Thứ Năm Tuần 4 TN – B : BUÔNG BỎ ĐI THEO CHÚA

Thứ Năm Tuần 4 TN – B : BUÔNG BỎ ĐI THEO CHÚA

SUY NIỆM - Feb 04/02/2021

Thứ Năm trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm

Dt 12:18-19,21-24; Tv 48:2-3,3-4,9,10-11; Mc 6:7-13

BUÔNG BỎ ĐI THEO CHÚA

          “Các ông đi rao giảng,
kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. (Mc 6,12)

Xưa kia dân Chúa “chân đi dép, tay cầm gậy” (Xh 12, 11) để sẵn sàng cho một cuộc xuất hành, bước đi trong sự phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa để tiến về miền đất Hứa. Cũng vậy, trong bài Tin mừng thứ Năm tuần IV thường niên hôm nay, Chúa truyền cho các môn đệ chân đi dép, tay cầm gậy, nhưng không mang túi tiền, bao bị gì cả để sẵn sàng ra đi loan báo Tin mừng trong sự tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào quyền năng của Chúa.

Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và chỉ thị những điều cần thiết khi thi hành nhiệm vụ. Ngài trao cho họ những quyền hạn mà người đời không ai có: quyền trên các thần ô uế, thần ô uế đây là ma quỉ. Ngài đưa ra những chỉ thị cần thiết: Không mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc và chỉ mặc một cái áo mà thôi, mang một đôi dép duy nhất và chỉ có cây gậy cần thiết để đi đường.

          Trước khi sai các tông đồ ra đi thực hiện sứ vụ truyền giáo, Đức Giêsu muốn các ông ở lại cùng Người: “Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại …” (Mc 6,7). Khoảng thời gian ở lại bên Chúa chính là cơ hội để các tông đồ biết những mong muốn và thao thức của Thầy, ngõ hầu khi được sai đi, các ông thi hành đúng thánh ý của Thiên Chúa. Mặt khác, khi ở lại cùng Đức Giêsu, các môn đệ cũng sẽ được trải nghiệm tình yêu của Chúa như lời Người đã phán truyền: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” ( Ga 15,9). Từ đó, cuộc sống và việc làm của người môn đệ Đức Kitô sẽ sinh nhiều hoa trái.

          Ta thấy Chúa dặn không mang theo lương thực vì khi vào nhà nào thì ở lại đó, người Do Thái rất hiếu khách và bổn phận của họ là tiếp đón những người qua đường. Khác với chúng ta hôm nay, ai cũng sợ trộm cướp, phải cửa đóng then gài, không ai đón tiếp những người khách lạ, không ai nghĩ đến ai, sống chết mặc bây, không ai tin ai.

          Thế giới của chúng ta không an toàn. Người khác không còn là người anh em mà là đối thủ, phải đề phòng. Nền văn minh của chúng ta không là nền văn mình của tình thương mà là đố kỵ, hoài nghi, sợ sệt, là nền văn minh của sự chết. Những nhà truyền giáo hôm nay phải tự túc. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo hoàn toàn tay không. Có những linh mục, khi đến một giáo xứ nghèo vẫn đi tay không như Chúa đã căn dặn. Thật đáng ngưỡng mộ. Và chính nhờ đó, các ngài đã tạo nên những cộng đoàn giáo xứ thật tốt đẹp, đầy tình thân ái, cha sở với giáo dân cùng nghèo nhưng rất thân tình, rất hạnh phúc. Một giáo xứ tham gia như thánh Gioan-Phaolo II đã nói. Với những điều kiện đó, việc rao giảng mới có thể có kết quả, vì những người đó chỉ mang theo một hành trang cần thiết mà thôi là Lời Chúa và tình yêu.

          Chỉ được mang theo cây gậy để đi đường, một áo ngoài mà thôi. Không tiền không bạc vìkho tàng của các ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó. Tiền bạc là gông cùm, là tham lam, là thuốc độc cho tình yêu. Chúng ta không truyền giáo bằng tiền được, có chăng là để giúp đỡ những người cần đến hay xây dựng những gì cần thiết. Nó chỉ là phương tiện, nhưng nó vẫn là một đe dọa, một nguy hiểm. Chúa biết rõ điều đó, vì thế Ngài đòi buộc các môn đệ phải đi rao giảng tay không.

          Ngày nay, sứ mạng loan báo Tin mừng của Chúa tiếp tục được ủy thác cho bạn và tôi. Tuy nhiên, chúng ta thường bị cám dỗ là khi nào có “đủ điều kiện” thì chúng ta mới có thể đi làm chứng tá Tin mừng cho Chúa.

          Hẳn nhiên không phải là dễ dàng gì giải đáp câu hỏi đó bằng một vài chữ, bởi vì, loan báo Tin Mừng là cả một tiến trình phức tạp, đòi hỏi phải suy nghĩ chính chắn và thích nghi cẩn thận, quan tâm đến thời điểm mà người ta sống cũng như nền văn hóa mà Phúc Âm sẽ được gieo vải, vun trồng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng đưa ra những lời căn dặn, được xem là những điểm qui chiếu cần thiết, không được quên, nếu chúng ta muốn chuyển thông cho người khác đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận một cách nhưng không, đã đem lại cho đời chúng ta một ý nghĩa căn bản, sâu xa.

          Chúa không để chúng ta một mình, vì Ngài vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.Ngài dám làm những việc lạ lùng cho chúng ta là trở thành lương thực cho chúng ta, sống trong chúng ta, sống với chúng ta từng giây phút. Hãy mang Chúa đi trong hành trình cuộc sống, cùng với Ngài loan báo Ngài cho anh em chúng ta. Họ đang chờ chúng ta lên tiếng hay chứng tỏ tình yêu của Chúa qua cuộc sống khiêm hạ nhỏ bé của chúng ta.

          Như các tông đồ khi xưa, người Kitô hữu có diễm phúc và được mời gọi “ở lại” với Chúa, cách đặc biệt nơi Thánh Thể của Người. Khi cử hành các giờ tôn thờ Thánh Thể, khi viếng Chúa và đặc biệt là trong thánh lễ, người Kitô hữu được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô như nhành nho với cây nho. Nhờ thế, họ kín múc được nguồn sức mạnh sung mãn nơi Thiên Chúa.

          Thiên Chúa tin cậy chúng ta, trao ban sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Thế nhưng trước hết, hãy rao giảng ở cái môi trường nhỏ bé mà chúng ta đang sống. Xin cám ơn Chúa đã đặt sự tín nhiệm nơi chúng ta, và xin ngài đừng để chúng ta trở thành những chứng nhân bất xứng với những gì ngài đang chờ đợi nơi chúng ta.

          Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ bạn và tôi: Hãy làm một chuyện quan trọng là “chân đi dép, tay cầm gậy” như dân Chúa xưa, nghĩa là biết sống tinh thần phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa. Khi chúng ta sống tinh thần “chân đi dép, tay cầm gậy” như thế, thì chính đời sống của chúng ta đã là một chứng tá Tin mừng cho Chúa rồi.

Bài: Tuệ Mẫn & Video: TGPSaigon.net