1 Ga 5, 5-6. 8-13; Lc 5, 12-16
Trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy thánh Máccô kể lại câu chuyện người bị bệnh phong xin Chúa Giêsu chữa lành. Trước khi đi vào trang Tin Mừng, chúng ta hãy trở về với bối cảnh xã hội Do Thái, để hiểu được tình trạng và hoàn cảnh của người bị bệnh Phong thời đó.
Sách Lêvi dạy rằng, người nào bị nghi mắc bệnh phong, phải được đưa tới một vị tư tế, vị này, sau khi khám xét, "tuyên bố người đó là dơ." Để làm cho những sự việc ra xấu hơn, người phong đáng thương hại, bị loại khỏi tình bạn con người, chính người bịnh phải làm cho kẻ khác tránh xa mình, bằng cách báo cho họ biết sự nguy hiểm: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế! "Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13, 45-46)
Những người bị bệnh Phong được coi là kẻ bị ô uế, những người đáng chết. Họ phải xa lìa với xã hội, phải tự động cách ly với xã hội. Dù luật lệ trong Thánh Kinh có nghiêm ngặt, nhưng sự cách ly người Phong ra khỏi xã hội không được làm triệt đở ở khắp mọi nơi công cộng.
Người bệnh Phong không được bước vào thành thánh Giêrusalem. Nhưng trong các làng mạc, họ không bị cách ly hoàn toàn. Với những điều kiện đòi hỏi nhất định, hình như người ta cũng có thể để cho người bị bệnh Phong bước vào đền thờ. Dù thế nào, thì người bệnh Phong vẫn bị coi là những người bị Thiên Chúa xa cách.
Như vậy ai có thể chữa cho người bị bệnh Phong? Việc chữa lành khỏi bệnh Phong được coi như là sự Phục Sinh từ cõi chết. Và người ta chỉ có thể chờ mong Thiên Chúa làm điều đó. Khi Vua dân Israel, trong sách thứ 2 các Vua 5,7, nhận lệnh chữa lành cho người bị bệnh Phong, thì ông đã thốt lên rằng: "Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi?“
Ngoài ra, nói chung chung về bệnh Phong, hai nhân tố lạ lùng đã góp phần gia tăng sự ghê tởm trước bệnh phong, đến nỗi biến nó thành biểu tượng của sự bất hạnh nhất có thể giáng xuống một con người, và cô lập những nạn nhân vô phúc tội nghiệp trong những con đường vô nhân đạo nhất.
Điều thứ nhất cho ta thấy người ta xác tín rằng cơn bệnh này lây lan đến nỗi làm nhiễm độc bất cứ ai có thể đã tiếp xúc với người bệnh; nhân tố thứ hai, cũng không có cơ sở, vì bệnh phong là hình phạt vì tội lỗi.
Trong lịch sử nhân loại, ta còn nhớ một người nổi tiếng đã góp phần hơn hết thay đổi thái độ và luật pháp đối với những người bệnh phong là Raoul Follereau (1903-1977).
Vào năm 1954 ông đã thiết lập Ngày Thế Giới Bệnh Phong cổ võ những đại hội khoa học và cuối cùng, trong năm 1975 đã thành công để luật pháp thu hồi sự kỳ thị những người bệnh phong.
Cạnh đó, có một câu chuyện rất cảm động về tấm lòng của ông Raoul giành cho người Phong: “Khi đến thăm một trại cùi, ông Raoul Follereau tiến đến bên cạnh một cô gái cùi và đưa tay ra bắt. Cử chỉ này khiến cô gái bỡ ngỡ. Nhưng lạ thay, cô gái lại không chịu chìa tay ra đáp lễ.Thấy ông Raoul ngỡ ngàng, vị giám đốc bèn giải thích: Thưa ông, qui luật của trại chúng tôi không cho phép bệnh nhân bắt tay khách.Cám ơn ông giám đốc. Nhưng qui luật trại chỉ cấm bệnh nhân bắt tay khách, nhưng đâu cấm khách hôn bệnh nhân phải không? Vừa nói, ông Raoul vừa tiến đến ôm hôn cô gái cùi.Mọi người sững sờ. Trong phút chốc cả đám người cùi nhào đến bên ông. Và một tiếng thốt lên trong nghẹn ngào: Hôm nay, tôi cảm thấy chúng tôi là người”
Thật sự rất bi đát cho những ai rơi vào căn bệnh phong. Chỉ có những ai vướng vào căn bệnh mới hiểu sự cô đơn, đau đớn như thế nào.
Với trang Tin Mừng hôm nay, hành động của người mắc bệnh quả là táo bạo. Ta thấy anh đã liều lĩnh vượt ra khỏi những điều luật lệ quy định là phái xa tránh người khác, thậm chí còn phải la to để người khác biết mà tránh.
Anh đến với Chúa Giêsu, để trình bày tình trạng của mình, cũng như ý muốn được chữa lành. Hành động liều lĩnh này hẳn phải xuất phát từ lòng tin tưởng không những ở quyền năng của Chúa Giêsu có thể chữa lành bệnh, mà nhất là ở lòng nhân từ thương yêu của Ngài, muốn giải thoát người ta khỏi bệnh tật. Chắc là anh đã từng được nghe thiên hạ nói về Ngài. Diễn tiến của sự việc cho thấy anh đã không tin tưởng hão huyền. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước thái độ và lòng tin của anh. Và Ngài đã làm phép lạ để cứu chữa anh.
Nhìn vào hành động của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài cũng đã không ngần ngại vi phạm điều lề luật quy định vì Ngài đã giơ tay đặt trên người bệnh. Dĩ nhiên, không thể coi đoạn Tin Mừng này như là một sự khuyến khích cho việc vi phạm lề luật, nhưng cách xử sự của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy còn có những cái quan trọng hơn cả việc tuân giữ lề luật, hay nói cách khác, lề luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Bằng chứng là tiếp đó chúng ta lại thấy Chúa Giêsu căn dặn người được lành hãy đi trình diện cùng trưởng tế, dâng của lễ theo luật Maisen. Một nghi thức mà tất cả những người được khỏi bệnh cùi, vì lý do nào đều phải làm để được công khai và chính thức tuyên bố là mình được khỏi, được sạch và do đó được quyền vào lại trong cộng đồng xã hội.
Và rồi, ta hãy noi gương bắt chước Đức Giêsu, đừng loại trừ anh em mình ra khỏi đời sống xã hội. Hãy biết đến với những anh em bị bỏ rơi. Hãy biết an ủi những anh em đang buồn khổ. Hãy biết tránh cho anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh em. Hãy giúp cho anh em mình được hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội.
Và rồi, ta cũng hãy diệt trừ bệnh phong chia rẽ. Hãy tẩy chay bệnh phong loại trừ. Hãy xóa đi bệnh phong phân biệt. Hãy phá tan bệnh phong nghi kỵ. Hãy bài trừ bệnh phong kết án. Nếu ta thanh toán được bệnh phong tâm hồn, thân thể xứ đạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt xứ đạo ta sẽ hồng hào, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.