Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro
Is 58:1-9; Tv 51:3-4,5-6,18-19; Mt 9:14-15
Giữ chay đúng nghĩa
Chúa Giê-su đã đến và đã quay trở lại trong vinh quang với Cha Ngài. Nhưng ta tin là ngày tận cùng, Ngài sẽ lại đến. Và với hy vọng đó, ta luôn sống trong thái độ tĩnh thức, cầu nguyện và chay tịnh nhằm giữ cho ta một thái độ hoán cải và quay trở về trong Thiên Chúa. Bởi một khi ta còn đang trên hành trình về quê thật, ta còn phải chiến đấu với những kẻ thù mạnh thế muốn tước đọat ta khỏi triều thiên thiên đàng. Ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái luôn là khí cụ vững vàng và mạnh thế nhất giúp ta luôn tĩnh thức để chiến đấu cho một hạnh phúc thật.
Trải dài Thánh Kinh, ta thấy thường xuyên nhắc tới việc ăn chay, chẳng hạn như: vua Đavít ăn chay để cầu nguyện cho con khỏi ốm; từ triều đình đến thường dân thành Ninivê đã đáp lại lời mời gọi của tiên tri Giona nên ăn chay và sám hối để thoát khỏi tai họa…
Sang thời Tân Ước, Gioan Tẩy Giả cũng ăn chay và sống khổ hạnh trong sa mạc để chuẩn bị loan báo Chúa Giêsu; đến khi Chúa Giêsu xuất hiện, Ngài đã khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng việc chay tịnh và cầu nguyện 40 ngày trong hoang địa sau khi chịu phép Thánh Tẩy; không những thế, Ngài thường xuyên nhắc các môn đệ phải ăn chay, cầu nguyện và Ngài còn cảnh báo các ông, nếu muốn trừ được quỷ thì phải ăn chay và cầu nguyện.
Như vậy, vấn đề chay tịnh là vấn đề quan trọng trong Kinh Thánh.
Luật cũ chỉ buộc người Do thái ăn chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội (Lc 16,19-31). Ngoài ra thời Chúa Giêsu, người ta còn giữ chay tự nguyện vào những ngày chay chung, vì lý do như để cầu mùa. Hơn nữa, còn có những ngày chay do cá nhân giữ vì lòng đạo đức, như nhóm biệt phái ăn chay mỗi tuần hai lần vào ngày thứ hai và thứ năm (x. Mc 2,18; Lc 18,12).
Hôm nay, rất có thể bữa tiệc của Lêvi (Mátthêu) khoản đãi Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài đã được tổ chức trùng vào ngày những người đạo đức và nhóm biệt phái ăn chay, nên các môn đệ của Gioan đã đến chất vấn Ngài.
Tuy nhiên, hôm nay, khi các môn đệ của Gioan đến hỏi Đức Giêsu về việc: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”, nhân cơ hội này, Chúa Giêsu mặc khải cho biết ý nghĩa đích thực của việc ăn chay.
Ăn chay là để chờ đón Chúa đến, nhưng Ngài đang ở giữa họ thì không có lý do gì để ăn chay nữa. Nếu ăn chay lúc này là mâu thuẫn, chẳng khác gì vải mới vá áo cũ, hay rượu mới đổ vào bầu da cũ vậy!
Chúa Giêsu và các môn đệ được mời dự tiệc, có lẽ trùng vào ngày thứ hai hay thứ năm, ngày mà những người đạo đức thường ăn chay. Điều này làm cho các môn đệ Gioan, biệt phái và những người đạo đức thắc mắc.
Câu trả lời của Chúa vừa là một dụ ngôn vừa là một ám ngôn, Chúa đem trường hợp tiệc cưới ra để so sánh: chúng ta biết tiệc cưới nơi người Do thái thường kéo dài cả tuần lễ, như vậy, dĩ nhiên trong những ngày ấy, những người được mời dự tiệc không ăn chay. Rồi tự coi mình là chàng rể. Chúng ta biết trong Cựu ước, Thiên Chúa tự ví mình là chàng rể và Israel là nàng dâu. Như thế, khi tự nhận cho mình một hình ảnh mà Cựu ước vẫn dùng để nói về Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu đã đi rất xa trong tiến trình tự mạc khải chính mình, Ngài cho biết Ngài là Thiên Chúa đã đến giữa loài người.
Chay tịnh là việc cần phải thực hiện cách tích cực trong Mùa Chay, vì thế qua bài Tin mừng hôm nay, Phụng vụ nhắn nhủ chúng ta về việc ăn chay và ý nghĩa của việc ăn chay: là để đền tội và được kết hợp với Chúa ở đời này và sống với Chúa đời sau./Cố gắng đừng ăn chay hình thức nhất là để khoe khoang: người biệt phái và các môn đệ của Gioan ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Vì thế, không đúng với ý nghĩa của việc ăn chay, cho nên Chúa Giêsu nhiều lần đã khiển trách họ (x. Mt 6,16; Lc 18,12).
Ta thấy sự chay tịnh kết hợp với một tấm lòng “tan nát, giày vò” luôn là dấu chỉ đẹp đẽ nhất của tâm hồn hoán cải để thỉnh nguyện với Đức Chúa. Và điều này luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa, nếu nó đến bằng một sự tinh tuyền thật sự của một con tim biết hoán cải và khao khát giao hòa với Thiên Chúa.
Vậy nhưng đến thời của Chúa Giêsu, người ta dường như đánh mất cái tinh thần bên trong của chay tịnh. Người ta nhìn vào những hành vi “phô trương” bên ngoài nhiều hơn là sự “dịch chuyển của một con tim chai đá”.
Vậy nên, Thiên Chúa đã nhiều lần tuyên phán: “dân này thờ ta bằng môi bằng miệng, nhưng lòng trí chúng xa ta”; lại nữa “Ta cần lòng nhân hơn lễ tế”. Chúa Giêsu mời gọi người ta chay tịnh từ bên trong tâm hồn mỗi người, chứ không phải là phô diễn những hình thức sáo rỗng bên ngoài khi mà bên trong chỉ chứa toàn là con tim chai đá.
Khi thấy các môn đệ vui vẻ bên Chúa Giêsu, ngay cả đến môn đệ của Gioan Tẩy Giả cũng đến để chất vấn Chúa về việc ăn chay. Chúa trả lời: “Khi tân lang đi rồi, lúc đó họ mới ăn chay”. Đúng, việc ăn chay là cần thiết. Chúa không nói là họ sẽ không ăn chay, nhưng Chúa nói rồi đây họ sẽ ăn chay. Cái thời điểm mà các môn đệ của Chúa sẽ ăn chay, sẽ cầu nguyện, sẽ hy sinh chính mình đang đến gần. Lúc mà “chàng rể Giêsu” được đưa đi, lúc đó họ sẽ than khóc trong chay tịnh và cầu nguyện. Nhưng thời điểm đó chưa tới bởi Giê-su – nguồn vui của họ, vẫn còn đang ở bên họ. Làm sao mà khác dự tiệc lại có thể ăn chay, khi chàng rể đang ở với họ?
Ý nghĩa chính yếu của việc giữ chay chính là đền tội, hãm dẹp những khuynh hướng xấu xa, đê tiện, tội lỗi, từ bỏ cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, sống liên đới, yêu thương, tha thứ, giúp đỡ người nghèo…, nhất là tin vào Tin Mừng.
Lm Antôn Tuệ Mẫn