TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ GIÁO PHẬN VINH : SỐNG CHIỀU KÍCH 3 C CẦU NGUYỆN – CHIA SẺ – CHỨNG TÁ

TRUYỀN CHỨC PHÓ TẾ GIÁO PHẬN VINH : SỐNG CHIỀU KÍCH 3 C CẦU NGUYỆN – CHIA SẺ – CHỨNG TÁ

Tin Giáo Hội Việt Nam - May 31/05/2018

Như mọi người đã biết, Thánh Lễ Truyền chức Phó tế cho các Đại Chủng sinh khóa XII vào lúc 7h30’ thứ Năm, ngày 31 tháng 5 năm 2018, tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ sự Thánh lễ và truyền chức Phó tế cho các thầy có tên sau đây:

01. J.B. Nguyễn Thế Anh (Sinh: 04/01/1979 – Quê: Gx. Cửa Lò, NA)
02. Phaolô Nguyễn Văn Đức (Sinh: 20/08/1982 – Quê: Gx. Lộc Thuỷ, HT)
03. Phêrô Lê Văn Duyệt (Sinh: 26/12/1981 – Quê: Gx. Lạc Sơn, HT)
04. Giuse Trần Văn Duyệt (Sinh: 24/04/1982 – Quê: Gx. Nhân Hoà, NA)
05. J.B. Phạm Đình Hải (Sinh: 27/03/1984 – Quê: Gx. Thuận Nghĩa, NA)
06. Phêrô Nguyễn Hùng Hải (Sinh: 10/10/1982 – Quê: Gx. Hướng Phương, QB)
07. Giuse Nguyễn Văn Hồ (Sinh: 12/04/1980 – Quê: Gx. Đạo Đồng, NA)
08. Phaolô Lê Văn Hùng (Sinh: 20/06/1984 – Quê: Gx. Hoà Thắng, HT)
09. Giuse Trần Công Hường (Sinh: 03/01/1981 – Quê: Gx. Lâm Xuyên, NA)
10. Antôn Lê Đức Khả (Sinh: 12/11/1984 – Quê: Gx. Rú Đất, NA)
11. Antôn Nguyễn Văn Khánh (Sinh: 02/06/1983 – Quê: Gx. Phù Long, NA)
12. Phêrô Hồ Hữu Liên (Sinh: 14/04/1979 – Quê: Gx. Cự Tân, NA)
13. Giuse Nguyễn Văn Linh (Sinh: 20/06/1982 – Quê: Gx. Song Ngọc, NA)
14. J.B. Lê Văn Phong (Sinh: 31/10/1979 – Quê: Gx. Cồn Cả, NA)
15. Giuse Phạm Văn Phượng (Sinh: 27/09/1982 – Quê: Gx. Đức Lân, NA)
16. J.B. Mai Văn Quốc (Sinh: 06/01/1984 – Quê: Gx. Văn Hạnh, HT)
17. Phêrô Đinh Văn Quyền (Sinh: 23/03/1984 – Quê: Gx. Bàn Thạch, NA)
18. Antôn Nguyễn Trường Thi (Sinh: 17/06/1982 – Quê: Gx. Tràng Lưu, HT)
19. J.B. Châu Long Thiên (Sinh: 12/07/1979 – Quê: Gx. Thuận Nghĩa, NA)
20. Phêrô Phạm Văn Thuyên (Sinh: 28/03/1977 – Quê: Gx. Quan Lãng, NA)
21. Phaolô Nguyễn Văn Toán (Sinh: 29/07/1983 – Quê: Gx. Rú Đất, NA)
22. Antôn Nguyễn Văn Trí (Sinh: 02/09/1983 – Quê: Gx. Nghi Lộc, NA)
23. Antôn Nguyễn Văn Trọng (Sinh: 22/04/1983 – Quê: Gx. Đồng Tâm, NA)
24. Gioan Nguyễn Ngọc Tú (Sinh: 16/10/1984 – Quê: Gx. Trang Cảnh, NA)
25. Phêrô Phùng Văn Tuấn (Sinh: 07/07/1982 – Quê: Gx. Phù Ninh, QB)
26. Antôn Nguyễn Văn Vân (Sinh: 19/10/1983 – Quê: Gx. Vạn Phần, NA)
27. Antôn Đậu Duy Vinh (Sinh: 01/06/1984 – Quê: Gx. Đông Sơn, HT)
28. Fx. Nguyễn Đình Hành (Sinh: 06/05/1986 – Dòng Đức Mẹ Lên Trời)
Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho các thầy được xứng đáng lãnh nhận chức thánh, trung thành phụng sự Chúa và nhiệt tâm phục vụ Giáo Hội.

    Trong bài chia sẻ, rất dễ nhớ và dễ thực hành với chiều kích 3 C của Đức Cha Phêrô
Kính thưa toàn thể cộng đoàn
Trong Thánh lễ hôm nay, các ứng viên sẽ thánh hiến cho Chúa để trở thành khí cụ của Chúa giữa lòng Giáo Hội và trong lòng thế giới. Xin chia sẻ 3 thì diễn tả căn tính của phó tế. 3 thì bắt đầu bằng 3 C
Cầu nguyện với Chúa
Chia sẻ Lời Chúa
Chứng tá đời sống.
Cầu nguyện với Chúa. Chúng ta có kinh nghiệm khó khăn về học ngoại ngữ. Khó khăn hơn cả về chuyện ngoại ngữ. Tốn rất nhiều công. Ngôn ngữ khó khăn nhất trong các ngôn ngữ là cầu nguyện. Cầu nguyện là ngôn ngữ của tâm hồn, tâm hồn thinh lặng, lắng nghe, biết ơn, thống hối, hoán cải.

Ngôn ngữ cầu nguyện rất cũ nhưng cũng rất mới. Không ai trong chúng ta trong khoản thời gian nào đó sở đắc ngôn ngữ này một cách đầy đủ. 

Hơn ai hết, Thánh Phaolo đã có kinh nghiệm về những khó khăn trong cầu nguyện và Ngài chỉ cho chúng ta tác nhân chính trong cầu nguyện. Ngài nói trong thư gửi Rm 8, 26 : Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả.
Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, tuy nhiên trong thân phận con người đã trở nên mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta bằng đời sống cầu nguyện. Người cầu nguyện trước những biến cố lớn. Trước khi bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng, chọn các môn đệ, trước khi đi vào cuộc khổ nạn. 

Cầu nguyện cho phép chúng gặp gỡ Chúa, gặp gỡ chính mình, gặp gỡ các loài thù tạo qua đó chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa, tiếng lòng mình, tiếng thụ tạo. Và nhờ đó chúng ta có thể nhận biết các cơ quan của đời sống chúng ta một cách tốt hơn. 

Ở đây không phải là cái biết không phải là cái biết khoa bảng, cái biết tri thức mà là cái biết kinh nghiệm mà là cái biết hòa nhập vào đời sống. Hay nói cách khác, cầu nguyện thế nào thì sống như vậy.

Chân phước hồng y John Henry Newman (1801 – 1890) nói thế này : Sống là biến đổi để được hoàn thiện, cần phải được biến đổi thường xuyên.
Trong cuộc sống chúng ta, có 2 hình thức biến đổi liên quan đến đời sống chúng ta đó là biến đổi theo chiều hướng tốt và chiều hướng xấu.

Cầu nguyện giúp bản thân mỗi người chúng ta biến đổi theo chiều hướng tốt. Đồng thời cầu nguyện cũng cho mỗi người chúng ta biết điều chỉnh các tương quan đời sống chúng ta cách tốt đẹp hơn.

Xin đề cập chiều kích 2 đó là chia sẻ Lời Chúa. Chia sẻ sức mạnh Lời Chúa. 
Tác giả thư gửi Do Thái 4, 12 : Lời Chúa là lời sống động, hữu hiệu, sắc bén hơn dao 2 lưỡi. Lời xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với lũy, lời đó phê bình tâm tình và tư tưởng lòng người.

Thật kỳ diệu ! Một trong những tác vụ chính yếu căn bản của phó tế là chia sẻ Lời Chúa. Không chỉ chia sẻ Lời Chúa trong Thánh Lễ mà trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như khi cử hành bí tích rửa tội hay cử hành nghi thức an táng, chứng hôn, dạy các tầng lớp khác nhau trong giáo xứ giáo họ hay chia sẻ Lời Chúa cho những ai chưa nhận biết Chúa.

Phó tế được chia sẻ sức mạnh kỳ diệu của Lời Chúa. Mạc khải cho chúng ta biết Đức Giêsu Là Lời Chúa. Thánh Gioan Tông đồ trong Tin Mừng Ga 1, 1-4 : 
 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.         Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

Như vậy chúng ta thấy Lời Chúa trước hết không phải là những tư tưởng những giáo thuyết diễn tả trên những con chữ bất động trên giấy mà Lời Chúa ở đây là một Ngôi Vị – Ngôi hai Thiên Chúa. Lời Chúa ở đây là Đức Giêsu. Khi chúng ta có khả năng nói với Chúa trong đời sống cầu nguyện thì chúng ta tất nhiên có khả năng nói về Chúa đối với anh chị em chúng ta.

Trong thế giới có lắm bóng tối, anh em được mời gọi chia sẻ ánh sáng
Trong thế giới có lắm nỗi buồn, anh chị em được mời gọi chia sẻ tin vui.
Trong thế giới có lắm sự dữ, anh chị em được mời gọi chia sẻ sự lành
Trong thế giới có lắm thất vọng, anh chị em được mời gọi chia sẻ hy vọng
Trong thế giới có lắm giả dối, anh chị em được mời gọi chia sẻ sự thật
Trong thế giới có lắm sự chết chóc, anh chị em được chia sẻ sự sống.
Ở đây, không phải là sự sống sinh học, thể lý mà là sự sống thể lý mà còn là sự sống đạo đức, sự sống luân lý và đặc biệt là sự sống vĩnh cửu. Anh em có tác vụ hết sức quan trọng như vậy. Do đó, anh em biết rằng Lời Chúa phải là luôn luôn ở trong tâm trí anh em.

Anh em biết rằng trước khi vào cuộc khổ nạn trả lời cho Tôma Ga 14,5 : Thầy đi đâu làm sao chúng con biết được đường. Đức Giêsu trả lời : Thầy là đường. Tuy nhiên với các môn đệ thì khó hiểu vì họ theo Đức Giêsu có chút lợi lộc trên trần gian này. Cho đến khi Chúa chết trên thập giá với trái tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra thì các môn đệ mới ngộ ra đường Chúa Giê su là đường Trái Tim. Trái tim yêu thương, trái tim ta thứ, bị đâm thủng, Trái Tim mở ra cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại, đặc biệt những người cô đơn, nghèo khó, hay là nạn nhân bị bóc lột trên thế giới.

Chúa Giêsu đến trần gian bằng con đường trái tim. Anh em cũng vậy, anh em cũng được mời gọi đến với người khác bằng con đường trái tim. Và chia sẻ con đường trái tim này với họ chứ không phải chia sẻ bất cứ con đường nào khác. Anh em biết rằng vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo năm 34 là một phó tế, Thánh Stêphanô. Thánh nhân đã đi trên đường trái tim đến hơi thở cuối cùng để rồii làm chứng cho Đức Kitô.

Chiều kích 3 cũng là chiều kích cuối cùng, khi nghe từ phó trong ngôn ngữ Việt Nam, ta nghe tưởng nghĩ đến từ tương đương. Từ phó tế không tương đương phó chủ tịch, phó giám đốc, phó hiệu trưởng.

 Phó tế xuất phát từ tiếng Hy lạp là người giúp đỡ, người phục vụ. Phó tế không chỉ có chia sẻ Lời Chúa trong Thánh Lễ, phụ giúp giám mục linh mục mà còn làm nhiều việc khác nữa 

Nếu anh em đọc sách Công Vụ, Tác vụ chính của phó tế đó là giúp đỡ những góa bụa neo đơn trẻ em mồ côi, những người gặp bất trắt. Dần dần khi Kitô giáo lan rộng để các phó tế được kêu gọi để rồi làm những công việc nữa.
Vào ngày 2.10.1974, trong cuộc nói chuyện với các thành viên Hội Đồng Giáo Hoàng về giáo dân, Đức Thánh Cha Phaolô VI có nói như thế này : Người thời nay muốn lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy. Nếu họ lắng nghe thầy dạy thì thầy dạy cũng là những chứng nhân.

Chúng ta biết khi mà con người muốn lắng nghe chứng nhân hơn là thầy dạy, muốn kinh nghiệm hơn là tư tưởng, muốn lắng đời sống hơn là lý thuyết. Thiết nghĩ những môn đệ của Chúa Giêsu, những người có trách vụ chia sẻ trước hết hãy kết hợp với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh học hỏi giáo huấn của  Chúa Giêsu trước khi truyền thụ cho người khác.

Nếu được phép diễn tả tương quan giữa phó tế và Giáo Hội thì tôi mạn phép diễn tả phó tế là y tá trong bệnh viện của Giáo Hội chứ không phải là lực sĩ trong đấu trường thể thao. 

Lát nữa đây, anh em sẽ lãnh nhận Phúc Âm trong đó anh em sẽ nghe : Con hãy lãnh nhận phúc âm của Đức Kitô mà con trở nên người rao giảng và con phải biết là tìn điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy.
Như vậy, chúng ta thấy đọc – tin – dạy – thi hành luôn luôn đi với nhau. Không có thì nào tách rời nhau.

Và chúng ta để ý một chút thì ở trong bài Tin Mừng hôm nay cũng như 2 bài đọc trước đó, 3 bài đọc tóm lại trong một chủ đề duy nhất là phục vụ. Chúa Giêsu là mẫu gương phục vụ cho chúng ta. Anh em là những người đi theo Đức Giêsu.
Hôm nay Giáo Hội hoàn vũ cử hành lễ Đức Maria. Hơn ai hết, chúng ta thấy Đức Maria đã sống 3 chiều kích chúng ta vừa chia sẻ với nhau : cầu nguyện với Chúa – chia sẻ Lời Chúa – chứng tá đời sống.

Chúng ta biết trước biến cố Truyền Tin, Đức Maria đã luôn cầu nguyện với Chúa. Sau biến cố truyền tin, Đức Maria vội vã lên đường, đi xa lắm, đi bộ đến chia sẻ Lời Chúa đối với bà Elizabeth. Lời Chúa lúc đó chính là Chúa Giêsu mà Đức Maria cưu mang. Không chỉ có đến với bà Elizabeth mà thôi, Đức Maria đã chứng tá đời sống bằng cách ở lại với bà Elizabeth hơn 3 tháng sau đó mới trở về. Trong Tin Mừng không nói cụ thể nhưng chắc chắn Đức Maria ở lại đó cho đến khi bà Elizabeth sinh Gioan Tẩy Giả rồi mới lên đường trở về nhà.

Cầu nguyện với Chúa, chia sẻ Lời Chúa, chứng tá đời sống chính là 3 chiều kích căn bản của phó tế. Và chúng ta cũng nhận thức rằng không chỉ có phó tế mà thôi, tất cả mọi người chúng ta cũng được mời gọi sống trung tín với 3 chiều kích này trong hành trình đời sống trần thế của chúng ta. Cùng nhau chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần đồng hành, nâng đỡ chúng ta đặc biệt nâng đỡ các anh em sắp lãnh nhận thánh chức phó tế.