Tuần 38: Sách Isaia, chương 13 – 23

Tuần 38: Sách Isaia, chương 13 – 23

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

Tuần 38 SÁCH ISAIA
(chương 13-23)

I. TỔNG QUÁT: HẠCH TỘI CÁC DÂN (13,1 – 23,8)

Trong truyền thống, các tiên tri nhiều lần loan báo thảm hoạ đổ xuống các dân tộc. Tuy nhiên lời loan báo này lại mang giá trị tích cực cho những tâm hồn biết lắng nghe. Những lời loan báo này xem ra không có liên hệ gì với chúng ta ngày nay nhưng cũng có thể rút ra một số bài học cho đời sống đức tin.

13,1-22 : Babylon bị tàn phá
14,1-32 : Cái chết của vua Babylon. Hạch tội Assyria. Hạch tội người Philitinh.
15,1-9 : Hạch tội Moab
16,1-14 : Dân Moab thỉnh cầu và than vãn
17,1-14 : Hạch tội Damas và Israel
18,1-7 : Hạch tội dân Cút
19,1-25 : Hạch tội Ai Cập và tương lai của Ai Cập
20,1-6 : Ngôn sứ ở trần
21,1-16 : Babylon sụp đổ. Hạch tội người Ả Rập.
22,1-25 : Sự sụp đổ của Giêrusalem. Tranh cãi tại tòa.

II. SỰ SỤP ĐỔ CỦA BABYLON (14,1-22)

1. Ý nghĩa

Bài ca của Isaia về sự sụp đổ của Babylon là bài ca nổi tiếng vì đã so sánh vua Babylon với “Lucifer, con của bình minh” (14,12). Hình ảnh này được rút từ huyền thoại Canaan về các thần Helel và Shahar (Sao Mai và Sao hôm) bị sa xuống từ trời sau cuộc nổi loạn. Trong Kitô giáo, ta nhớ đến sự sa ngã của Lucifer và các thiên thần hầu cận Lucifer (x. Lc 10,18).

Nội dung chính của bài ca này là những kẻ kiêu căng muốn trèo lên thật cao rồi sẽ bị hạ xuống thật thấp. Adam và Eva cũng được liên tưởng đến ở đây, “Ta sẽ vượt ngàn mây, sẽ nên như Đấng Tối cao” (x. 14,14). Hai ông bà đòi nên như Thiên Chúa nhưng cuối cùng bị đuổi khỏi vườn Eden.

2. Trong tương quan với Tân Ước

Am vang bài ca này thể hiện rõ nét trong sách Khải Huyền (chương 17-18). Tác giả dùng những hình ảnh biểu tượng để diễn tả sự trừng phạt dành cho đế quốc Roma vì đã bắt bớ và bách hại các chứng nhân của Chúa Giêsu. Cho đời sống thiêng liêng, bài ca này cũng nhắc nhớ ta về lời Chúa Giêsu, “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 18,14).

Nếu bài ca của Isaia lên án lối đi của kẻ kiêu căng thì thư Philip 2,5-11 lại trình bày con đường ngược lại: Chúa Giêsu hủy mình ra không, vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh.

III. TIÊN TRI Ở TRẦN (20,1-6)

1. Sư kiện

Trong ba năm, Isaia ở trần và đi chân không (20,3) để nên điềm báo sự sụp đổ của Ai Cập: dân phải đi tù và bị đi đày. Đây là lời cảnh báo cho dân Giuđa và miền duyên hải vì quá cậy dựa vào sự trợ giúp của Ai Cập: “Đâu rồi niềm hi vọng của chúng ta, nơi chúng ta đến ẩn náu để được giúp đỡ hầu thoát khỏi tay vua Assyria?” (20,6).

2. Rao giảng Lời Chúa bằng hành động

Các tiên tri không chỉ rao giảng bằng lời nói nhưng còn bằng những hành động biểu tượng, vd. Hôsê với cuộc hôn nhân kỳ lạ, Ezekiel cũng có nhiều hành động lạ lùng (x. chương 4). Hành động cụ thể có khả năng lôi kéo sự chú ý của người ta và mời gọi họ suy nghĩ.

Kitô hữu cũng phải rao giảng Lời Chúa không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả đời sống. Theo nghĩa thiêng liêng, hình ảnh ở trần và đi chân không có thể giúp ta ý thức đến (1) sự từ bỏ, khó nghèo và khiêm tốn, và (2) sự nương tựa vào một mình Chúa. Đây cũng là những chỉ thị của Chúa Giêsu cho các môn đệ trên đường truyền giáo: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (x. Mt 10,5-10).