Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm
1 Sm 18:6-9; Tv 56:2-3,9-10,10-12,13-14; Mc 3:7-12
XIN CHÚA CHỮA BỆNH
Thiên Chúa là tình yêu. Người muốn trao ban tình yêu ấy cho nhân loại để ai tin và đón nhận Người thì được cứu độ. Nhằm tỏ bày tình yêu, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách, nhưng phương thế cuối cùng và hoàn hảo là qua chính Con Một Người (Dt 1,1-2).
Nghe biết các việc Chúa Giêsu đã làm, người ta lũ lượt kéo đến với Người; việc tìm đến với Chúa mới chỉ là bước đầu cho một tiến trình đón nhận ơn cứu độ. Một cách tiệm tiến, Thiên Chúa dẫn đưa họ vào mầu nhiệm tình yêu trọn vẹn nơi cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, để rồi cùng với Chúa Giêsu họ sẽ dâng về cho Thiên Chúa một tình yêu tự do và trọn hiến. Quá trình mạc khải không nhằm cho con người một danh xưng hay một khái niệm, song là một tình yêu. Và tình yêu phải được đáp trả bằng tình yêu, chứ không thể chỉ bằng sự hiểu biết suông hay ‘tụng kinh’ suông trên môi miệng.
Tin Mừng hôm nay vẽ nên khung cảnh hữu tình giữa thiên nhiên và con người. Dưới biển là Chúa Giêsu trên chiếc thuyền nhỏ; trên bờ là đám đông đang quây quần. Họ từ nhiều nơi tuôn đến, họ mang nhiều loại bệnh tật. Họ đang dồn con tim, mơ ước, trăn trở, và cả những đớn đau hồn xác của họ về phía Chúa Giêsu. Họ khát khao, mong chờ, hy vọng Ngài sẽ bù đắp, chữa lành và nâng đỡ họ.
Tin Mừng hôm nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh Marcô trình bày cho chúng ta nhiều phản ứng hay đúng hơn nhiều nhận thức khác nhau về con người Chúa Giêsu.
Trước hết là đám đông từ các nơi tìm đến với Chúa Giêsu, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng trong nhận định của Marcô, đám đông chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; đám đông chỉ thấy cái trước mắt là phép lạ, mà không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo. Nói tắt, đám đông không biết gì về Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu tỏ ra dè dặt đối với đám đông, Ngài thường lẩn tránh họ. Duy chỉ có ma quỷ biết Chúa Giêsu là ai, nhưng biết đối với ma quỷ không đồng nghĩa với tri giao, mà chỉ là thù hận.
Ðặt vào đúng văn mạch, thì Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về Chúa Giêsu: ma quỷ biết Chúa Giêsu, nhưng biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với Ngài vì mục đích trục lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu biết hời hợt, thiếu chiều sâu; những người Biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người Chúa Giêsu; chỉ có Nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, biết Ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, mà là đi vào tri giao mật thiết với Ngài, đi theo Ngài, nên một với Ngài. Ðó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự hiểu biết về Ngài mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi Kitô hữu. Biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài đến độ thốt lên như Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Khung cảnh đẹp này hẳn đã đủ để thu hút tôi, bạn và anh chị sẵn lòng dành những giây phút đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong ngày sống để lãnh nhận Lời Chúa, để gặp gỡ Chúa. Hy vọng cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ đầy tràn niềm vui và ý nghĩa nhờ sức hút tỏa ra từ Chúa Giêsu, từ những phận đời đang lũ lượt đi theo Người, lũ lượt đến với Người.
Trước hết, thật dễ dàng để ta nhận ra động lực thúc đẩy đám đông đến với Chúa: họ nghe biết những gì Chúa Giêsu đã làm. Hữu xạ tự nhiên hương, tiếng lành đồn xa.
Thử hỏi, Chúa Giêsu đã làm gì khiến Ngài thu hút dân chúng đến thế ? – Lần theo mạch văn, ta tìm được phần nào câu trả lời: Ngài rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa và gọi các môn đệ đầu tiên (1, 14-20), chữa bệnh tại Capharnaum (1, 21-45), làm cho các Kinh sư và Pharisêu phải bẽ mặt trong các cuộc tranh luận (2, 1 – 3,5).
Dân chúng miền Galilê và Giuđa năm xưa vui mừng hớn hở vì tìm được nguồn hy vọng hòng thoát khỏi những bế tắc trong lối sống ; tìm được sức mạnh hòng nhanh chóng khuất phục thế lực quỷ thần ; tìm được ý nghĩa đời mình hòng sống an hạnh trong tình yêu và niềm vui.
Kế đến, nhìn vào bản thân, mỗi người chúng ta không chỉ nghe biết những gì Chúa đã làm, mà chắc chắn ít nhiều trong hành trình đời mình, ta đã chân nhận ít nhiều những gì Chúa đã làm cho chính bản thân ta, cho những người thân thuộc của ta. Ta cũng chẳng phải khó nhọc để tìm đến với Chúa như người xưa. Nhưng xem ra, sức hấp dẫn của Chúa Giêsu chưa thể lớn bằng các tạo vật khác, nên ta còn đứng xa, còn chưa quan tâm đủ, còn chưa thật sự khát khao gặp gỡ Ngài. Hơn nữa, dương như chính ta cũng chưa đủ sáng, chưa đủ thông để nhận ra mình đang mang những tật bệnh hồn xác, đang phải đối diện với cuộc sống đầy hiểm nguy bởi đủ thứ lạc thuyết và đam mê, nên chưa thấy cần phải chữa trị, chưa thấy mình phải tìm thầy chạy thuốc.
Thậm chí, khi xuôi ngược trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, liệu những gì ta nói và những việc ta làm có đáng để người nghe chúng ta được thúc đẩy tìm đến với Chúa Giêsu như kinh nghiệm của đám đông trên đây chăng ?
Cùng nhau ta ở lại với Chúa Giêsu thêm ít phút nữa. Mỗi người hãy để Lời Chúa hôm nay soi chiếu mọi ngõ ngách, mọi nơi mọi chốn, kể cả những góc khuất lâu năm meo mốc của đời ta, của hồn ta, để ta được chữa lành các tật bệnh ; được thanh tẩy các nhơ uế ; và nhất là được có đủ uy tín mà giới thiệu Chúa Giêsu cho anh chị em ta. Chính nơi Chúa, ta tìm về để lãnh nhận Tin Mừng và cũng từ Chúa, ta đi ra loan báo Tin Mừng.
Lm Anton Tuệ Mẫn