Thứ Tư Tuần 4 TN : DÂNG ĐỜI TA CHO CHÚA

Chia Sẻ Lời Chúa Hằng Ngày - Feb 02/02/2022

Đức Mẹ Dâng Chúa Vào Đền Thánh

2 Sm 24:2,9-17; Tv 32:1-2,5,6,7; Mc 6:1-6

DÂNG ĐỜI TA CHO CHÚA

 

 

 

          Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, mà chúng ta cử hành ngày 02 tháng 01 có một vị trí đặc biệt: vì lễ này loan báo Hy Tế Cứu Chuộc mang lại ơn cứu độ sau này. Đức Maria và thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, dù là Con Thiên Chúa, Đấng giầu sang phú quí để dâng vào Đền Thánh với của lễ đơn sơ là “cặp bồ câu non”! Đây là lần đầu tiên loan báo về Hy Tế Thánh. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người mạc khải cho chúng ta, việc dâng hiến này ám chỉ tương quan giữa nhân loại với Thiên Chúa Cha, qua trung gian cần thiết của Đức Trinh Nữ Maria đồng công cứu chuộc.

          Lễ dâng Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta những cái nhìn mới, những con đường mới để suy tư và hành động, để cảm nghĩ và nói năng, để sống và yêu thương, để trao ban và lãnh nhận. Chúng ta tin, chúng ta hy vọng và chúng ta quyết tâm làm một cái gì cho những người kém may mắn hơn chúng ta: cô nhi, quả phụ, khuyết tật, nghiện ngập, HIV… Chúng ta cố gắng hết sức mình để mang hy vọng và tình thương cho kẻ khác, để làm cho Chúa Giêsu được sinh ra trong tâm hồn và cuộc đời của những người chưa biết Chúa, cũng như để làm cho Chúa Giêsu được sinh ra lại và lớn lên trong tâm hồn và cuộc đời của những ai đã từ khước Chúa vì tội lỗi của họ.

          Đây là Hy Tế đền tội hoàn hảo duy nhất cứu chuộc nhân loại. Lễ này là “bản lề”chuyển tiếp giữa hai mầu nhiệm Nhập Thể (Truyền tin) và Cứu Chuộc (Phục Sinh). Chúa Giêsu đến trần gian (Nhập thể), để (Cứu chuộc) chúng ta.Khi dâng Đức Giêsu trong đền thờ, Đức Mẹ tự nhận mình không có quyền trên Đức Giêsu. Đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa trao cho Đức Mẹ để Đức Mẹ săm sóc dưỡng nuôi. Đức Mẹ dâng Đức Giê-su trong đền thờ không chỉ nhằm chu toàn lề luật, nhưng là công nhận quyền của Thiên chúa và cũng là để cầu xin Chúa chúc phúc cho Hài Nhi Giê-su.

          Đức trinh nữ Maria và thánh Giuse dâng Đức Kitô vào Đền Thánh để làm tròn lề luật. Luật lệ thời đó sau khi sanh con, người con không cần thanh tẩy, nhưng người mẹ cần qua nghi thức thanh tẩy. Dù không cần thanh tẩy người con được dẫn đến Đền Thờ dâng hiến cho Thiên Chúa. Gia đình thánh gia giữ trọn lề luật, và đặc biệt tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa. Hai ông bà sẵn sàng dâng hiến những gì cao trọng, quí nhất cho Thiên Chúa. Việc dâng tiến Đức Kitô vào Đền Thánh nói lên tâm tình thầm kín đó. Hai ông bà không tiếc Thiên Chúa bất cứ điều gì. Bởi hai ông bà quan niệm những gì họ đang có chính là do Thiên Chúa trao ban. Trao lại      Thiên Chúa những gì Ngài ban là đặt hết lòng tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hai ông bà dâng hiến Đức Kitô cho Thiên Chúa. Chính Đức Kitô ở tuổi trưởng thành cũng tự dâng hiến, không phải một phần cuộc sống, mà dâng trọn cả tâm hồn, trọn cuộc sống, lẫn í nguyện riêng cho Thiên Chúa, Điều này thể hiện qua câu nói của chính Ngài.

          Tin Mừng hôm nay nói đến việc Mẹ Maria và Thánh Giuse tiến dâng con trai đầu lòng cho Chúa.Qua đây Ngài hoàn tất lề luật và dấn thân cả cuộc  sống để phụng sự Thiên Chúa. Khi lớn lên, Chúa Giê-su cũng sống trọn vẹn cho sự tiến dâng này suốt đời. Ngài thuộc về Thiên Chúa Cha một cách trọn vẹn. Từ khi vào đời làm người, Ngài đã nói: “Này tôi xin đến để thực thi ý Chúa.” (Dt 10, 9). Năm 12 tuổi, cậu Giêsu đã cố ý ở lại Đền Thờ, mà cậu gọi là nhà Cha của cậu (x. Lc 2, 49). Khi chịu phép rửa ở sông Giođan, Đức Giêsu ý thức rõ hơn mình là Con, thuộc về Cha, được Cha sai vào giữa lòng nhân loại (x. Mc 1,11).

          Dầu trong suốt dọc dài cuộc sống của Chúa Giê-su luôn gặp biết bao cám dỗ từ ma quỷ, từ đám đông, từ môn đệ. Cám dỗ lôi kéo Ngài sống cho mình, và không muốn thuộc về Cha, Đấng sai Ngài đi. Nhưng Chúa Giê-su đã từ khước mọi cám dỗ tách mình ra khỏi Thiên Chúa Cha để mãi mãi thuộc về Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến trần gian.

          Hôm nay chúng ta quy tụ nhau nơi đây để cử hành nghi thức dâng con vào đền thờ. Hành vi dâng con vào đền thờ là hành vi thờ phượng để tạ ơn về hồng ân Chúa ban là con cái được sinh ra. Đồng thời cũng nhắc nhở cha mẹ về bổn phận giáo dục đức tin cho con cái, để con cái mãi mãi thuộc về Chúa và sống trong ánh sáng tin mừng của Chúa.

          Gia đình Thánh Gia trong ngày dâng hiến Đức Kitô vào Đền Thánh, theo luật định, dâng cặp bồ câu non. Điều này nói lên đời sống đơn sơ, nghèo nàn của gia đình. Họ nghèo vật chất nhưng rất giầu tình yêu Chúa. Đức Maria giữ những lời Thiên Thần nói về con mình để suy nghĩ trong lòng; thánh Giuse luôn trung tín điều Thiên Thần hướng dẫn để coi sóc, bảo vệ gia đình; Đức Kitô sống không cho chính mình mà sống cho Chúa Cha.

          Tiên tri Anna và tiên tri Simeon đến Đền Thờ theo hướng dẫn của Thánh Thần. Cả hai gặp Đức Kitô và đều nói về Ngài. Họ được Thánh Thần hướng dẫn đến Đền Thờ, thì những gì họ nói về Đấng Cứu Thế, không phải do í riêng, mà chính là do hướng dẫn của Thánh Thần, hướng dẫn chỉ bảo điều họ nói về Đấng Cứu Thế.

          Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống, hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, và như vậy những í nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà cc34-35.

Hai ông bà không hiểu rõ những lời tiên tri đó. Nhiều người Do Thái bị lưu đầy nghe biết Đức Kitô và đã tin theo để nhận ơn cứu độ, số khác không tin và chống lại bởi họ tin họ tự cứu được mình. Đức Kitô ban ánh sáng cho trần gian; nhưng trần gian chọn bước đi trong bóng tối, từ chối đón nhận ánh sáng Đức Kitô mang lại. Để tiêu diệt ánh sáng Kitô, sức mạnh của tối tăm kịch liệt chống đối. Điều này phần nào giúp giải thích vì sao tâm hồn Đức Trinh Nữ bị lưỡi gươm đâu thâu qua.

          Theo Tin Mừng, Đức Maria, sau 40 ngày sinh hạ Chúa Giêsu, cùng thánh Giuse đã dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ ở Giêrusalem và Đức Maria được thánh tẩy sau khi sinh. Thánh Luca đã ghi lại gia đình Thánh Gia đã thực hiện những Lề Luật được ghi chép trong Cựu Ước. Theo Luật Môisen, phụ nữ sau khi sinh con được 40 ngày, họ đến Đền Thờ để dâng con đầu lòng và để được thanh tẩy. Họ mang theo một con chiên nếu nhà khá giả, hay hai con chim gáy hoặc một cặp bồ câu non là của lễ dâng. Thực hiện Luật đã ghi chép để tưởng nhớ dịp Vượt Qua của dâng Do-thái khi rời đất Ai-cập. Các con đầu lòng của con người hay loài vật, được dâng lên cho Thiên Chúa. Trung thành với luật định, thánh Giuse và Đức Maria khi đủ 40 ngày, đã đem Hài Nhi Giêsu lên Giêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa.

          Ý nghĩa của lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh cũng liên quan tới mọi Kitô hữu. Trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội linh mục đã xức dầu thánh hiến họ cho Thiên Chúa để họ trở thành thành phần của Giáo Hội, chi thể mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Cùng với áo trắng biểu tượng cho linh hồn trong sạch khỏi tội tổ tông và cuộc sống mới trong ơn thánh, Linh mục cũng trao cho họ nến sáng thắp từ Cây Nến Phục Sinh, biểu tượng cho Chúa Giêsu Kitô, ánh sáng cứu độ chiếu soi nhân loại và toàn thế giới, chiếu soi cuộc sống của tín hữu mọi ngày. Và đến phiên họ, Kitô hữu cũng phải sống thế nào để chứng tá cuộc sống của họ chiếu soi cho mọi người, đặc biệt cho các anh chị em chưa biết Chúa Kitô và Tin Mừng yêu thương cứu độ, giúp họ nhận biết Chúa và đưa họ đến với Chúa để được ơn cứu độ. Năm Đức Tin sắp khai mở vào tháng 10 tới đây là dịp rất tốt để Kitô hữu là ánh sáng và muối men của trần gian.

          Ngày hôm nay mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi để đốt lên ngọn nến mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu phép Rửa tội. Họ được mời gọi để cùng với toàn thể Giáo Hội lặp lại những lời cam kết chống lại sức mạnh của tăm tối trong cuộc sống của họ. Những ngọn nến đã được đốt lên trên toàn nước Đức biểu hiện của một ý chí muốn xoá tan những bóng tối riêng tư của hận thù, ích kỷ, bạo động… và đồng thời khơi dậy nguồn ánh sáng của sự tha thứ, yêu thương, quảng đại và cảm thông.

          Ngày hôm nay, những ngọn nến mà mỗi người Kitô hữu thắp sáng lên cũng nhắc nhở cho họ về sứ mệnh cao cả là trở thành ánh sáng cho mọi người. Trong đêm tối của một xã hội dầy đặc những hận thù, ích kỷ, lừa lọc… mỗi người tín hữu Kitô đều có thể nói: "Thà đốt lên một ánh nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối". Một cuộc sống tin tưởng, hân hoan, phó thác và yêu thương, phục vụ quên mình, đó là một chút ánh sáng mà mỗi người tín hữu Kitô đều có thể đốt lên để soi sáng cho một góc trời nào đó, để từ đó người khác có thể nhận ra ánh sáng đích thực của Chúa Kitô.

Lm Antôn Tuệ Mẫn