Đường Vành Đai 2 của TP HCM dài 64 km hiện còn "hở" hơn 11 km và cần hơn 13.000 tỷ đồng mới có thể khép kín toàn tuyến.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, thành phố đang kêu gọi đầu tư 3 đoạn thuộc tuyến đường Vành Đai 2 chưa được khép kín, với tổng vốn hơn 13.000 tỷ đồng.
Các đoạn tuyến gồm: đoạn 1 từ cầu Rạch Chiếc – nút giao thông Bình Thái dài gần 4 km, rộng 67 m với vốn đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng. Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái (quận 9) đến ngã ba Linh Đông (đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức) dài 2 km, rộng 67 m với số vốn khoảng 1.505 tỷ đồng. Đoạn 3 từ nút giao thông An Lập – Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dài 5,3 km, rộng 60 m có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Sơ đồ 3 tuyến đường vành đai của TP HCM Ảnh: Viện Chiến lược phát triển.
Đối với đoạn 1 và 2, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng chấp nhận phương thức thanh toán hợp đồng dự án BT (đầu tư – chuyển giao) bằng quỹ đất kết hợp sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ. Còn đoạn 3, Khu quản lý giao thông đô thị số 4 đang nghiên cứu phân kỳ đầu tư.
Trước tình hình có nhiều nhà đầu tư tham gia dự án, Sở Giao thông Vận tải đã kiến nghị UBND thành phố chấp thuận các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư của đoạn 1 và đoạn 3. Riêng đoạn 2, UBND thành phố có chủ trương đấu thầu rộng rãi để chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, Vành Đai 2 dài 64 km, quy mô 6-10 làn xe đi qua các khu vực Ngã tư Gò Dưa – Ngã tư Bình Phước – Ngã tư An Sương – An Lạc – Nguyễn Văn Linh – cầu Phú Mỹ – cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây – Xa lộ Hà Nội – Ngã tư Gò Dưa.
Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp tăng năng lực giao thông của TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại khu vực nội đô. Phương tiện vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây không còn phải xuyên qua khu vực nội thành.
Hữu Công
Theo: VNExpress.net