Tuần 66 : SÁCH TOBIA
I. TỔNG QUÁT
Sách Tobia được viết khoảng đầu thế kỷ II trước Công nguyên. Lúc đó quyền lực của Alexandre đại đế trải rộng khắp vùng Cận Đông, và Palestine nằm dưới sự thống trị của ông từ năm 332. Khi Alexandre đại đế qua đời vào năm 323, đế quốc của ông bị phân quyền: Syria dưới quyền Seleucids và Ai Cập dưới quyền Ptolemies. Palestine nằm giữa hai quyền lực này, lúc đầu do Ptolemies kiểm soát, sau đó dưới quyền Seleucids từ năm 198.
Thời kỳ này đánh dấu tiến trình Hi Lạp hoá. Ngôn ngữ cũng như tập quán của người Hi Lạp càng lúc càng trở nên thông dụng trong dân Do thái. Đứng trước sự đe doạ của văn hóa Hi Lạp, người Do thái có những phản ứng khác nhau. Có nhóm chống đối quyết liệt và có nhóm tìm cách thích nghi, dùng ngôn ngữ cũng như triết học Hi Lạp phục vụ cho Do thái giáo. Sách Tobia được viết ra trong bối cảnh này nhằm trả lời vấn nạn làm sao trung thành với Thiên Chúa giữa những áp lực văn hoá ngoại lai.
Tác giả sách Tobia đưa ra câu trả lời qua một câu chuyện mô tả sự trung tín của Chúa cũng như lòng can đảm của các tín hữu. Tobia cũng như Sara trong truyện đều chạy đến với Chúa trong cơn khốn quẫn, và lời cầu nguyện của họ đã được nhận lời khi Chúa sai thiên thần đến để chữa lành. Thế nhưng chính họ lại không biết điều đó và vẫn phải lầm lũi bước đi trong đêm tối của đức tin. Chính ở đây lại nổi bật lên niềm tin tín thác của Tobia và Sara, tin rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín và giàu lòng thương xót, đồng thời thể hiện niềm tin đó qua lối sống đạo đức và bác ái.
Có thể thấy bố cục của sách Tobia như sau :
Phần I : Nỗi đau khổ của Tobia và Sara (1,1 – 3,17)
Phần II : Hành trình (4,1 – 6,18)
Phần III : Tobia và Sara được chữa lành (7,1 – 11,18)
Phần kết : Khám phá ý định của Thiên Chúa (12,1– 4,15)
II. SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN (2,1 – 3,17)
1. Lời cầu nguyện của Tobia và Sara
Lời cầu của Tobia (2,1 – 3,6): một đời làm việc lành phúc đức nhưng lại bị tai hoạ ập xuống, đến cả người thân cũng trách móc, “Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi!” (2,14). Tobia xin Chúa cho được chết, “Quả thật, chết đối với con còn hơn sống, vì con đã nghe những lời nhục mạ dối gian, khiến con phải buồn phiền quá đỗi” (3,1-6).
Lời cầu của Sara (3,7-15): đối diện với thảm họa trong đời, Sara cầu xin Chúa hoặc cho cô chết đi, “Xin Chúa phán, thì con sẽ được biến khỏi mặt đất và không còn phải nghe những lời nhục mạ nữa” (3,13), hoặc cho cô một phương thế giải thoát khỏi bế tắc, “Nếu Chúa không ưng làm cho con chết, thì lạy Chúa, xin đoái nghe con kể lể nỗi nhục nhằn” (3,15).
2. Cầu nguyện, hơi thở của đời sống đức tin
Đừng ngại trình bày với Chúa những tâm tư ước nguyện của mình, kể cả những suy nghĩ có vẻ tiêu cực! Cả Tobia và Sara đều xin Chúa cho được chết vì chết còn hơn là sống mà phải chịu quá nhiều đau khổ và nhục nhã.
Đồng thời hãy phó thác trọn vẹn nơi Chúa vì tin rằng Chúa là Cha toàn năng, nhân từ và giàu lòng thương xót. Dù bị nhận chìm trong đau khổ, cả Tobia và Sara đều ngước nhìn lên Chúa, và lời cầu nguyện của họ tràn đầy tín thác: “Lạy Chúa, Ngài là Đấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực” (3,2), “Chúc tụng Danh Chúa đến muôn đời, và mọi công trình của Ngài phải chúc tụng Ngài muôn muôn thuở” (3,11).
III. GIÁO DỤC CON CÁI (4,1-18)
Lời căn dặn của Tobia dành cho con trai trước khi lên đường hàm chứa những định hướng căn bản trong việc giáo dục con cái. Ông dạy con sống lòng hiếu thảo: “Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người” (4,3). Ông cũng dạy con sống theo lề luật của Chúa, “Hãy tưởng nhớ Chúa mọi ngày, đừng phạm tội và làm trái mệnh lệnh của Người” (4,5). Sống theo lề luật Chúa là sống theo sự thật và sẽ thành công (4,6), sống tình bác ái và như thế là tích lũy kho tàng vững chắc (4,7-11.16-17), xa tránh thói dâm ô (4,12-13), sống khiêm tốn và lắng nghe lời khôn ngoan (4,18).
IV. THIÊN THẦN, NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH (12,1-22)
Thiên sứ Raphael tỏ mình ra cho cha con Tobia và nói, “Phần tôi, tôi đã ở với các ngươi không do lòng tốt của tôi, mà do ý muốn của Thiên Chúa. Vậy ngày ngày các ngươi hãy chúc tụng Thiên Chúa, hãy ngợi khen Người” (12,18).
Bạn có tin rằng Chúa vẫn không ngừng che chở hướng dẫn bạn như thế không? Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hướng dẫn chở che đó chưa?