao bay xa chạy cũng không thể thoát được. Cái chết đã phân chia hai người thành hai thế giới đối nghịch. Người phú hộ bị phạt, Lazarô được thưởng. Bài học Chúa dạy ta hôm nay là phải biết quản lý tài sản của Chúa “cho nên” vì chúng ta không phải là chủ mà chỉ là quản lý những gì Chúa đã thương ban. Phải có tinh thần liên đới và bác ái, phải biết chia sẻ với người đau khổ hầu kiếm được nhiều bạn hữu để “họ sẽ đón rước các con vào an nghỉ đời đời” (Lc 16,9).

          Chắc chắn cảnh giàu nghèo là điều không thể tránh được. Nhưng trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta cách giải quyết: người giàu luôn sẵn có kẻ nghèo bên cạnh để có dịp thực hành giới răn trọng nhất hầu được phần thưởng Chúa ban. Tiền của dư thừa là một nguy hiểm cho những ai không có lòng mến Chúa, nhưng người có lòng mến Chúa thật thì sẽ biết sử dụng tiền của Chúa ban để làm ích cho mình và cho người khác nữa. Chúng ta dễ hiểu tại sao người giàu bị Chúa phạt khổ cực, còn người nghèo lại được Chúa thương.

          Bởi vì tuy nghèo khổ, nhưng người nghèo vẫn một lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, trong khi đó người giàu có lại khép kín tâm hồn, không biết liên đới chia sẻ với người khác. Như thế, chúng ta thấy thái độ lãnh đạm dửng dưng trước đau khổ của người khác cũng là một trọng tội (Mỗi ngày một tin vui).

          Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy có trách nhiệm liên đới với nhau, nhất là với người nghèo, người cô thế, cô thân, không nơi nương tựa… Không bao giờ chúng ta được để cho chủ trương: “Sống chết mặc bay” thường trực trong tâm hồn của mình.

Lm Antôn Tuệ Mận