Tuần 83: Thư thứ hai Côrintô (chương 1 – 7)

Tuần 83: Thư thứ hai Côrintô (chương 1 – 7)

Thánh Kinh 100 Tuần - Mar 24/03/2014

Tuần 83 (Tuần 4 – T.Ư.): THƯ 2 CÔRINTÔ
(chương 1-7)

I. CHÚC TỤNG CHÚA NGAY TRONG ĐAU KHỔ (1,3-11)

Theo thói quen ngày xưa, người viết thư thường bắt đầu bằng việc dâng lời tạ ơn vì Chúa đã ban sức khoẻ cho mình. Thế nhưng thánh Phaolô lại nhắc đến những đau khổ phải chịu, “chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hi vọng sống nổi” (câu 8-9). Tuy nhiên chính những đau khổ này lại thúc đẩy thánh nhân lên tiếng chúc tụng Chúa là Đấng “hằng sẵn sàng nâng đỡ, ủi an” (câu 3). Tâm tình này của thánh Phaolô soi chiếu một luồng sáng mới cho đời sống đức tin của ta.

Người môn đệ Chúa Giêsu xác tín rằng những đau khổ phải chịu chính là cơ hội thông hiệp vào cuộc khổ nạn của Thầy chí thánh, và nhờ thông hiệp với Người trong đau khổ, ta cũng được thông hiệp với Người trong vinh quang : “Cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (câu 5). Đồng thời, khi được thông hiệp vào cuộc khổ nạn của Chúa, những đau khổ ta phải chịu sẽ mang giá trị cứu độ : “Chúng tôi có phải chịu gian nan thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ.” (câu 6).

Niềm xác tín vào sự an ủi đỡ nâng của Chúa sẽ giúp ta vững bước trên đường phục vụ. Đồng thời xác tín đó cũng thúc đẩy ta trở thành người mang sự nâng đỡ và an ủi đến cho anh chị em mình : “Thiên Chúa luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (câu 4); “Chúng tôi có được an ủi thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu” (câu 6).

II. BÍ QUYẾT CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ (4,7 – 5,10)

1. Mang trong mình cuộc thương khó của Chúa Kitô

“Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng tôi” (câu 7). Sau khi chứng minh sự ưu việt của Giao ước mới so với Giao ước cũ (3,1-18) và tự hào rằng mình là người phục vụ Giao ước mới, thánh Phaolô đã khẳng định như thế. Khẳng định này toát lên tâm tình khiêm tốn, cậy trông.

Tất cả được khơi nguồn từ mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá. Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, và Người đã mạc khải quyền năng cùng sự khôn ngoan của Thiên Chúa không phải bằng thứ quyền lực thế gian mong đợi, nhưng là qua thập giá. Thập giá bị người Do thái và dân ngoại coi là điên rồ và ngu xuẩn, nhưng lại là sức mạnh cứu độ cho những kẻ tin (1Co 1,18).

Khởi đi từ mầu nhiệm này, thánh Phaolô chia sẻ xác tín của ngài về đời tông đồ. Có thể đã có những lời phê bình chỉ trích nhắm vào ngài (vd. 2Co 10,10 : Trong thư thì nghiêm khắc và hùng hổ, nhưng khi có mặt thì nhu nhược, nói chẳng ra hồn). Thánh Phaolô không bực bội vì những lời chỉ trích đó, trái lại ngài vận dụng lời chỉ trích đó để chứng minh quyền năng Thiên Chúa hoạt động nơi những yếu đuối của con người tự nhiên. Đồng thời ngài kể ra những đau khổ phải chịu trong đời tông đồ (câu 8-9), không phải để than trách nhưng để làm nổi bật bí quyết của người tông đồ : “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (câu 10), và “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (câu 16).

2. Mang trong mình niềm hi vọng bất diệt

“Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (4,17). Sở dĩ thánh Phaolô nói được như thế là vì ngài xác tín vào sự sống vĩnh cửu : “Quả thật, chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu trên trời, không do tay người thế làm ra (5,1). Xác tín đó mạnh mẽ đến nỗi Phaolô kêu lên rằng, “Ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa… Điều chúng tôi thích hơn là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (5,6-8).

Niềm hi vọng vào đời sống vĩnh cửu ban tặng cho người môn đệ Chúa một tầm nhìn mới và một lối sống mới. Đó là không bám víu vào những thực tại sẽ qua đi nhưng biết gắn bó với những thực tại vĩnh hằng : “Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (4,18). Đồng thời, niềm hi vọng đó thúc đẩy ta sống cuộc sống hiện tại với tinh thần trách nhiệm, vì “tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (5,10). Làm sao để trong mọi hoàn cảnh và mọi công việc, mục đích chính của ta phải là làm đẹp lòng Chúa : “Dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (5,9). Đó là cách sống tốt đẹp nhất và sẽ dẫn ta đến kết thúc tốt đẹp nhất.