Hội Thánh công giáo có tín điều “một Hội Thánh duy nhất”, tổ chức “tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất”. Nói về Thiên Chúa Ba Ngôi cũng vậy
Hội Thánh công giáo có tín điều “một Hội Thánh duy nhất”, tổ chức “tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất”. Nói về Thiên Chúa Ba Ngôi cũng vậy, câu kết các lời nguyện thì nói Chúa Con “hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần…”
Một số người hỏi, trong cả hai trường hợp, có nên dùng từ hợp nhất thay vì hiệp nhất không ?
Hai chữ hiệp với hợp khác nhau ở chỗ nào ?
Tuy một số tự điển có ghi hiệp = hợp, nhưng khi tra lại, thì thấy trong số các từ được liệt kê :
· Có hợp nhất, không có hiệp nhất, xem :
– Ban tu thư Khai Trí, – Đào Duy Anh, – Hue, – Nguyễn Lân, |
Nguyễn văn Khôn Thanh Nghị, Từ điển Tiếng Việt, Từ điển Trung Hoa |
Chỉ có Từ điển của Đức-Trụ là ghi hiệp nhất.
· Có kết hợp, không có kết hiệp, xem cũng các sách kê trên, kể cả Đức-Trụ.
Tiếng Việt có khi dùng hợp với hiệp như thể hai chữ thay thế được cho nhau. Ví dụ chúng ta vẫn chưa thống nhất để gọi một tổ chức quốc tế hết sức quan trọng : người thì dùng Liên Hợp Quốc (“Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân ; tiếng Trung Hoa), người thì dùng Liên Hiệp Quốc (“Từ điển Pháp-Việt” của Viện ngôn ngữ học). Có thể do phát âm liền nhau hai từ liên+hiệp thì dễ hơn là liên+hợp, cũng như hai từ kết+hiệp đi đôi với nhau thì thuận thảo hơn là kết+hợp, nên người ta quen dùng hiệp hơn, và coi như, trong thực dụng, hiệp và hợp đã được đồng hoá.
Tuy nhiên, trong tiếng Hán, hai từ này đọc khác nhau và cũng viết khác nhau, với nội hàm có phần dị biệt :
– hợp viết là 合 nhấn mạnh tính “thống nhất” ;
từ điển còn cho từ tương phản là phân nữa ;
– hiệp viết là 協 nhấn mạnh tính đa dạng, bao gồm nhiều yếu tố.
Về nghĩa chữ, thì hợp hàm ý một tổ hợp nhiều bộ phận nằm trong cùng một hệ thống nhất và hữu cơ, còn hiệp thì hàm ý nhiều thành phần có liên hệ với nhau nhưng chỉ thống nhất ở một điểm nào đó thôi, trong hoạt động. Ví dụ trong việc kinh doanh, có liên hiệp xã và liên hợp xã, với hai loại hợp đồng khác nhau. Về Hội Thánh thì Giáo Hội Trung Hoa dùng cụm từ hợp nhi vi nhất (“hợp làm thành một”, được tiếng Việt rút gọn thành hợp nhất từ lúc đầu) để nói lên công cuộc “thống nhất thiên hạ” (oikoumene) rất thiêng liêng này. Tiếng Việt xưa nay cũng nói “khi hợp khi tan”, không ai nói “khi hiệp khi tan”.
Do đó, khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như về Hội Thánh, thiết nghĩ nên viết hợp nhất để làm nổi bật tính chất liên kết hữu cơ, bất phân, đặc thù của hai thực thể ấy, nhất là khi biết rằng cái tương phản của hợp là phân.
Còn ai đã quen phát âm chữ hợp thành hiệp thì đó là chuyện trong dân gian.
Nt. Ma-ri A-mê-li Nguyễn thị Sang, CND