Thứ Năm trong tuần thứ XXV – TN : TÌM KIẾM VỚI LÒNG THÀNH

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Sep 25/09/2024

Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm

Gv 1:2-11; Tv 90:3-4,5-6,12-13,14,17; Lc 9:7-9

TÌM KIẾM VỚI LÒNG THÀNH

 

Tò mò là một trong những đặc tính gắn liền với bản chất con người. Sự tò mò xuất phát từ một tâm hồn đầy nhiệt huyết và chân thành tìm kiếm sự thiện thì có tác dụng làm thăng hoa đời sống con người. Cụ thể như thiên tài Albert Einstein đã từng thú nhận: “Tôi không có tài năng đặc biệt nào, tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết”.

Trái lại, sự tò mò khởi phát từ một tâm hồn gian manh, mưu mẹo thì chỉ có hại cho bản thân người đó và có hại cho đời mà thôi.

Theo Tin Mừng Mt 14,2 và Mc 6,14. Hê-rô-đê tin rằng Đức Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả phục sinh và chính ông này đang làm những điều kỳ diệu nơi con người của Đức Giêsu . Nhưng theo Tin Mừng của Luca ở đây, thì lúc này Hê-rô-đê chưa xác tín như vậy hoặc ít ra cũng bán tín bán nghi.

Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,  qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh. Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15). Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7), vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1). Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được. Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9). Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.

Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại. Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11). Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại. Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu, người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17). Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33). “Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.

Vì thế, ông đã tìm cách gặp Đức Giêsu . Nhưng ước vọng này phát  xuất từ tính hiếu kỳ, tò mò và sợ mất ảnh hưởng, chứ không phải do sự cảm phục để Đức Giêsu tỏ mình ra cho ông. Hê-rô-đê sẽ chỉ gặp Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn mà thôi (Lc 23,8)

Chúa Giêsu đã là một dấu hỏi cho những người thời Ngài. Mỗi người chúng ta cũng phải là một dấu hỏi cho những người thời nay. Một kiểu sống rập khuôn “ai sao tôi vậy”, một kiểu sống sợ bị người khác coi là khác thường… không phải là một dấu hỏi. Ta không chủ trương sống lập dị, nhưng ta không có quyền che dấu những nét đẹp độc đáo của niềm tin chúng ta.

Ngày xưa có nhiều dư luận về Chúa Giêsu. Các tông đồ đã đi khắp nơi để làm chứng cho người ta hiểu đúng Chúa Giêsu thực sự là ai.

Ngày nay cũng có nhiều dư luận sai lạc về Chúa Giêsu. Người ta nghĩ Ngài là ai? (những người của các tôn giáo khác nghĩ gì? những người vô thần nghĩ gì? những người đầu óc nặng thành kiến khoa học, thực dụng nghĩ gì?…) Thực ra, Chúa Giêsu là Ai? Tôi phải làm chứng cho Ngài thế nào?

Những người lương dân họ vẫn đồng hóa Kitô hữu với Đức Kitô. Thấy kitô hữu thế nào thì họ nghĩ Đức Kitô thế ấy. Vì thế, dù muốn hay không, cách sống của kitô hữu cũng là một lời chứng về Đức Kitô. Làm chứng đúng hay sai, tốt hay xấu là trách nhiệm nặng nề của chúng ta.

Tin mừng hôm nay thuật lại rằng vua Hêrôđê muốn gặp Đức Giêsu vì ông muốn thỏa mãn trí tò mò, chứ không phải tìm kiếm chân lý. Ông muốn tận mắt chứng kiến một vài phép lạ Ngài làm như người ta đồn thổi về Ngài.

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không bao giờ chiều ý một con người vừa có lòng hiếu kỳ vừa gian manh, quỷ quyệt như Hêrôđê. Kể cả sau này ông ta có dịp gặp Chúa trong cuộc thương khó, thì mãi mãi cuộc gặp của ông ta với Chúa có mà như không có, vì với một hồn chất chứa sự lưu manh, tính toán như ông dù có gặp Chúa thì đời ông ta chẳng bao giờ được biến đổi.

Cũng có tính tò mò như Hêrôđê, và có thể nói bàn tay cũng dính dáng đến sự tội, nhưng ông Giakêu, một người thu thuế, đã có dịp gặp được Chúa và được đổi đời bởi nơi cõi thẳm sâu tâm hồn Giakêu có một niềm khát khao mãnh liệt hướng về sự thiện.

Qua việc suy niệm bài Tin mừng hôm nay, chúng ta tự hỏi chính mình xem chúng ta đang tìm kiếm Chúa với một tâm hồn hướng thiện hay với một tâm hồn chất chứa đủ thứ mưu mô, tính toán? Biết đâu đấy, chúng ta đang tìm gặp Chúa để cầu mong Chúa làm một vài phép lạ cho đời ta no thỏa tiền tài, vật chất thế gian? Nếu ta tìm kiếm Chúa với một tâm hồn mưu mô tính toán như thế, thì chẳng bao giờ ta gặp được Ngài. Ngược lại, ta muốn gặp Chúa mỗi ngày để cho lòng ta được thanh thoát hướng về trời cao trước những khốn khó tư bề của cuộc sống trần gian, thì chắc chắn Chúa sẽ cho ta gặp Ngài và đời ta sẽ được biến đổi.

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR

19:01 06/10/2024