Tuần 52: Sách Isaia II, chương 49-55

Tuần 52: Sách Isaia II, chương 49-55

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

Tuần 52: Sách Isaia II

(chương 49-55)
 
I. NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ (Isaia 52,13 – 53,12)

Đây là bài ca thứ tư về Người Tôi tớ đau khổ trong sách Isaia. Vậy Người Tôi tớ này là ai? Phải chăng là tiên tri Giêrêmia vì tiên tri Giêrêmia được mô tả như con chiên bị đem đến lò sát sinh (Gier 12,19), và người tôi tớ đau khổ cũng vậy (Is 53,7). Kinh nghiệm của Giêrêmia cho thấy một tiên tri phải chấp nhận đau khổ mới có thể chu toàn sứ mạng.

Phải chăng Người Tôi tớ là dân Israel? Người tôi tớ đau khổ bị giết chết (Is 53,8-9) nhưng rồi sẽ được trường tồn và được thấy hậu duệ của mình. Israel cũng thế, coi như đã chết trong cảnh lưu đày nhưng sẽ trỗi dậy như trong thị kiến của Ezekiel về cánh đồng xương khô cũng như trong Is. 26.

Truyền thống Kitô giáo vẫn đọc bài ca về Người Tôi Tớ Đau Khổ như lời tiên tri về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Chính vì thế, cùng với trình thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, bài ca này được chọn làm bài đọc I trong Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Những chi tiết trong bài ca về Người Tôi Tớ được tái diễn nơi Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Người một cách cụ thể. Hãy đọc kỹ bài ca này và chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá để khám phá mầu nhiệm cứu độ.

Chúa Kitô chịu đau khổ vì chúng ta và thay cho ta, nhờ đó ta được chữa lành: “Chính Người đã mang lấy bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, bị nhục nhã ê chề” (53,4)

“Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho ta được chữa lành” (53,5)

Bài ca về Người Tôi tớ đau khổ còn trình bày một cách nhìn mới về đau khổ. Truyền thống lâu dài trong Kinh Thánh vẫn coi đau khổ là hình phạt tội lỗi. Thiên Chúa thuởng phạt nhãn tiền tùy theo đời sống tốt lành hay xấu xa của mỗi người. Quan niệm này vẫn là quan niệm quen thuộc vào thời Chúa Giêsu, được thể hiện qua thái độ của những người Pharisêu, kể cả các môn đệ của Chúa (x. Ga 9,2).

Nhưng trong bài ca về Người Tôi Tớ, Người Tôi Tớ phải chịu đau khổ không do tội lỗi của mình mà do Ngài gánh chịu đau khổ của chúng ta (Is 53,4). Như thế, đau khổ có giá trị cứu độ: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính, và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11).

Cách nhìn này cũng soi sáng cho linh đạo Kitô giáo về đau khổ. Người Kitô hữu được mời gọi kết hợp với Chúa Kitô trong đau khổ: “Điều quan trọng là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người” (Phil 3,10). Đồng thời, đón nhận đau khổ là cách thế để ta cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24).

II. CHAY TỊNH (58,1-14)

Sau khi Giêrusalem bị thất thủ năm 586 trước Công nguyên, dân Israel có thói quen giữ bốn ngày chay vào các tháng tư, năm, bảy và mười. (x. Zacaria 8,18). Tiên tri Isaia cho rằng việc giữ chay này không có giá trị nội tâm nào. Ngài không chống đối nghi thức giữ chay nhưng cho rằng chay tịnh đích thực phải liên kết với công bằng xã hội. Câu 6-7 đưa ra những nét chính yếu của tôn giáo đích thực: giải thoát người bị áp bức, nuôi dưỡng kẻ đói nghèo, cho người vô gia cư nương nhờ… Những điều được nói đến ở đây làm ta liên tưởng đến dụ ngôn Ngày Phán Xét Chung (Mt 25,31-46).

Giáo huấn của tiên tri Isaia cũng giúp người Kitô hữu nhìn lại việc giữ chay, vốn là đòi hỏi được nhấn mạnh trong mùa Chay. Chay tịnh đích thực phải bắt nguồn từ trong tâm hồn như Chúa Giêsu dạy, “Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi bí ẩn” (Mt 6,17). Hơn thế nữa, trong ánh sáng của mầu nhiệm thập giá, ta hiểu rằng chay tịnh là sự tập luyện sống mầu nhiệm hủy mình ra không của Chúa Giêsu (x. Phil 2,5-11) để tình yêu được triển nở trong ta. Chính vì thế, trong mùa Chay, việc giữ chay thường được gắn liền với việc cầu nguyện và làm việc bác ái. Hiểu như thế, chay tịnh không chỉ là một nghi thức phải giữ hay một lề luật phải chu toàn nhưng là phương thế huấn luyện đời sống Kitô hữu, không chỉ giới hạn trong mùa Chay nhưng cần trải dài trong suốt hành trình ơn gọi làm người và làm môn đệ Chúa Giêsu.