Tuần 16: Sách Dân số, chương 13 – 24

Tuần 16: Sách Dân số, chương 13 – 24

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

SÁCH DÂN SỐ
(chương 13-24)

I. ISRAEL NỔI LOẠN VÀ THIÊN CHÚA NỔI GIẬN (14,1-19)

Khi nghe những người do thám trở về tường thuật về miền đất chảy sữa và mật nhưng khó lòng chiếm được vì dân cư quá hùng mạnh, cả cộng đồng cằn nhằn trách móc Môsê và Aaron, và họ cho rằng thà trở về Ai Cập hay chết trong sa mạc còn hơn (câu 3-4). Như thế là họ phủ nhận chính Chúa, Đấng giải thoát họ. Môsê và Aaron không biết phải giải quyết thế nào. Caleb và Giosua ra sức thuyết phục dân nhưng vô hiệu. Họ đòi ném đá các ông nếu Chúa không can thiệp (câu 10).

Thiên Chúa than phiền với Môsê về thái độ cứng lòng của dân, dù Người đã làm biết bao dấu lạ (câu 11). Và Người đe doạ sẽ dùng ôn dịch mà đánh phạt dân (câu 12). Chính ở đây, ta gặp được chân dung của Môsê, nhà lãnh đạo tuyệt vời của Dân Chúa. Ơng can ngăn Chúa đừng xử phạt dân bằng những lời lẽ thống thiết nhất, và ông khẳng định rằng quyền năng Chúa không được tỏ hiện qua việc trừng phạt nhưng qua “kiên nhẫn và giàu ân nghĩa, chịu đựng lỗi lầm và tội ác nhưng không dung tha điều gì” (câu 17-18).

Dù đã chứng kiến bao kỳ công Chúa thực hiện, dù đã cảm nghiệm tình thương che chở của Thiên Chúa, khi gặp phải thử thách, dân Israel lập tức than phiền trách móc và đòi trở về miền đất nô lệ, nghĩa là họ vẫn không tin vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Kinh nghiệm này được lập lại trong đời sống đức tin của mỗi người. Dù vẫn nghĩ là mình tin Chúa và cảm nghiệm được tình thương của Người, ta vẫn không thực sự tin tưởng và phó thác đời mình trong tay Chúa, đặc biệt là khi phải đối diện với những gian nan thử thách. Và vì thiếu niềm tin, ta dễ dàng đi tìm những phương thế và sức mạnh trần gian để cậy dựa cuộc đời mình. Vì thế trình thuật về sự nổi loạn của dân Israel trong sa mạc phải là tấm gương phản chiếu cho ta suy nghĩ lại thái độ sống đức tin của mình.

II. RẮN ĐỒNG (21,4-9)

Đây là câu truyện cổ xưa nhằm giải thích tại sao lại có con rắn đồng trong Đền thờ Giêrusalem. Sách Các Vua kể rằng vua Hezekia đã ra lệnh “đập tan con rắn đồng Môsê đã làm vì cho đến thời đó, con cái Israel vẫn đốt hương kính nó” (2V 18,4).

Trình thuật về rắn đồng cũng diễn ra giống như những trình thuật về sự nổi loạn của dân Israel: nổi loạn – hình phạt – can thiệp – tha thứ (x. 11,1-3; 12,2-16; 17,6-15; 21,4-9). Dân chúng lại than phiền vì không có bánh ăn và nước uống, và chỉ mong trở lại Ai Cập (câu 5). Đức Chúa bèn ra hình phạt bằng cách để cho rắn độc xuất hiện, và nhiều người phải chết. Dân lại chạy đến với Môsê xin ông can thiệp. Đức Chúa nhận lời cầu khẩn của Môsê và sai ông làm một con rắn, treo lên một cây cột. Những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, sẽ được sống. Ở đây không phải là chuyện con rắn mà là chuyện của đức tin và vâng phục. Nhìn lên con rắn đồng mà chính Chúa đã truyền cho Môsê làm là thái độ diễn tả sự vâng phục đối với mệnh lệnh của Chúa và tin vào Người. Điều đặc biệt đáng quan tâm là Thiên Chúa đã không dùng một phương thế nào khác để chữa lành cho dân, nhưng đã lấy chính hình tượng con rắn là con vật gây bệnh tật và chết chóc, để chữa lành cho họ.

Chúa Giêsu đã nhắc lại hình ảnh rắn đồng để nói về ơn cứu độ, “Như Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14). Và khi kể lại việc một người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, thánh Gioan đã nhắc lại lời Kinh Thánh, “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ bằng đường lối thật lạ lùng. Thập giá vốn bị coi là hình phạt nặng nề dành cho những phạm nhân ghê gớm lại trở thành phương thế cứu độ nhân loại nếu ta biết nhìn lên Đấng chịu đóng đinh với tất cả tin yêu và hi vọng. Quả thật, “trong khi người Do thái đòi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hi lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cor 1,22-23).